Tôn giả Phú lâu na giải thích cho Xá lợi phất biết rằng niết bàn, mục tiêu của đời sống phạm hạnh, được đạt đến là nhờ bảy giai đoạn thanh tịnh.

PHẦN TOÁT YẾU

Rathavivùta Sutta - the relay chariots.

The venerable Punna Mantàniputta explains to Sàriputta that the goal of the holy life, final Nibbàna, is to be reached by way of the seven stages of purification.

Những cỗ xe tiếp vận.

Tôn giả Phú lâu na giải thích cho Xá lợi phất biết rằng niết bàn, mục tiêu của đời sống phạm hạnh, được đạt đến là nhờ bảy giai đoạn thanh tịnh.

TÓM TẮT

Xá lợi phất đến thăm Phú lâu na lần đầu. Hai vị tôn giả đã nghe tiếng nhau nhưng chưa từng gặp.

XLP: Mục đích sống đời phạm hạnh, có phải để viên mãn giới?

PLN: Không.

XLP: Có phải để đoạn nghi, để đạt tri kiến, để phân biệt được chính tà, để thấy biết đường chính, để có tri kiến.

PLN: Không.

XLP: Thế thì vì mục đích gì?

PLN: Vì đạt NB vô thủ trước.

XLP: Niết bàn vô thủ trước là gì, là giới thanh tịnh chăng?

PLN: Không, vì thế là còn thủ trước giới.

XLP: Là Tâm thanh tịnh chăng?

PLN: Không, vì thế là còn thủ trước định.

XLP: Là kiến thanh tịnh chăng?

PLN: Không, vì thế là còn thủ trước kiến.

XLP: Là đoạn nghi thanh tịnh chăng?

PLN: Không, vì thế là còn thủ trước đoạn nghi.

XLP: Là đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chăng?

PLN: Không, vì thế là còn thủ trước đạo phi đạo.

XLP: Là tri kiến thanh tịnh chăng?

PLN: Không, vì thế là còn thủ trước tri kiến.

XLP: Có cái gì ở ngoài những thứ ấy là vô thủ trước niết bàn?

PLN: Không.

XLP: Tại sao mỗi thứ đều không phải niết bàn vô thủ trước, mà ngoài những thứ ấy cũng không có niết bàn vô thủ trước?

PLN: Ví dụ sự di chuyển từ thành phố A đến thành phố B bằng bảy cỗ xe ngựa khác nhau. Khi đến đích, nếu ai hỏi có phải nhờ cỗ xe này mà di chuyển từ A đến B, người ngồi xe phải đáp "không", nhưng nếu bảo "không nhờ cỗ xe này mà đến" thì cũng không đúng. Về các thanh tịnh cũng vậy, nếu bảo giới, vv. "là" niết bàn vô thủ trước, thì thành "có" thủ trước (vào giới, vv.). Nhưng nếu bảo niết bàn vô thủ trước không phải những pháp ấy, thì tất cả phàm phu cũng đắc niết bàn, vì phàm phu không có những pháp ấy.

Sau khi nghe giảng giải, tôn giả Xá lợi phất hết lời khen ngợi và hỏi tính danh. Khi hỏi lại danh tính người đối thoại, Phú lâu na mới ngạc nhiên thốt lên:

- "Không dè tôi đang nói chuyện với một vị được xem là ngang hàng với đấng Đạo sư. Nếu biết trước, tôi đã không nói nhiều như vậy."

CHÚ GIẢI

Mặc dù trong Trường Bộ kinh 3, 288, cũng nói đến bảy thanh tịnh và hai thanh tịnh khác nữa là tuệ và giải thoát, có điều lạ là không chỗ nào khác trong Nikàya đề cập Bảy thanh tịnh. Lạ hơn nữa, cả hai vị đại đệ tử này dường như đều thừa nhận Bảy thanh tịnh là một pháp số rất quen thuộc, một giáo điều cố định. Bảy thanh tịnh vả lại, cũng là cái sườn của toàn bộ Luận Thanh tịnh đạo, đã định nghĩa mỗi giai đoạn tu tập bằng cách giảng rộng theo truyền thống, về tịnh chỉ và tuệ quán.

Vắn tắt, "Giới thanh tịnh" là tuân giữ nghiêm túc các học giới đã thọ, mà Thanh tịnh đạo giải thích là "bốn cách làm thanh tịnh giới".

"Tâm thanh tịnh" là trừ năm triền cái nhờ đạt cận hành định và các thiền.

"Kiến thanh tịnh" là tuệ liễu biệt bản chất năm uẩn làm nên một chúng sinh.

"Đoạn nghi thanh tịnh" là hiểu rõ duyên sinh.

"Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh" là phân biệt đúng giữa tà đạo - kinh nghiệm hỷ lạc xuất thần - với chính đạo, tuệ quán liễu tri vô thường vô ngã.

"Đạo tri kiến thanh tịnh" là một loạt tuệ quán cao dần để đạt đến những đạo lộ siêu thế.

Và "tri kiến thanh tịnh" là các đạo lộ siêu thế.

PHÁP SỐ

Bảy thanh tịnh

KỆ TỤNG

Nghe tin Phú lâu na
Sau khi viếng thăm Phật
Đã vào rừng An-đa (Andhavana)
Thu tử cũng vào rừng.
Hai vị danh đức ấy
Chưa từng biết mặt nhau
Cùng độc cư thiền định
Dưới cây trong rừng sâu.
Tôn giả Xá lợi phất
Đến bên Phú lâu na
Chào thăm rồi phỏng vấn:

"Mục đích gì xuất gia?"
Có phải vì mục đích
Khiến Giới không tì vết
Được thanh tịnh vẹn toàn?
"Không phải đâu, hiền giả."

Có phải vì mục đích
Đạt đến Tâm thanh tịnh
Trừ chướng ngại, đắc định?
"Không phải đâu, hiền giả."

Có phải vì mục đích
Dứt sạch những hoài nghi
Mà sống đời phạm hạnh?
"Không phải đâu, hiền giả."

Có phải vì mục đích
Phân biệt được chính tà
- Đạo phi đạo tri kiến?
"Không phải đâu, hiền giả."

Có phải vì mục đích
Thanh lọc những thấy biết
- Đạo tri kiến thanh tịnh?
"Không phải đâu, hiền giả."

Có phải vì mục đích
Đạt tri kiến thanh tịnh
Các cảnh giới siêu thế?
"Không phải đâu, hiền giả."

Có phải vì mục đích
Đạt Cái thấy thanh tịnh
Thấy vô ngã khổ không?
"Không phải đâu, hiền giả."

Vậy với mục đích gì
Bạn theo đức Thế tôn?
"Hiền giả, với mục đích
Vô thủ trước niết bàn."
Phải chăng Giới thanh tịnh
Là vô trước niết bàn?
Không phải đâu, hiền giả
Vì còn chấp vào Giới.

Phải chăng Tâm thanh tịnh
Là vô trước niết bàn?
Không phải đâu, hiền giả
Vì còn chấp vào Định.

Phải chăng Kiến thanh tịnh
Là vô trước niết bàn?
Không phải đâu, hiền giả
Vì còn chấp vào Kiến.

Hay Đoạn nghi thanh tịnh
Là vô trước niết bàn?
Không phải đâu, hiền giả
Vì còn chấp Đoạn nghi.

Đạo phi đạo tri kiến
Là vô trước niết bàn?
Không phải đâu hiền giả
Vì chấp đạo phi đạo.

Đạo tri kiến thanh tịnh
Là vô trước niết bàn?
Không phải đâu hiền giả
Vì còn chấp tri kiến.

Xá lợi phất lại hỏi
Ngoài các pháp ấy ra
Vô thủ trước niết bàn
Có thể đạt được chăng?
Phú lâu na đáp liền
"Không đâu, thưa hiền giả
Không thể có niết bàn
Ngoài các pháp kể trên."

"Vậy do nhân duyên gì
Hiền giả đều phủ nhận
Vô thủ trước niết bàn
Không phải mỗi pháp ấy?
Và lại còn xác định
Ở ngoài các pháp ấy
Cũng không thể có được
Vô thủ trước niết bàn?"
Thưa hiền giả, nghe đây
Nếu nói Giới thanh tịnh
Là vô trước niết bàn
Tức thì niết bàn ấy
Gọi là hữu thủ trước
Vì còn chấp vào Giới.
Với các "thanh tịnh" khác
Đều nên hiểu như vậy.
Nhưng nếu Thế tôn dạy
Ngoài các pháp ấy ra
Có vô trước niết bàn
Thì vô cùng phi lý
Vì tất cả phàm phu
Cũng sẽ được niết bàn
- Họ ở ngoài pháp ấy
tức hoàn toàn không tu -

Tôi xin lấy ví dụ
Như vua đi đường dài
Phải thay xe nhiều trạm
Ngồi cỗ xe cuối cùng
Để trở về hoàng cung
Đến nơi, khi được hỏi
Phải chăng cỗ xe này
Đưa vua suốt đường dài?
Khi ấy muốn trả lời
Vua phải nói làm sao?
"Từ trạm xe thứ nhất
Ta lên xe khởi hành
Qua tất cả bảy trạm
Mỗi nơi đều đổi xe
Với cỗ xe thứ bảy
Ta về đến cung thành."

Cũng thế, thưa hiền giả
Giới là để có Định
Định để đạt đến Kiến
[- Thấy vô thường vô ngã.]
Kiến là để Đoạn nghi
[- Hiểu rõ lý duyên sinh]
Đoạn nghi là cốt được
Đạo phi đạo tri kiến.
Đạo phi đạo tri kiến
[- Phân biệt được tà chính]
Là chỉ cốt đạt được
Đạo tri kiến thanh tịnh.
Đạo tri kiến thanh tịnh
[- lối thấy biết xuất thế]
Là cốt đạt cho đến
Các cảnh giới siêu thế
Tức tri kiến thanh tịnh.
Thấy biết trong sáng này
Có mục đích duy nhất:
Niết bàn vô thủ trước.

Khi ấy Xá lợi phất
Hỏi tên Phú lâu na
Thưa hiền giả tên gì
Đồng đạo gọi là chi?
"Tôi tên Phú lâu na"
Đồng phạm hạnh còn gọi
"Di đa la ni tử."
Còn hiền giả tên gì?
"Tôi tên U-pa-tis-sa"
Các vị đồng phạm hạnh
Còn gọi tên "Thu tử"
Xá lợi phất là tôi.
"Không ngờ được đàm đạo
Với tướng quân chính pháp
Ngang hàng đấng Đạo sư
Lành thay, thưa hiền giả.
Nếu tôi sớm biết được
Ngài là Xá lợi phất
Chắc không dám ba hoa
Múa rìu qua mắt thợ."

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivapa.

Lúc ấy một số đông Tỷ-kheo người địa phương, sau khi an cư mùa mưa tại địa phương xong, liền đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

-- Này các Tỷ-kheo, ai ở tại địa phương được các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: "Tự mình thiểu dục và giảng về thiểu dục cho các Tỷ-kheo; tự mình tri túc và giảng về tri túc cho các Tỷ-kheo; tự mình độc cư và giảng về độc cư cho các Tỷ-kheo; tự mình không ô nhiễm và giảng về không ô nhiễm cho các Tỷ-kheo; tự mình tinh cần, tinh tấn và giảng về tinh cần, tinh tấn cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giới hạnh và giảng về thành tựu giới hạnh cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu Thiền định và giảng về thành tựu Thiền định cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu trí tuệ và nói về thành tựu trí tuệ cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát và nói về thành tựu giải thoát cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và nói về thành tựu giải thoát tri kiến cho các Tỷ-kheo; vị giáo giới, vị khai thị, vị trình bày, vị khích lệ, vị làm cho phấn khởi, vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ?".

-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Punna Mantaniputta là Tỷ-kheo địa phương được các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: "Tự mình thiểu dục và nói về thiểu dục cho các Tỷ-kheo... (như trên)... vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ."

Lúc bấy giờ, Tôn giả Sariputta ngồi cách Thế Tôn không xa. Tôn giả Sariputta suy nghĩ như sau: "Hạnh phúc thay Tôn giả Punna Mantaniputta! Chơn hạnh phúc thay Tôn giả Punna Mantaniputta! Tôn giả đã được các vị đồng phạm hạnh có trí tán thán từng điểm một trước mặt bậc Ðạo Sư, và được bậc Ðạo Sư chấp nhận; có thể chúng ta sẽ gặp Tôn giả Punna Mantaniputta, tại một chỗ nào, trong một thời gian nào, có thể sẽ có một cuộc đàm luận với Tôn giả."

Thế Tôn trú tại Rajagaha (Vương Xá) lâu cho đến khi vừa ý, rồi khởi hành đi Savatthi; Ngài tuần tự đi và đến Savatthi. Ở đây, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika.

Tôn giả Punna Mantaniputta được nghe: "Thế Tôn đã đến Savatthi, trú ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika". Rồi Tôn giả Punna Mantaniputta thâu dọn lại sàng tọa, cầm y bát, khởi hành đi Savatthi. Tôn giả tuần tự đi đến Savatthi, Jetavana, vườn ông Anathapindika, đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn giả Punna Mantaniputta đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Tôn giả Punna Mantaniputta, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, từ tạ đi Andhavana để nghỉ trưa.

Rồi một Tỷ-kheo khác đến chỗ Tôn giả Sariputta ở, sau khi đến, thưa với Tôn giả Sariputta: "Hiền giả Sariputta, Hiền giả luôn luôn tán dương Tỷ-kheo Punna Mantaniputta; vị này được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, từ tạ đi đến Andhavana để nghỉ trưa".

Rồi Tôn giả Sariputta vội vã đem theo tọa cụ, đi theo sau lưng Tôn giả Punna Mantaniputta, đầu hướng về trước mặt (để theo dõi). Rồi Tôn giả Punna Mantaniputta đi sâu vào rừng Andhavana, và ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây. Tôn giả Sariputta, sau khi đi sâu vào rừng Andhavana, ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.

Rồi vào buổi chiều, Tôn giả Sariputta từ Thiền định độc cư đứng dậy, đến tại chỗ Tôn giả Punna Mantaniputta, sau khi đến nói lên với Tôn giả Punna Mantaniputta những lời chào đón, hỏi thăm, xã giao rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sariputta thưa với Tôn giả Punna Mantaniputta:

-- Hiền giả, có phải chúng ta sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?
-- Thật như vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tâm thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là mục đích kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, khi hỏi "có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?", Hiền giả trả lời "Không phải vậy". Khi hỏi ... tâm thanh tịnh? ... kiến thanh tịnh?... đoạn nghi thanh tịnh? ... đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh? ... đạo tri kiến thanh tịnh? ... Khi hỏi "có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?", Hiền giả trả lời "Không phải vậy". Như vậy, Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?

-- Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn.

-- Hiền giả, có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, khi hỏi "có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?", Hiền giả trả lời: "Không phải vậy. Khi hỏi "có phải tâm thanh tịnh ...? ... có phải kiến thanh tịnh ...? ... có phải đoạn nghi thanh tịnh ...? ... có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh ...? ... có phải đạo tri kiến thanh tịnh là ...? ... có phải tri kiến thanh tịnh ...? ... có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát-niết-bàn?", Hiền giả trả lời: "Không phải vậy." Hiền giả, vậy ý nghĩa lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?

-- Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát-niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát-niết-bàn. Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tâm thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố kiến thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đoạn nghi thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo tri kiến thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát-niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát-niết-bàn. Hiền giả, và nếu Thế Tôn tuyên bố cái gì ngoài các pháp ấy là vô thủ trước Bát-niết-bàn, thì kẻ phàm phu có thể Bát-niết-bàn, vì này Hiền giả, phàm phu là ngoài các pháp ấy.

Hiền giả, tôi sẽ cho Hiền giả một ví dụ, ở đây, một số kẻ có trí, nhờ ví dụ để hiểu ý nghĩa của lời nói. Hiền giả, như vua Pasenadi xứ Kosala trong khi ở tại Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho vua giữa Savatthi và Saketa. Hiền giả, rồi vua Pasenadi xứ Kosala, từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm thứ nhất đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, leo lên trạm xe thứ hai, nhờ trạm xe thứ hai đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai... đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba... đến được trạm xe thứ năm, từ bỏ trạm xe thứ tư, leo lên trạm xe thứ năm, nhờ trạm xe thứ năm đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu, leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy đến được Saketa, tại cửa nội thành. Khi vua đến tại cửa nội thành, các bộ trưởng cận thần, các thân thích cùng huyết thống hỏi như sau:"-- Tâu Ðại vương có phải với trạm xe này, Bệ hạ đi từ Savatthi đến Saketa tại cửa nội thành?" Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế nào mới gọi là trả lời đúng đắn?

-- Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế này mới trả lời đúng đắn: "-- Ở đây, trong khi ta ở Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho ta, giữa Savatthi và Saketa. Ta từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm xe thứ nhất, ta đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, ta leo lên trạm xe thứ hai; và nhờ trạm xe thứ hai, ta đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai... đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba... đến được trạm xe thứ năm; từ bỏ trạm xe thứ tư... đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm xe thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu... leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy, Ta đến được Saketa, tại cửa nội thành". Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala trả lời như vậy mới trả lời một cách đúng đắn.

-- Cũng vậy, này Hiền giả, giới thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) kiến thanh tịnh; kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đoạn nghi thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tri kiến thanh tịnh; tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) vô thủ trước Bát-niết-bàn. Này Hiền giả, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn.

Khi được nói vậy, Tôn giả Sariputta nói với Tôn giả Punna Mantaniputta:

-- Tôn giả tên là gì? Và các vị đồng phạm hạnh biết Tôn giả như thế nào?

-- Hiền giả, tên tôi là Punna và các vị đồng phạm hạnh biết tôi là Mantaniputta.

-- Thật hy hữu thay, Hiền giả! Thật kỳ diệu thay, Hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư, và vị đệ tử ấy là Tôn giả Punna Mantaniputta. Thật hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh! Thật chơn hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Punna Mantaniputta! Nếu các vị đồng phạm hạnh đội Tôn giả Punna Mantaniputta trên đầu với một cuộn vải làm khăn để được thăm viếng, để được thân cận, thì thật là hạnh phúc cho các vị ấy, thật là chơn hạnh phúc cho các vị ấy! Thật hạnh phúc cho chúng tôi, thật chơn hạnh phúc cho chúng tôi được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Punna Mantaniputta!

Khi được nói vậy, Tôn giả Punna Mantaniputta nói với Tôn giả Sariputta:

-- Tôn giả tên là gì, và các vị đồng phạm hạnh biết Tôn giả như thế nào?

-- Hiền giả, tôi tên là Upatissa, và các vị đồng phạm hạnh biết tôi là Sariputta.

-- Tôi đang luận bàn với bậc đệ tử được xem là ngang hàng với bậc Ðạo Sư mà không được biết là Tôn giả Sariputta. Nếu chúng tôi được biết là Tôn giả Sariputta, thì chúng tôi đã không nói nhiều như vậy. Thật hy hữu thay, Hiền giả! Thật kỳ diệu thay, Hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một, bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư. Và vị đệ tử ấy là Tôn giả Sariputta. Thật hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh! Thật chơn hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh... được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Sariputta! Nếu các vị đồng phạm hạnh đội Tôn giả Sariputta trên đầu với một cuộn vải làm khăn để được thăm viếng, được thân cận, thì thật hạnh phúc cho các vị ấy, thật chơn hạnh phúc cho các vị ấy! Thật hạnh phúc cho chúng tôi, thật chơn hạnh phúc cho chúng tôi được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Sariputta!

Như vậy, hai bậc cao đức ấy cùng nhau thiện thuyết, cùng nhau tùy hỷ.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt