Kinh Năm và Ba

I. TOÁT YẾU

Devadaha Sutta.

A survey of various speculative views about the future and the past and of misconceptions about Nibbàna.

[Xét qua các kiến chấp siêu hình về vị lai quá khứ và những quan niệm sai lạc về Niết bàn.]

II. TÓM TẮT

Tại vườn Cấp cô độc [1], Phật dạy chúng tỷ kheo các chủ thuyết ngoại đạo luận bàn về tương lai tự ngã sau khi chết:

1. không bệnh [2], có tưởng;
2. không bệnh, không tưởng;
3. không bệnh, phi tưởng phi phi tưởng;
4. đoạn diệt;
5. Hiện tại Niết bàn.

Tóm lại, ba chủ trương đầu thuộc thường kiến (cho rằng sau khi chết, tự ngã tồn tại không bệnh), chủ trương 4 là đoạn kiến (cho hữu tình chết là hết); chủ trương cuối chấp hiện tại Niết bàn. Những chủ thuyết ấy xoay vần từ 5 còn lại 3 (gồm 3 loại thường kiến kể như một, một đoạn kiến và một hiện tại niết bàn), hoặc từ 3 thành 5.

A. Thường kiến loại một là Hữu tưởng (sau khi chết tự ngã không bệnh, có tưởng), chia ra nhiều thuyết: 1. (tự ngã) có sắc; 2. không sắc; 3. vừa có vừa không sắc; 4. không có không không sắc; 5. tưởng đồng nhất; 6. tưởng dị biệt; 7. tưởng hữu hạn; 8. tưởng vô lượng [3]. Vượt trên các tưởng này, còn có một số ít cho rằng tự ngã là biến xứ Thức vô lượng và bất động [4], hoặc cho tự ngã là tưởng Vô sở hữu xứ. Họ cho cái tưởng không có gì siêu việt các tưởng về sắc, vô sắc, hữu hạn hay vô lượng [5]. Như Lai biết rõ đấy toàn là hữu vi (có điều kiện), và cái gì có điều kiện đều thô. Nhưng có niết bàn là sự chấm dứt các hành, và vì biết cái này là sự thoát ly, Như Lai đã ra khỏi các tưởng ấy [6].

B. Thường kiến loại hai là Vô tưởng [sau khi chết, tự ngã không có tưởng, không bệnh] chia ra: 1. tự ngã có sắc; 2. không sắc; 3. vừa có vừa không sắc; 4. không có không không sắc [7]. Những vị này bài bác chủ trương hữu tưởng, cho tưởng là bệnh hoạn, cục bướu, mũi tên, chỉ có vô tưởng là an tịnh, cao cả. Ðối với chủ trương vô tưởng này, Như Lai biết rõ: Ngoài năm uẩn ra, không thể nói sự đến đi sinh diệt tăng trưởng thuần thục của thức [8]. Ðấy vẫn còn là hữu vi, thô. Thấy được cái này, tức sự thoát ly khỏi hữu vi, Như Lai đã vượt qua vô tưởng.

C. Thường kiến loại ba là Phi tưởng phi phi tưởng, cũng có 4 trường hợp như trên là (tự ngã sau khi chết không bệnh, không có cũng không không tưởng) có sắc, không sắc, cũng có cũng không, không có không không sắc [9]. Những sa môn bà la môn này bài bác các chủ trương hữu tưởng, và cũng bài bác chủ trương vô tưởng. Họ nói hữu tưởng là bệnh, cục bướu…, còn vô tưởng thì kỳ cục [10]; chỉ có cái này là thù diệu, đó là phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai biết không thể có sự chứng nhập xứ này nếu còn tạo tác của thấy, nghe, cảm, biết (kiến văn giác tri), vì đấy là một tai họa cho việc chứng nhập xứ này [11]. Họ lại công bố xứ này không phải được chứng nhập bằng các (tâm) hành, mà bằng tàn dư của các hành[12]. Ðây vẫn còn hữu vi thô. Như Lai biết rõ có sự chấm dứt các hành gọi là Niết bàn. Sau khi biết rõ Có cái này (niết bàn), thấy rõ sự thoát ly khỏi cái kia (các hành), Như Lai đã vượt khỏi hành.

D. Ðoạn kiến: Những sa môn bà la môn chấp sau khi chết tự ngã đoạn diệt, hủy diệt [13] thì bài bác cả ba chủ trương trên, là hữu tưởng, vô tưởng và phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai biết những kẻ này sợ hãi chán ghét tự ngã nhưng vẫn chạy vòng quanh ngã [14], như một con chó bị cột vào dây cọc không ngừng chạy quanh cây cọc.

Tóm lại, những kiến chấp về tương lai đều lập một trong năm xứ đã kể [15] (không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng, và hiện tại niết bàn.)

E. Về quá khứ, các sa môn bà la môn có 16 kiến chấp như sau về tự ngã và thế giới:

1. Thường[16];
2. Vô thường [17];
3. Thường và vô thường [18];
4. Không thường, không vô thường [19];
5. Hữu biên [20];
6. Vô biên;
7. Hữu biên và vô biên;
8. Không hữu biên không vô biên;
9. Tưởng đồng nhất [21];
10. Tưởng sai biệt;
11-12. Tưởng hữu hạn, vô lượng;
13-14. Toàn vui, toàn khổ;
15. Vừa khổ vừa vui;
16. Không khổ không vui.

Những vị giữ một trong 16 kiến chấp này đều cho chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai. Nhưng về điều này, họ không có một tri kiến thuần tịnh thân chứng nào ngoài niềm tin, sự hoan hỉ chấp nhận, nghe đồn, suy xét lý do, chấp nhận quan điểm [22]. Cho nên dù họ có quan điểm gì cũng chỉ là chấp thủ tà kiến [23]. Sau khi biết rõ Có cái này (niết bàn), thấy rõ sự thoát ly khỏi cái kia (các hành), Như Lai đã vượt khỏi tất cả hành [24].

F. Hiện tại Niết bàn [25]

Một số sa môn bà la môn [26] từ bỏ quan điểm về quá khứ vị lai, ít dục, an trú viễn ly hỷ [27]; nhưng khi viễn ly hỷ này diệt thì ưu tư sanh khởi, ưu tư diệt thì viễn ly hỷ sinh [28] như hết bóng mát lại bị nóng, hết nóng lại mát. Như Lai biết cái này là hữu vi pháp và đã vượt khỏi hữu vi. Lại có người còn vượt qua vượt khỏi hữu vi. Lại có người còn vượt qua viễn ly hỉ, đạt được phi vật chất lạc [29] cho là thù điệu. Nhưng khi phi vật chất lạc bị diệt thì viễn ly hỷ sanh, và ngược lại. Cái này cũng thuộc hữu vi, Như Lai đã vượt qua. Có người vượt qua cả 2 thứ hỷ lạc trên, an trú bất khổ bất lạc cho là thù điệu. Nhưng khi bất khổ bất lạc này diệt, phi vật chất lạc [30] lại sinh, như bóng mát nhường chỗ cho sức nóng. Như Lai biết đây cũng thuộc hữu vi và đã vượt qua. Lại có người vượt qua tất cả chủ thuyết và tu tập trên, không dục kiết sử, vượt qua hỷ, lạc, vô khổ vô lạc, quán "ta là tịch tịnh không chấp thủ." [31] Nhưng Như Lai biết vị này vẫn còn chấp thủ [32].

Vô thượng tịch tịnh được Như Lai chính đẳng giác, đạt giải thoát không chấp thủ [33] do biết tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt và nguy hiểm của 6 xúc xứ [34].

[đại ý đoạn này Phật dạy người nào chứng đến tứ thiền nhưng còn có ý nghĩ Ta là tịch tịnh thì vẫn còn chấp trước mặc dù đã đi đúng đường đến Niết bàn. Vô thượng Niết bàn được Như Lai thân chứng là khi thấy rõ cả 2 khía cạnh sinh và diệt, vị ngọt cùng nguy hiểm của 6 căn 6 trần, nhờ thấy rõ nên giải thoát chấp thủ vào 6 xúc xứ, nghĩa là thoát khỏi 5 uẩn hay cái Ta.]

III. CHÚ GIẢI

1. Kinh này tương tự kinh Phạm Võng trong Trường Bộ kinh.

2. Arogavô bệnh, theo Kinh sớ, là chấp thường (chủ trương sau khi chết tự ngã vẫn tồn tại).

3. Kinh Phạm Võng đề cập mười sáu kiến chấp kiểu này, gồm tám quan điểm nói ở đây và thêm: (tự ngã) hữu biên, vô biên, vừa hữu vừa vô, phi hữu phi vô biên; toàn vui, toàn khổ, vừa vui vừa khổ, không vui không khổ. Trong kinh này tám quan điểm sau được kể như những suy tưởng về quá khứ.

4. Rõ ràng những kiến chấp ngã vô sắc, có tưởng đồng nhất hoặc tưởng dị biệt, căn cứ vào sự chứng đắc Không vô biên xứ. Biến xứ Thức theo kinh sớ, là Thức vô biên xứ. Những người chứng Thức vô biên xứ tuyên bố xứ này là tự ngã.

5. Tưởng trong thiền vô sắc thứ ba - Vô sở hữu xứ - là vi tế nhất trong các tưởng thế gian. Mặc dù trong thiền vô sắc thứ tư (Phi tưởng phi phi tưởng) vẫn còn có một loại tưởng, song nó quá vi tế nên không còn thích hợp để gọi là tưởng.

6. Theo Kinh sớ, đoạn này có nghĩa như sau: Tất cả loại tưởng này cùng các kiến chấp liên hệ đều hữu vi, và vì hữu vi nên thô. Nhưng có Niết bàn, được gọi là sự chấm dứt tất cả hành, nghĩa là cái hữu vi. Sau khi biết rõ Có cái này, nghĩa là Niết bàn, thấy sự thoát ly khỏi hữu vi, đức Như Lai đã vượt qua hữu vi pháp.

7. Bốn trường hợp sau (tưởng đồng nhất, dị biệt, hữu hạn, vô lượng) không được kể ở đây vì phái này chấp ngã là vô tưởng. Kinh Phạm võng đề cập tám kiến chấp, ngoài bốn cái này thêm hữu biên, vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, phi hữu phi vô biên.

8. Theo Kinh sớ, lời này nhắm đến các cõi chúng sinh đủ cả năm uẩn. Trong các cõi vô sắc, thức sinh khởi không cần có sắc uẩn, và trong cõi vô tưởng thì có sắc không thức. Nhưng thức không bao giờ sinh mà vắng bóng ba tâm uẩn kia (thọ, tưởng, hành).

9. Kinh Phạm võng kể thêm bốn chấp hữu biên vô biên, vv.

10. Sammoha, ở đây có nghĩa khác với ngu si vọng tưởng như thường hiểu. (Bản Anh dịch là stupefaction).

11. Kiến văn giác tri chỉ cho các nhận thức qua cửa ngõ giác quan. Muốn đắc thiền vô sắc thứ tư, phải vượt qua mọi tâm hành thường ngày liên hệ các giác quan, vì nó là chướng ngại cho sự chứng đắc xứ này (Phi tưởng phi phi tưởng xứ). Do vậy tưởng này gọi là phi tưởng (neva sannì).

12. Sasankhàràvasesasamàpatti. Trong thiền vô sắc thứ tư, một tâm hành vô cùng vi tế vẫn còn sót lại, nên gọi là Phi phi tưởng.

13. Kinh Phạm võng giải thích bảy loại chấp đoạn, ở đây gồm chung thành một loại.

14. Sự sợ hãi chán ghét tự ngã là một khía cạnh của phi hữu ái (vibhavahanhà), khát khao phi hữu, gọi là đoạn kiến. Nó cũng còn mang sự chấp ngã, cho rằng lúc chết là ngã hủy diệt, và do đó mặc dù nó chối bỏ ngã, thuyết này vẫn trói buộc người ta vào vòng sinh tử.

15. Kỳ thực Phật mới kể ra có bốn loại tư duy về tương lai.

16. Quan điểm này bao gồm cả bốn hạng chấp thường tư duy về quá khứ, đề cập trong kinh Phạm võng.

17. Vì đây là quan điểm về quá khứ, ta có thể xem nó ngụ ý ngã và thế giới tự nhiên phát sinh không do từ đâu cả. Như vậy nó cũng gồm cả hai thuyết ngẫu sinh trong kinh Phạm võng.

18. Thuyết này bao gồm cả bốn loại chấp một phần bất diệt (thường).

19. Thuyết này có thể gồm luôn bốn loại chủ thuyết trườn uốn như con lươn nói trong kinh Phạm võng.

20. Các kiến chấp từ 5-8 tương đương với bốn thuyết về không gian (extensionists) trong kinh Phạm võng.

21. Tám chấp này, từ số 9 đến 16, trong kinh Phạm võng được kể vào các chủ thuyết về tương lai tự ngã bất diệt, hữu tưởng.

22. Nghĩa là, chủ tuyết họ không căn cứ trên trí tuệ mà chỉ dựa vào niềm tin hoặc suy luận. Kinh số 95 nói năm nền tảng niềm tin này có thể đưa đến hậu quả đúng hoặc sai.

23. Kinh sớ: đấy không phải là chân thật trí mà chỉ là tà giải (hiểu sai), nên gọi là ôm giữ quan điểm (chấp thủ kiến).

24. Theo Kinh sớ, ngang đây đã bao gồm tất cả sáu mươi hai kiến chấp đề cập trong kinh Phạm võng; nhưng kinh này có phạm vi rộng lớn hơn vì nó còn bao gồm một trình bày về ngã kiến, nhất là ở đoạn cuối nói về một vị chứng tứ thiền.

25. Tiêu đề này do đại đức Nanamoli đưa vào cho đủ số năm, vì ở trên Phật chỉ mới trình bày có bốn loại quan điểm.

26. Kinh sớ: Ðoạn này cốt hiển thị rằng tất cả 62 kiến chấp siêu hình đều nặng ngã kiến (chấp có chủ thể hay cái ta dưới dạng này hay khác).

27. Pavivekam pìtim, ám chỉ hai thiền đầu có hỉ.

28. Theo Kinh sớ, ưu tư khởi lên là do mất thiền. Ưu tư không khởi lên ngay sau khi thiền (tâm) chấm dứt, mà khởi lên khi (hành giả) suy nghĩ về sự biến mất của (tâm) thiền.

29. Niràmisam sukham. Ðây là lạc ở thiền thứ ba.

30. Thiền thứ tư.

31. Santo ham asmi, nibbuto ham asmi, anupàdàno ham asmi. Từ ngữ aham asmi, tôi là, chứng tỏ vị ấy vẫn còn chấp trước, như Phật sẽ hiển thị.

[Chú riêng của người dịch: Xem thêm kinh Kim Cương, chỗ Phật hỏi Tu Bồ Ðề rằng A la hán có ý thức mình là la hán không. Tu Bồ Ðề bạch: Dạ không, vì nếu có tức còn chấp ngã, chưa thực sự thanh tịnh. Sở dĩ Phật nói con - Tu Bồ Ðề - là kẻ ưa tịch tịnh cũng vì trong tâm con không còn một tạo tác nào cả, vô sở hành.]

32. Theo Kinh sớ, đây là ngã kiến, vì còn thấy ta là tịch tịnh.

33. Ở chỗ khác, giải thoát không chấp thủ (anupàdà vimokkha) có nghĩa là Niết bàn, nhưng ở đây có nghĩa là sự chứng quả A la hán.

34. Kinh Phạm võng cũng hiển thị sự liễu tri các khía cạnh tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sáu xúc sứ là con đường vượt khỏi mọi kiến chấp.

IV. PHÁP SỐ

V. KỆ TỤNG

Phật dạy chúng tỷ kheo
Ngoại đạo bàn tự ngã
Có ba loại chấp thường
Có tưởng hoặc không tưởng;
Một chấp ngã đoạn diệt;
Một hiện tại Niết bàn.
Ðấy là các chủ thuyết
Xoay vần giữa năm ba.
Chấp Hữu tưởng gồm tám:
Ngã có sắc, không sắc
Vừa có vừa không sắc
Không có cũng không không;
Ngã có tưởng đồng nhất
Hoặc có tưởng dị biệt
Hoặc có tưởng hữu hạn
Hoặc có tưởng vô cùng.
Trên nữa có các chấp
Ngã là Thức vô biên,
Hoặc Vô sở hữu xứ
Vẫn còn hữu vi thô.
Chấp Vô tưởng gồm bốn:
Ngã có sắc, không sắc;
Hoặc vừa có vừa không;
Không có cũng không không.
Vô tưởng bác Hữu tưởng,
Cho tưởng là bệnh hoạn,
Là cục bướu, mũi tên,
Chỉ Vô tưởng thù diệu.
Nhưng bàn Thức đến đi
Diệt, sinh hay tăng trưởng
Ngoài sắc thọ tưởng hành
Là việc làm phi lý.
Chấp Phi tưởng phi phi
Gồm bốn: có, không sắc,
Cũng có cũng không sắc,
Không có cũng không không.
Bác hữu tưởng cục bướu
Vô tưởng thì kỳ cục
Chỉ cái này thù diệu:
Phi tưởng phi phi tưởng.
Như Lai như thật biết
Nếu nhờ hành sót lại
Mà chứng Phi phi tưởng
Vẫn còn hữu vi thô.
Phái chủ trương đoạn diệt
Vẫn xoay quanh tự ngã:
Sau chết, ta thế này
Như chó chạy quanh cột.
Về tự ngã, thế giới
Có mười sáu kiến chấp
Liên hệ đến quá khứ:
Là thường, là Vô thường
Vừa thường vừa vô thường
Không thường, không vô thường;
Là Hữu biên, Vô biên;
Vừa Hữu biên, vô biên
Không hữu không vô biên
Tưởng đồng nhất; sai biệt
Tưởng hữu hạn, vô lượng;
Tưởng toàn vui, toàn khổ
Vừa khổ lại vừa vui;
Không khổ cũng không vui.
Ai cũng cho mình đúng
Các quan điểm khác sai.
Lại có những sa môn
Từ bỏ các quan điểm
An trú viễn ly hỷ;
Cho đấy là thù diệu
Nhưng khi hỷ này diệt
Thì ưu tư sanh khởi.
Kẻ đắc thiền thứ ba,
Xem lạc này thù diệu
Nhưng khi lạc ấy diệt
Viễn ly hỷ lại sinh
(tụt xuống lại nhị thiền)
Như hết mát lại nóng.
Có người vượt tam thiền
Hết bị dục trói buộc
Chứng tứ thiền và nghĩ
"Ta tịch tịnh vô chấp."
Nhưng họ còn vẫn chấp
Dẫu đã đi đúng đường.
Cái Vô thượng tịch tịnh
Ðược Như Lai chính giác
Khi biết rõ năm uẩn:
Khởi, diệt, và vị ngọt,
Cùng nguy hiểm của chúng
Nên vô chấp, xuất ly.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tu viện ông Anathapindika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" -"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Luận bàn về tương lai

-- Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về tương lai, thảo luận về tương lai, y cứ vào tương lai, tuyên bố nhiều quan điểm sai khác. Ở đây, một số tuyên bố: "Sau khi chết, tự ngã không bệnh, có tưởng". Ở đây, một số tuyên bố: "Sau khi chết, tự ngã không bệnh, không tưởng". Ở đây một số tuyên bố: "Sau khi chết, tự ngã không bệnh, phi tưởng và phi phi tưởng". Hay họ chủ trương đoạn diệt hủy hoại, tiêu diệt của loài hữu tình hiện đang sanh tồn. Hay một số lại tuyên bố về hiện tại Niết-bàn.

Như vậy, họ chủ trương sau khi chết, tự ngã tồn tại không bệnh. Hay họ chủ trương đoạn diệt, hủy hoại, tiêu diệt của loài hữu tình hiện đang sanh tồn. Hay một số lại tuyên bố hiện tại Niết-bàn. Như vậy, những chủ thuyết này, sau khi thành năm trở lại thành ba, sau khi thành ba, trở lại thành năm. Ðây là sự tổng thuyết năm và ba.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã có tưởng, không bệnh, các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy hoặc chủ trương sau khi chết tự ngã có sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không có sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc và không sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không sắc và không không sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương tự ngã hoặc nhất tưởng, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc dị tưởng, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương tự ngã sau khi chết hoặc thiểu tưởng, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc vô lượng tưởng, có tưởng, không bệnh. Nhưng có một số tuyên bố thức biến này (vinnanakasina) khi vượt qua khỏi (upativattatam) trở thành vô lượng, bất động.

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: "Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã có tưởng, không bệnh, các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không có sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết tự ngã hoặc có sắc và không sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết tự ngã hoặc không sắc và không không sắc, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc nhứt tưởng, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc dị tưởng, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc thiểu tưởng, có tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc vô lượng tưởng, có tưởng, không bệnh. Hay Như Lai biết loại tưởng nào trong các loại tưởng ấy được xưng là thanh tịnh, tối thắng, đệ nhất, vô thượng, tức là sắc tưởng, tức là vô sắc tưởng, tức là nhứt tưởng, tức là dị tưởng. Nói rằng: "vô sở hữu", một số tuyên bố Vô sở hữu xứ là vô lượng, bất động. Biết rằng cái này thuộc hữu vi, là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát khỏi pháp hữu vi và đã vượt khỏi pháp hữu vi".

Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà- la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã không tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc không tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không sắc, không tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc không sắc, không tưởng, không bệnh. Các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết tự ngã hoặc cũng không sắc, không không sắc, không tưởng, không bệnh.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã có tưởng, vô bệnh, một số phỉ báng các vị ấy. Vì sao vậy? Họ nói rằng: "Tưởng là bệnh hoạn, tưởng là mụt nhọt, tưởng là mũi tên; đây là tịch tịnh, thù diệu tức là vô tưởng".

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: "Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã là không tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc, không tưởng, không bệnh; Các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không sắc, không tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc và không sắc, không tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không có sắc, không không sắc, không tưởng, không bệnh". Này các Tỷ-kheo, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài hành, ngoài thức, ta sẽ chủ trương sự lai, vãng, tử, sanh, tăng trưởng, tăng thịnh, hay tăng đại"; sự tình không có như vậy. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát pháp hữu vi và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết tự ngã là Phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc và không sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không sắc, không không sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh.

Ở đây này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã có tưởng, không bệnh, một số phỉ báng các vị ấy; các Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã không tưởng, không bệnh, một số phỉ báng các vị ấy. Vì sao vậy? Họ nói rằng: "Tưởng là bệnh hoạn, tưởng là mụt nhọt, tưởng là mũi tên, không tưởng là si ám. Ðây là tịch tịnh, thù diệu, tức là phi tưởng phi phi tưởng".

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: "Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã là phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh, các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc không sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã hoặc có sắc và không sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh; các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương sau khi chết, tự ngã là không có sắc, không không sắc, phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh".

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sự thành tựu của xứ này (ayatana) chỉ nhờ những hành có thể thấy được, nghe được, tư duy được, ý thức được; đây được xưng, này các Tỷ-kheo, là tổn hại cho sự thành tựu xứ (ayatana) này. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, xứ này không được xưng là có thể đạt thành nhờ sự thành tựu hữu hành (sasankhara), mà này các Tỷ-kheo, xứ này được xưng là có thể đạt thành nhờ sự thành tựu không có hành nào còn lại. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát khỏi pháp hữu vi và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương đoạn diệt, hủy hoại, diệt tận của loại hữu tình hiện đang sinh tồn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã có tưởng, không bệnh, một số phỉ báng các vị ấy. Còn những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã không tưởng, không bệnh, một số phỉ báng các vị ấy. Còn những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sau khi chết, tự ngã phi tưởng phi phi tưởng, không bệnh, một số phỉ báng các vị ấy. Vì sao vậy? Tất cả những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này hướng thượng tuyên bố có chấp trước: "Ðời sau chúng ta sẽ hiện hữu, đời sau chúng ta sẽ hiện hữu". Ví như một người lái buôn đi buôn bán nghĩ rằng: "Từ đây ta sẽ có vật này, ta sẽ được vật này từ cái này". Cũng vậy, những vị Sa-môn, Bà-la-môn này, chúng ta nghĩ rằng, cũng giống như những người lái buôn khi các vị này nói: "Ðời sau chúng ta sẽ hiện hữu, đời sau chúng ta sẽ hiện hữu".

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết được: "Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương đoạn diệt, hủy hoại, diệt tận, loại hữu tình hiện đang sinh tồn, những vị ấy sợ hãi tự thân, yếm ly tự thân, chỉ chạy theo và chạy vòng quanh tự thân". Ví như một con chó bị dây cột vào một cột trụ hay cây cột vững chắc, chạy theo và chạy vòng tròn cột trụ hay cây cột ấy. Cũng vậy, các Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy sợ hãi tự thân, yếm ly tự thân, chỉ biết chạy theo và chạy vòng quanh tự thân. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát khỏi pháp hữu vi, và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào luận bàn về tương lai, thảo luận về tương lai, y cứ vào tương lai tuyên bố nhiều quan điểm sai khác, tất cả đều tuyên bố năm xứ này hay một trong chúng.

Luận bàn về quá khứ

Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ, thảo luận về quá khứ, y cứ vào quá khứ, tuyên bố nhiều quan điểm sai khác: "Tự ngã và thế giới là thường còn; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là vô thường; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy: "Tự ngã và thế giới là thường còn, là vô thường; chỉ như vậy là chân thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là không phải thường còn, không phải vô thường; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là hữu biên; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là vô biên; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là hữu biên và vô biên; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới không phải hữu biên, không phải vô biên; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là nhứt tưởng; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là dị tưởng; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là thiểu tưởng; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là vô lượng tưởng; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là nhứt hướng lạc; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là nhứt hướng khổ; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là lạc và khổ; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy. "Tự ngã và thế giới là không khổ, không lạc; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ở đây, một số tuyên bố như vậy.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có chủ thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự ngã và thế giới là thường còn, chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ngoài tín, ngoài hỷ, ngoài tùy văn, ngoài thẩm định lý do, ngoài kham nhẫn chấp thọ tà kiến, trí tự mình sẽ trở thành thanh tịnh, trong sạch; sự tình như vậy không xảy ra. Này các Tỷ-kheo, nếu trí tự mình không trở thành thanh tịnh, trong sạch, thời cho đến chỉ một phần nhỏ của trí mà những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy làm cho trong sạch, chính như vậy cũng được xưng là chấp trước đối với những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, không có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát khỏi pháp hữu vi và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự ngã và thế giới là vô thường... tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường... tự ngã và thế giới không thường còn và không vô thường... tự ngã và thế giới là vô biên... tự ngã và thế giới là hữu biên và vô biên... tự ngã và thế giới là không hữu biên và không vô biên... tự ngã và thế giới là nhứt tưởng... tự ngã và thế giới là dị tưởng... tự ngã và thế giới là thiểu tưởng... tự ngã và thế giới là vô lượng tưởng... tự ngã và thế giới là nhứt hướng lạc... tự ngã và thế giới là nhứt hướng khổ... tự ngã và thế giới là lạc và khổ... tự ngã và thế giới là không khổ, không lạc; chỉ như vậy là chơn thật, ngoài ra là hư vọng". Ngoài lòng tin, ngoài hỷ, ngoài tùy văn, ngoài thẩm định lý do, ngoài sự kham nhẫn chấp thọ tà kiến, trí tự mình sẽ trở thành thanh tịnh, trong sạch, sự tình như vậy không xảy ra. Này các Tỷ-kheo, nếu trí tự mình không trở thành thanh tịnh, trong sạch, thời cho đến chỉ một phần nhỏ của trí mà những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy làm cho trong sạch, chính như vậy cũng được xưng là chấp trước đối với những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát khỏi pháp hữu vi, và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Niết-bàn hiện tiền

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn do từ bỏ những quan điểm về quá khứ, và từ bỏ những quan điểm về tương lai, do không hoàn toàn chú tâm đến những dục kiết sử, đạt được viễn ly hỷ và an trú. Vị ấy nghĩ: "Ðây là sự thật, đây là thù diệu, tức là đạt được viễn ly hỷ, ta an trú". Nhưng nếu viễn ly hỷ ấy của vị này bị đoạn diệt, do viễn ly hỷ bị đoạn diệt, ưu tư sanh khởi. Do ưu tư được đoạn diệt, viễn ly hỷ sanh khởi. Ví như, này các Tỷ-kheo, chỗ nào bóng mát từ bỏ, chỗ ấy sức nóng mặt trời lan rộng, chỗ nào sức nóng mặt trời từ bỏ, chỗ ấy bóng mát lan rộng; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do viễn ly hỷ bị đoạn diệt, ưu tư sanh khởi. Do ưu tư được đoạn diệt nên viễn ly hỷ sanh khởi.

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: Vị Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này, do từ bỏ những quan điểm về quá khứ, và do từ bỏ những quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, sau khi đạt được viễn ly hỷ, liền an trú: "Ðây là sự thật, đây là thù diệu, tức là đạt được viễn ly hỷ, ta an trú". Viễn ly ấy của vị này bị đoạn diệt. Do viễn ly hỷ bị đoạn diệt, ưu tư sanh khởi; do ưu tư được đoạn diệt, viễn ly hỷ sanh khởi. Biết rằng cái này thuộc hữu vi pháp là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy sự giải thoát khỏi pháp hữu vi và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn, do từ bỏ các quan điểm về quá khứ, do từ bỏ các quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, do vượt qua viễn ly hỷ, sau khi đạt được phi vật chất lạc liền an trú: "Ðây là sự thật, đây là thù diệu tức là đạt được phi vật chất lạc, ta an trú". Phi vật chất lạc của vị ấy bị đoạn diệt; do phi vật chất lạc bị đoạn diệt, viễn ly hỷ sanh khởi; do viễn ly hỷ bị đoạn diệt, phi vật chất lạc sanh khởi. Ví như, này các Tỷ-kheo, chỗ nào bóng mát từ bỏ, chỗ ấy sức nóng mặt trời lan rộng, chỗ nào sức nóng mặt trời từ bỏ, chỗ ấy bóng mát lan rộng; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do phi vật chất lạc bị đoạn diệt, viễn ly hỷ sanh khởi; do viễn ly hỷ bị đoạn diệt, phi vật chất lạc sanh khởi.

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: Vị Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này, do từ bỏ các quan điểm về quá khứ, do từ bỏ các quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, do vượt qua viễn ly hỷ, đạt được phi vật chất lạc và an trú: "Ðây là sự thật, đây là thù diệu, tức là đạt được phi vật chất lạc, ta an trú". Phi vật chất lạc ấy của vị này bị đoạn diệt. Do phi vật chất lạc bị đoạn diệt, viễn ly hỷ sanh khởi; do viễn ly hỷ bị đoạn diệt, phi vật chất lạc sanh khởi. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành; biết được có sự đoạn diệt này, Như Lai thấy được sự giải thoát khỏi pháp hữu vi và đã vượt khỏi pháp hữu vi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn, do từ bỏ các quan điểm về quá khứ, do từ bỏ các quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, do vượt qua viễn ly hỷ, do vượt qua phi vật chất lạc, sau khi đạt được vô khổ vô lạc thọ, liền an trú: "Ðây là sự thật, đây là thù diệu, tức là đạt được vô khổ vô lạc thọ, ta an trú". Vô khổ vô lạc thọ ấy của vị này bị đoạn diệt. Do vô khổ vô lạc thọ bị đoạn diệt, phi vật chất lạc sanh khởi; do phi vật chất lạc bị đoạn diệt, vô khổ vô lạc thọ sanh khởi. Ví như này các Tỷ-kheo, chỗ nào bóng mát từ bỏ, chỗ ấy sức nóng mặt trời lan rộng, chỗ nào sức nóng từ bỏ, chỗ ấy bóng mát lan rộng; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do vô khổ vô lạc thọ bị đoạn diệt, phi vật chất lạc sanh khởi; do phi vật chất lạc bị đoạn diệt, vô khổ vô lạc thọ sanh khởi.

Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: vị Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này, do từ bỏ các quan điểm về quá khứ, do từ bỏ các quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, do vượt qua viễn ly hỷ, do vượt qua phi vật chất lạc, sau khi đạt được vô khổ vô lạc thọ, liền an trú: "Ðây là sự thật, đây là thù diệu, tức là đạt được vô khổ vô lạc thọ, ta an trú". Vô khổ vô lạc thọ ấy của vị này bị đoạn diệt. Do vô khổ vô lạc thọ bị đoạn diệt, phi vật chất lạc sanh khởi; do phi vật chất lạc bị đoạn diệt, vô khổ vô lạc thọ sanh khởi. Biết rằng cái này thuộc hữu vi là thô pháp, nhưng có sự đoạn diệt các hành, sau khi biết được: "Ðây có sự đoạn diệt các hành này, Như Lai thấy được sự giải thoát khỏi hữu vi pháp" và đã vượt khỏi hữu vi pháp.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn, do từ bỏ các quan điểm về quá khứ, do từ bỏ các quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, do vượt khỏi viễn ly hỷ, do vượt khỏi phi vật chất lạc, do vượt khỏi vô khổ vô lạc thọ, vị ấy quán: "Ta là tịch tịnh, ta là tịch diệt, ta là không chấp thủ".

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai biết như sau: Vị Tôn giả Sa-môn, Bà la môn này, do từ bỏ các quan điểm về quá khứ, do từ bỏ các quan điểm về tương lai, do hoàn toàn không chú tâm đến các dục kiết sử, do vượt khỏi viễn ly hỷ, do vượt khỏi phi vật chất lạc, do vượt khỏi vô khổ vô lạc thọ, vị ấy quán: "Ta là tịch tịnh, ta là tịch diệt, ta là không chấp thủ". Chắc chắn vị Ðại đức này tuyên bố con đường thích hợp đưa đến Niết-bàn. Nhưng vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này khởi lên chấp thủ, hoặc chấp thủ quan điểm về quá khứ, hoặc chấp thủ quan điểm về tương lai, hoặc chấp thủ dục kiết sử, hoặc chấp thủ viễn ly hỷ, hoặc chấp thủ phi vật chất lạc, hoặc chấp thủ vô khổ vô lạc thọ. Dầu cho vị Ðại đức này quán: "Ta là tịch tịnh, ta là tịch diệt, ta không có chấp trước", nhưng vị này vẫn được xem là có chấp trước về điểm ấy. Biết rằng cái này thuộc hữu vi pháp là thô pháp, nhưng có đoạn diệt các hành, sau khi biết được có sự đoạn diệt các hành này, Như Lai thấy được sự giải thoát khỏi hữu vi pháp và đã vượt khỏi hữu vi pháp.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vô thượng tịch tịnh, tối thắng đạo được Như Lai chánh đẳng giác, nghĩa là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, có sự giải thoát không chấp thủ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vô thượng tịch tịnh tối thắng đạo này được Như Lai chánh đẳng giác, nghĩa là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, có sự giải thoát không chấp thủ.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt