Làng Sama

I. TOÁT YẾU

Sàmagàma Sutta.

At Sàmagàma. The Buddha lays down disciplinary procedures for the guidance of the Sangha to ensure its harmonious functioning after his demise.

[Tại làng Sàma, Phật ấn định những điều luật để chỉ đạo cho tăng chúng sống hòa hợp sau khi Ngài niết bàn.]

II. TÓM TẮT

A. Phật thuyết kinh này ở thôn Xá Di (Samagama) của bộ tộc Thích Ca (Sakka). Sau khi giáo chủ Ni Kiền Tử qua đời ở Pàvà [1], đệ tử chia làm hai phe đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, khiến cư sĩ của họ chán ngấy, như đã chán ngấy Pháp và luật vụng thuyết không đưa đến giải thoát, do một người chưa đạt hoàn toàn giải thoát giảng dạy; và bây giờ họ không còn nơi nương tựa [2]. Ðây là những gì sa di Cunda [3] thuật lại với tôn giả A Nan. Tôn giả đến bạch Phật. Phật dạy trong Phật pháp không có sự cãi nhau về 37 pháp trợ đạo, nên khỏi lo. A Nan lại lo có tranh luận về giới luật [4]. Phật dạy tranh luận này là việc nhỏ nhặt không đáng kể, chỉ có tranh chấp về Pháp [5] mới đem lại bất an cho đa số.

Rồi Ngài dạy có 6 nguyên nhân tranh chấp [6] là:

- hiềm hận não hại,
- khinh miệt lấn lướt,
- ganh ghét xan tham,
- gian manh xảo trá,
- ác dục tà kiến,
- cố chấp khó xả.

Do 6 gốc rễ này mà tỷ kheo sống không kính Ðạo sư, Pháp và Tăng, không viên mãn học tập. Vậy hãy có phương pháp dứt các tranh chấp đưa đến bất an cho đa số.

B. Các tranh chấp có 4:

- do tranh luận,
- do chỉ trích,
- do phạm giới,
- do trách nhiệm.

Ðể diệt 4 tránh sự này [7] có 7 nguyên tắc [8]:

1. Hiện tiền tì ni [9]: tất cả tỷ kheo phải có mặt để phán quyết một việc tranh cãi theo chỉ đạo của Pháp [10];

2. Quyết định đa số (đa nhân mích tội): khi tránh sự không thể giải quyết tại chỗ, thì phải đi đến một trú xứ nhiều tỷ kheo hơn, rồi tất cả tập hợp để giải quyết;

3. Ức niệm tỳ ni [11], để cho đương sự tự nhớ lại có phạm tội ba la di hoặc gần ba la di [12] hay không;

4. Bất si tì ni [13]: đương sự bị điên đã làm quấy, tỉnh lại không nhớ;

5. Quyết định tùy theo thú nhận (tự ngôn trị) [14]: là khi một tỷ kheo nhớ 1 giới tội, tỏ lộ với một tỷ kheo lớn tuổi hơn mà sám hối;

6. Quyết định tùy theo giới tội người phạm [15] (Mích tội tướng);

7. Trải cỏ che lấp (Như thảo phú địa) [16]: cả 2 phe lần lượt cử ra một người đứng lên tỏ lộ tội lỗi của những người phe mình để xí xóa cho nhau, trừ những tội trọng và tội liên hệ đến cư sĩ [17].

C. Có sáu pháp khả niệm (lục hòa) đem lại sự hòa hợp [18] cho tăng chúng, đó là:

1) An trú từ thân nghiệp đối với nhau;
2) Từ khẩu nghiệp;
3) Từ ý nghiệp;
4) San sẻ lợi dưỡng;
5) Cùng thành tựu giới luật;
6) Thành tựu tri kiến thánh thiện đưa đến xuất ly.

Thực hành sáu pháp này thì không có một cách nói nào thô hoặc tế mà tỷ kheo không thể chịu nổi [19]. Sáu pháp ấy sẽ mang lại cho tỷ kheo an lạc hạnh phúc lâu dài.

III. CHÚ GIẢI

1. Kinh này mở đầu giống kinh Trường bộ 29, cũng liên quan đến việc duy trì sự hòa hợp của tăng chúng sau khi Phật nhập diệt.

2. Theo Kinh sớ, đền thờ và chỗ tựa ở đây là Nàtaputta, vị giáo chủ đã chết.

3. Sa di Cunda là em trai tôn giả Xá Lợi Phất.

4. Ngay lúc Phật còn ở đời, tranh chấp thuộc loại này cũng đã xảy ra trong chúng tỷ kheo ở Kosambi, được nói trong kinh Trung bộ 48 đoạn 2.

5. Ðây là tranh chấp về Bát thánh đạo hoặc các giác chi khác.

6. Bốn cặp đầu bao gồm các cấu uế làm ô nhiễm tâm nói trong kinh Trung bộ 7.

7. Adhikarana. Horner dịch là legal questions (vấn đề luật pháp) đề cập dông dài trong Luật tạng. Vắn tắt, ngôn tránh (vivàdàdhikarana) khởi lên khi tỷ kheo cãi nhau về Pháp và Luật; phạm tránh (anuvàdàdhikarana) khi buộc tội một tỷ kheo phạm giới luật; mích tránh (àphattàdhikarana) khi một tỷ kheo phạm giới tìm cách chối tội; sự tránh (kiccàdhikarana) liên hệ đến việc thực thi các phận sự của tăng.

8. Adikaranasamatha, chỉ tránh hay diệt tránh. Làm thế nào áp dụng bảy cách diệt tránh để dàn xếp 4 loại tranh chấp, được nói trong Luật tạng.

9. Sammukhàvinaya, Hiền tiền tì ni. Luật giảng là đối diện với, hay với hiện diện của Tăng chúng, Pháp, Luật và những người liên hệ đến việc tranh chấp. Luật này áp dụng cho cả bốn loại tránh sự (chuyện cãi nhau), chỉ khác nhau cách diễn đạt.

10. Dhammanetti samanumajjitabbà, Kinh sớ đưa ví dụ là mười thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, ở đây cốt ám chỉ Pháp và Luật.

11. Sativinaya, ức niệm tì ni. Khi một tỳ kheo vô tội mà bị cử tội thì vị ấy phải xin tăng làm pháp yết ma Ức niệm để vị ấy nhớ đầy đủ và chính xác hành vi mình.

12. Tội ba la di, pàràjika, là tội đáng trục xuất khỏi tăng chúng. Tội gần ba la di là phạm tăng sàn sanghàdisesa, (cần họp chúng để tỏ lộ và hành sám một thời gian); hoặc phạm những bước đầu tiến đến trọng tội.

13. Amùlhavinaya, Bất si tì ni, Một tỷ kheo trong quá khứ bị bệnh điên đã phạm những giới tội, khi bình phục được tăng làm pháp này. Tiêu chuẩn để xác định sự điên cuồng là đương sự không nhớ mình đã làm gì trong lúc bị điên.

14. Thủ tục này là phương pháp lập ra để giải tội cho một tì kheo khi phạm một giới tội có thể sám hối để giải tỏa.

15. Pàphiyyàsikà, Mích tội tướng, pháp này dành cho một tỷ kheo thường gây rối, ngu si nhiều lỗi, hoặc sống liên hệ bất đáng với tục gia cư sĩ.

16. Tinavattràraka, Như thảo phú địa, được áp dụng khi tăng chúng vướng vào một cuộc cãi vã trong đó nhiều tỷ kheo phạm các tiểu giới. Nếu kết tội những vị này thì tranh chấp sẽ kéo dài, nên Kinh dạy phương pháp để giải tỏa, được ví như lấy cỏ phủ lấp trên phân để khử mùi hôi.

17. Những giới tội đáng khiển trách nặng nề thuộc loại Ba la di và Tăng tàn. Giới liên hệ cư sĩ là khi vị tỷ kheo phỉ báng người thế tục.

18. Như kinh 48, đoạn 6.

19. Như kinh 21, ám chỉ ví dụ cái cưa.

IV. PHÁP SỐ

V. KỆ TỤNG

Tại thôn Xá Di
Phật thuyết kinh này
Về bảy diệt tránh
Và pháp lục hòa
Tôn giả Thuần Ðà
Thuật với A Nan
Rằng ở Pa-va
Ðệ tử Ni Kiền
Sau khi thầy chết
Ðã chia hai phe
Cãi nhau kịch liệt
Tục gia đệ tử
Ðâm ra chán ngấy
Trước tình trạng ấy
Cũng như chán ngấy
Pháp luật vụng thuyết
Khiến các tín đồ
Không chỗ tựa nương.
Tôn giả A Nan
Nghe xong bạch Phật
Nỗi lo của mình
Sau Phật niết bàn
Có việc tương tự
Trong tỷ kheo chúng.
Phật hỏi tôn giả
Ở trong tăng chúng
Có ai cãi nhau
Về Bốn niệm xứ
Về Bốn chánh cần
Bốn Như ý túc
Năm căn năm lực
Về Bảy giác chi
Và tám thánh đạo?
A Nan bạch Phật
Về các pháp này
Con không hề thấy
Hai vị tỷ kheo
Nói trái ngược nhau.
Thế thì khỏi sợ.
Nhưng bạch Thế Tôn
Sợ có tranh luận
Về giới và luật.
Ðấy là việc nhỏ.
Tranh chấp về Pháp
Mới là tai hại
Ðem lại bất an
Cho đa số người.
Có 6 nguyên nhân
Ðưa đến tranh chấp:
Hiềm hận não hại
Khinh miệt lấn lướt,
Ganh tị xan tham
Gian manh xảo trá,
Ác dục tà kiến
Cố chấp khó xả.
Do 6 pháp này
Tỷ kheo không kính
Phật, Pháp và Tăng,
Không tròn học giới.
Vậy hãy tìm cách
Dứt các tranh luận
Ðưa đến bất an
Cho cả mọi người.
Tranh chấp có 4:
Do tranh luận Pháp,
Do chỉ trích nhau
Do phạm giới tội,
Và do trách nhiệm.
Ðể diệt tránh sự
Có 7 nguyên tắc:
Hiện tiền tì ni
Tất cả tỷ kheo
Ðều phải có mặt
Mỗi khi phán quyết
Một việc tranh cãi
Theo đúng luật pháp.
Ða nhân mích tội
(Quyết định đa số)
Gặp một tránh sự
Khó mà giải quyết
Tại chỗ mình ở,
Hãy đến trú xứ
Có nhiều tỷ kheo
Họp lại xử phân.
Ức niệm tỳ ni
Là cho đương sự
Tự nhớ tội mình
Ðể rồi xử trị.
Bất si tì ni
Lúc điên phạm giới
Nay đã tỉnh lại
Xin tăng miễn bàn.
Pháp tự ngôn trị
Là tỏ lỗi mình
Trước người lớn hơn
Ðể mà sám hối.
Pháp Mích tội tướng
Gặp kẻ chối quanh
Thì cứ phán xét
Theo tội đã phạm.
Trải cỏ che lấp
Là khi 2 phe
Ðều phạm nhiều lỗi
Cử ra đại diện
Xin lỗi lẫn nhau.
Cuối cùng Phật dạy
Sáu pháp khả niệm
(thường gọi lục hòa):
Tỷ kheo sống chung
Thân khẩu ý nghiệp
Thấm nhuần từ tâm;
San sẻ lợi dưỡng;
Thành tựu giới luật;
Tri kiến thánh thiện
Ðưa đến xuất ly.
Thực hành như vậy
Thì không có gì
Không thể kham nhẫn;
Sáu pháp khả niệm
Làm cho tăng chúng
An vui lâu dài.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở giữa các vị Sakka (Thích Ca), tại Samagama (Xá-di thôn).

Lúc bấy giờ, Nigantha Nataputta vừa mới tạ thế ở Pava. Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigantha chia ra làm hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí miệng lưỡi. "Ông không biết Pháp và Luật này, ta biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh, ta theo chánh hạnh. Lời nói ta tương ưng, lời nói Ông không tương ưng. Ðiều đáng nói trước, Ông nói sau; điều đáng nói sau, Ông nói trước. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Ông đã bị đánh bại. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được!" Hình như các đệ tử của Nigantha Nataputta muốn tàn hại lẫn nhau. Chính các đệ tử cư sĩ mặc đồ trắng của Nigantha Nataputta cũng chán ngấy, cơ hiềm, và phản đối các Nigantha, vì pháp luật của họ đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Rồi Sa-di Cunda, sau khi an cư mùa mưa ở Pava, đến thăm Tôn giả Ananda ở Samagama, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Sa-di Cunda bạch Tôn giả Ananda:

-- Bạch Tôn giả, Nigantha Nataputtta đã từ trần ở Pava. Sau khi vị này tạ thế, các Nigantha chia ra làm hai phái... tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ananda nói với Sa di Cunda:

-- Này Hiền giả Cunda, đây là vấn đề đáng đưa ra để yết kiến Thế Tôn. Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi yết kiến Thế Tôn; sau khi đến, chúng ta hãy trình bày vấn đề này để Thế Tôn biết.

-- Thưa vâng, Tôn giả .

Sa di Cunda vâng lời Tôn giả Ananda. Rồi Tôn giả Ananda cùng với Sa di Cunda đi đến yết kiến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Sa di Cunda có nói: "Nigantha Nataputta đã từ trần ở Pava. Sau khi vị này từ trần, các vị Nigantha chia ra làm hai phái... tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ". Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: "Sau khi Thế Tôn nhập diệt, chớ để cho tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng. Tranh luận ấy đưa đến sự bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài người".

-- Này Ananda, Ông nghĩ thế nào? Những pháp Ta dạy cho các Ông với thượng trí, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ông có thấy chăng, này Ananda, có hai Tỷ-kheo đối với những pháp này tuyên bố sai khác nhau?

-- Bạch Thế Tôn, những pháp Thế Tôn dạy cho con với thượng trí, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành, con không thấy cho đến hai Tỷ-kheo đối với những pháp này tuyên bố sai khác nhau. Bạch Thế Tôn, và những người nào sống y cứ sùng kính Thế Tôn, những người ấy sau khi Thế Tôn nhập diệt, có thể khởi lên những tranh luận giữa tăng chúng, hoặc về Tăng thượng hoạt mạng, hoặc về Tăng thượng Giới bổn (Patimokkha). Tranh luận ấy đem đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người.

-- Là nhỏ nhặt, này Ananda, là sự tranh luận ấy, tức là tranh luận về Tăng thượng hoạt mạng hay Tăng thượng giới bổn. Này Ananda, sự tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng về con đường (magga) hay về đường hướng tu hành (patipada), sự tranh luận ấy mới đưa đến bất an cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người.

Này Ananda, có sáu căn bản tranh chấp này. Thế nào là sáu? Ở đây, Tỷ-kheo phẫn nộ, sân hận. Này Ananda, vị Tỷ-kheo nào phẩn nộ, sân hận, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, và sống không viên mãn sự học tập. Này Ananda, Tỷ-kheo nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên tranh luận giữa Tăng chúng. Sự tranh luận nào đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người. Này Ananda, nếu Ông thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác, ở đây, này Ananda, Ông phải tinh tấn đoạn trừ ác căn bản tranh luận ấy. Này Ananda, nếu Ông không thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác; ở đây, này Ananda, Ông phải theo một đường hướng để không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận ấy. Có sự đoạn diệt ác căn bản tranh luận ấy, như vậy mới không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận ấy như vậy.

Lại nữa này Ananda, vị Tỷ-kheo hiềm hận não hại... tật đố, xan tham... gian manh, xảo trá... ác dục tà kiến... chấp thủ thế trí, cố chấp, khó thuyết phục. Này Ananda, Tỷ-kheo nào chấp thủ thế trí, cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập. Này Ananda, vị Tỷ-kheo nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên sự tranh luận giữa Tăng chúng. Sự tranh luận nào đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người, này Ananda, nếu Ông thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa các người khác, ở đây, này Ananda, Ông phải tinh tấn đoạn trừ ác căn bản tranh luận ấy. Này Ananda, nếu Ông không thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa người khác, ở đây, này Ananda, Ông phải theo một đường hướng để không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận ấy. Có sự đoạn diệt ác căn bản tranh luận ấy, như vậy mới không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận như vậy. Những pháp này, này Ananda, là sáu căn bản tranh chấp.

Này Ananda, có bốn tránh sự này. Thế nào là bốn? Tránh sự khởi lên do tranh luận, tránh sự khởi lên do chỉ trích, tránh sự khởi lên do phạm giới tội, tránh sự khởi lên do trách nhiệm (kiccadhikaranam: hành tránh sự). Những pháp này, này Ananda, là bốn tránh sự.

Nhưng này Ananda, có bảy diệt tránh pháp này để giải quyết diệt trừ các tránh pháp thỉnh thoảng khởi lên: phán quyết với sự hiện diện cần được ban cho (sammukhavinayo databbo: ưng dữ hiện tiền tỳ- ni), phán quyết ức niệm cần được ban cho (sativinayadatabbo: ưng dữ ức niệm tỳ-ni), phán quyết bất si cần được ban cho (amulhavinayo databbo: ưng dữ bất si tỳ-ni), quyết định tùy theo thú nhận (patinnaya karetabbam), quyết định đa số (yebhuya ssika: đa nhân mích tội), quyết định tùy theo giới tội người phạm (tassa papiyyasika), trải cỏ che lấp (tinavattha rako: như thảo phú địa).

Này Ananda, thế nào là phán quyết với sự hiện diện cần được ban cho? Ở đây, này Ananda, các Tỷ-kheo tranh chấp nhau: "Ðây là pháp, hay đây là phi pháp, hay đây là luật, hay đây là phi luật". Này Ananda, tất cả các Tỷ-kheo ấy phải tập hợp hòa hợp với nhau, sau khi tập hợp, pháp quy chế (dhammanetti) phải được thảo luận, phân tích. Sau khi pháp quy chế được thảo luận, phân tích, ở đây, làm thế nào để đồng nhất đạt được, như vậy, tránh sự phải được giải quyết. Như vậy, này Ananda, là phán quyết với sự hiện diện; và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh sự tức là dùng phán quyết với sự hiện diện.

Và này Ananda, thế nào là quyết định đa số (yebbuyyasika)? Này Ananda, nếu các Tỷ-kheo kia không có thể giải quyết tránh ấy tại trú xứ ấy, thời này Ananda, các vị Tỷ-kheo kia cần phải đi đến chỗ trú xứ có nhiều Tỷ-kheo hơn, tại đấy tất cả các Tỷ-kheo phải hòa đồng tập hợp lại; sau khi tập hợp, pháp quy chế (dhammanetti) phải được thảo luận, phân tích. Sau khi pháp quy chế được thảo luận, phân tích, ở đây làm thế nào, để đồng nhất đạt được như vậy, tránh sự phải được giải quyết. Như vậy, này Ananda, là sự giải quyết một số tránh sự tức là dùng sự quyết định đa số.

Và này Ananda, thế nào phán quyết ức niệm? Ở đây, này Ananda, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo về một trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di, nói rằng: "Tôn giả có nhớ Tôn giả đã phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di". Như vậy, này Ananda, một phán quyết ức niệm cần phải cho Tỷ-kheo ấy. Như vậy, này Ananda, là phán quyết ức niệm. Như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh sự tức là nhờ phán quyết ức niệm.

Và này Ananda, thế nào là phán quyết bất si? Ở đây, này Ananda, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo về một trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di nói rằng: "Tôn giả có nhớ Tôn giả đã phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di". Tỷ-kheo ấy bị các vị Tỷ-kheo kia dồn ép phải thú nhận: "Tôn giả hãy biết cho rõ ràng, nếu Tôn giả có nhớ có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di". Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Này Chư Hiền, tôi đã bị cuồng si, tâm trí tôi điên đảo; do tôi cuồng si như vậy, nhiều việc đã được tôi làm, tôi nói không xứng Sa-môn hạnh. Vì bị cuồng si, tôi không nhớ đã làm như vậy". Này Ananda, phán quyết bất si cần phải cho Tỷ-kheo ấy. Như vậy, này Ananda, là phán quyết bất si. Và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh pháp, tức là nhờ phán quyết bất si.

Và này Ananda, thế nào là quyết định tùy theo thú nhận? Ở đây, này Ananda, bị buộc tội hay không bị buộc tội, Tỷ-kheo nhớ một giới tội, tỏ lộ, trình bày. Tỷ-kheo ấy phải đến một Tỷ-kheo lớn tuổi hơn, đắp y phía một bên vai, đảnh lễ chân vị ấy, ngồi gối hai chân, chấp tay và nói như sau: "Bạch Tôn giả, tôi có phạm giới tội tên như thế này, nay xin sám hối". Tỷ-kheo kia nói như sau: "Ông có thấy chăng?"- "Tôi có thấy" -- "Ông có gìn giữ trong tương lai không?" -- "Tôi sẽ gìn giữ". Như vậy, này Ananda, là quyết định tùy theo thú nhận, như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh sự tức là nhờ quyết định tùy theo thú nhận.

Và này Ananda, thế nào là quyết định tùy theo giới tội người phạm? Ở đây, này Ananda, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo về một trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di, nói rằng: "Tôn giả có nhớ Tôn giả đã phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không nhớ tôi đã phạm trọng tội như vậy, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di". Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo kia dồn ép phải tỏ lộ ra: "Tôn giả hãy biết cho rõ ràng, nếu Tôn giả có nhớ có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di?" Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi không có nhớ tôi có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di. Chư Hiền, tôi nhớ tôi có phạm khinh tội như thế này". Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo kia dồn ép phải tỏ lộ: "Tôn giả hãy biết cho rõ ràng, nếu Tôn giả nhớ có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di hoặc gần Ba-la-di?". Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, dầu không ai hỏi tội, tôi sẽ thú nhận có phạm khinh tội như thế này, làm sao tôi có thể, khi có người hỏi tôi, lại không thú nhận có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba la di, hoặc gần Ba-la-di?" Vị kia nói như sau: "Này Hiền giả, dầu Ông có phạm khinh tội này, nếu không hỏi, Ông sẽ không thú nhận, làm sao khi đã phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di, nếu có hỏi, Ông lại có thể thú nhận? Tôn giả hãy biết rõ ràng, nếu Tôn giả nhớ có phạm trọng tội như thế này không, hoặc Ba-la-di. hoặc gần Ba-la-di?" Vị ấy trả lời như sau: "Chư Hiền, tôi nhớ, tôi có phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di. Ðiều tôi đã nói như vậy, là nói chơi, điều tôi đã nói như vậy là để cười (rava) Tôi không có nhớ tôi đã phạm trọng tội như thế này, hoặc Ba-la-di, hoặc gần Ba-la-di". Như vậy, này Ananda, là quyết định tùy theo giới tội người phạm. Và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh tội, tức là nhờ quyết định tùy theo giới tội người phạm.

Và này Ananda, thế nào là trải cỏ che lấp? Ở đây, này Ananda, một số Tỷ-kheo sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, có nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh. Tất cả các Tỷ-kheo ấy phải tập hợp hòa đồng với nhau. Sau khi tập hợp, một Tỷ-kheo thông minh có kinh nghiệm hơn của một phe nhóm Tỷ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y về phía một bên vai, chắp tay, bạch Tăng chúng, nói rằng: "Chư Tôn giả, Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh. Nếu Tăng chúng xem là phải thời, tôi xin tỏ lộ bất cứ giới tội nào của các Tôn giả này và bất cứ giới tội nào của tôi. Vì lợi ích cho chư Tôn giả và cũng vì lợi ích cho tự thân, tôi xin tỏ lộ giữa Tăng chúng, như lấy cỏ trải ra, trừ các trọng tội, trừ tội liên hệ đến cư sĩ".

Rồi một vị Tỷ-kheo thông minh, kinh nghiệm của nhóm Tỷ-kheo khác, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y về phía một bên vai, chấp tay bạch Tăng chúng, nói rằng: "Chư Tôn giả, Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi sống tranh chấp, tranh cãi, tranh luận với nhau, nhiều việc đã làm, đã nói không xứng Sa-môn hạnh. Nếu Tăng chúng xem là phải thời, tôi xin tỏ lộ bất cứ giới tội nào của các Tôn giả này và bất cứ giới tội nào của tôi. Vì lợi ích cho chư Tôn giả và cũng vì lợi ích cho tự thân, tôi xin tỏ lộ giữa Tăng chúng, như lấy cỏ trải ra, trừ các trọng tội, trừ tội liên hệ đến cư sĩ". Như vậy, này Ananda, là trải cỏ che lấp, và như vậy, ở đây là sự giải quyết một số tránh pháp, tức là nhờ trải cỏ che lấp.

Này Ananda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Thế nào là sáu?

Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp, đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ khẩu nghiệp, đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo an trú từ ý nghiệp đối với các vị đồng Phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ananda, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng đúng pháp cho đến những thọ lãnh trong bình bát, Tỷ-kheo là vị san sẻ các lợi dưỡng như vậy, là vị thọ hưởng chúng cùng với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ananda, đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ, không tỳ, không vết, không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu những giới luật như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, này Ananda, đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chơn chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo, Tỷ-kheo sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng Phạm hạnh trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng nhất.

Này Ananda, sáu pháp khả niệm này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa đồng, đồng nhất. Này Ananda, nếu Ông thọ trì và thực hành sáu pháp khả niệm này, thời này Ananda, Ông thấy có những cách nói nào, hoặc tế hoặc thô, khiến Ông không có thể kham nhẫn?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Do vậy, này Ananda, hãy thọ trì và thực hành sáu pháp khả niệm này, như vậy sẽ đưa đến cho Ông an lạc và hạnh phúc lâu dài.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt