Tiểu Kinh Thiện Sinh Ưu đà di

I. TOÁT YẾU

Cùlasakuludàyi Sutta - The Shorter discourse to Sakuludàyi.

The Buddha examines the doctrine of a wandering ascetic, using the smile of "the most beautiful girl in the country" to expose the folly of his claims.

Bài kinh ngắn giảng cho Sakuludàyi.

Phật xét lý thuyết của một du sĩ khổ hạnh, dùng ví dụ người con gái đẹp nhất nước để nêu rõ tính điên rồ của những gì ông tuyên bố.

II. TÓM TẮT

Phật đến trú xứ của du sĩ Sakuludayi. Ưu đà di bạch Phật: "Thuở xưa có một vị tự xưng biết tất cả, tri kiến tồn tại liên tục, dù khi đi đứng thức ngủ, nhưng khi được con hỏi về quá khứ lại tránh né, trả lời lạc đề và tỏ phẫn nộ bất mãn." Phật hỏi ông, vị ấy là ai, du sĩ trả lời là Ni Kiền Tử.

Phật bảo Ưu đa di: "Ai nhớ đến các đời sống quá khứ, biết được sự sống chết của chúng sinh tùy theo nghiệp thì có thể nói chuyện với Ngài về những vấn đề ấy. Nhưng hãy gác chuyện ấy lại, ta sẽ thuyết pháp cho ông: Cái này có mặt thì cái kia có mặt, do cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này không có mặt nên cái kia không có mặt; cái này diệt nên cái kia diệt [1]."

Ưu đa di nói: "Ngay đời hiện tại con còn không nhớ đại cương và chi tiết, làm sao mà nhớ được các đời quá khứ, biết được sống chết của chúng sinh. Nay Thế Tôn lại nói cái này có mặt với không có mặt… con càng thêm mù tịt. Tuy vậy con có thể trả lời câu hỏi về bậc đạo sư của mình."

Phật hỏi bậc đạo sư của ông dạy gì. Ưu đa di đáp: "Sắc này là tối thượng."

Phật hỏi sắc tối thượng là sắc gì? Ưu đa di đáp: "Khi không có sắc nào khác thù thắng hơn, thì sắc ấy là tối thượng."

Phật dạy: "Lời ấy cũng như nói tôi luyến ái một cô gái đẹp, nhưng khi hỏi cô ấy tên gì, dòng họ, tầm vóc, màu da ra sao, ở đâu, đều trả lời không biết."

Ưu đa di lấy ví dụ sắc ấy như một viên lưu ly bảo châu trong suốt, với sắc như vậy, tự ngã là vô bệnh sau khi chết [2]. Khi ấy Phật hỏi ông, ánh sáng của viên lưu ly ấy với lửa đom đóm trong đêm đen, quang sắc nào vi diệu hơn. Ưu đa di trả lời, con đom đóm có quang sắc vi diệu hơn.

Kế tiếp, Phật lần lượt đưa ra ánh sáng ngọn đèn, đống lửa lớn, ngôi sao mai lúc bình minh, mặt trăng rằm khi đứng bóng, mặt trời khi đứng bóng. Ưu đa di trả lời mặt trời lúc đứng bóng là sáng nhất trong các quang sắc ấy.

Phật dạy: Ngài biết rất nhiều chư thiên còn sáng hơn cả mặt trời, nhưng Ngài không bảo không có quang sắc nào khác vi diệu hơn. Còn ông, ông lại bảo một quang sắc thấp kém hơn con sâu đom đóm là quang sắc tối thượng. Và ông lại không chỉ rõ ràng quang sắc ấy.

Kế tiếp Phật hỏi Ưu đa di có một thế giới toàn vui hay không, và có đạo lộ nào đưa đến thế giới ấy? Ưu đà di trả lời là có, theo lời dạy đạo sư mình. Con đường đưa đến thế giới ấy là: từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, và sống theo một loại khổ hạnh. Ấy là đạo lộ đưa đến chứng đắc thế giới toàn vui.

Phật hỏi trong khi thực hành những điều ấy, tự ngã là toàn vui hay cả vui lẫn khổ. Ưu đa di trả lời có vui có khổ.

Khi ấy Phật hỏi lại, như vậy phải chăng đạo lộ ấy chứng đắc một thế giới toàn vui, là còn có vui khổ xen lẫn? Ưu đa di thừa nhận chủ trương của các bậc đạo sư mình không hợp lý; và hỏi Phật có một thế giới toàn vui hay không, và có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới ấy hay không.

Phật dạy có, và đạo lộ hợp lý ấy là ly dục ly bất thiện pháp, chứng trú thiền thứ nhất cho đến thiền thứ ba. Ưu đa di hỏi sự chứng đắc ấy có phải đã là thế giới toàn vui không. Phật dạy chưa phải, đấy chỉ là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới toàn vui.

Khi ấy hội chúng du sĩ lớn tiếng nói họ không biết đến cái gì cao hơn thiền thứ ba này [3]; và hỏi phải đến mức như thế nào mới gọi là chứng đắc thế giới toàn vui. Phật dạy cho đến khi chứng trú thiền thứ 4, nói chuyện được với chư thiên [4] sinh vào thế giới ấy, mới gọi là chứng đắc thế giới toàn vui.

Ưu đa di hỏi có phải vì mục đích ấy mà các tỳ kheo sống phạm hạnh. Phật dạy không phải chỉ vì vậy, mà còn vì muốn chứng đắc các pháp cao thượng hơn như túc mạng trí, sinh tử trí, lậu tận trí, như thật biết khổ, tập, diệt, đạo; tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì muốn chứng đắc những pháp này, các tỳ kheo sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Phật.

Ưu đa di ca tụng Phật và xin quy y. Ông xin xuất gia thọ đại giới nhưng bị các đệ tử đi theo ông phản đối, nói ông đã là bậc đạo sư, nay trở thành đệ tử thì cũng như ghè nước tốt bị thủng lỗ chảy nước. Như vậy chính đồ chúng du sĩ đã là một chướng ngại khiến Ưu đa di không được sống phạm hạnh dưới Thế Tôn [5].

III. CHÚ GIẢI

1. Xem chú thích kinh 38 về duyên khởi.

2. Vô bệnharogo thông thường có nghĩa là khỏe mạnh, nhưng ở đây nên hiểu là trường cửu. Theo kinh sớ, ông ta ám chỉ tái sinh vào cõi trời Thiểu Quang thiên, cảnh giới của thiền thứ 3 mà ông đã nghe đến nhưng chưa thực chứng. Quan điểm này rơi vào loại quan điểm được mô tả trong kinh 102.

3. Những dịch giả trước đây đều bối rối về động từ anassàma. Nanamoli dịch: chúng ta không từ bỏ giáo lý của thầy ta vì lý do này. Horner dịch: chúng ta đã nghe từ những bậc thầy của chúng ta. Nhưng động từ này là quá khứ của động từ nassati, ngôi thứ nhất số nhiều có nghĩa là hủy diệt, tiêu mất. Hình thức này cũng xuất hiện trong kinh 27. Theo kinh sớ, họ biết trong quá khứ, các thiền giả thường chuẩn bị bằng pháp quán biến xứ để đắc thiền thứ 3 và tái sinh vào Thiểu Quang thiên. Nhưng theo thời gian, thiền giả không còn hiểu việc chuẩn bị với biến xứ, nên không thể chứng tam thiền. Các du sĩ chỉ biết có hiện hữu một thế giới hoàn toàn hạnh phúc và cần 5 đức để được sinh đến đấy. Họ không biết đến thế giới nào an lạc hơn cõi thiền thứ 3, và không biết thực hành pháp nào hơn 5 đức ấy.

4. Theo kinh sớ, sau khi đắc thiền thứ tư, vị ấy vận thần thông đi đến cõi trời Thiểu quang thiên và nói chuyện với chư thiên tại đấy.

5. Theo kinh sớ, trong một tiền kiếp, lúc làm tỳ kheo dưới thời Phật Ca Diếp, vị ấy đã thuyết phục cho một tỳ kheo bạn hoàn tục để được y bát của vị này. Do nghiệp chướng ấy, trong đời này vị ấy không được xuất gia với Phật Thích Ca. Nhưng Phật giảng cho ông 2 bài kinh dài để tạo điều kiện cho ông chứng đạo về sau. Dưới triều vua A Dục ông đắc quả A la hán, đấy là trưởng lão Assaputta, người thực hành tâm từ đến chỗ viên mãn.

IV. PHÁP SỐ

3 bảo, 3 lậu, 3 minh, 3 thọ, 4 thiền, 10 bất thiện, 10 thiện.

V. KỆ TỤNG

Phật đến nơi du sĩ
Sakuludayi
Hỏi thầy ông dạy gì
Ðáp: - Sắc này tối thượng
Phật hỏi là sắc gì?
- Khi có một loại sắc
Không sắc đẹp nào hơn
Thì sắc ấy tối thượng.
"Nói vậy có khác gì
Nói yêu cô gái đẹp
Nhưng không biết mặt mày
Vóc dáng và màu da"
- Như lưu ly bảo châu
Tự ngã sau khi chết
Ðẹp đẽ và vô bệnh
Sắc ấy cũng như vậy.
"Ánh sáng lưu ly ấy
Với đom đóm trong đêm
Quang sắc nào sáng hơn?"
- Con đom đóm sáng hơn.
"Ðom đóm sánh ánh đèn
Ánh đèn sánh lửa lớn
Ánh lửa sánh sao mai
Sao mai sánh trăng rằm
Ánh trăng sánh mặt trời
Giữa lúc trưa đứng bóng
Mặt trời là sáng nhất
Trong các quang sắc này
Ta biết nhiều chư thiên
Sáng hơn cả mặt trời
Nhưng ta không có nói
Không quang sắc nào hơn
Còn ông lại cho rằng
Một quang sắc thấp kém
Thua ánh sâu đom đóm
Là quang sắc tối thượng."
Kế tiếp Phật hỏi ông
"Có chăng cõi toàn vui
Và có đạo lộ nào
Ðưa đến thế giới ấy?"
- Có thế giới như vậy
Ðạo lộ là từ bỏ
Sát, đạo, dâm, nói láo
Và thực hành khổ hạnh.
Phật hỏi khi thực hành
Con đường đưa đến đấy
Tự ngã là toàn vui
Hay khổ vui xen lẫn?
- Thưa có vui có khổ.
"Vậy phải chăng đạo lộ
Ðể chứng cõi toàn vui
Là khổ vui xen lẫn?"
Ưu đa di thừa nhận
Thuyết của đạo sư mình
Có chỗ không hợp lý
Rồi xin Phật chỉ dạy.
Phật dạy: "Quả thực có
Một thế giới toàn vui
Và đạo lộ hợp lý
Chứng đắc thế giới này:
Ly dục ly bất thiện
Chứng trú thiền thứ nhất
Cho đến thiền thứ ba
Chỉ còn thuần lạc thọ.
Nhưng đây mới chỉ là
Một đạo lộ hợp lý
Ðưa đến sự chứng đắc
Một thế giới toàn vui."
- Vậy phải đến mức nào
Mới gọi là toàn vui?
"Phải đến thiền thứ 4
Cùng chư thiên trò chuyện."
- Có phải đây mục đích
Tỳ kheo tu phạm hạnh?
"Không phải chỉ vì vậy,
Mà vị chuyện cao hơn.
Như chứng túc mạng trí
Sinh tử trí, lậu tận
Như thật biết khổ, tập
Và diệt, đạo - bốn đề
Ðạt đến tâm giải thoát
Khỏi dục, hữu, vô minh
Mong chứng các pháp này
Tỳ kheo tu phạm hạnh"
Ưu đa di hoan hỉ
Khen Phật, xin quy y
Xin xuất gia thọ giới
Nhưng đồ chúng phản đối
Nói rằng đã làm thầy
Nay trở thành đệ tử
Như ghè nước lủng lỗ
Còn ra thể thống gì.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá). Veluvana (Trúc Lâm), ở Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc).

Lúc bấy giờ, du sĩ Sakuludayi ở tại Moranivapa (Khổng Tước Lâm), một tinh xá du sĩ, cùng với đại chúng du sĩ.

Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm bát vào Vương Xá để khất thực. Thế Tôn khởi lên ý nghĩ: "Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Vương Xá, Ta hãy đi đến tinh xá du sĩ Khổng Tước Lâm, đến du sĩ Sakuludayi".

Rồi Thế Tôn đi đến tinh xá du sĩ Khổng Tước Lâm. Lúc bấy giờ, du sĩ Sakuludayi đang ngồi với đại chúng du sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm, như bàn về vua, bàn về ăn trộm, bàn về Ðại thần, bàn về binh, bàn về sợ hãi, bàn về chiến đấu, bàn về đồ ăn, bàn về đồ uống, bàn về y phục, bàn về giường nằm, bàn về vòng hoa, bàn về hương liệu, bàn về bà con, bàn về xe cộ, bàn về làng, bàn về thị trấn, bàn về quốc độ, bàn về phụ nữ, bàn về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, bàn việc tạp nhạp, bàn về thế giới, bàn về biển cả, bàn về hiện hữu và không hiện hữu. Du sĩ Sakuludayi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền khuyến cáo chúng của mình:

-- Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng! Các Tôn giả hãy lặng tiếng! Nay Sa-môn Gotama này đang đến. Sa-môn Gotama ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh. Nếu biết chúng này an tịnh, có thể ghé tại đây.

Rồi các du sĩ ấy đều im lặng. Thế Tôn đến chỗ du sĩ Sakuludayi. Du sĩ Sakuludayi bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến! Bạch Thế Tôn, thiện lai Thế Tôn! Ðã lâu Thế Tôn mới tạo cơ hội này, nghĩa là đến đây. Thế Tôn hãy ngồi! Ðây là chỗ đã soạn sẵn.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ Sakuludayi lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Sakuludayi đang ngồi một bên:

-- Này Udayi, nay các vị hội họp nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữa các vị gián đoạn?

-- Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên vấn đề chúng con đang hội họp bàn luận. Về sau Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, khi con không ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nói nhiều câu chuyện phù phiếm. Và bạch Thế Tôn, khi con ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nhìn thẳng mặt con và nghĩ: "Sa-môn Udayi thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe". Bạch Thế Tôn, khi nào Thế Tôn đến với chúng này thời con và chúng này, ngồi nhìn thẳng mặt Thế Tôn và nghĩ: "Thế Tôn thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe".

-- Vậy này Udayi, hãy nói lên ở đây vấn đề gì, để Ta có thể nói chuyện.

-- Thuở xưa, bạch Thế Tôn, rất xa xưa, bậc biết tất cả, thấy tất cả tự nhận mình có tri kiến không dư thừa: "Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ và khi ta thức, tri kiến được tồn tại liên tục thường hằng". Vị ấy khi được con hỏi câu hỏi về quá khứ, liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài đề, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn. Do vậy, bạch Thế Tôn, con khởi lên niệm hoan hỷ đối với Thế Tôn: "Thật sự Thế Tôn, thật sự bậc Thiện Thệ là bậc thiện xảo về những pháp này".

-- Này Udayi, vị nào là bậc biết tất cả, thấy tất cả và tự nhận mình có tri kiến không dư thừa: "Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ, khi ta thức, tri kiến được tồn tại, liên tục thường hằng"? Vị ấy là ai mà khi được Ông hỏi câu hỏi về quá khứ liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài đề, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn?

-- Bạch Thế Tôn, vị ấy là Nigantha Nataputta.

-- Này Udayi, vị nào nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt như một đời, hai đời... nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Hoặc là vị ấy hỏi Ta câu hỏi về quá khứ, hay là Ta hỏi vị ấy câu hỏi về quá khứ. Hoặc là vị ấy làm tâm Ta thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về quá khứ; hay là Ta làm tâm vị ấy thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về quá khứ. Này Udayi, vị nào với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân thấy sự sống và chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Hoặc là vị ấy hỏi Ta câu hỏi về tương lai, hay là Ta hỏi vị ấy câu hỏi về tương lai. Hoặc là vị ấy làm tâm Ta thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về tương lai, hay là Ta làm tâm vị ấy thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về tương lai. Và thôi, này Udayi, hãy dừng lại ở quá khứ, hãy dừng lại ở tương lai! Ta sẽ thuyết pháp cho Ông: Cái này có mặt thì cái đây có mặt; do cái này sanh, cái đây sanh. Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt; do cái này diệt, cái đây diệt".

-- Bạch Thế Tôn, cho đến trong phạm vi kinh nghiệm với tự ngã này (Attabhava), con còn không có thể nhớ đến các nét đại cương và các chi tiết, từ đâu con có thể nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... con có thể nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết như Thế Tôn? Bạch Thế Tôn, nay con còn không thấy được con phiêu phong quỷ (pamsapisacaka) từ đâu, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân con có thể tuệ tri rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, như Thế Tôn? Do vậy, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn nói với con như sau: "Này Udayi, hãy dừng lại ở quá khứ, hãy dừng lại ở tương lai. Ta sẽ thuyết pháp cho Ông: "Cái này có mặt thì cái đây có mặt; do cái này sanh, cái đây sanh. Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt; do cái này diệt, cái đây diệt", thời con lại càng không nhận rõ bội phần. Tuy vậy, bạch Thế Tôn, con có thể làm tâm Thế Tôn thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về bậc Ðạo sư của mình.

-- Này Udayi, bậc Ðạo sư của Ông dạy những gì?

-- Bạch Thế Tôn, bậc Ðạo sư của chúng con dạy chúng con rằng: "Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng".

-- Này Udayi, khi bậc Ðạo sư của Ông dạy Ông rằng: "Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng", thời sắc tối thượng ấy là sắc gì?

-- Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng.

-- Này Udayi, sắc ấy là sắc gì, khi sắc ấy không có một sắc nào khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng.

-- Này Udayi, lời giải thích của Ông chỉ dài như vậy, Ông phải giải thích rộng rãi thêm. Nếu Ông nói: "Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là sắc tối thượng thời Ông không chỉ rõ sắc ấy. Này Udayi, như có người nói: "Tôi yêu và luyến ái một cô gái đẹp trong nước này". Có người hỏi: "Này Bạn, cô gái đẹp mà bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lị, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?" Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người, hay người bậc trung? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, thị trấn nào, hay thành phố nào?" Khi được hỏi vậy người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải bạn đã yêu và đã luyến ái một người bạn không biết, không thấy?" Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. -- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Sự tình là như vậy thời lời nói của người ấy có phải là không hiệu năng không?

-- Bạch Thế Tôn, sự tình là như vậy thời lời nói của người ấy thật sự là không hiệu năng.

-- Cũng vậy, này Udayi, khi Ông nói: "Bạch Thế Tôn khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng", thời Ông không chỉ rõ sắc ấy.

-- Bạch Thế Tôn, ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên; với sắc như vậy, tự ngã là không bệnh, sau khi chết.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Một hòn lưu ly bảo châu nào, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên; hay con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn, và thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù hay là ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, quang sắc (ngọn đèn dầu) này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, hay là một đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Ðống lửa lớn trong đêm đen tối mù, hay ngôi sao mai trong một bầu trời trong sáng không mây vào lúc bình minh, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, ngôi sao mai trong một bầu trời trong sáng không mây vào lúc bình minh, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Ngôi (sao Thái Bạch) sao mai trong bầu trời trong sáng không mây, trong lúc bình minh, hay là mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời trong sáng không mây vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố tát) vào ngày Rằm, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Mặt trăng trong khi đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm, trong ngày Uposatha (Bố-tát) vào ngày Rằm, hay là mặt trời trong lúc đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng, không mây, vào lúc giữa trưa, trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, giữa hai quang sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

-- Bạch Thế Tôn, mặt trời trong lúc đứng bóng, trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa, trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn.

-- Này Udayi, hơn tất cả những quang sắc ấy có nhiều, rất nhiều chư Thiên, mà ánh sáng của những mặt trăng mặt trời này không thể chiếu sáng. Ta biết những chư Thiên ấy. Và Ta không nói: "Không có một quang sắc nào khác vi diệu hơn và thù thắng hơn quang sắc ấy. Còn Ông, này Udayi, Ông lại nói: "Quang sắc này, thấp kém hơn, yếu đuối hơn quang sắc con sâu đom đóm, quang sắc ấy là tối thắng". Và Ông không chỉ rõ quang sắc ấy.

-- Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện. Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện.

-- Này Udayi, sao Ông lại nói: "Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện. Thiện thệ đã cắt đứt câu chuyện"?

-- Bạch Thế Tôn, các vị Ðạo sư của chúng con dạy như sau: "Quang sắc này là tối thượng, quang sắc này là tối thượng". Nhưng bạch Thế Tôn, các bậc Ðạo sư của chúng con khi bị Thế Tôn đối nạn, cật nạn, vấn nạn, (tự tỏ là) trống không, hư vọng, thất bại.

-- Nhưng này Udayi, có một thế giới nhứt hướng lạc không? Có đạo lộ hợp lý nào đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc?

-- Bạch Thế Tôn, các bậc Ðạo sư của chúng con có dạy như sau: "Có một thế giới nhứt hướng lạc. Có đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc".

-- Này Udayi, đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc là gì?

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, có người đoạn trừ sát sanh, từ bỏ sát sanh, đoạn trừ lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm, đoạn trừ nói láo, từ bỏ nói láo, hay sống sau khi thọ trì một loại khổ hạnh. Bạch Thế Tôn, đó là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ sát sanh, từ bỏ sát sanh, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

-- Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, trong khi ấy, tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

-- Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc, hay cả lạc cả khổ?

-- Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ nói láo, từ bỏ nói láo, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc, hay cả lạc cả khổ?

-- Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Trong khi sống thọ trì một loại khổ hạnh, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc, hay cả lạc cả khổ?

-- Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

-- Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Như vậy đạo lộ để chứng đắc một thế giới nhứt hướng lạc, đạo lộ ấy cả lạc cả khổ xen lẫn?

-- Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện, Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện.

-- Này Udayi, sao Ông lại nói như vầy: "Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện, Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện"?

-- Bạch Thế Tôn, các bậc Ðạo sư của chúng con có dạy như sau: "Có một thế giới nhứt hướng lạc, có một đạo lộ hợp lý để chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc". Nhưng các bậc Ðạo sư của chúng con khi bị Thế Tôn đối nạn, cật nạn, vấn nạn, (tự tỏ là) trống không, hư vọng, thất bại. Nhưng bạch Thế Tôn, có một thế giới nhứt hướng lạc không? Có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc một thế giới nhứt hướng lạc không?

-- Này Udayi, có một thế giới nhứt hướng lạc; có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

-- Bạch Thế Tôn, thế nào là đạo lộ hợp lý ấy đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc?

-- Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng đắc và trú Thiền thứ nhất; sau khi diệt tầm và tứ... chứng đắc và trú Thiền thứ hai... chứng đắc và trú Thiền thứ ba. Như vậy, này Udayi, là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

-- Bạch Thế Tôn, đạo lộ ấy không phải là đạo lộ đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc. Chứng đắc như vậy, bạch Thế Tôn (phải chăng) là thế giới nhứt hướng lạc?

-- Này Udayi, chứng đắc như vậy chưa phải là thế giới nhứt hướng lạc. Ðạo lộ ấy chỉ là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

Khi được nói vậy, hội chúng của du sĩ Sakuludayi lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng như sau:

-- Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị Ðạo sư. Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị Ðạo sư. Chúng tôi không được biết gì hơn như vậy nữa.

Rồi du sĩ Sakuludayi sau khi làm cho các vị du sĩ ấy lặng tiếng xuống, liền bạch Thế Tôn:

-- Phải đến mức như thế nào, mới là chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc?

-- Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo đoạn trừ lạc... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư; có bao nhiêu chư Thiên được sanh vào thế giới nhứt hướng lạc, Tỷ-kheo cùng đứng với các chư Thiên ấy, cùng nói chuyện, cùng đàm luận. Cho đến mức độ như vậy, này Udayi, mới là chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc.

-- Bạch Thế Tôn, có phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn?

-- Này Udayi, không phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta. Này Udayi, có những pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn. Vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

-- Bạch Thế Tôn, thế nào là những pháp cao thượng hơn, thù thắng hơn, vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn?

-- Ở đây, này Udayi, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.

Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy. Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt sống; từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai; từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ không buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh, cũng vậy, Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.

Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm.

Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử, hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Vị ấy sau khi từ bỏ năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do dục sanh, với tầm với tứ. Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Lại nữa, này Udayi, vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta

Lại nữa, này Udayi, vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Lại nữa, này Udayi, vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ nhiều đời ở quá khứ, như một đời, hai đời... nhớ đến nhiều đời sống ở quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết. Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc pháp ấy, Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy rõ sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc pháp này, vị Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, dễ sử dụng, nhu nhuyến, vững chắc, bất động như vậy, vị Tỷ-kheo hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy như thật biết: "Ðây là Khổ"... "Ðây là Khổ tập"... "Ðây là Khổ diệt"... "Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt". Vị ấy như thật biết: "Ðâu là những lậu hoặc"... "Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc"... "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc". Vị ấy như thật biết: "Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".

Nhờ hiểu biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân được giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Ðây là pháp, này Udayi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Ðây là những pháp, này Udayi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhơn duyên chứng đắc những pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Khi nghe nói vậy, du sĩ Sakuludayi bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con xuất gia, dưới sự chỉ dẫn Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con thọ đại giới.

Khi được nghe nói vậy, chúng du sĩ của Sakuludayi nói với du sĩ Sakuludayi:

-- Tôn giả Udayi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama. Tôn giả Udayi, đã là bậc Ðạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử. Như một ghè nước tốt, nay bị thủng lỗ bị chảy nước; hành động của Tôn giả Udayi cũng sẽ như vậy. Tôn giả Udayi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama! Tôn giả Udayi đã là bậc Ðạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử.

Như vậy, chính chúng du sĩ của Sakuludayi đã làm một chướng ngại pháp cho du sĩ Sakuludayi sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt