Nội dung chính của cuốn sách Làm sao để kết bạn và ảnh hưởng đến người khác (How To Win Friends & Influence People), chúng ta thường biết với tên Đắc nhân tâm
Một trong những tư tưởng cốt lõi của Dale là chúng ta có thể thay đổi hành vi người khác bằng cách thay đổi cách hành xử của mình đối với họ.
Nghệ thuật ứng xử với người khác
Nguyên tắc 1: Đừng chỉ trích, oán trách hay than phiền ai cả
Bất cứ ai trên đời, từ những người ở vị trí cao cho đến những người ở vị trí thấp, thậm chí là tội phạm, đều có lòng kiêu hãnh cá nhân và không muốn bị người khác phê bình, chỉ trích hay than phiền về mình.
Khi chúng ta chỉ trích người khác, chúng ta sẽ tạo ra sự chống đối, tự bảo vệ hay chối bỏ trách nhiệm từ người bị chỉ trích. Hơn thế nữa, họ sẽ có tâm lý chán nản bi quan về bản thân, và có thể sẽ ác cảm với chúng ta.
Những người mà chúng ta gặp trong đời, dù tốt hay xấu, đều có những kinh nghiệm sống riêng của họ, và sẽ ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều đến cuộc sống của chúng ta.
Vì vậy, đối với những người được xem là “xấu” hay có hành động không tốt đối với chúng ta, thay vì chỉ trích, oán trách hay than phiền họ, chúng ta hãy cố gắng thấu hiểu họ, thông cảm với những hành động của họ. Hãy xem đó là những bài học tuyệt vời của cuộc sống. Bằng cách xử sự bao dung như vậy, chúng ta sẽ nhận được phản ứng tích cực của họ.
Để có thể làm được nguyên tắc 1, chúng ta phải tập luyện để quản lý cảm xúc, quản lý những suy nghĩ hiếu chiến, tức giận, bực bội, và nuôi dưỡng hành vi cư xử bao dung, vị tha với người khác.
Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác
Ai cũng muốn được là người quan trọng, được người khác chú ý và tán thưởng. Không gì tàn phá mối quan hệ nhanh bằng cách “dìm hàng”, làm cho người đối diện mất đi cảm giác về cái tôi quan trọng của mình; và không gì có thể làm cho mối quan hệ tốt hơn bằng cách tán thưởng, khen ngợi người đối diện một cách tự nhiên và đúng mực để nâng cái tôi của họ lên.
Thay vì tìm điều không tốt, bới móc lỗi lầm của người khác, chúng ta hãy tìm ưu điểm và những thành quả của họ để có thể khen tặng họ một cách thành thật.
Chúng ta cũng phải biết tỏ lòng biết ơn khi người khác làm cho mình điều gì đó, dù là rất nhỏ.
Khi chúng ta biết khen ngợi và cảm ơn những người chung quanh một cách chân thành, chúng ta sẽ tạo nên tình thân ái, và một nguồn động viên to lớn cho họ. Cảm giác được yêu thương, quan tâm, công nhận sẽ giúp cho cuộc sống tích cực, phát huy những điểm tốt và hoàn thiện bản thân.
Nguyên tắc 3: Làm cho người khác mong muốn thực hiện điều chúng ta muốn họ làm
Điều chúng ta muốn làm không hẳn là điều người khác muốn làm. Hãy suy nghĩ về vấn đề này: khi câu cá, chúng ta sẽ móc vào lưỡi câu những món chúng ta thích ăn hay những món cá thích ăn?
Để gây ảnh hưởng đến người khác, chúng ta hãy nói về những điều họ mong muốn đạt được, và giúp cho họ đạt được những điều đó.
Để có thể thuyết phục một người làm những điều ta muốn họ làm, hãy suy nghĩ sự việc theo góc độ của người ấy, cũng như theo góc độ của mình và tự hỏi bản thân: “Tôi có thể làm gì để người khác tự họ làm điều này”. Khi ấy chúng ta sẽ biết cách thảo luận và gợi ý để hướng người đó đến việc thực hiện điều chúng ta mong muốn.
Nghệ thuật tạo thiện cảm
Nguyên tắc 1: Thật lòng quan tâm đến người khác
Hãy quan tâm một cách thành thật đến người khác. Bằng cách thật sự quan tâm đến sở thích, thói quen, những băn khoăn của người đối diện, chúng ta sẽ giữ được mối quan hệ giữa ta với họ, và nhận được sự hợp tác lâu dài của họ.
Biểu lộ sự quan tâm chân thành với người khác, chúng ta không chỉ có thêm bạn bè, mà còn có thể tăng sự trung thành của nhân viên, khách hàng.
Sự quan tâm chân thành đến người khác sẽ tạo ra sự tích cực màu nhiệm, không chỉ cho người khác mà còn cho chính chúng ta.
Nguyên tắc 2: Mỉm cười với người khác
Nụ cười rất quan trọng. Nó có giá trị hơn nhiều lời nói. Nụ cười làm cho người đối diện thấy chúng ta thân thiện và thích kết bạn với chúng ta. Tuy nhiên, đó phải là nụ cười tự nhiên, từ trong tâm, chứ không phải một sự mỉm cười máy móc, vô hồn.
Khi cười, chúng ta mang lại hạnh phúc, suy nghĩ tích cực cho những người chung quanh và cho chính chúng ta.
Nguyên tắc 3: Nhớ tên người khác
Con người ai cũng yêu quý tên của mình và mong muốn người khác nhớ và gọi tên mình một cách chính xác. Đó là lý do tại sao nhiều công ty được đặt theo tên của người sáng lập hoặc những công trình như thư viện, bảo tàng, tòa nhà được đặt tên theo nhà tài trợ.
Để có thể nhớ tên người khác, chúng ta hãy lặp lại tên của họ khi được giới thiệu, tạo sự liên tưởng giữa tên của họ với tính cách, hành vi, công ty, gia đình hay những quan tâm của họ.
Khi nhớ và gọi tên người khác một cách chính xác, chúng ta đã “ghi điểm” thiện cảm cao đối với họ.
Nguyên tắc 4: Khuyến khích người khác nói và hãy lắng nghe nhiều hơn
Con người có một cái miệng và hai cái tai, vậy chúng ta hãy nói ít đi và lắng nghe người khác nhiều hơn.
Lắng nghe một cách tập trung và quan tâm sâu sắc đến những chi tiết, câu chuyện mà người khác đang nói là chúng ta đã tạo được thiện cảm lớn đối với họ.
Những nhân viên phục vụ lắng nghe những than phiền, bực tức của khách hàng một cách thật lòng là đã giải quyết phần nào sự khó chịu của khách.
Quan tâm sâu sắc đến những chi tiết, câu chuyện mà người khác đang nói là chúng ta đã tạo được thiện cảm lớn đối với họ
Nguyên tắc 5: Nói về điều người đối diện quan tâm
Hãy nói về những điều mà người đối diện quan tâm. Tổng thống Theodore Roosevelt biết cách làm cho câu chuyện trở nên cưc kỳ thú vị, vì mỗi khi gặp ai ông cũng đều tìm hiểu thật kỹ những vấn đề mà ông biết rằng người khách ấy sẽ đặc biệt quan tâm.
Khi nói về những điều mà người đối diện quan tâm, chúng ta đã đạt được điểm thiện cảm rất cao đối với họ.
Nguyên tắc 6: Làm cho người đối diện cảm thấy quan trọng
Nhu cầu cơ bản, đôi khi có thể ẩn sâu trong từng người, là mong muốn được người khác đánh giá cao.
Bằng cách đánh giá, khen ngợi người đối diện thật lòng, chúng ta nuôi dưỡng và thỏa mãn nhu cầu được đánh giá cao, được cảm thấy quan trọng của họ.
Thế nhưng chúng ta phải tuyệt đối tránh những lời khen, đánh giá giả dối, không thật lòng.
12 cách hướng người khác tin tưởng và suy nghĩ theo chúng ta
Cách số 1: Không tranh cãi
Khi mình tranh cãi với người đối diện tức là mình sẽ cố gắng làm cho ý kiến của mình thắng ý kiến của họ. Khi họ thua cuộc tranh cãi, họ cảm thấy khó chịu và mất mặt.
Chúng ta hãy tránh tranh cãi, vì không ai thắng khi tham gia vào cuộc tranh cãi cả: nếu tranh cãi thua thì rõ ràng là chúng ta thua; nếu tranh cãi thắng thì chúng ta vẫn thua vì đã làm cho người đối diện cảm thấy mất mặt và bị tổn thương lòng tự hào.
Vì thế chúng ta hãy tránh tranh cãi. Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
Cách số 2: Tôn trọng ý kiến của người khác
Trước ý kiến của người khác, đừng nên chứng tỏ sự không đồng ý của mình bằng những câu nói tranh cãi, thái độ, hay điệu bộ không bằng lòng.
Khi chúng ta thách thức ý kiến của người khác, chúng ta không thay đổi được tư tưởng của họ, thay vào đó chúng ta mời họ phòng vệ và tấn công ngược lại chúng ta.
Hãy tập tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói rằng “Anh/chị sai rồi”.
Cách số 3: Thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình
Nếu chúng ta sai, hãy nhanh chóng và thẳng thắn thừa nhận điều đó. Việc thừa nhận mình đã sai đặc biệt hữu ích khi người đối diện đang muốn chứng minh sai sót của chúng ta. Thừa nhận mình đã sai tốt hơn là phải nghe những lời chỉ trích của người đối diện.
Khi thừa nhận mình sai, chúng ta có cơ hội được người đối diện thông cảm và hỗ trợ. Khi chúng ta sai mà không thừa nhận, mọi việc sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Cách số 4: Nhẹ nhàng, thân thiện khi giao tiếp
Ngay cả khi chúng ta đang tức giận, hãy cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng, thân thiện. Chúng ta không thể giành chiến thắng khi người đối diện đang suy nghĩ tiêu cực về chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thân thiện, làm dịu đi cảm giác bực tức của người đối diện, thì chúng ta có cơ hội để thuyết phục họ theo quan điểm của mình.
Cách số 5: Áp dụng bí quyết Socrates để nhận sự đồng ý của người đối diện
Chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại khi bắt đầu câu chuyện bằng sự không đồng ý của người khác. Hãy bắt đầu một cuộc nói chuyện bằng cách nhấn mạnh những điểm mà hai bên đã đồng ý. Khi đã có những câu trả lời “đồng ý”, chúng ta và người đối diện mới nên tiến tới bàn luận những vấn đề khó hơn.
Cách số 6: Hãy để người đối diện nói khi phải đối đầu
Trong trường hợp có sự đối đầu, chúng ta hãy để người đối diện nói và trình bày quan điểm của họ. Được chúng ta khuyến khích và lắng nghe một cách chân thành, người đối diện sẽ trình bày hết những mối quan tâm của họ, và họ sẽ hài lòng về bản thân và kiến thức của họ.
Hãy để cho họ cảm thấy chính họ là người làm chủ cuộc nói chuyện. Đó là cách khôn ngoan để làm cho người khác lắng nghe chúng ta một cách tự nhiên.
Cách số 7: Để người đối diện tin rằng họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên
Hãy khéo léo hướng người khác tin rằng những ý tưởng quan trọng đều do họ nghĩ ra. Khi họ tin như vậy, họ sẽ dễ dàng hợp tác với chúng ta.
Cách số 8: Đặt mình vào hoàn cảnh người đối diện
Hãy đặt mình vào hoàn cảnh người đối diện để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mong muốn và nhu cầu, cũng như nguyên nhân hành động của họ.
Cách số 9: Đồng cảm với mong muốn của người đối diện
Câu nói tuyệt vời mà chúng ta có thể áp dụng để thể hiện sự đồng cảm với suy nghĩ và mong muốn của người khác là “Tôi hoàn toàn có thể hiểu được cảm giác của anh. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, tôi cũng sẽ làm như vậy”.
Cách số 10: Khơi gợi sự cao thượng nơi người đối diện
Hành động con người luôn có một lý do thật sự, nhưng đôi khi lại được che giấu bởi một lý do khác, thường là tốt đẹp hơn. Dù chúng ta có biết và có chỉ trích thế nào đi nữa thì người đối diện sẽ vẫn hành động theo lý do thật, nhưng họ luôn muốn chúng ta tin vào lý do tốt đẹp mà họ đã đưa ra. Vậy sao chúng ta không tán thành lý do tốt đẹp ấy.
Nếu cứ nhìn vào mặt xấu của người khác thì họ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khơi gợi sự cao thượng thì họ sẽ vươn đến những điều tốt hơn.
Cách số 11: Trình bày vấn đề một cách sinh động
Khi chúng ta thể hiện ý tưởng của mình một cách sinh động, chúng ta sẽ làm cho nó mạnh mẽ và có sức thuyết phục hơn.
Để người khác chú ý và quan tâm, trình bày sự kiện chi tiết là chưa đủ. Sự trình bày phải được làm cho sinh động bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.
Cách số 12: Kêu gọi người khác có tinh thần vượt lên thử thách
Ai cũng đều mong muốn có cơ hội để thử sức, cơ hội để bứt phá, thể hiện, để chứng minh giá trị thực của mình, để phát triển và giành được thắng lợi.
Bằng cách kêu gọi tinh thần này ở người khác, chúng ta sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp và thiện cảm từ họ.
Những nguyên tắc lãnh đạo người khác một cách hiệu quả
- Trước khi phê bình, hãy khen ngợi. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng lời khen ngợi chân thành.
- Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp.
- Nhìn nhận sai lầm của bản thân trước khi phê bình người khác.
- Thay vì ra lệnh, hãy gợi ý.
- Giữ thể diện cho người khác. Nếu phải phê bình người khác thì chúng ta phải chú ý giữ thể diện, giữ niềm tự hào bản thân của họ.
- Khuyến khích người khác bằng cách thành thật khen ngợi sự tiến bộ, dù nhỏ nhất của họ.
- Tạo cho người khác một ưu điểm và tán dương họ. Có thể họ chưa có ưu điểm đó, nhưng rồi họ sẽ nỗ lực để xứng đáng với sự tán dương của chúng ta.
- Khuyến khích, tế nhị mở đường cho người khác sửa chữa lỗi lầm.
- Tôn vinh người khác, làm cho họ vui vẻ thực hiện đề nghị của chúng ta.