A Na Luật
(Anuruddha)

I. TOÁT YẾU

The Venerable Anuruddha clarifies the difference betwên the immeasurable deliverance of mind and the exalted deliverance of mind.

[Tôn giả A na luật thuyết minh sự khác nhau giữa tâm giải thoát vô lượng và tâm giải thoát đại hành.]

II. TÓM TẮT

Tôn giả A na luật giảng cho thợ mộc Ngũ Phần về sự khác nhau giữa hai loại tâm giải thoát [1] là Vô lượng và Ðại hành. Cũng đều quán từ bi hỷ xả (bốn phạm trú) nhưng đại hành tâm [2] là tâm biến mãn từ một gốc cây rộng dần ra cho đến một làng, một nước. Còn Vô lượng tâm giải thoát là biến mãn tâm từ bi hỷ xả đến khắp mười phương thế giới, vô lượng vô biên, không hận không sân. Do khi tu thiền, phát nguyện biến mãn ánh sáng có hạn hoặc vô hạn, có tạp nhiễm hoặc thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung, sinh vào bốn loại tái sinh [3] là các cõi trời Thiểu quang, Vô lượng quang và Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh [4].

Ðại hành tâm đưa đến tái sinh vào các cõi trời thiểu quang. Vô lượng tâm đưa đến tái sinh vào các cõi trời vô lượng quang. Do khi tu thiền, chưa đốt cháy [5] được hôn trầm trạo hối mà khi chết sinh vào cõi có ánh sáng tạp nhiễm. Quang (ánh sáng) và sắc (màu sắc) mỗi vị trời ở các cõi ấy khác nhau, nhưng khi họ nhóm họp thì ánh sáng hòa lẫn mặc dù màu sắc mỗi ánh sáng khác nhau; như khi hàng ngàn ngọn đèn thắp sáng đặt trong phòng thì ánh sáng chỉ có một. Khi họ giải tán thì quang và sắc mỗi vị trời đều khác, như khi từng người bưng cây đèn của mình đi ra khỏi phòng thì màu sắc và ánh sáng của mỗi ngọn một khác. Sở dĩ cõi trời có thiểu tịnh (ít sạch), vô lượng tịnh (sạch vô cùng) là do khi tu thiền tâm có tạp nhiễm (xen lẫn các vọng tưởng) hay hoàn toàn thanh tịnh. Như ngọn đèn được thắp với dầu cặn, bấc dơ, bình dầu và bóng dơ thì không sáng bằng ngọn đèn được thắp với dầu trong, bấc sạch, bình dầu và bóng đều sạch sẽ.

Khi nghe tôn giả A na luật giảng cho thợ mộc Ngũ phần, tôn giả Abhiya Kaccàna (Ca chiên diên) bình phẩm: Bộ ông đã lên các cõi trời ấy rồi chắc [6]. Tôn giả A na luật cho biết từ lâu Ngài đã cộng trú với chư thiên ấy. Tôn giả Ca chiên diên chúc mừng thợ mộc đã được nghe pháp từ tôn giả A na luật.

III. CHÚ GIẢI

1. Trong kinh số 43 cũng như kinh này, vô lượng tâm giải thoát (appamànà cetovimutti) được giải thích là bốn phạm trú. Vì mỗi phạm trú đều được diễn tả với từ ngữ quảng đại, nên có lẽ Pancakanga đã lầm cho hai thứ giải thoát này đồng nghĩa.

2. MA: Vị ấy bao quát một vùng bằng gốc cây, tướng của kasina (biến xứ) mình đang quán, rồi trú tâm trên tướng ấy, biến mãn nó bằng tâm thiền quảng đại. Cũng cách giải thích này áp dụng cho các trường hợp sau đó.

3. MA: Giáo lý này cốt hiển thị những loại tái sinh khác nhau nhờ đắc đại hành tâm giải thoát.

4. Theo MA, không có những cõi trời riêng biệt gọi là cõi có ánh sáng còn ô nhiễm (thiểu quang) và cõi ánh sáng thuần tịnh, mà cả hai đều là những cách phân loại vi tế trong hai cõi trời có ánh sáng hữu hạn (Thiểu quang thiên) và vô hạn (Vô lượng quang thiên). Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng hữu hạn là do đắc nhị thiền với tướng kasina hữu hạn, tái sinh vào cõi trời Vô lượng quang cũng nhờ đắc nhị thiền nhưng với tướng kasina đã được khai triển rộng ra. Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng còn ô nhiễm là tái sinh của những người chưa làm chủ được thiền chứng, chưa thanh lọc nó khỏi các pháp chướng ngại. Tái sinh vào cõi trời có ánh sáng thuần tịnh là dành cho những người đã có được sự làm chủ và sự thanh lọc nói trên.

5. Ở đây có sự chơi chữ, vì động từ Pli jhàyati có hai nghĩa: thiền định và đốt cháy; mặc dù Phạn ngữ sanskrit có hai động từ khác nhau; kshàyati là đốt cháy, dhyàyati là thiền định.

6. Những lời lẽ của Abhiya khiếm nhã vì đi sâu vào kinh nghiệm riêng tư của A na luật. MA nói trong khi viên mãn các pháp tu ba la mật vào các đời quá khứ, Ngài đã xuất gia làm sa môn, đắc các thiền chứng và đã trải qua ba trăm kiếp liên tục sinh vào cõi Phạm thiên. Do đó mà Ngài trả lời như vậy.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

Thợ mộc tên Ngũ Phần
Hỏi Ngài A na luật
Về những chỗ khác nhau
Giữa Ðại hành, Vô lượng
Quán từ bi hỷ xả
Trải tâm có giới hạn
Từ phạm vi gốc cây
Cho đến một làng, nước
Rồi biến mãn dần ra
Gọi là tâm đại hành.
Còn loại tâm vô lượng
Là biến mãn từ, bi
Khắp mười phương thế giới
Ðến tất cả muôn loài
Vô biên không sân hận.
Do trong khi tu thiền
Trải tâm có giới hạn
Hoặc trải rộng vô biên
Mà kết quả tái sinh
Cõi trời cũng bốn hạng
Thiểu quang, Vô lượng quang.
Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh.
Ðại hành tâm tái sinh
Vào chư thiên ít sáng
Vô lượng tâm tái sinh
Vào vô lượng quang thiên.
Tâm thiền còn tạp nhiễm
Sinh vào trời Thiểu tịnh
Tâm thiền không tạp nhiễm
Sinh Biến tịnh, Vô lượng
Quang và sắc khác nhau
Mỗi vị trời một vẻ.
Khi chư thiên nhóm họp
Sắc khác, sáng hòa chan
Giống như ở trong phòng
Ngàn bóng đèn dầu đốt
Thì ánh sáng chỉ một
Dù mỗi ngọn khác nhau.
Khi chư thiên giải tán
Thì quang, sắc muôn vẻ
Như giữa trời đêm thâu
Mỗi người cầm đèn dầu.
Tái sinh cõi Thiểu tịnh
Do thiền tâm tạp nhiễm
(lẫn trạo hối hôn trầm).
Vào cõi vô lượng tịnh
Do thiền tâm thuần khiết.
Ví như ngọn đèn dầu
Ðược thắp với dầu cặn
Bình, bóng, bấc đều dơ,
Thì ngọn đèn ít sáng.
Tôn giả Abhiya (Kaccàna):
Nghe Ngài nói như vậy
Chắc đã từng lên trời?
Tôn giả A na luật:
Quả thế tôi từ lâu
Cộng trú với chư thiên.
Tôn giả Ca chiên diên
Vui thay cho thợ mộc
Ðã được nghe việc này.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà viên), chỗ tinh xá của ông Anathapindika (Cấp cô độc). Rồi thợ mộc Pancakanga bảo một người:

-- Hãy đến, này Người kia, hãy đi đến Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Anuruddha và thưa như sau: "Thưa Tôn giả, thợ mộc Pancakanga cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Anuruddha, và thưa: Mong rằng Tôn giả Anuruddha cùng ba vị nữa, ngày mai nhận lời dùng bữa ăn với thợ mộc Pancakanga. Mong rằng Tôn giả Anuruddha đến thật sớm, vì thợ mộc Pancakanga có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm đối với vua".

-- Thưa vâng, Tôn giả.

Người ấy vâng đáp thợ mộc Pancakanga, đi đến Tôn giả Anuruddha, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả Anuruddha, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy thưa Tôn giả Anuruddha:

-- Thợ mộc Pancakanga cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Anuruddha và thưa như sau: "Thưa Tôn giả, mong rằng Tôn giả Anuruddha với ba vị nữa ngày mai đến dùng bữa ăn với thợ mộc Pancakanga. Thưa Tôn giả, mong rằng Tôn giả Anuruddha đến cho thật sớm, vì thợ mộc Pancakanga có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm đối với vua".

Tôn giả Anuruddha im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ thợ mộc Pancakanga, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi thợ mộc Pancakanga tự tay mời mọc và làm cho thỏa mãn Tôn giả Anuruddha với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Và sau khi Tôn giả Anuruddha đã ăn xong, đã cất tay khỏi bình bát, thợ mộc Pancakanga lấy một ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thợ mộc Pancakanga thưa cùng Tôn giả Anuruddha:

-- Ở đây, thưa Tôn giả, các Trưởng lão Tỷ-kheo đến và nói như sau: "Này Gia chủ, hãy tu tập vô lượng tâm giải thoát". Có một số vị Trưởng lão lại nói như sau: "Này Gia chủ, hãy tu tập đại hành tâm giải thoát". Thưa Tôn giả, vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, các pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn, hay đồng nghĩa, chỉ khác biệt về văn?

-- Này Gia chủ, hãy nói lên những điều gì Ông nghĩ về vấn đề này; nhờ vậy, vấn đề này sẽ trở thành xác thật cho Ông.

-- Thưa Tôn giả, con nghĩ như sau: "Vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, các pháp này đồng nghĩa nhưng khác văn".

-- Này Gia chủ, vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, những pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn. Do vậy, này Cư sĩ, đây cần phải hiểu đúng với pháp môn, nghĩa là các pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn.

Và này Cư sĩ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. ...với tâm câu hữu với bi, ...với tâm câu hữu với hỷ, ... an trú, biến mãn, một phương với tâm câu hữu với xả, ... quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là vô lượng tâm giải thoát.

Này Cư sĩ, thế nào là đại hành tâm giải thoát? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một ruộng làng an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Do vậy, này Cư sĩ, đây cần phải hiểu đúng với pháp môn này, nghĩa là các pháp này vừa khác nghĩa, vừa khác văn.

Này Cư sĩ, có bốn hữu sanh này (bhavuppattiyo: bốn sự sanh khởi cho một đời sống mới). Thế nào là bốn? Ở đây, này Cư sĩ, có người, với hào quang hạn lượng (parittabha) an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Thiểu Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang vô lượng, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Vô Lượng Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang tạp nhiễm, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Tạp Nhiễm Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang thanh tịnh, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Biến Tịnh Quang thiên. Này Cư sĩ, có bốn loại hữu sanh này.

Có thời, này Cư sĩ, chư Thiên kia tập họp tại một chỗ. Khi các vị này tập họp tại một chỗ, có thấy sự sai khác về màu sắc, không có thấy sự sai khác về hào quang. Ví như, này Cư sĩ, có người cầm nhiều cây đèn dầu đi vào trong một nhà. Khi các cây đèn dầu ấy được đem vào trong nhà, có thấy sự sai khác về ngọn lửa, nhưng không có thấy sự sai khác về ánh sáng. Cũng vậy, này Cư sĩ, có thời chư Thiên kia tập họp tại một chỗ. Khi các vị này tập họp tại một chỗ, có thấy sự sai khác về màu sắc, không có thấy sự sai khác về hào quang.

Có thời, này Cư sĩ, chư Thiên ấy, đi ra khỏi từ chỗ kia. Khi chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về hào quang. Ví như, này Cư sĩ, có người đem nhiều cây đèn dầu ra khỏi ngôi nhà ấy, khi các cây đèn dầu ấy được đem ra khỏi ngôi nhà kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về ánh sáng. Cũng vậy, này Cư sĩ, có thời chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia. Khi chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về hào quang.

Này Cư sĩ, chư Thiên ấy không có nghĩ: "Ðây là thường còn, thường trú, thường hằng cho chúng tôi". Nhưng chỗ nào chư Thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, chư Thiên ấy sống trong thoải mái. Ví như, này Cư sĩ, khi các con ruồi bị mang đi trong đòn gánh hay trong cái giỏ, chúng nó không có nghĩ: "Ðây là sự thường còn, thường trú hay thường hằng cho chúng tôi". Nhưng chỗ nào, chỗ nào các con ruồi kia an trú, tại chỗ ấy, các con ruồi ấy sống trong thoải mái. Cũng vậy, này Cư sĩ, chư Thiên ấy không có nghĩ: "Ðây là thường còn, thường trú hay thường hằng cho chúng tôi". Nhưng chỗ nào, chỗ nào chư Thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, chư Thiên ấy sống trong thoải mái.

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya Kaccana thưa với Tôn giả Anuruddha:

-- Tốt lành thay, Tôn giả Anuruddha! Ở đây, tôi có câu này cần phải hỏi thêm. Thưa Tôn giả, chư Thiên có hào quang, tất cả đều có hào quang có hạn lượng? Hay là ở đây có một số chư Thiên có hào quang vô lượng?

-- Này Hiền giả Kaccana, tùy theo trường hợp, ở đây một số chư Thiên có hào quang có hạn lượng, nhưng ở đây cũng có một số chư Thiên có hào quang vô lượng.

-- Thưa Tôn giả Anuruddha, do nhân gì, do duyên gì, dầu cho chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng, lại có một số chư Thiên có hào quang hạn lượng và có một số chư Thiên khác có hào quang vô lượng?

-- Này Hiền giả Kaccana, ở đây Ta sẽ hỏi Hiền giả. Nếu Hiền giả kham nhẫn, Hiền giả sẽ trả lời. Này Hiền giả Kaccana, Hiền giả nghĩ thế nào? Tỷ-kheo cho đến một gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm này, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?

-- Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.

-- Này Hiền giả Kaccana, Hiền giả nghĩ thế nào? Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo, cho đến một ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm này, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?

-- Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến một ruộng làng, an trú, biến mãn, và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.

-- Này Hiền giả Kaccana, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?

-- Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo, cho đến một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.

-- Này Hiền giả Kaccana, Tỷ-kheo cho đến một đại vương, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến hai hay ba một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?

-- Thưa Tôn giả Anuruddha, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần rộng lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.

-- Này Hiền giả Kaccana, Hiền giả nghĩ thế nào? Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến giải đất tận hải biên, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?

-- Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến giải đất tận hải biên, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.

-- Này Hiền giả Kaccana, do nhân này, do duyên này, giữa các chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng, có một số chư Thiên có hào quang có hạn lượng, nhưng có một số chư Thiên có hào quang vô lượng.

-- Lành thay, Tôn giả Anuruddha ! Tôi có một câu cần phải hỏi thêm nữa. Thưa Tôn giả, về hào quang chư Thiên, có phải tất cả hào quang là tạp nhiễm hay có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh?

-- Tùy theo trường hợp, này Hiền giả Kaccana, ở đây có một số chư Thiên có hào quang tạp nhiễm, nhưng ở đây cũng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh.

-- Thưa Tôn giả Anuruddha, do nhân gì, do duyên gì, trong chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng, có một số hào quang tạp nhiễm, nhưng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh?

Này Hiền giả Kaccana, Ta sẽ cho Hiền giả một ví dụ. Nhờ ví dụ ở đây, người có trí hiểu được ý nghĩa của lời nói. Ví như, này Hiền giả Kaccana, một cây đèn đang cháy với dầu không được sạch sẽ, với tim đèn cũng không được sạch sẽ. Vì dầu không được sạch sẽ, và cũng vì tim đèn không được sạch sẽ, nên cây đèn cháy rất lu mờ. Cũng vậy, này Hiền giả Kaccana, ở đây Tỷ-kheo an trú, biến mãn và thấm nhuần với hào quang tạp nhiễm. Thân dâm hạnh của vị ấy không được khéo chấm dứt, hôn trầm thụy miên không được khéo đoạn trừ, trạo cử hối quá không được khéo nhiếp phục. Vì không được khéo chấm dứt thân dâm hạnh, vì không khéo đoạn trừ hôn trầm thụy miên, vì không khéo nhiếp phục trạo cử hối quá, nên vị ấy được cháy lên một cách lu mờ. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Thiên có hào quang tạp nhiễm.

Ví như, này Hiền giả Kaccana, một ngọn đèn dầu được đốt cháy, với dầu sạch sẽ và với tim đèn cũng được sạch sẽ. Do dầu được sạch sẽ và cũng do tim đèn được sạch sẽ, nên cây đèn ấy được cháy không có mù mờ. Cũng vậy, này Hiền giả Kaccana, ở đây Tỷ-kheo an trú, biến mãn và thấm nhuần với hào quang thanh tịnh. Thân dâm hạnh của vị này được khéo chấm dứt, hôn trầm thụy miên được khéo đoạn trừ, trạo cử hối quá được khéo nhiếp phục. Do thân dâm hạnh được khéo chấm dứt, do hôn trầm thụy miên được khéo đoạn trừ, do trạo cử hối quá được khéo nhiếp phục, nên vị ấy được cháy lên không có mù mờ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh cọng trú với chư Thiên có hào quang thanh tịnh.

Này Hiền giả Kaccana, do nhân này, do duyên này, giữa chư Thiên ấy sanh khởi cùng trong một Thiên chúng, có một số chư Thiên có hào quang tạp nhiễm, nhưng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh.

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya Kaccana thưa với Tôn giả Anuruddha:

-- Thật lành thay, Tôn giả Anuruddha! Thưa Tôn giả, Tôn giả Anuruddha không có nói như sau: "Như vậy tôi nghe", hay "Sự việc đúng như vậy". Trái lại, thưa Tôn giả, Tôn giả Anuruddha chỉ nói: "Chư Thiên này là như vậy và chư Thiên kia là như vậy". Thưa Tôn giả, tôi nghĩ như sau: "Tôn giả Anuruddha chắc chắn đã sống từ trước, đã đàm thoại từ trước, đã đàm luận từ trước với chư Thiên ấy".

-- Này Hiền giả Kaccana, lời nói này của Hiền giả đến gần như thử thách Ta phải tuyên bố, nhưng Ta sẽ trả lời cho Hiền giả. Này Hiền giả Kaccana, đã từ lâu, Ta đã sống từ trước, đã đàm thoại từ trước, đã đàm luận từ trước với chư Thiên ấy.

Khi nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya Kaccana nói với thợ mộc Pancakanga:

-- Thật lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ, rằng Ông đã đoạn trừ được điều nghi ngờ từ trước, và cũng được dịp nghe pháp môn này.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt