Giáo giới Nandaka
(Nandakovada Sutta)

I. TOÁT YẾU

Advice from Nandaka.

The venerable Nandaka gives the nuns a discourse on impermanence.

Lời khuyên dạy của tôn giả Nandaka.

Tôn giả giảng cho ni chúng một bài pháp về vô thường.

II. TÓM TẮT

Bà di mẫu đến nơi Phật để cầu giáo thọ. Phật hỏi tôn giả A Nan nay là phiên ai đi giáo giới cho tỷ kheo ni. Tôn giả A Nan đáp, là phiên của tôn giả Nandaka nhưng tôn giả không chịu đi. Phật cho gọi tôn giả buộc phải đi giáo giới cho ni. Tôn giả vâng lời.

Sau khi khất thực về, ăn xong, Ngài đến trú xứ của ni chúng. Ngài dặn trước thủ tục nói Pháp là vấn đáp và cho phép đặt câu hỏi. Ni chúng tán đồng với đề nghị ấy.

Rồi tôn giả hỏi: Con mắt là thường hay vô thường? Cái gì là vô thường thì khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, khổ, bị biến hoại, thì có nên xem đấy là tôi và tự ngã của tôi không? Hỏi như vậy về 6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức. Các tỷ kheo ni đều đáp là vô thường, khổ, không nên xem là tôi và của tôi. Tôn giả bảo, như vậy là cái thấy đúng với chánh trí tuệ của thánh đệ tử.

Rồi Ngài lấy ví dụ một ngọn đèn dầu cháy với dầu, bấc, ngọn lửa, ánh sáng đều vô thường, biến hoại. Nếu có ai bảo ánh sáng ngọn đèn ấy là thường trú thì có đúng không? Các ni đáp không, bởi vì ánh sáng ấy xuất phát từ những thứ vô thường là dầu, bấc, ngọn lửa. Tôn giả dạy: Cũng vậy, cảm thọ do duyên sáu nội xứ, mà 6 nội xứ đã vô thường, biến hoại nên cảm thọ cũng không thường hằng.

Ví dụ 2: Cây cổ thụ với rễ, thân, cành đều vô thường. Nếu ai bảo tuy vậy cái bóng cây thì thường, nói vậy có đúng không? Không đúng. Cũng vậy, sáu ngoại xứ là vô thường, nên ai nói các cảm thọ duyên sáu ngoại xứ là thường thì không đúng.

Ví dụ 3: Như một con bò đã bị cắt mọi dây gân, khớp bên trong, da bị lột và phủ trùm lại trên thân nó. Có thể bảo con bò còn nguyên vẹn được chăng? Không được. Tôn giả bảo: Thịt ám chỉ 6 nội xứ, da chỉ 6 ngoại xứ. Dây thịt dây gân và khớp bên trong là hỷ và tham. Con dao đồ tể là thánh trí tuệ. Với thánh trí tuệ này có thể cắt đứt phiền não, nội kết.

Rồi tôn giả dạy tu bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả) hướng đến ly tham, đoạn tận. Khi sung mãn bảy giác chi thì sẽ tự chứng vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Sau thời pháp, chúng ni đảnh lễ tôn giả xong, đi đến yết kiến Phật. Phật biết tâm họ chưa thỏa mãn nên sai tôn giả Nandaka đến giáo giới lần thứ hai. Sau lần thứ hai, họ đến lễ Phật, và Phật biết tất cả họ đều đã đắc quả, người tối thiểu cũng đắc quả Dự lưu không còn bị đọa lạc, và chắc chắn sẽ được giải thoát.

III. CHÚ GIẢI

Kinh này dạy hai cách quán vô ngã:

- Một là nêu lên tính vô thường của mọi sự, nhất là năm uẩn thân tâm; rồi đặt câu hỏi vô thường là khổ hay vui; một cái gì đã vô thường, khổ thì có nên xem là ta hay của ta không? Ðương nhiên là không nên.

- Cách thứ hai là phân tích sáu nội xứ (mắt tai mũi lưỡi thân ý), sáu ngoại xứ (sắc thanh hương vị xúc pháp) và sáu thức liên hệ, tất cả đều vô thường, nên cảm thọ hay cái tôi phát sinh từ đấy cũng không thể là thường. Như từ ngọn đèn mà dầu, bấc, ngọn lửa đều vô thường thì ánh sáng cũng vô thường. Thấy như vậy là thấy với chánh trí để đoạn tận khổ đau.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

Bà di mẫu bạch Phật
Ðể thỉnh cầu giáo thọ.
Phật hỏi phiên vị nào
Ði giáo giới cho ni.
Tôn giả A Nan thưa,
Phiên tôn giả Nanda
Nhưng vị ấy từ khước.
Phật cho gọi tôn giả
Dạy hãy đi giáo giới.
Tôn giả phải vâng lời
Ðến trú xứ ni chúng
Dùng cách thức hỏi đáp
Ðể trình bày diệu pháp
Và cho đặt câu hỏi
Ni chúng rất tán đồng.
Trước hỏi về sáu căn:
Con mắt thường, vô thường?
Cái gì đã vô thường
Vậy là khổ hay vui?
Cái gì vô thường, khổ,
Bị biến hoại, hủy diệt
Có nên xem của tôi
Là tôi, tự ngã tôi?
(Tai, mũi, lưỡi, thân, ý
Sáu ngoại xứ, sáu thức
Cũng hỏi đáp như vậy.)
Các tỷ kheo ni đáp
Tất cả mười tám thứ
Ðều vô thường, khổ, không
Chẳng nên xem của tôi
Là tôi, tự ngã tôi.
Các chị thấy như vậy
Là thấy đúng chánh trí
Của bậc thánh đệ tử.
Rồi tôn giả ví dụ
Ngọn đèn cháy với dầu,
Bấc, ngọn lửa, ánh sáng
Ðều vô thường, biến hoại.
Nếu có ai bảo rằng
Ánh sáng đèn là thường
Thì có đúng hay không?
Thưa không, ánh sáng ấy
Xuất phát từ vô thường
Là dầu, bấc, ngọn lửa.
Cũng vậy, các cảm thọ
Do duyên sáu nội xứ,
Luôn thay đổi biến hoại
Nên thọ cũng không thường
Hoặc như cây cổ thụ
Với rễ, thân, cành lá
Ðều luôn luôn thay đổi
Nếu ai bảo tuy vậy
Cái bóng cây là thường,
Nói vậy có đúng không?
Ni đáp là không đúng.
Cũng vậy, sáu ngoại xứ
Sắc thanh… vốn vô thường
Thọ từ đấy sinh ra
Làm sao thường hằng được?
Như đồ tể mổ bò
Trong cắt hết gân khớp
Ngoài lột hết bộ da
Trùm lại trên thân nó
Còn nguyên chăng thân bò?
Ni chúng đáp rằng không.
Thịt chỉ 6 nội xứ,
Da là sáu ngoại xứ.
Gân và khớp bên trong
Dụ cho hỷ và tham.
Con dao của đồ tể
Ví như thánh trí tuệ
Cắt đứt các phiền não
Những trói buộc trong tâm.
Các chị hãy tu tập
Niệm, trạch pháp, tinh tấn,
Hỷ, khinh an, định, xả
Bảy chi phần giác ngộ
Hướng ly tham, đoạn diệt.
Bảy giác chi sung mãn
Sẽ tự chứng vô lậu
Tâm và tuệ giải thoát.
Thể theo lời Phật dạy
Tôn giả Nandaka
Giáo giới ni hai lần
Ai nghe đều đắc quả,
Tối thiểu là Dự lưu
Không còn bị đọa lạc,
Chắc chắn sẽ giải thoát.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Mahapajapati Gotami cùng với khoảng năm trăm Tỷ-kheo-ni đi đến bên Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Mahapajapati Gotami bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới cho Tỷ-kheo-ni! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho Tỷ-kheo-ni! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho Tỷ-kheo-ni!

Lúc bấy giờ, các Thượng tọa (Trưởng lão) Tỷ-kheo thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni. Nhưng Tôn giả Nandaka không muốn thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni. Rồi Thế Tôn cho gọi Tôn giả Ananda và nói:

-- Này Ananda, hôm nay đến phiên ai giáo giới Tỷ-kheo-ni?

-- Bạch Thế Tôn, chính là phiên của Nandaka thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nandaka không muốn thay phiên giáo giới Tỷ-kheo-ni.

Rồi Thế Tôn cho gọi Tôn giả Nandaka:

-- Này Nandaka, hãy giáo giới Tỷ-kheo-ni! Này Nandaka, hãy giảng dạy Tỷ-kheo-ni! Này Bà-la-môn, hãy thuyết pháp cho Tỷ-kheo-ni!

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Nandaka ấy vâng đáp Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực ở Savatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, không có người thứ hai cùng đi, đi đến Rajakarama (Vương Tự). Các Tỷ-kheo-ni ấy thấy Tôn giả Nandaka từ xa đi đến, sau khi thấy liền sửa soạn chỗ ngồi và sắp đặt nước rửa chân. Tôn giả Nandaka ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn; sau khi ngồi, liền rửa chân. Các Tỷ-kheo-ni ấy sau khi đảnh lễ Tôn giả Nandaka, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Nandaka nói với các Tỷ-kheo-ni đang ngồi một bên:

-- Các Hiền tỷ, sẽ có cuộc luận thuyết bằng cách đặt câu hỏi. Ở đây, những ai biết, hãy trả lời: "Tôi biết". Những ai không biết, hãy trả lời: "Tôi không biết". Nếu có ai nghi ngờ hay nghi hoặc, ở đây, ta cần được hỏi như sau: "Thưa Tôn giả, sự việc này là thế nào? Ý nghĩa việc này là gì?"

-- Thưa Tôn giả, cho đến đây, chúng con rất hoan hỷ và thỏa mãn với Tôn giả Nandaka, vì rằng Tôn giả đã mời chúng con (hỏi).

-- Các Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi xem cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả.

-- Các Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tai là thường hay vô thường?... Mũi là thường hay vô thường?... Lưỡi là thường hay vô thường?.. Thân là thường hay vô thường?... Ý là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: "Sáu nội xứ này là vô thường".

-- Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả.

-- Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tiếng là thường hay vô thường?... Hương là thường hay vô thường?... Vị là thường hay vô thường?.... Xúc là thường hay vô thường?... Pháp là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: "Sáu ngoại xứ này là vô thường".

-- Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả.

-- Này các Hiền tỷ, nhĩ thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Tỷ thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Thân thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Ý thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: "Sáu thức thân này là vô thường".

-- Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; ánh sáng là vô thường, chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: "Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng không chịu sự biến hoại"; chư Hiền tỷ, nói như vậy là có nói chân chánh không?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng là vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

-- Như vậy là phải, này các Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: "Sáu ngoại xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này, tôi có cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại"; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

-- Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, có cây to lớn đứng thẳng, có lõi cây, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, với bóng cây vô thường, chịu sự biến hoại. Nếu có người nói như sau: "Có cây lớn đứng thẳng có lõi cây này, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, nhưng bóng mát của cây ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu biến hoại"; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, cây to lớn đứng thẳng có lõi cây này, có rễ vô thường, chịu sự biến hoại, có thân cây vô thường; chịu sự biến hoại, có cành lá vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến bóng mát, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

-- Như vậy là phải, này chư Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: "Sáu nội xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này tôi cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại"; này các Hiền tỷ, người ấy có nói chân chánh không?

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này, cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

-- Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, một người đồ tể giết bò thiện xảo hay người đệ tử; sau khi giết con bò, cắt con bò với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, mà không hư hại phần thịt ở trong, không hư hại phần da ngoài, rồi với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt mọi dây thịt phía trong; dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong; sau khi cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt và sau khi lột da ngoài, lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy rồi nói: "Con bò này đã được dính liền với da này như trước"; này các Hiền tỷ, nói như vậy có nói một cách chơn chánh không? "

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Dầu cho, thưa Tôn giả, người đồ tể giết bò thiện xảo ấy hay người đệ tử sau khi giết con bò... lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy lại có thể nói như sau: "Con bò này đã được dính liền với da này như trước", con bò này đã bị lột ra khỏi da ấy.

-- Ta làm ví dụ này, này các Hiền tỷ, là để nêu rõ ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa này như sau: Chư Hiền tỷ, thịt ở trong là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Chư Hiền tỷ, da ở ngoài là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ, Chư Hiền tỷ, dây thịt phía trong, dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong là đồng nghĩa với dục hỷ và tham. Chư Hiền tỷ, con dao đồ tể giết bò sắc bén là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Với Thánh trí tuệ này cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt nội phiền não, nội kiết sử, nội triền phược.

Chư Hiền tỷ, có bảy giác chi, do tu tập, làm cho sung mãn bảy giác chi này, vị Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng tri ngay trong hiện tại với thượng trí; chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là bảy? Ở đây, chư Hiền tỷ, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chư Hiền tỷ, bảy giác chi này, do tu tập, làm cho sung mãn, Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri ngay trong hiện tại, với thượng trí chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Rồi Tôn giả Nandaka, sau khi giáo giới các Tỷ-kheo ni ấy với lời giáo giới, liền cho giải tán: -- Chư Hiền tỷ, hãy đi về, giờ đã đến rồi.

Rồi các Tỷ-kheo ni ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Nandaka dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Nandaka, thân phía hữu hướng về Tôn giả, rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo-ni ấy đang đứng một bên: -- Này các Tỷ-kheo-ni, hãy đi. Giờ đã đến rồi.

Rồi các Tỷ-kheo-ni ấy, sau khi đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi Thế Tôn, sau khi các Tỷ-kheo-ni ấy ra đi không bao lâu, gọi các vị Tỷ-kheo và nói:

-- Này các Tỷ-kheo, ví như vào ngày Bố-tát, ngày mười bốn, quần chúng không có nghi ngờ hay nghi hoặc rằng mặt trăng là không tròn hay mặt trăng là tròn vì khi ấy mặt trăng chưa tròn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dầu cho các Tỷ-kheo-ni ấy hoan hỷ với bài thuyết pháp của Nandaka, nhưng tâm trí của họ chưa được thỏa mãn.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Nandaka:

-- Vậy này Nandaka, ngày mai, Ông sẽ giáo giới cho các Tỷ-kheo-ni ấy với bài giáo giới.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Nandaka vâng đáp Thế Tôn.

Rồi Tôn giả Nandaka, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi (Xá-vệ) để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Savatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, tự thân một mình đi đến Rajarama. Các vị Tỷ-kheo-ni ấy thấy Tôn giả Nandaka từ xa đi lại; sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và sắp đặt nước rửa chân. Tôn giả Nandaka ngồi trên chỗ đã soạn sẵn; sau khi ngồi, liền rửa chân. Các vị Tỷ-kheo-ni ấy đảnh lễ Tôn giả Nandaka rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Nandaka nói với các Tỷ-kheo-ni ấy đang ngồi một bên:

-- Các Hiền tỷ, sẽ có cuộc luận thuyết bằng cách đặt câu hỏi. Ở đây, những ai biết hãy trả lời: "Tôi biết". Những ai không biết, hãy trả lời "Tôi không biết". Nếu ai có nghi ngờ hay do dự, ở đây, ta cần được hỏi như sau: "Thưa Tôn giả, sự việc này là thế nào? " Ý nghĩa việc này là gì?"

-- Thưa Tôn giả, cho đến đây, chúng con rất hoan hỷ và thỏa mãn với Tôn giả Nandaka, vì rằng Tôn giả đã mời chúng con (hỏi)!

-- Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi xem cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả.

-- Các Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tai là thường hay vô thường?... Mũi là thường hay vô thường?... Lưỡi là thường hay vô thường?.. Thân là thường hay vô thường?... Ý là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: "Sáu nội xứ này là vô thường".

-- Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả.

-- Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Tiếng là thường hay vô thường?... Hương là thường hay vô thường?... Vị là thường hay vô thường?.... Xúc là thường hay vô thường?... Pháp là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: "Sáu ngoại xứ này là vô thường".

-- Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Chư Hiền tỷ, các Hiền tỷ nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả.

-- Này các Hiền tỷ, nhĩ thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Tỷ thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Thân thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Ý thức là thường hay vô thường?

-- Thưa Tôn giả, vô thường.

-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Thưa Tôn giả, là khổ.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây, thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn, với chánh trí tuệ rằng: "Sáu thức thân này là vô thường".

-- Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; ánh sáng là vô thường, chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: "Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại; nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng không chịu sự biến hoại"; chư Hiền tỷ, nói như vậy là có nói chân chánh không?

-- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng là vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

-- Như vậy là phải, này các Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: "Sáu ngoại xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này, tôi có cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại"; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

-- Lành thay, lành thay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, có cây to lớn đứng thẳng, có lõi cây, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, với bóng cây vô thường, chịu sự biến hoại. Nếu có người nói như sau: "Có cây lớn đứng thẳng có lõi cây này, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường, chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường, chịu sự biến hoại, nhưng bóng mát của cây ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu biến hoại"; này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chân chánh không?

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, cây to lớn đứng thẳng có lõi cây này, có rễ vô thường, chịu sự biến hoại, có thân cây vô thường; chịu sự biến hoại, có cành lá vô thường, chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến bóng mát, cũng là vô thường, chịu sự biến hoại!

-- Như vậy là phải, này chư Hiền tỷ! Nếu có ai nói như sau: "Sáu nội xứ này là vô thường, và do duyên sáu ngoại xứ này tôi cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; cảm thọ ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại"; này các Hiền tỷ, người ấy có nói chân chánh không?

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, do duyên cái này, cái này, cảm thọ như thế này, như thế này khởi lên. Do diệt các duyên như thế này, như thế này, các cảm thọ như thế này, như thế này cũng biến diệt.

-- Lành thay, lành thay, chư Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, một người đồ tể giết bò thiện xảo hay người đệ tử; sau khi giết con bò, cắt con bò với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, mà không hư hại phần thịt ở trong, không hư hại phần da ngoài, rồi với con dao sắc bén của người đồ tể giết bò, cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt mọi dây thịt phía trong; dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong; sau khi cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt và sau khi lột da ngoài, lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy rồi nói: "Con bò này đã được dính liền với da này như trước"; này các Hiền tỷ, nói như vậy có nói một cách chơn chánh không? "

-- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Dầu cho, thưa Tôn giả, người đồ tể giết bò thiện xảo ấy hay người đệ tử sau khi giết con bò... lại bao trùm con bò ấy với chính da bò ấy lại có thể nói như sau: "Con bò này đã được dính liền với da này như trước", con bò này đã bị lột ra khỏi da ấy.

-- Ta làm ví dụ này, này các Hiền tỷ, là để nêu rõ ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa này như sau: Chư Hiền tỷ, thịt ở trong là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Chư Hiền tỷ, da ở ngoài là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ, Chư Hiền tỷ, dây thịt phía trong, dây gân phía trong, dây khớp xương phía trong là đồng nghĩa với dục hỷ và tham. Chư Hiền tỷ, con dao đồ tể giết bò sắc bén là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Với Thánh trí tuệ này cắt đứt, cắt đoạn, cắt tiệt nội phiền não, nội kiết sử, nội triền phược.

Chư Hiền tỷ, có bảy giác chi, do tu tập, làm cho sung mãn bảy giác chi này, vị Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng tri ngay trong hiện tại với thượng trí; chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là bảy? Ở đây, chư Hiền tỷ, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi, tu tập tinh tấn giác chi, tu tập hỷ giác chi, tu tập khinh an giác chi, tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Chư Hiền tỷ, bảy giác chi này, do tu tập, làm cho sung mãn, Tỷ-kheo với sự đoạn tận các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri ngay trong hiện tại, với thượng trí chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Rồi Tôn giả Nandaka, sau khi giáo giới các Tỷ-kheo ni ấy với lời giáo giới, liền cho giải tán: -- Chư Hiền tỷ, hãy đi về, giờ đã đến rồi.

Rồi các Tỷ-kheo ni ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Nandaka dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Nandaka, thân phía hữu hướng về Tôn giả, rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo-ni ấy đang đứng một bên: -- Này các Tỷ-kheo-ni, hãy đi. Giờ đã đến rồi.

Thế Tôn, sau khi các Tỷ-kheo-ni ấy ra đi không bao lâu, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và nói:

-- Này các Tỷ-kheo, ví như vào ngày Bố-tát, ngày rằm, quần chúng không có nghi ngờ hay phân vân rằng mặt trăng là không tròn hay mặt trăng là tròn, vì khi ấy mặt trăng đã tròn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni ấy hoan hỷ với bài thuyết pháp của Tôn giả Anandaka, và tâm tư của họ được thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, trong năm trăm Tỷ-kheo-ni ấy, Tỷ-kheo-ni cuối cùng chứng được Dự lưu, không còn bị đọa lạc, và chắc chắn đạt đến chánh giác.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt