Ðại Kinh Man đồng tử

I. TOÁT YẾU

Màhàmàlunkya Sutta - The Greater Discourse to Màlynkyàputta.

The Buddha teaches the path to the abandoning of the five lower fetters.

Bài kinh dài giảng cho Man đồng tử

Phật giảng dạy con đường từ bỏ năm hạ phần kết sử.

II. TÓM TẮT

Phật hỏi Malunkya hiểu thế nào về năm hạ phần kết sử, khi ông trả lời là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân [1], Phật lại quở trách ông vì tưởng rằng một đứa trẻ con (hay người lớn, lúc bình thường) là không có năm hạ phần kết [2]. Phật hiển thị cho thấy kỳ thực, tùy miên [3] về thân kiến cũng như khái niệm về các pháp [4] đều đã tiềm ẩn nơi một hài nhi, nên khi lớn lên, có điều kiện là chúng phát triển.

Nơi kẻ vô văn phàm phu, vì không tuệ tri thân kiến và sự xuất ly thân kiến, nên bị thân kiến trói buộc, trở thành một kết sử kiên cố. Với 4 kết sử còn lại cũng vậy. Với vị đa văn đệ tử nhờ thân cận và học tập pháp các bậc thánh, như thật tuệ tri thân kiến và sự xuất ly thân kiến, nên không bị thân kiến chi phối, nhờ vậy thân kiến cùng tùy miên nơi vị ấy được đoạn trừ [5]. Bốn kết sử còn lại cũng thế.

Có một con đường phải theo để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, như muốn có lõi cây phải đẽo hết các lớp vỏ ngoài vỏ trong vậy. Trước hết là phải có thái độ thích thú lắng nghe giảng pháp liên hệ đoạn trừ kết sử. Con đường ấy là viễn ly các sanh y [6], do đoạn trừ bất thiện pháp, do hoàn toàn an tịnh thân thô ác hành, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Vị ấy quán sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như tai họa, như nỗi đau buồn, như sự xa lạ, phân tán, trống rỗng, vô ngã [7]; và giải thoát tâm khỏi 5 uẩn, tập trung vào Bất tử giới, xem đây là tịch tịnh vi diệu, tức sự tịnh chỉ các hành, xả ly sanh y, ái diệt, niết bàn [8] . Nếu vững trú ở đây, vị ấy đạt đến sự đoạn trừ lậu hoặc. Nếu không, thì do sự tham hỷ pháp [9] , và do đã đoạn năm hạ phần kiết sử, vị ấy sẽ hóa sanh, nhập niết bàn ở đấy không trở lui đời này.

Chứng đến thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu xứ cũng vậy. Nếu ở một trong các giai đoạn này, sau khi chứng đắc, quán mọi sắc, thọ tưởng hành thức [10] là vô thường khổ vô ngã, giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, tập trung ấy, tập trung vào Bất tử và đoạn trừ lậu hoặc, thì thành a la hán. Nếu còn lậu hoặc, thích thú trong cảnh giới vừa chứng, thì sẽ hóa sinh vào đấy và nhập niết bàn, khỏi trở lui đời này. Ðấy là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kết sử. Nhưng do sai biệt về căn tính [11], có người chứng Tâm giải thoát, người chứng Tuệ giải thoát.

III. CHÚ GIẢI

1. Sở dĩ gọi là 5 hạ phần kết sử, vì chúng đưa đến tái sinh vào các cõi thuộc dục giới. Năm hạ phần kết sử chỉ được đoạn tận khi chứng quả Bất Hoàn.

2. Có thể có câu hỏi:"Ðức Phật đã hỏi về kết sử và vị thượng tọa cũng trả lời về kết sử, thì tại sao Phật quở trách câu trả lời của ông ta?" Lý do là vì Man đồng tử có kiến chấp rằng một người bị trói buộc bởi các ô nhiễm chỉ khi nào chúng tấn công người ấy, trong khi vào những lúc khác người ấy không bị các ô nhiễm ấy trói buộc. Ðức Phật nói để chỉ rõ lỗi lầm trong quan điểm này.

3. Trong các luận giải, các ô nhiễm được phân biệt thành 3 hình thái: anusaya hay tùy miên, khi chúng còn là những khuynh hướng tiềm tàng trong tâm; pariyutthàna hay hiện hành, khi chúng nổi lên ám ảnh và sai sử tâm; và vitikkama, khi chúng điều động cho thân và lời một cách bất thiện. Ðiểm quan trọng trong lời bác bỏ của Phật là, những kiết sử ngay cả khi chúng không hiện hành, vẫn tồn tại ở cấp bực tùy miên khi mà chúng chưa bị tận diệt nhờ tu tập các đạo lộ siêu thế.

4. Pháp này cũng có thể dịch là các sự vật.

5. Kết sử và tùy miên trên nguyên tắc không phải là 2 pháp riêng biệt; đúng hơn cũng một ô nhiễm ấy nhưng khi nó đang trói buộc người ta thì gọi là 1 kết sử, và khi nó không được từ bỏ thì gọi là tùy miên.

6. Upadhiviveka, viễn ly sanh y. Sanh y ở đây có nghĩa là 5 dục. Mặc dù 3 mệnh đề đầu của lời này có vẻ như cùng một ý với 2 mệnh đề tiếp theo, luận chỉ rằng chúng cốt để hiển thị cái phương tiện để trở thành "hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp."

7. Ðoạn này hiển thị sự phát triển tuệ quán trên cơ sở tịnh chỉ, dùng thiền chứng để tu huệ và lấy thiền ấy làm đối tượng cho tuệ quán. Ở đây 2 danh từ "vô thường và phân tán" chỉ rõ đặc tính vô thường; 3 danh từ "xa lạ, trống rỗng, không tự ngã" hiển thị đặc tính vô ngã; 6 danh từ còn lại hiển thị đặc tính khổ.

8. Vị ấy xoay tâm khỏi 5 uẩn bao gồm trong thiền, mà vị ấy đã thấy là mang dấu ấn của 3 đặc tính. Bất tử giới là niết bàn. Trước hết vị ấy hướng tâm về đó với ý thức có trí tuệ, sau khi đã nghe nó được ca tụng là "an ổn và tối thượng." Rồi với đạo lộ siêu thế "vị ấy hướng tâm đến đấy" bằng cách lấy nó làm đối tượng và thâm nhập nó, một cái gì rất an ổn và tối thượng.

9. Xem chú thích số 4, kinh 52, về chữ pháp.

10. Cần ghi nhận rằng khi các thiền chứng vô sắc được dùng làm căn bản cho tuệ quán, thì sắc uẩn không được bao gồm trong các đối tượng của tuệ quán. Bởi thế chỉ có 4 uẩn vô sắc được nói ở đây.

11. Trong số những người tu tịnh chỉ, có tỳ kheo đặt nặng sự nhất tâm thì khi chứng đắc vị ấy được gọi là tâm giải thoát; có vị đặt nặng về trí tuệ thì khi chứng đắc được gọi là tuệ giải thoát. Trong số những người tu tuệ quán, người nào nhấn mạnh trí tuệ thì được gọi là tuệ giải thoát, người nào nhấn mạnh nhất tâm thì gọi là tâm giải thoát. Hai đại đệ tử chính của Phật đắc quả A la Hán nhờ nhấn mạnh vừa tịnh chỉ vừa tuệ quán, nhưng tôn giả Xá lợi Phất trở thành một vị tuệ giải thoát và tôn giả Mục kiền Liên trở thành 1 vị tâm giải thoát. Như vậy lý do tên gọi khác nhau là do khả năng của họ khác nhau, giữa sự ưu thắng của định căn hay của tuệ căn.

IV. PHÁP SỐ

Bốn thiền, bốn không, năm hạ phần kết sử, năm uẩn.

V. KỆ TỤNG

Phật hỏi Malunkya
Về năm hạ kết sử
Thân kiến, nghi, giới thủ,
Tham dục và hận sân.
Malunkya bị quở
Không đáp được chất vấn
Vì tưởng đứa trẻ con
Không có năm thói ấy
Phật hiển thị cho thấy
Nơi đứa trẻ thơ ngây
Vẫn tiềm tàng ô nhiễm
Ðợi thời kỳ triển khai.
Kẻ vô văn phàm phu
Không tuệ tri thân kiến
Và xuất ly khỏi nó
Nên nó thành kiên cố
Nó thành một kết sử
Trói buộc vào hạ giới
Bốn kết sử còn lại
Cũng nên hiểu như đây.
Với đa văn đệ tử
Nhờ học pháp bậc thánh
Thường như thật tuệ tri
Thân kiến và xuất ly.
Không bị nó chi phối
Nên vị ấy không còn
Thân kiến cùng tùy miên
Kết sử khác cũng vậy.
Ðoạn trừ năm hạ kết
Phải theo một con đường
Như muốn có lõi cây
Phải đẽo các lớp vỏ.
Con đường đoạn kết sử
Trước hết trừ bất thiện
Viễn ly các sinh y
Rồi tu tập thiền định
Ly dục bất thiện pháp
Chứng trú thiền thứ nhất
Quán 5 uẩn vô thường
Khổ, không, không thực chất
Quán năm uẩn như bệnh,
Như cục bứu, mũi tên,
Kẻ địch, điều bất hạnh;
Giải thoát khỏi pháp ấy
Tập trung vào Bất tử
Xem thật là vi diệu
Sự tịnh chỉ các hành
Sự ái diệt, ly tham.
Nếu vững trú ở đây
Ðoạn trừ các lậu hoặc
Vị ấy chứng lậu tận
Thành bậc a la hán.
Nếu còn tham hỷ pháp
Vị ấy được hóa sinh
Khỏi trở lui đời này
Do đã đoạn hạ kết.
Nếu diệt tầm và tứ
Tỳ kheo chứng nhị thiền
Cho đến chứng tứ thiền
Và Không vô biên xứ
Rồi Thức vô biên xứ
Ðến Vô sở hữu xứ
Cũng quán sát như trên
Giải thoát khỏi năm uẩn
Thành la hán lậu tận
Còn tham, sẽ hóa sinh
Nhập niết bàn tại đấy
Khỏi trở lui đời này.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". --"Bạch Thế Tôn". Những vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thọ trì năm hạ phần kiết sử do Ta giảng dạy không?

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Malunkyaputta bạch Thế Tôn:

-- Con có thọ trì năm hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy.

-- Năm hạ phần kiết sử do Ta giảng dạy, này Malunkyaputta, Ông thọ trì như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, con thọ trì thân kiến là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn con thọ trì nghi là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì giới cấm thủ là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì dục tham là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì sân là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con thọ trì năm hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy.

-- Này Malunkyaputta, vì vấn đề gì (hay vì ai) Ông thọ trì năm hạ phần kiết này do Ta giảng dạy? Này Malunkyaputta, có phải các tu sĩ ngoại đạo cật vấn Ông với ví dụ này về đứa con nít? Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngủ không có tự thân, thời đâu nó có thể khởi lên thân kiến? Thân kiến tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ, đang nằm ngửa không có các pháp, thời từ đâu nó có thể khởi lên nghi hoặc đối với các pháp? Nghi tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa không có giới, thời từ đâu nó có thể khởi lên giới cấm thủ trong các giới? Giới cấm thủ tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa không có những dục, thời từ đâu nó có thể khởi lên lòng dục tham trong các dục? Dục tham, tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa không có các loài hữu tình, thời từ đâu nó có thể khởi lên lòng sân đối với các loài hữu tình? Sân tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, có phải các tu sĩ ngoại đạo cật vấn Ông với ví dụ này về đứa con nít?

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, Bạch Thiện Thệ, nay đã đến thời để Thế Tôn thuyết giảng năm hạ phần kiết sử. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

-- Vậy Ananda, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

-- Ở đây, này Ananda, có kẻ vô văn phàm phu, không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, sống với tâm bị triền phược bởi thân kiến, bị chi phối bởi thân kiến, và không như thật tuệ tri sự xuất ly thân kiến đã khởi lên. Thân kiến này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị nghi hoặc triền phược, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật tuệ tri sự xuất ly nghi hoặc đã khởi lên. Nghi hoặc này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị giới cấm thủ triền phược, bị giới cấm thủ chi phối và không như thật tuệ tri sự xuất ly giới cấm thủ đã khởi lên. Giới cấm thủ này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị dục tham triền phược, bị dục tham chi phối và không như thật biết sự xuất ly dục tham đã khởi lên, dục tham này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị sân triền phược, bị sân chi phối và không như thật tuệ tri, sự xuất ly sân đã khởi lên. Sân này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử.

Và này Ananda, có vị Ða văn Thánh đệ tử, đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, sống với tâm không bị thân kiến triền phược, không bị thân kiến chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly dục tham đã khởi lên. Thân kiến này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị nghi hoặc triền phược, không bị nghi hoặc chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly nghi hoặc đã khởi lên. Nghi hoặc này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị ấy sống với tâm không bị giới cấm thủ triền phược, không bị giới cấm thủ chi phối và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly giới cấm thủ đã khởi lên, giới cấm thủ của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị dục tham triền phược, không bị dục tham chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly dục tham đã khởi lên. Dục tham này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị sân triền phược, không bị sân chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly sân đã khởi lên. Sân này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ.

Này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu không thực hành con đường ấy, lộ trình ấy, nhưng năm hạ phần kiết sử được biết rõ, hay được thấy rõ, hay được đoạn trừ, sự tình như vậy không xảy ra. Ví như, này Ananda, đối với một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, nếu người ấy không đẽo vỏ trong, không đẽo giác cây, nhưng vẫn có thể đẽo được lõi cây, sự tình này không xảy ra.

Cũng vậy, này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu không thực hành con đường ấy, lộ trình ấy, nhưng năm hạ phần kiết sử sẽ được biết rõ, hay sẽ được thấy rõ, hay sẽ được đoạn trừ, sự tình như vậy không xảy ra. Và này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu thực hành con đường ấy, lộ trình ấy, thời năm hạ phần kiết sử sẽ được biết rõ, hay sẽ được thấy rõ, hay sẽ được đoạn trừ, sự tình như vậy xảy ra.

Ví như, này Ananda, đối với một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, nếu người ấy sau khi đẽo vỏ trong, sau khi đẽo giác cây, thời sẽ đẽo được lõi cây, sự tình này xảy ra. Cũng vậy, này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu thực hành con đường ấy, đạo lộ ấy, thời năm hạ phần kiết sử sẽ được biết rõ, hay sẽ được thấy rõ, hay sẽ được đoạn diệt, sự tình như vậy xảy ra.

Này Ananda, ví như sông Hằng, nước đầy tràn, con quạ có thể uống được. Rồi một người ốm yếu đi đến và nghĩ như sau: "Sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của ta, ta sẽ đến bờ bên kia an toàn". Nhưng người ấy không thể sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của người ấy, đến được bờ bên kia an toàn. Cũng vậy, này Ananda, bất cứ ai, khi được giảng pháp để đoạn trừ thân kiến, nếu tâm của vị ấy không thích thú, không hoan hỷ, không có định tĩnh, không có giải thoát, thời vị ấy cần phải được xem là giống người ốm yếu kia.

Này Ananda, ví như sông Hằng, nước lớn, đầy tràn, con quạ có thể uống được. Rồi một người lực sĩ đi đến và nghĩ như sau: "Sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của ta, ta sẽ đến bờ bên kia an toàn". Người ấy có thể sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng với tay của người ấy, đến được bờ bên kia an toàn. Cũng vậy, này Ananda, bất cứ ai, khi được giảng pháp để được đoạn trừ thân kiến, nếu tâm của vị ấy thích thú, hoan hỷ, có định tĩnh, có giải thoát, thời vị ấy được xem là giống như người lực sĩ kia

Và này Ananda, thế nào là con đường, thế nào là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: "Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm... ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba... xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường , khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: "Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, vị Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Hư không vô biên xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường... (như trên)... không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ... (như trên)... vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung vào bất tử giới và nghĩ rằng: "Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

-- Bạch Thế Tôn, nếu đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử thời do hành trì như thế nào mà một số vị Tỷ-kheo chứng tâm giải thoát, một số chứng tuệ giải thoát?

-- Ở đây, này Ananda, Ta nói rằng do sự sai khác về căn tánh.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt