Phật dạy các tỷ kheo bảy phương pháp để chế ngự và từ bỏ ô nhiễm, tức những phiền não căn bản cứ tiếp tục trói buộc con người vào chu kỳ sinh tử.
PHẦN TOÁT YẾU
Sàbbàsava Sutta - All the taints.
The Buddha teaches the Bhikkhus seven methods for restraining and abandoning the taints, the fundamental defilements that maintain bondage to the round of birth and death.
Tất cả nhiễm ô.
Phật dạy các tỷ kheo bảy phương pháp để chế ngự và từ bỏ ô nhiễm, tức những phiền não căn bản cứ tiếp tục trói buộc con người vào chu kỳ sinh tử.
TÓM TẮT
Có hai cách tác ý các pháp (hay để tâm suy tư về một việc gì): Như lý và không như lý. Như lý là khi tác ý, lậu hoặc chưa sinh không sinh, đã sinh được trừ diệt. Không như lý tác ý là khiến cho lậu hoặc chưa sinh phát sinh ra, lậu hoặc đã sinh thì tăng trưởng.
Bảy cách đoạn trừ là: bằng tri kiến, bằng phòng hộ, bằng thọ dụng, bằng kham nhẫn, bằng tránh né, bằng trừ diệt, bằng tu tập.
CHÚ GIẢI
Lậu hoặc hay ô nhiễm gồm ba loại: dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu. Loại 1 trói buộc con người vào khoái lạc giác quan, loại 2 vào tư tưởng quan niệm, và loại 3 vào sinh tử luân hồi nói chung.
Ðoạn trừ bằng Tri kiến là không để ý chuyện không đáng để ý, và chỉ tác ý những gì cần tác ý. Pháp của Như lai dạy là cốt cho người biết tác ý như lý và thấy rõ những gì không đáng tác ý. Không đáng tác ý là những vấn đề liên hệ đến bản ngã trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nguồn gốc của sáu tà kiến như sau:
- "Ta có tự ngã " - "self exists for me": thuyết duy linh, thuộc thường kiến.
- "Ta không có tự ngã " - "no self exists for me": thuyết duy vật, cho chỉ có thể xác, chết là hết.
- "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã " - "I perceive self with self": chấp "ngã " gồm cả hai, linh hồn và thể xác.
- "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã " - "I perceive not-self with self": chấp "ngã " chỉ là phần hồn.
- "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã " - "I perceive self with not-self": chấp "ngã " chỉ là phần xác.
- "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ácđã làm chỗ này chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú không chuyển biến ": "It is this self of mine that speaks and feels and experiences here and there the result of good and bad actions; but this self of mine is permanent… no subject to change" Một dạng hoàn toàn chấp hữu, chấp thường.
Bị trói buộc bởi những tà kiến ấy, phàm phu không thoát khỏi sinh già chết sầu bi khổ ưu não. Ngược lại, thánh đệ tử nhờ tác ý như lý "đây là khổ " đây là nguyên nhân khổ "đây là khổ diệt " "đây là con đường đưa đến diệt khổ "… mà ba kiết sử được trừ diệt là thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Ðấy gọi là đoạn trừ bằng tri kiến.
Ðoạn trừ bằng phòng hộ là giữ gìn chính niệm khi sáu căn tiếp xúc sáu trần.
Ðoạn trừ bằng thọ dụng là biết đủ đối với bốn vật dụng ăn mặc ở bệnh.
Ðoạn trừ bằng kham nhẫn là hoan hỷ chịu đựng những cảm giác khó chịu về thân tâm.
Ðoạn trừ bằng tránh né là tránh những người, vật, nơi chốn nguy hiểm, có thể làm phát sinh phiền não.
Ðoạn trừ bằng trừ diệt là không chấp nhận cho dục niệm, sân niệm, hại niệm khởi lên, diệt trừ chúng ngay trong mầm mộng.
Ðoạn trừ bằng tu tập là thường tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả. Trong bảy pháp, niệm hay chính niệm cần luôn luôn có, sáu pháp còn lại thuộc vào hai nhóm: trạch pháp tinh tấn hỷ thuộc "động", khinh an định xả thuộc "tĩnh". Khi tâm lừ đừ, nên tu tập các pháp động, khi tâm quá hăng, nên tu các pháp tĩnh để châm chước, như thợ luyện vàng.
PHÁP SỐ
Hai cách tác ý: như lý và phi như lý.
Hai nhẫn: nhẫn sự chịu khó về thân và về tâm.
Ba lậu hoặc: [lậu: lọt; hoặc: mê lầm] dục, hữu, vô minh.
Bốn vật dụng: về ăn mặc ở bệnh.
Sáu căn môn: mắt tai mũi lưỡi thân ý.
Bảy cách trừ hoặc: tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt, tu tập.
Bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả.
KỆ TỤNG
Muốn tận trừ nhiễm ô
Phải biết rõ thấy rõ:
Biết tác ý như lý
Thấy gì "không như lý ".
"Như lý " là cách nghĩ
Khiến ô nhiễm không sinh
Lại có thể diệt trừ
Nhiễm ô đã sinh khởi.
Có bảy cách trừ mê:
Tri kiến và phòng hộ
Thọ dụng và kham nhẫn
Tránh né và trừ diệt
Giác chi là thứ bảy.
Ðoạn trừ nhờ phòng hộ
Là gìn giữ sáu căn
Tức giữ gìn cửa "ý "
Khi tiếp xúc sáu trần.
Ðoạn trừ bằng thọ dụng
Là biết đủ không tham
Bốn vật dụng cần dùng
Cốt vượt qua biển khổ.
Ðoạn trừ bằng kham nhẫn:
Những thống khổ khốc liệt
Do người, vật gây nên
Vui nhận không than oán.
Ðoạn trừ nhờ tránh né
Tránh mạo hiểm du hành
Tránh giao du bất đáng
Thì phiền não không sinh.
Ðoạn trừ bằng trừ diệt
Những ý xấu khởi lên
Liên hệ dục, sân, hại
Tỳ kheo phải dứt liền.
Tu tập bảy giác chi
Hướng ly tham, từ bỏ
Ðoạn trừ các ô nhiễm
Là diệt tận khổ đau.
-ooOoo-
PHẦN CHÁNH KINH
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo!" --"Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc". Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói". --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Thế Tôn nói như sau:
(Tóm lược)
-- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.
Vị ấy không như lý tác ý như sau: "Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?" Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: "Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?".
Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: "Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại". Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.
Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.
Vị ấy như lý tác ý: "Ðây là khổ", như lý tác ý: "Ðây là khổ tập", như lý tác ý: "Ðây là khổ diệt", như lý tác ý: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ? Ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai... (như trên)... sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ mũi... (như trên)... sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi... (như trên)... sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân... (như trên)... sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.
Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".
Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.
Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (dục niệm ấy); không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy); không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy); không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp ấy). Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.
(Các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
(Kết luận)
Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt