Kinh Bất đoạn
(Anupadasuttam)

I. TOÁT YẾUAnupada Sutta - One by One as They Occurred.

The Buddha describes the venerable Sàriputta’s development of insight when he was training for the attainment of arahantship.

Từng pháp một, ngay khi chúng khởi lên.

Phật mô tả sự phát triển tuệ giác của tôn giả Xá lợi Phất lúc ngài tu để đắc quả A la hán.

II. TÓM TẮT

Phật ở Xá vệ, gọi các tỷ kheo mà ca tụng Sariputta là bậc nhiều trí tuệ, vị quán pháp bất đoạn [1] trong nửa tháng.

Vị ấy an trú không gián đọan các pháp sơ thiền gồm có tầm, tứ, hỷ lạc, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục thắng giải, tấn, niệm, xả, tác ý [2] biết rõ lúc chúng khởi lên, trú và diệt; an trú với tâm không luyến ái, không chống đối, vô hạn [3] vì biết còn có giải thoát cao hơn nữa [4], còn nhiều việc phải làm. Vị ấy diệt tầm, tứ, an trú nhị thiền, với các pháp thuộc nhị thiền (nội tĩnh, hỷ, lạc, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý) cho đến các pháp thuộc tứ thiền bất khổ bất lạc, với xả niệm thanh tịnh [5] (và các pháp khác như trên) cũng biết rõ chúng khởi, trú, và diệt, biết còn có những pháp cao hơn. Vị ấy chứng đắc và quán sát tương tự như thế cho đến Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất khởi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị ấy quán sát các pháp từ không thành có, và sau khi xuất hiện đã biến mất [6], đối với chúng vị ấy không luyến ái, không chống đối, an trú với tâm không hạn lượng vì biết còn thứ giải thoát cao hơn. Vị ấy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng trú định Diệt thọ tưởng, lậu hoặc được tận trừ nhờ thấy với trí tuệ [7]. Với chánh niệm, vị ấy xuất khởi Diệt thọ tưởng định, cũng quán sát như trên, các pháp [8] từ không thành có và sau khi xuất hiện đã biến mất, đối với chúng tâm không luyến ái, không chống đối, an trú với tâm vô hạn lượng. Vị ấy biết không còn sự giải thoát nào cao hơn [9] thế nữa, không còn việc gì phải làm.

Và Phật kết luận: Tôn giả Xá Lợi Phất đã thành tựu viên mãn [10] Giới uẩn, Ðịnh uẩn, Tuệ uẩn và Giải thoát uẩn của bậc thánh, là con chánh tông của Phật, từ Pháp hóa sinh, kẻ thừa tự Pháp không thừa tự tài vật, chân chính chuyển Pháp luân vô thượng mà Như Lai đã chuyển.

III. CHÚ GIẢI

1. Anupadadhammavipassanà. MA (Sớ giải Trung bộ) giải thích vị ấy phát triển tuệ quán tuần tự đi sâu vào các pháp nhờ các thiền chứng và thiền chi, như sẽ mô tả. Nửa tháng nói ở đây là kể từ lúc tôn giả Xá Lợi Phất xuất gia theo Phật cho đến lúc ngài chứng quả A la hán trong khi nghe Phật giảng cho Dìghanakha về cảm thọ. (xem kinh Trung bộ 75, đoạn 14.)

2. Năm pháp đầu trong bảng kê này là các thiền chi thuộc sơ thiền; các pháp sau đó là những thành phần thêm vào mỗi thứ làm một nhiệm vụ riêng trong thiền định [DGTheo duy thức học, gọi là năm biến hành và năm biệt cảnh tâm sở]. Sự phân tích tỉ mỉ này về các tâm pháp báo trước phương pháp luận của Luận tạng, bởi thế không phải là sự tình cờ khi tên tuổi của Sàriputta được gắn liền với sự ra đời của văn học Luận tạng.

3. Tất cả những danh từ này có nghĩa là sự tạm thời dằn dẹp các nhiễm ô nhờ năng lực thiền định chứ không phải sự hoàn toàn giải thoát ô nhiễm do đoạn tận chúng bằng A la hán đạo, điều mà tôn giả Sàriputta còn phải chứng đạt.

4. Sự vượt xa hơn nữa ở đây là thiền chứng kế tiếp, tức nhị thiền.

5. Theo ấn bản BBS (Đại tạng Miến Điện) là passaddhattà cetaso anàbhogo, mà Kinh sớ giải là tâm còn có lạc ở tam thiền bây giờ được xem là vẫn còn thô, và khi lạc ấy lắng xuống thì tâm có sự an tịnh nhờ xả. Ấn bản hội PTS là passivedanà, rõ ràng sai.

6. Cần phải sử dụng phương pháp nội quán gián tiếp này để quán sát Phi tưởng phi phi tưởng, thiền vô sắc thứ tư vì nó vô cùng vi tế, các thánh đệ tử không thể trực tiếp tra tầm được, mà chỉ có chư Phật toàn giác mới có thể trực tiếp quán sát nó.

7. Kinh sớ đưa ra giải thích sau về đoạn kinh này, do các trưởng lão của xứ Ấn truyền lại: Trưởng lão Xá Lợi Phất tu chỉ quán song hành và đã chứng quả Bất hoàn. Rồi ngài nhập định Diệt thọ tưởng và sau khi xuất định này, đã chứng quả A la hán.

8. Vì trong định Diệt thọ tưởng không còn thiền chi nào cả, nên Kinh sớ nói các pháp này chắc phải ám chỉ các sắc pháp sinh trong khi tôn giả chứng diệt định, hoặc ám chỉ các tâm pháp thuộc định chứng vô sắc thứ tư trước đấy.

9. Hãy chú ý sự thực chứng rằng không còn giải thoát nào cao hơn sự chứng đắc A la hán quả.

10. Vasippatto pàramipatta, tối thắng rốt ráo (ba la mật).

IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG

Phật gọi chúng tỷ kheo
Ngợi khen Xá Lợi Phất
Bậc trí tuệ siêu phàm
An trú bất đoạn quán.
Vị ấy chứng sơ thiền
An trú không gián đoạn
Các pháp thuộc sơ thiền:
Tầm tứ hỷ lạc định
Xúc (tác) ý thọ tưởng tư
Dục thắng giải niệm xả
Rõ biết sinh trú diệt
Không tham luyến chống đối
An trú tâm vô hạn
Biết còn pháp cao hơn
Còn có việc phải làm.
Vị ấy chứng nhị thiền
Cho đến Phi phi tưởng
Cũng thái độ như trên:
Giải thoát không chấp thủ.
Xuất khởi Phi phi tưởng
Chứng Diệt thọ tưởng định
Khi xuất khởi Diệt định
Quán sát các pháp này
Từ không mà ra có
Có lại trở về không
An trú tuệ giải thoát
Không còn việc phải làm.
Tôn giả Xá Lợi Phất
Con chính tông của Phật
Thừa tự Pháp Như Lai
Chuyển pháp luân vô thượng.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, Sariputta (Xá-lợi-phất) là bậc Hiền trí; này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Ðại tuệ; này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Quảng tuệ; này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Hỷ tuệ (Hasupanna); này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Tiệp tuệ (javanapanna); này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Lợi tuệ (tikkhapanna); này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Quyết trạch tuệ (nibbedhikapanna). Này các Tỷ-kheo, cho đến nửa tháng, Sariputta quán bất đoạn pháp quán. Này các Tỷ-kheo, đây là do bất đoạn pháp quán của Sariputta:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sariputta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

Và những pháp thuộc về Thiền thứ nhất như tầm, tứ, hỷ, lạc, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; các pháp ấy được an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi an trú, được Sariputta biết đến khi đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt". Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Và những pháp thuộc về Thiền thứ hai như nội tĩnh, hỷ, lạc, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý, những pháp ấy được an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt". Sariputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba.

Và những pháp thuộc về Thiền thứ ba, như xả, lạc, niệm, tỉnh giác, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, xả, tác ý; những pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn, các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh.

Và những pháp thuộc về Thiền thứ tư, như xả, bất khổ bất lạc thọ, thọ (passivedana), vô quán niệm tâm (Cetaso anabhogo), thanh tịnh nhờ niệm, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn, các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ.

Và những pháp thuộc về Không vô biên xứ như hư không, vô biên xứ tưởng, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn, các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta đối với những pháp ấy, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ.

Và những pháp thuộc về Thức vô biên xứ như Thức vô biên xứ tưởng, nhất tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn; các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta đối với những pháp ấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ.

Và những pháp thuộc về Vô sở hữu xứ, như Vô sở hữu xứ tưởng, nhứt tâm, và xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; những pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn; các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta đối với những pháp ấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Với chánh niệm, Sariputta xuất khỏi định ấy. Sau khi với chánh niệm xuất khỏi định ấy, Sariputta thấy các pháp ấy thuộc về quá khứ, bị đoạn diệt, bị biến hoại: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu chúng đoạn diệt". Sariputta đối với những pháp ấy cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Sariputta vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và an trú Diệt thọ tưởng (định). Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận.

Với chánh niệm, Sariputta xuất khỏi định ấy. Sau khi với chánh niệm xuất khỏi định ấy, Sariputta thấy các pháp ấy thuộc về quá khứ, bị đoạn diệt, bị biến hoại: "Như vậy các pháp ấy, trước không có nơi ta, sau có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt". Sariputta đối với các pháp ấy cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Không có sự giải thoát nào vô thượng hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, không có việc phải làm nhiều hơn thế nữa".

Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, một người có thể nói về người ấy như sau: "Người này được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giới, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh định, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh tuệ, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giải thoát. Nói một cách chơn chánh về Sariputta, người ấy có thể nói như sau: "Sariputta được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giới, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh định, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh tuệ, được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giải thoát".

Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, một người có thể nói về người ấy như sau: "Người này là con chánh tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành, thừa tự Chánh pháp, không thừa tự vật chất". Nói một cách chơn chánh về Sariputta, người ấy có thể nói như sau: "Sariputta là con chánh tông của Thế Tôn, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành, thừa tự Chánh pháp, không thừa tự vật chất".

Sariputta, này các Tỷ-kheo, chơn chánh chuyển Pháp luân vô thượng đã được Như Lai chuyển vận.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt