Nhập tức xuất tức niệm

I. TOÁT YẾU

Nàpànasati Sutta - Mindfulness of Breathing.

An exposition of sixteen steps in mindfulness of breathing and of the relation of this meditation to the four foundations of mindfulness and the seven enlightenment factors.

[Trình bày 16 bước trong pháp niệm hơi thở, tương quan giữa thiền pháp này với Bốn niệm xứ và Bảy giác chi.]

II. TÓM TẮT

Vào lễ tự tứ [1] đêm rằm, Phật ngồi giữa trời được vây quanh bởi một đại chúng gồm những vị thượng thủ danh tiếng. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi khen hội chúng này thật toàn hảo, đã đắc quả từ Dự lưu đến A la hán, hoặc là những vị chuyên tu thiền bốn niệm xứ cho đến bát thánh đạo. Ngài tuyên bố sẽ ở lại đấy (Xá vệ) cho đến tháng tư lễ Komudi [2]. Những tỷ kheo tại địa phương đến quy tụ để hành thiền. Họ chuyên tâm tu tập bốn phạm trú, tu tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, hoặc tu niệm hơi thở vô ra.

Pháp môn niệm hơi thở này, nếu được tu tập viên mãn, sẽ đưa đến kết quả lớn là viên mãn bốn niệm xứ. Do viên mãn bốn niệm xứ mà bảy giác chi được viên mãn. Do bảy giác chi viên mãn mà minh giải thoát được viên mãn.

Như thế nào tu niệm hơi thở được viên mãn sẽ có kết quả lớn, công đức lớn? Vị tỷ kheo đi đến chỗ trống, ngồi kiết già lưng thẳng an trú chính niệm trước mặt. Chính niệm, vị ấy thở vô, chính niệm vị ấy thở ra.

Thở vô dài, vị ấy biết tôi thở vô dài. Hay thở ra dài, vị ấy biết tôi thở ra dài. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết tôi thở vô ngắn. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết tôi thở ra ngắn. Vị ấy tập: Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra. [3]

Vị ấy tập: Cảm giác hỷ thọ [4], tôi sẽ thở vô. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô. Cảm giác lạc thọ [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô. Cảm giác tâm hành [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.

Vị ấy tập: Cảm giác về tâm [6], tôi sẽ thở vô. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm hân hoan [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm định tĩnh [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm giải thoát [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.

Vị ấy tập: Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở vô [7]. Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở vô. Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở vô. Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vô. Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra.

Bốn pháp đầu, trong khi quán thân thể [8] như là thân thể, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Khi quán cảm thọ [9] như là cảm thọ với bốn pháp tiếp theo, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Với nhóm bốn pháp thứ ba, trong khi quán tâm trên tâm [10], vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu [11] ở đời. Trong khi quán pháp trên các pháp với nhóm bốn pháp thứ tư cũng vậy. Như vậy là bốn niệm xứ được viên mãn nhờ quán hơi thở vô ra.

Bảy giác chi [12]: Trong khi tỷ kheo tùy quán thân trên thân, niệm giác chi phát sinh và đi đến viên mãn. Nhờ tư duy thẩm sát trong khi có chính niệm [13] trạch pháp giác chi sinh khởi và đi đến viên mãn. Trong khi thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động khởi lên gọi là tinh tấn giác chi, và khi tinh tấn giác chi viên mãn thì hỷ phi vật chất sinh khởi. Tâm hoan hỷ đi đến viên mãn sẽ khiến thân tâm khinh an, là khinh an giác chi. Khi tâm được khinh an, an lạc, sẽ đưa đến định giác chi, và với tâm định tĩnh thì dễ nhìn sự vật với thái độ xả, đấy là xả giác chi. Ðối với ba nhóm còn lại là thọ, tâm, pháp cũng thế.

Minh giải thoát: Bảy giác chi được tu tập viên mãn khiến cho minh giải thoát được viên mãn là vì cả bảy giác chi đều liên hệ đến viễn ly, ly tham, diệt, xả ly.

III. CHÚ GIẢI

1. Pavàranà lễ tự tứ, là lễ kết thúc an cư mùa mưa, trong lễ này các tỷ kheo thỉnh cầu lẫn nhau giáo giới, chỉ lỗi cho mình.

2. Komudì là ngày rằm tháng Kattika, tháng thứ tư mùa mưa; nó được gọi như vậy vì vào mùa mưa ấy hoa kumuda (hoa súng) nở.

3. Ðoạn bốn pháp đầu được giải thích trong kinh số 10, chỉ khác đoạn này ở chỗ thêm ví dụ. Vì đã giải thích bốn niệm xứ quán về hơi thở trong Thanh Tịnh Đạo nên ở MA, Luận sư Buddhaghosa chỉ nói độc giả tham khảo luận TTD. Bốn chú thích sau đều rút từ TTD VII.

4. Người ta kinh nghiệm hỷ thọ theo hai cách: nhờ đạt hai thiền đầu trong đó có mặt hỷ, hành giả cảm thọ hỷ theo kiểu khinh khoái. Cách thứ hai là nhờ xuất khỏi thiền ấy và quán sát hỷ cũng phải bị hoại diệt, như vậy hành giả được hỷ theo kiểu tuệ giác.

5. Cũng phương pháp giải thích ấy áp dụng cho mệnh đề hai và ba, ngoại trừ mệnh đề hai bao hàm ba thiền dưới còn mệnh đề ba bao hàm cả bốn thiền. Tâm hành là tưởng và thọ được an tịnh nhờ tuần tự phát triển các tầng mức cao hơn về tịnh chỉ và tuệ quán.

6. Cảm thọ về tâm cần hiểu là nhờ bốn thiền. Khiến tâm hân hoan là hoặc đắc hai thiền đầu có hỷ hoặc đi sâu và hai thiền bằng tuệ quán để thấy chúng vô thường, vân vân. Khiến tâm định tĩnh ám chỉ hoặc định chứng thuộc thiền, hoặc sự tập trung chốc lát (sát na định) khởi lên cùng với tuệ quán. Khiến tâm giải thoát có nghĩa là giải thoát tâm khỏi các chướng ngại và các thiền chi thô nhờ các định chứng cao dần, và khỏi các nhận thức sai lầm nhờ tri kiến thuộc tuệ.

7. Ðoạn bốn pháp này hoàn toàn đề cập tuệ giác, không giống ba đoạn trước đề cập cả chỉ lẫn quán. Quán ly tham và quán đoạn diệt có thể hiểu là tuệ quán đi sâu vào tính vô thường của các hành, và là đạo lô siệu thế chứng niết bàn ly dục (viràga) và chấm dứt khổ đau. Quán từ bỏ là sự từ bỏ nhiễm ô nhờ tuệ và sự thể nhập niết bàn nhờ đạo.

8. Hơi thở ra vào cần được xem như phong đại làm nên thân thể trong bốn đại. Nó cũng cần được hiểu là xúc xứ trong các pháp thuộc về thân (vì đối tượng chú ý là sự chạm xúc của hơi gió ra vào nơi cửa mũi).

9. MA giải thích sàdhuka manasikàra (tác ý một cách sát nút) tự nó không phải là cảm giác thực, mà đây chỉ nói ẩn dụ. Trong đoạn bốn pháp thứ hai, cảm thọ thực thụ là lạc thọ nói trong câu hai và cảm giác bao hàm trong chữ tâm hành trong câu ba và bốn.

10. MA: Mặc dù thiền giả lấy tướng hơi thở vô ra làm đề mục tu, vị ấy vẫn được xem là đang quán tâm như là tâm, vì đang duy trì tâm mình trên đối tượng bằng cách đánh thức hai tâm pháp là chính niệm và tỉnh giác.

11. MA: Tham và ưu là hai triền cái đầu tức dục và sân, và do vậy tiêu biểu sự quán các tâm pháp khởi đầu bằng năm triền cái. Vị ấy từ bỏ được triền cái nhờ quán vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và đi đến kết quả là nhìn đối tượng với tâm xả.

12. MA nói đoạn kinh này hiển thị các giác phần cùng hiện hữu trong từng sát na tâm khi tu thiền quán.

13. MA: Chính niệm theo dõi hơi thở là thuộc thế gian; chính niệm thế gian này làm hoàn hảo nền tảng chính niệm thế gian; nền tảng chính niệm thế gian kiện toàn các đại chi siêu thế; và các đại chi siêu thế làm viên mãn chính trí và giải thoát, nghĩa là quả và niết bàn.

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

Ðêm trăng rằm tự tứ
Ðức Phật ngồi giữa trời
Với đại chúng vây quanh
Toàn thượng thủ danh tiếng.
Ngài đưa mắt nhìn quanh
Khen hội chúng toàn hảo
Gồm nhiều vị La hán
Tối thiểu cũng Dự lưu.
Ngài cho đại chúng biết
Như Lai sẽ lưu lại
Tại thành Xá vệ này
Ðến rằm tháng tư sau.
Khi được biết tin ấy
Những tỷ kheo địa phương
Quy tụ lại hành thiền
Theo lời Phật chỉ dạy.
Hoặc tu bốn phạm trú
Hoặc tu tưởng bất tịnh
Hoặc tu tưởng vô thường
Hoặc tu niệm hơi thở.
Phật dạy pháp môn này
Nếu tu tập viên mãn
Sẽ có kết quả lớn:
Viên mãn bốn niệm xứ
Kiện toàn bảy giác chi
Cho đến minh giải thoát.
Pháp quán niệm hơi thở
Gồm mười sáu đề mục
Về thân thọ tâm pháp
Cách tu tập như sau.
Tỷ kheo chọn chỗ vắng
Ngồi kiết già lưng thẳng
An trú niệm trước mặt
Tỉnh giác, thở vô ra.
Hơi vô dài, rõ biết
Hơi ra dài, rõ biết
Hơi thở ngắn cũng vậy
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở vô,
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở vô
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thân.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác tâm hành,
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thọ.
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở vô
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Tâm.
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Pháp.
Trong khi quán thân thể
Chỉ như là thân thể
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tỉnh giác và chính niệm
Ðể điều phục tham ưu
Ðối với mọi sự đời.
Trong khi quán cảm thọ
Quán tâm và các pháp
Qua mười sáu đề mục
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Chính niệm và tỉnh giác
Ðể điều phục tham ưu
Ðối với mọi sự đời.
Như vậy bốn niệm xứ
Ðược tu tập viên mãn
Nhờ quán thở vô ra.
Trong khi tùy quán thân
Và quán thọ, tâm, pháp
Niệm giác chi phát sinh
Và đi đến viên mãn.
Nhờ tư duy thẩm sát
Trong khi có chính niệm
Trạch pháp giác chi sinh
Và đi đến viên mãn.
Trong khi thẩm sát pháp
Sự tinh tấn khởi lên
Là tinh tấn giác chi
Khi tinh tấn viên mãn
Hỷ phi vật chất sinh.
Tâm hoan hỷ tột độ
Sẽ khiến thân nhẹ nhàng
Và tâm cũng khoan khoái
Là khinh an giác chi.
Khinh an đưa đến lạc
Lạc đưa đến định
Gọi là định giác chi.
Và với tâm định tĩnh
Ta dễ nhìn sự vật
Với thái độ buông xả
Ðấy là xả giác chi.
Bảy giác chi tu tập
Ði đến chỗ viên mãn
Minh giải thoát phát sinh
Vì cả bảy giác chi
Ðều liên hệ viễn ly
Ly tham, diệt, giải thoát.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Ðông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatupasade), cùng với rất nhiều Thượng tọa có thời danh, có danh xưng như Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahamoggallana (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Mahakaccayana (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahakotthita (Ðại Câu-hy-la), Tôn giả Mahakappina (Ðại Kiếp-tân-na), Tôn giả Mahacunda (Ðại Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa) và Tôn giả Ananda (A-nan), cùng với nhiều bậc Thượng tọa đệ tử khác có thời danh, có danh xưng.

Lúc bấy giờ, các Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy các tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy mười tân Tỷ-kheo. Một số Thượng Tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy hai mươi tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ba mươi tân Tỷ-kheo. Một số Thượng Tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy bốn mươi tân Tỷ-kheo. Và các tân Tỷ-kheo được các Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt.

Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày Bố-tát, ngày rằm, vào đêm trăng tròn sau ngày Tự tứ, đang ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng, rồi bảo các Tỷ-kheo:

-- Ta được thỏa mãn, này các Tỷ-kheo, với đạo lộ này. Tâm ta được thỏa mãn, này các Tỷ-kheo, với đạo lộ này. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn hơn nữa, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây, tại Savatthi cho đến tháng tư, lễ Komudi.

Những Tỷ-kheo địa phương được nghe: "Thế Tôn sẽ ở đây, tại Savatthi, cho đến tháng tư, lễ Komudi". Các Tỷ-kheo địa phương tụ họp tại Savatthi để yết kiến Thế Tôn.

Và các Thượng tọa Tỷ-kheo lại càng khuyến giáo, giảng dạy các tân Tỷ-kheo nhiều hơn nữa. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy mười tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy hai mươi tân Tỷ-kheo, Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ba mươi tân Tỷ-kheo. Một số Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy bốn mươi tân Tỷ-kheo. Và những tân Tỷ-kheo được các Thượng tọa Tỷ-kheo khuyến giáo, giảng dạy ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt.

Lúc bấy giờ Thế Tôn vào ngày Bố-tát, ngày rằm, vào đêm trăng tròn, ngày lễ Komudi vào tháng tư, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, chung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn sau khi nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng liền bảo các Tỷ-kheo:

-- Hội chúng này, này các Tỷ-kheo, không có lời thừa thãi. Hội chúng này, này các Tỷ-kheo, không có lời dư thừa, đã được an trú trong lõi cây thanh tịnh. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng bố thí ít, được phước báo nhiều; bố thí nhiều, càng được phước báo nhiều hơn nữa. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng khó thấy ở đời. Chúng Tỷ-kheo như thế này, này các Tỷ-kheo, hội chúng như thế này, này các Tỷ-kheo, là một hội chúng xứng đáng đi nhiều do tuần (yojana) với một bao lương thực trên vai để đến yết kiến. Chúng Tỷ-kheo này là như vậy, này các Tỷ-kheo; hội chúng này là như vậy, này các Tỷ-kheo.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí. Này các Tỷ-kheo, có những bậc Tỷ-kheo như vậy trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, này có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập bốn niệm xứ. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập bốn chánh cần. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong hội chúng này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bốn như ý túc. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập năm căn. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập năm lực. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bảy giác chi. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này có những Tỷ-kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập Thánh đạo tám ngành. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập từ tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bi tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập hỷ tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập xả tâm. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo, sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bất tịnh. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này có những Tỷ-kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập vô thường tưởng. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này. Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập nhập tức xuất tức niệm.

(Quán niệm hơi thở)

Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Nhập tức xuất tức niệm, được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho minh giải thoát (vijjavimutti) được viên mãn.

Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là tu tập nhập tức xuất tức niệm? Như thế nào là làm cho sung mãn? Như thế nào là quả lớn, công đức lớn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng và trú niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra.

Thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

"Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

"Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỷ-kheo, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn.

(Làm viên mãn bốn niệm xứ)

Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là nhập tức xuất tức niệm được tu tập? Như thế nào là làm cho sung mãn, khiến bốn niệm xứ được viên mãn?

Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay khi thở ra dài, vị ấy biết "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay khi thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đối với các thân, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nghĩ: "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán thọ trên các thọ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đối với các cảm thọ, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghĩ: "Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tu tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, sự tu tập nhập tức xuất tức niệm không thể đến với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán tâm trên tâm, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghĩ: "Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham.... quán đoạn diệt... quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán trên các pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy, do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn sự vật với niệm xả ly. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỷ-kheo, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

(Làm viên mãn bảy giác chi)

Và bốn niệm xứ, này các Tỷ-kheo, được tu tập như thế nào, được làm sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

Này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỷ-kheo. Trong khi ấy, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy, niệm giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.

Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỷ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỷ-kheo. Trong khi ấy, Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy, trạch pháp giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.

Trong khi Tỷ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với Tỷ-kheo ấy. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy, tinh tấn giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.

Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị tinh tấn tinh cần. Này các Tỷ-kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi Tỷ-kheo tinh tấn tinh cần, trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, hỷ giác chi được vị Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy hỷ giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn.

Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn.

Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy, định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, định giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn.

Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly, trong khi ấy, xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, xả giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi, được Tỷ-kheo làm cho đến sung mãn.

Này các Tỷ-kheo, trong khi quán thọ trên các cảm thọ...

Này các Tỷ-kheo, trong khi quán tâm trên tâm...

Này các Tỷ-kheo, trong khi quán pháp trên các pháp, Tỷ-kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú, không có hôn mê. Này các Tỷ-kheo, trong khi niệm của Tỷ-kheo được an trú, không có hôn mê, niệm giác chi, trong khi ấy, được bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Niệm giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo tu tập. Niệm giác chi trong khi ấy, được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, trong khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo tu tập. Trạch pháp giác chi trong khi ấy đi đến sung mãn, tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi lên nơi vị Tỷ-kheo. Tinh tấn giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Tinh tấn giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Ðối với vị ấy, tinh cần tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo tinh cần tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi Tỷ-kheo. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo tu tập. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có tâm khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị ấy có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, định giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỷ-kheo. Trong khi ấy, xả giác chi được Tỷ-kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỷ-kheo làm cho đi đến sung mãn.

Này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được sung mãn.

(Minh giải thoát được viên mãn)

Và này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh giải thoát được viên mãn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly; tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly. Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt