Như thế nào
(Kimtisutta)

I. TOÁT YẾU

Kinti Sutta: What Do You Think About Me?

The Buddha explains how the monks can resolve disagreements about the Dhamma

[Các ông nghĩ gì về ta? Phật dạy các tỷ kheo cách giải quyết những bất đồng về Pháp.]

II. TÓM TẮT

Phật ở Kusinara gọi các tỷ kheo mà hỏi, có phải vì bốn sự cúng dường hay vì thành bại [1] mà Thế Tôn thuyết pháp không. Chúng tỷ kheo thưa không. Ngài chỉ vì từ tâm và lợi tha mà nói pháp. Phật dạy nếu biết thế, thì hãy học tập tất cả pháp mà Như Lai sau khi thân chứng đã truyền dạy - tức là 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 thánh đạo - và hãy tu học trong tinh thần hòa hợp không tranh cãi. Nhưng trong khi tu học hòa hợp như vậy, có thể có sự bất đồng giữa hai tỷ kheo về Thắng pháp [2] hoặc về Luật. Nên dàn xếp như sau.

A. Về pháp:

Vị tỷ kheo hòa giải nên xét xem sự bất đồng của họ thuộc tính chất nào. Có 4 trường hợp:

1. Giữa 2 phe, có sai khác cả về nghĩa lẫn về văn [3];
2. Hoặc sai khác về nghĩa, đồng nhất về văn;
3. Hoặc đồng nhất về nghĩa, sai khác về văn;
4. Hoặc đồng nhất về nghĩa và văn.

Vị hòa giải nên đến người nào dễ nói trong cả 2 phe để khuyên họ đừng cãi lộn: Với 2 trường hợp đầu, cãi nhau vô ích vì hai bên không đồng nói một chuyện (khác nhau về nghĩa); với 2 trường hợp sau thì chỉ khác nhau về văn là vấn đề nhỏ nhặt [4] không nên cãi nhau vô lối.

B. Về Luật:

Nếu có người phạm giới phạm luật [5] thì không nên khiển trách liền, mà phải suy nghĩ đắn đo như sau, trường hợp nào nên nói, trường hợp nào không nên.

1. Nên sửa sai cho người ấy nếu việc này không hại gì cho ta, cho họ; họ không phẫn uất, lanh lợi, dễ nói, và ta có thể khiến họ bỏ ác theo thiện.

2. Vẫn nên sửa sai nếu xét thấy cuối cùng ta sẽ khiến người ấy bỏ ác theo thiện mặc dù có thể gặp một hay nhiều chướng ngại như sau: a) có hại cho ta; b) có hại cho người; c) có hại cho cả hai; d) người kia phẫn uất; e) chậm lụt; f) khó nói. Nhưng tất cả trở ngại này đều là việc nhỏ nếu cải hóa được một con người.

3. Ngược lại nếu xét thấy cuối cùng không thể nào sửa đổi họ dù phải chịu những thiệt thòi trên, thì nên xả, nhưng không nên khinh miệt.

Trong khi tu học với tinh thần hòa hiệp, nếu có khởi lên một cuộc cãi nhau, một ý kiến ngoan cố, tâm hiềm hận phẫn nộ ưu não, thì người hòa giải nên đi đến người nào dễ nói nhất trong mỗi phe và bảo: Có phải nếu biết được việc này thì vị Sa môn [6] sẽ quở trách? Nếu không bỏ việc này [7] thì có thể chứng niết bàn không? Ðương nhiên họ phải đáp rằng Phật sẽ quở trách, và không thể chứng niết bàn. Khi sự thuyết phục thành công, nếu có ai hỏi có phải nhờ ngài mà họ đã an trú vào điều thiện không, vị tỷ kheo hòa giải chỉ nên nói nhờ được nghe Pháp của Thế Tôn mà họ tự sửa đổi. Trả lời như vậy tỷ kheo hòa giải khỏi phạm lỗi khen mình chê người.

III. CHÚ GIẢI

1. Bhavàbhavahetu, Kinh sớ: Các ngươi có nghĩ rằng Như Lai giảng Pháp để được công đức, được hưởng vui ở một cõi cao siêu nào chăng?

2. Abhidhamma. Theo Sớ, ám chỉ 37 pháp trợ đạo nói ở đoạn trước.

3. Nghĩa attha và văn byanjana là hai khía cạnh của Pháp Phật dạy. Xem thêm Trường 29, cũng bàn đến sự bảo tồn Pháp cho đúng về văn và nghĩa.

4. Ðoạn này muốn nói rằng câu văn hơi khác không nhất thiết trở ngại việc hiểu đúng ý nghĩa. Nhưng ở chỗ khác, ví dụ kinh Tăng Chi 2, Phật có dạy rằng Diệu pháp biến mất là do hai yếu tố: diễn đạt sai trên văn tự, và giải sai ý nghĩa.

5. Nguyên tắc chung trong việc sửa sai là: Nếu vị tỷ kheo có lỗi có thể sửa đổi, thì dù vị ấy có bị tổn thương và bản thân người can gián bị phiền hà, cũng nên can. Nhưng nếu vị ấy không thể nào sửa đổi được, thì người can gián nên có thái độ xả.

6. Vị Sa môn ở đây là đấng Ðạo sư (satthà), chỉ đức Phật. Như ở kinh Trung bộ 105.

7. Việc này có nghĩa là sự cãi nhau.

IV. PHÁP SỐ

V. KỆ TỤNG

Phật ở Câu thi na
Gọi chư tỷ kheo hỏi
Như Lai có giảng dạy
Ðể được phước lợi lành?
Chúng tỷ kheo thưa không,
Ngài chỉ vì từ tâm
Vì lợi ích tha nhân
Mà thuyết tuyên diệu pháp.
Vậy hãy khéo tu học
Băm bảy pháp trợ đạo
Do Như Lai thân chứng
Trong tinh thần vô tranh.
Nên hòa giải tranh chấp
Mỗi khi có bất đồng
Giữa hai nhóm tỳ kheo
Khi bàn về thắng pháp:
Khác nhau nghĩa và văn;
Ðồng nhất văn, khác nghĩa;
Ðồng nhất nghĩa, khác văn;
Ðồng nhất văn và nghĩa.
Với hai trường hợp đầu
(Kẻ nói gà người vịt)
Cãi nhau thật vô ích
Vì vấn đề khác nhau.
Với hai trường hợp sau
- đồng nghĩa, văn hơi khác -
Cũng không nên cãi nhau
Về bất đồng vụn vặt.
Vị Tỷ kheo hòa giải
Nên đến người dễ nói
Ở trong cả hai bên
Ðể trình bày như trên.
Khi phạm giới xảy ra
Xét nên, không nên nói
Nên nói nếu không hại
Cho người hoặc cho ta;
Người kia không phẫn uất,
Thông minh, biết phục thiện
Và chính ta có thể
Ðưa họ thoát đường tà.
Và cũng nên sửa sai
Nếu xét ra sửa được
Dù có những phiền phức:
Hoặc hại bản thân ta
Hoặc hại đến cho người
Hoặc ta, người đều hại;
Hoặc người kia phẫn uất
Chậm hiểu, khó thuyết phục.
Tất cả chướng ngại này
Chỉ là điều nhỏ nhặt
So với việc to lớn
Cải hóa một con người.
Nhưng nếu xét cho cùng
Có nói chỉ phí công
Thì bỏ qua, im lặng
Nhưng cũng chớ phiền lòng.
Giữa chúng tăng bình yên
Bỗng khởi lên tranh cãi
Ngoan cố và hiềm hận
Nên hòa giải đôi bên:
Ðấng Ðạo sư biết được
Ngài sẽ quở trách liền.
Không từ bỏ tranh chấp
Niết bàn khó chứng nên.
Nếu hòa giải thành công,
Nên nói nhờ Phật Pháp
Mà hai phe tranh chấp
Tự bỏ ác theo lành.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Kusinara, tại khu rừng Baliharana. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo", --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào? Có phải vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp?

-- Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con không nghĩ rằng: "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp".

-- Và như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như sau: "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp... vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp". Vậy này các Tỷ-kheo, đối với ta, các Ông nghĩ như thế nào?"

-- Như thế này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: "Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp".

-- Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như sau: "Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp".

Do vậy, này các Tỷ-kheo, những pháp Ta giảng cho các Ông với thượng trí, như là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành. Ở đây, các ông phải học tập tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau. Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập trong các pháp ấy, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có hai vị Tỷ-kheo nói khác nhau về Thắng pháp (Abhidhamma).

Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các vị Tôn giả này, có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn"; ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phái bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.

Ở đây, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Giữa các bậc Tôn giả này, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn". Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau. "Giữa các Tôn giả, có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự sai khác về nghĩa, có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì khó nắm giữ, cần phải thọ trì là khó nắm giữ, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.

Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các Tôn giả này, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn". Ở đây, Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt tức là văn: Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau vì một vấn đề nhỏ nhặt". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy nghĩ đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa, có sự sai khác về văn như thế này. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là văn. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau, vì một vấn đề nhỏ nhặt" Như vậy, cái gì dễ nắm giữ, phải thọ trì là dễ nắm giữ, cái gì khó nắm giữ, phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, sau khi thọ trì là khó nắm giữ cái gì khó nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật phải được nói lên.

Ở đây, nếu các Ông nghĩ như sau: "Giữa các Tôn giả này có sự đồng nhất về nghĩa có sự đồng nhất về văn"; ở đây, vị Tỷ-kheo nào các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn nhau". Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn giả, có sự đồng nhất về nghĩa và có sự đồng nhất về văn. Về vấn đề này, các Tôn giả phải biết có sự đồng nhất về nghĩa và cũng có sự đồng nhất về văn như thế này. Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau". Như vậy, cái gì dễ nắm giữ phải thọ trì là dễ nắm giữ. Sau khi thọ trì là dễ nắm giữ cái gì dễ nắm giữ, cái gì thuộc về Pháp, cái gì thuộc về Luật hãy được nói lên".

Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể có một Tỷ-kheo khác phạm giới, phạm luật.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, chớ có khiển trách hấp tấp, cá nhân người kia cần phải giác sát. Các Ông phải suy nghĩ: "Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ không có tổn hại gì cho người kia. Nếu người kia không phẫn nộ, không uất hận, có ý kiến lanh lợi, và dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ như sau: "Sẽ không có hại gì cho ta, và sẽ có tổn hại cho người kia. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, nhưng dễ thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Sẽ có hại cho ta và không có tổn hại cho người kia. Người kia không có phẫn nộ, uất hận, có ý kiến lanh lợi, nhưng khó thuyết phục, và ta có thể khiến người ấy vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là sự tổn hại cho ta. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Sẽ có hại cho ta và sẽ có tổn hại cho người kia. Người khác phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết phục và ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện. Nhưng đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt, tức là hại cho ta và tổn hại cho người kia. Và đây là sự việc to lớn hơn, là ta có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như vậy, thời các Ông nên nói là phải.

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông suy nghĩ như sau: "Ta sẽ bị hại và người kia cũng bị tổn hại. Người kia phẫn nộ, uất hận, có ý kiến chậm chạp, khó thuyết phục, và ta không có thể khiến người này vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện". Ðối với một người như vậy, này các Tỷ-kheo, hãy xã, chớ có nên khinh miệt.

Và này các Tỷ-kheo, khi các Ông học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau, có thể khởi lên giữa các Ông, một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Ở đây, một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn, hãy đến vị ấy và nói như sau: "Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau, có khởi lên một khẩu hành, một ý kiến ngoan cố, một tâm hiềm hận, ưu não, phẫn nộ. Nếu biết được như thế, vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, dầu cho, chúng tôi học tập các pháp ấy trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn nhau... , vị Sa-môn sẽ quở trách."

Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được".

Rồi một Tỷ-kheo nào của phe bên kia mà các Ông nghĩ là nhu thuận dễ nói hơn hãy đến vị ấy và nói như sau: "Này Hiền giả, dầu chúng tôi học tập các pháp ấy... ,vị Sa-môn sẽ quở trách". Trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, dầu cho chúng tôi ... , vị Sa-môn sẽ quở trách."

Nhưng này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn có thể chứng được chăng?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Này Hiền giả, nếu không từ bỏ điều kiện ấy, Niết-bàn không có thể chứng được".

Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Ông khác hỏi Tỷ-kheo ấy, nói rằng: "Các Tỷ-kheo ấy có được Tôn giả khiến cho vượt khỏi bất thiện, an trú vào thiện chăng?" Nếu trả lời một cách chơn chánh, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải trả lời như sau: "Ở đây, này Hiền giả, tôi đi đến Thế Tôn và Thế Tôn thuyết pháp của Ngài cho tôi. Sau khi nghe pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ-kheo ấy. Khi các Tỷ-kheo ấy nghe pháp ấy xong, các vị ấy tự vượt khỏi bất thiện và an trú vào thiện". Trả lời như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự khen mình chê người. Vị ấy giải thích tùy pháp đúng với pháp, và không một ai trong các Pháp hữu nói lời tùy thuyết, có thể đưa đến phỉ báng.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt