Một vị trời đặt cho một tỳ kheo một câu đố bí hiểm, được Phật giải thích.

PHẦN TOÁT YẾU

Vammika Sutta - the ant-hill.

A deity presents a monk with an obscure riddle, which is unravelled for him by the Buddha.

Một vị trời đặt cho một tỳ kheo một câu đố bí hiểm, được Phật giải thích.

TÓM TẮT

Một đêm nọ, một vị trời xuất hiện trước tôn giả Kumara-kassapa đang ở trong rừng Andha (người mù), nói lên câu đố như sau. Có gò mối ban đêm phun khói, ngày chiếu sáng; một bà la môn bảo kẻ trí hãy cầm gươm đào lên. Kẻ trí làm theo lời bà la môn, tuần tự đào và lấy lên những vật sau đây: 1. một then cửa; 2. một con nhái; 3. một cái chĩa [đường hai ngã]; 4. một cái lọc; 5. một con rùa; 6. một con dao phay; 7. một miếng thịt. Cuối cùng gặp một con rắn hổ, và đảnh lễ nó. Vị trời bảo tỳ kheo hãy đến nhờ Phật giải ẩn ngữ trên, vì chỉ có Phật giải nổi.

Phật giải thích cho tỳ kheo: Gò mối là thân tứ đại; đêm phun khói là suy nghĩ; ngày chiếu sáng là ban ngày thực hiện những gì ban đêm đã nghĩ; Bà la môn là đức Như lai bậc Chính đẳng giác; kẻ trí là tỳ kheo bực hữu học; cây gươm là trí tuệ bực thánh. "Đào" là tinh tấn tinh cần. Then cửa là vô minh, "đem then cửa lên" là từ bỏ vô minh. Con nhái là phẫn nộ hiềm hận; cái chĩa hai ngã là nghi hoặc; đồ lọc là năm triền cái; rùa là năm thủ uẩn; dao phay là ngũ dục; miếng thịt là hỷ tham. "Đào lên" có nghĩa là từ bỏ tất cả thứ ấy. Cuối cùng con rắn hổ là vị đã diệt lậu hoặc, đáng đảnh lễ.

CHÚ GIẢI

Ca diếp đồng tử - Kumàrakassapa là con nuôi vua Ba tư nặc xứ Kosala, con của một phụ nữ xuất gia làm ni trong lúc không biết đã mang thai. Vào thời gian thuyết kinh này, ông còn ở địa vị hữu học; và đã đắc quả A la hán sau khi thiền quán đề tài này. Luận nói vị trời trong kinh này là một vị Bất hoàn ở cõi Tịnh cư, một trong nhóm năm người cùng tu thiền trên một đỉnh núi.

PHÁP SỐ

Ba nghiệp

Năm triền cái

Năm thủ uẩn

Năm dục trưởng dưỡng

KỆ TỤNG

"Gò mối đêm phun khói
Và chiếu sáng ban ngày
Một vị bà la môn
Đi đến người có trí
Bảo cầm gươm đào bới
Gặp ngay then chắn cửa
Lấy ra rồi đào thêm
Lấy lên một con nhái,
Một cái chĩa hai ngã,
Một đồ dùng lọc sữa
Rồi đến một con rùa
Và một con dao phay
Cùng với một miếng thịt
Cuối cùng gặp rắn hổ
Bà la môn bèn bảo
Kẻ trí hãy dừng tay."
Hãy đến xin Phật giải
Một vị trời bảo vậy
Với Ca diếp đồng tử
Lúc đêm đã gần tàn.
Ca diếp đến nơi Phật
Đảnh lễ xin giải rõ.
Phật giảng dạy như sau:
Bà la môn là Phật,
Kẻ trí bậc Hữu học
Gò mối thân tứ đại
Phun khói là suy nghĩ
Chiếu sáng là hành động,
Đào bới dụ tinh tiến
Gươm là thánh trí tuệ
Then cửa dụ vô minh
Hãy lấy then cửa lên
Là "từ bỏ vô minh"
Con nhái là phẫn hận
Chĩa hai là nghi hoặc
Đồ lọc là năm triền
Con rùa là thủ uẩn
Dao phay là năm dục
Miếng thịt là hỷ tham
Đào lên ngần ấy thứ
Sẽ gặp cái cuối cùng:
Rắn hổ vị lậu tận
Để yên đừng động đến
Ấy việc làm đã xong.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kumara Kassapa trú tại Andhavana.

Rồi một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ Tôn giả Kumara Kassapa ở, sau khi đến, bèn đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Kumara Kassapa:

"Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng.

"Một Bà-la-môn nói như sau: "Này kẻ trí, hãy cầm gươm và đào lên". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một then cửa: "Thưa Tôn giả, một then cửa".

"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy then cửa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con nhái: "Thưa Tôn giả, một con nhái".

"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy đem con nhái lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con đường hai ngã: "Thưa Tôn giả, một con đường hai ngã".

"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí hãy lấy con đường hai ngã lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một đồ lọc sữa: "Thưa Tôn giả, một đồ lọc sữa".

"Vị Bà-la-môn nói: "Hãy lấy đồ lọc sữa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con rùa: "Thưa Tôn giả, một con rùa".

"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy con rùa lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con dao phay: "Thưa Tôn giả, một con dao phay".

"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy con dao phay lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một miếng thịt: "Thưa Tôn giả một miếng thịt".

"Vị Bà-la-môn nói: "Này kẻ trí, hãy lấy miếng thịt lên, cầm gươm đào thêm". Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con rắn hổ: "Thưa Tôn giả, con rắn hổ".

"Vị Bà-la-môn nói: "Hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ".

"Này Tỷ-kheo, hãy đến chỗ Thế Tôn ở và hỏi những câu hỏi ấy. Thế Tôn trả lời Tôn giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, Ta không thấy ai trên cõi đời, với chư Thiên, các Ma vương, với Phạm thiên, các chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể hướng tâm để trả lời những câu hỏi ấy, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này".

Vị Thiên ấy nói như vậy. Sau khi nói xong như vậy, vị ấy biến mất ở nơi đây.

Rồi Tôn giả Kumara Kassapa, sau khi đêm ấy đã mãn, đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến xong, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Kumara Kassapa bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, đêm nay, một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ con ở, sau khi đến liền đứng một bên. Khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với con: "Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này, ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng. Một vị Bà-la-môn nói như sau: "Này kẻ trí, hãy cầm gươm đào lên". Người có trí cầm gươm, đào lên thấy một then cửa... (như trên)... đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này". Bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói như vậy, nói xong liền biến mất tại chỗ ấy.

Bạch Thế Tôn, gò mối là gì, cái gì phun khói ban đêm, cái gì chiếu sáng ban ngày, ai là Bà-la-môn, ai là người có trí, cái gì là cây gươm, cái gì là đào lên, cái gì là then cửa, cái gì là con nhái, cái gì là con đường hai ngã, cái gì là đồ lọc sữa, cái gì là con rùa, cái gì là con dao phay, cái gì là miếng thịt, cái gì là con rắn hổ?

-- Này Tỷ-kheo, gò mối là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt.

Này Tỷ-kheo, cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói.

Này Tỷ-kheo, cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm, ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là ban ngày chói sáng.

Này Tỷ-kheo, Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tỷ-kheo, người có trí là đồng nghĩa với Tỷ-kheo hữu học. Này Tỷ-kheo, cái gươm là đồng nghĩa với trí tuệ của bậc Thánh. Này Tỷ-kheo, đào lên là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần.

Này Tỷ-kheo, cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh; đem then cửa lên là từ bỏ vô minh này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con nhái là đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm hận; đem con nhái lên là từ bỏ phẫn nộ hiềm hận này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con đường hai ngã là đồng nghĩa với nghi hoặc; đem con đường hai ngã lên là từ bỏ nghi hoặc này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền cái: dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi hoặc triền cái; đem đồ lọc sữa lên là từ bỏ năm triền cái này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con dao phay là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng, tức là các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; lấy con dao phay lên là từ bỏ năm dục trưởng dưỡng này, kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham; lấy miếng thịt lên là từ bỏ hỷ tham này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con rắn hổ là đồng nghĩa với vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ, là ý nghĩa này.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt