Chương Ba - Ba Pháp
Phẩm I
(L) (Tik. I, 1) (It. 45)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện; Sân là căn bản bất thiện; Si là căn bản bất thiện. Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Tham, sân, si làm hại,
Người có tâm ác độc,
Họ tự mình hiện hữu,
Như giả từ lõi, vỏ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LI) (Tik. I, 2) (It. 45)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba giới này. Thế nào là ba? Sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. Này các Tỷ-kheo, có ba giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai liễu tri sắc giới,
Không an trú vô sắc,
Những ai được giải thoát,
Ðối với đoạn diệt giới,
Các chúng sanh như vậy,
Xả ly được thần chết,
Với thân cảm giác được,
Bất tử, không sanh y,
Xả ly, từ bỏ hẳn,
Sanh y đưa đến hữu,
Sau khi tự chứng được,
Không còn có lậu hoặc,
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Thuyết pháp con đường chánh,
Không có gì sầu muộn,
Trong sạch không cấu uế.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LII) (Tik. I, 3) (It. 46)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác,
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các cảm thọ,
Và hiện hữu các thọ.
Tại đấy, tâm được diệt,
Con đường đưa đến diệt,
Tỷ-kheo nhờ diệt thọ,
Không ham muốn, tịch tịnh.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIII) (Tik. I, 4) (It. 47)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIV) (Tik. I, 5) (It. 48)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác,
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các tầm cầu,
Và hiện hữu tầm cầu,
Ở đây, tâm ấy diệt.
Và con đường đến diệt.
Tỷ-kheo do diệt tận,
Các loại tầm cầu ấy,
Không còn có ước muốn
Ðược lắng dịu tịch tịnh.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LV) (Tik. I, 6) (It. 48)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Dục và hữu tầm cầu,
Cùng Phạm hạnh tầm cầu
Nếu chấp trước nắm giữ
Chính đây là sự thật,
Như vậy là chất chứa,
Ðủ mọi loại kiến xứ,
Với ai không ham muốn
Ðối với các loại tham,
Vị ấy được giải thoát,
Nhờ diệt được khả ái,
Tầm cầu được từ bỏ,
Kiến xứ được nhổ lên,
Tỷ-kheo do diệt tận
Các loại tầm cầu ấy,
Không còn có mong cầu,
Không còn có nghi hoặc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVI) (Tik. I, 7) (It. 49)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các lậu hoặc,
Và hiện hữu lậu hoặc,
Ở đây tâm được diệt,
Và con đường đến diệt,
Tỷ-kheo đã diệt tận,
Các loại lậu hoặc ấy,
Không còn có ước muốn,
Ðược lắng dịu, tịch tịnh.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVII) (Tik. I,8) (It. 49)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Ai đoạn trừ dục lậu,
Ly tham thoát vô minh,
Hữu lậu được đoạn trừ,
Giải thoát khỏi sanh y,
Mang cái thân cuối cùng,
Dẹp tan cỗ xe ma.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVIII) (Tik. I, 9) (It. 50)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này. Thế nào là ba? Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Trói buộc bởi ái triền,
Tâm ưa hữu, phi hữu,
Bị ma triền trói buộc,
Chúng sanh ấy không được,
An ổn khỏi ách nạn.
Chúng sanh đi luân chuyển,
Ðến sanh rồi đến chết.
Những ai đoạn được ái,
Ly ái hữu, phi hữu,
Họ đến bờ bên kia,
Trong thế giới hiện tại,
Họ đã chứng đạt được,
Các lậu hoặc đoạn tận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIX) (Tik. I, 10) (It. 50).
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác ma, và chói sáng như mặt trời. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác-ma, và chói sáng như mặt trời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Giới, định và trí tuệ,
Với ai khéo tu tập,
Vị ấy vượt qua khỏi
Thế lực của Ác ma,
Và chói sáng rực sáng,,
Như mặt trời chói sáng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm II
(LX) (Tik. II, 1) (It. 51)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này. Thế nào là ba? Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp do sự tu tập tác thành. Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Hãy để cho người ấy,
Học tập làm công đức,
Hướng dẫn đến tương lai
Ðem lại căn an lạc.
Hãy tu tập bố thí,
Tập sở hành an tịnh,
Và tu tập từ tâm,
Tu xong ba pháp ấy,
Những pháp khởi lạc thọ.
Bậc Hiền trí được sanh,
Tại thế giới an lạc,
Không phiền não hận thù.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXI) (Tik. II, 2) (It. 52)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba con mắt này. Thế nào là ba? Mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo có ba loại mắt này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Có ba loại mắt ấy,
Ðược bậc Vô thượng nhân,
Ðã tuyên bố trình bày,
Sanh khởi của mắt thịt,
Con đường mắt chư Thiên,
Từ đấy, trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng,
Ai chứng được mắt ấy,
Giải thoát mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXII) (Tik. II, 3) (It. 53)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn, tri căn, cụ tri căn (căn: "Tôi sẽ biết điều chưa được biết"; căn về sự biết; căn của người đã biết). Này các Tỷ-kheo, có ba loại căn này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Vị hữu học học tập,
Ði theo con đường thẳng,
Ở trong sự diệt tận,
Trí thứ nhất khởi lên,
Từ đó không gián đoạn,
Tiếp theo là chơn trí,
Chính từ chơn trí ấy,
Ðạt được sự giải thoát
Chắc chắn vị như vậy,
Là vị có chánh trí,
Giải thoát ta bất động,
Nhờ diệt hữu kiết sử,
Vị đầy đủ các căn
Chắc chắn được an tịnh,
Và ưa thích con đường,
Ðưa đến sự an tịnh,
Mang thân thể cuối cùng,
Sau khi đánh bại được
Ác ma với con voi
Ðược cỡi khi lâm trận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIII) (Tip. II, 4) (It. 53)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thời gian này. Thế nào là ba? Thời gian quá khứ, thời gian tương lại, thời gian hiện tại. Này các Tỷ-kheo, có ba thời gian này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Chúng sanh cần tưởng đến
Những gì được tuyên bố,
An trú thật vững vàng,
Trên điều được tuyên bố
Nếu không có liễu tri,
Ðiều đáng được tuyên bố,
Họ đi đến ách nạn,
Dưới ách của thần chết.
Nếu đã liễu tri được
Ðiều đáng được tuyên bố,
Vị ấy không nghĩ đến,
Ðiều đã được nói lên,
Chính nhờ có tâm ý,
Giải thoát được cảm giác,
Về con đường an tịnh
Vô thượng không gì hơn.
Ai thật được đầy đủ,
Về điều đáng tuyên bố,
Tự mình được an tịnh,
Ưa thích đường an tịnh,
Sống bình tĩnh tinh tấn.
An trú trên chánh pháp,
Vị ấy vượt tên gọi,
Thành đạt được trí tuệ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIV) (Tik. II, 5) (It. 54)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba ác hành này. Thế nào là ba? Thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành. Này các Tỷ-kheo, có ba ác hành này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Làm ác hạnh về thân,
Làm ác hạnh về lời,
Làm ác hạnh về ý,
Và bất cứ hạnh gì,
Ðều được gọi hạnh ác,
Không làm nghiệp lành nào,
Làm nhiều nghiệp không thiện,
Khi thân hoại mạng chung,
Với trí tuệ hạ liệt,
Vị ấy phải sanh vào
Trong cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXV) (Tik. II, 6) (It. 55)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện hành này. Thế nào là ba? Thân thiện hành, ngữ thiện hành, ý thiện hành. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện hành này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Từ bỏ thân làm ác,
Từ bỏ lời nói ác,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Và bất cứ hạnh gì,
Ðược gọi là hạnh ác,
Không làm các điều ác,
Làm nhiêù những hạnh lành,
Khi thân hoại mạng chung,
Với trí tuệ thù thắng,
Vị ấy được sanh lên,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVI) (Tik. II, 7) (It. 55)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời thanh tịnh, ý thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Thân và lời thanh tịnh
Và ý cũng thanh tịnh,
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ sự thanh tịnh,
Vị như vậy được gọi
Ðã từ bỏ tất cả.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVII) (Tik. II, 8) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba trầm lặng này. Thế nào là ba? Thân trầm lặng, lời trầm lặng, ý trầm lặng. Này các Tỷ-kheo, có ba trầm lặng này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Thân và lời trầm lặng
Và ý cũng trầm lặng,
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ với trầm lặng
Của các bậc chân ẩn sĩ,
Ðuợc tên gọi là vị
Ðã tắm sạch điều ác.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVIII) (Tik. II, 9) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với ai tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người bị trói buộc với Ác ma, bị bẫy lưới của Ác ma bao trùm, bị làm theo ý Ác ma muốn. Này các Tỷ-kheo, với ai tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người không trói buộc với Ác ma, được thoát khỏi bẫy lưới của Ác ma, không bị làm theo Ác ma muốn.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến
Với ai đã từ bỏ
Tham, sân và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã tu tập tự ngã,
Ðã trở thành Phạm Thiên
Bậc Như Lai, Phật-đà,
Bậc đã vượt qua được,
Hận thù và sợ hãi,
Bậc đoạn tận tất cả,
Ðược gọi danh như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIX) (Tik. II, 10) (It. 57)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị chưa vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài La-sát. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là: "Ðã vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài la-sát, đã vượt qua bờ kia, là vị Bà-la-môn đã đứng trên đất liền.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với ai đã từ bỏ
Tham, sanh và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã vượt qua biển này,
Với cá mập, Dạ-xoa,
Với sóng biển hãi hùng,
Rất khó được vượt qua,
Là vị vượt ác triền,
Ðã từ bỏ thần chết,
Không còn có sanh y,
Ðã từ bỏ đau khổ,
Không còn có tái sanh,
Ðã đi đến mục đích,
Không thể ước lượng được,
Ta nói rằng vị ấy
Làm ma vương si ám.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm III
(LXX) (Tik. III, 1) (It. 58)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ta đã thấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối. Sau khi thân hoại mạng chung, họ bị sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói nên lời nói này: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, chúng phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục". Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra, nên Ta tuyên bố rằng: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Dẫn ý vào đường tà
Nói những lời tà ngữ,
Với thân làm nghiệp tà,
Người ở đời làm vậy.
Ít nghe, ít học hỏi,
Không làm các công đức,
Ở đây sống trong đời,
Với sanh mạng ít oi,
Khi thân hoại mạng chung,
Người ấy với liệt tuệ,
Bị sanh vào địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXI) (Tik, III, 2) (It. 59)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ta đã thấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu nói lời thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói này: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩa thiện không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra, nên Ta tuyên bố rằng: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này".
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Dẫn ý vào đường chánh,
Nói những lời chánh ngữ,
Với thân làm nghiệp chánh,
Người ở đời làm vậy.
Nghe nhiều học hỏi nhiều
Làm các việc công đức,
Ở đây sống trong đời,
Với sanh mạng ít oi,
Khi thân hoại mạng chung,
Người ấy với trí tuệ.
Người ấy làm như vậy,
Ðược sanh lên cõi Trời.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXII) (Tik, III, 3) (It. 60)
Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba xuất ly giới này. Thế nào là ba? Sự xuất ly này khỏi các dục, tức là viễn ly. Sự xuất ly này khỏi các sắc, tức là vô sắc. Sự đoạn diệt cái gì được hiện hữu, được làm ra, được duyên khởi, là sự xuất ly cái ấy. Này các Tỷ-kheo, có ba xuất ly giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được xuất ly dục,
Vượt qua được các sắc,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Luôn luôn cảm nhiệt tình,
Tỷ-kheo ấy thấy chánh,
Từ đấy, chính ở đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được viên thành,
Sống nếp sống an tịnh
Vị ấy sống như vậy,
Thật sự là ẩn sĩ,
Ðã vượt khỏi các ách.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(LXXIII) (Tik. III, 4) (It. 61)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các pháp vô sắc an tịnh tốt hơn các sắc pháp; đoạn diệt an tịnh tốt hơn các pháp vô sắc.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Chúng sanh đi đến sắc,
Có chúng trú vô sắc,
Không quán tri đoạn diệt,
Họ đi đến tái sanh.
Những ai liễu tri sắc,
Không an trú vô sắc,
Chính trong sự đoạn diệt,
Họ đạt được giải thoát,
Các hạng người như vậy,
Họ bỏ rơi thần chết.
Với thân cảm xúc được,
Bất tử không sanh y,
Sanh y được xả ly,
Chứng được, không lậu hoặc,
Vị Chánh đẳng Chánh giác,
Thuyết giảng về con đường
Con đường không sầu muộn
Con đường không cấu uế.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe:
(LXXIV) (Tik. III, 5) (It. 62)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh.
Và này các Tỷ-kheo. Thế nào là ưu sanh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con của họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người con ấy được ưu sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào người con trai tùy sanh? Ở đây này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Người con trai của họ cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là người con tùy sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con trai này quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Và người con của họ không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người con liệt sanh. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng con trai này có mặt, xuất hiện ở đời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc Hiền trí ước muốn,
Con trai ưu, tùy sanh,
Không ước muốn liệt sanh,
Một gánh nặng gia đình,
Ðời có những con này,
Trở thành nam cư sĩ,
Sống đầy đủ tín giới,
Biết nghe lời người khác,
Xa lìa sự xan tham.
Những người con như vậy,
Như trăng thoát đám mây,
Chói sáng giữa hội chúng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXV) (Tik. III, 6) (It. 64)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như hạn hán, hạng người như chỉ mưa trong địa phương và hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như hạn hán? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bố thí cho ai cả, không cho đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các người ăn xin nghèo khổ khốn cùng. Này các Tỷ-kheo, hạng người như vậy như hạn hán không mưa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chỉ mưa trong địa phương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có bố thí cho một số người, nhưng không bố thí cho một số người. Dầu số người đó là Sa-môn, Bà-la-môn hay các người ăn xin nghèo khổ, khốn cùng, họ không bố thí đồ ăn đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc. Này các Tỷ-kheo, hạng người như vậy là hạng người như mưa chỉ trong địa phương.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cho tất cả mọi người, cho đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc, cho các người Sa-môn, Bà-la-môn cho các người ăn xin nghèo đói khốn cùng. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này, có mặt, hiện hữu ở đời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Không cho hạng Sa-môn,
Không cho Bà-la-môn,
Không cho kẻ khốn cùng,
Không cho người ăn xin
Không san sẻ cho người,
Những đồ thâu hoạch được,
Như đồ ăn, đồ uống,
Cùng các vật thực khác,
Hạng ấy thật giống như,
Hạn hán không mưa móc,
Hạng người ấy được gọi
Là hạng người hạ liệt.
Không cho một hạng người,
Chỉ lựa cho một số,
Hạng ấy được Hiền trí,
Gọi là những hạng người
Chỉ mưa tại địa phương,
Không mưa tại chỗ khác.
Hạng người mưa bố thí,
Cùng khắp tất cả chỗ,
Có lòng thương từ mẫn,
Ðối với mọi loại hữu tình,
Với tâm thật hoan hỷ,
Tung vải cho cùng khắp.
Hãy cho! Hãy cho nữa,
Vị ấy luôn nói vậy.
Như mây giông gầm thét
Chớp sáng mưa đổ xuống,
Tràn ngập chỗ đất cao,
Tràn đầy chỗ đất trũng,
Chảy tràn với nước ngập.
Cũng vậy ở đời này,
Có một số hạng người,
Hạng người giống như vậy.
Thâu hoạch được đúng pháp,
Tài sản do nỗ lực.
Với đồ ăn đồ uống
Vị ấy chơn chánh đãi,
Những chúng sanh khốn cùng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVI) (Tik, III, 7) (It. 67)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới. Thế nào là ba? "Mong rằng lời tán thán sẽ đến với ta", bậc Hiền trí hộ trì giới. "Mong rằng, tài sản sẽ khởi lên cho ta", bậc Hiền trí hộ trì giới. "Mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này" bậc Hiền trí hộ trì giới. Này các Tỷ-kheo, do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Bậc trí hộ trì giới,
Hy vọng được ba lạc,
Ðược khen, được tài sản,
Ðời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Nếu không làm điều ác,
Nhưng theo kẻ làm ác,
Thì bị nghi làm ác,
Và bị tăng tiếng xấu.
Giống như người làm bạn,
Giống như người làm theo,
Người này giống người ấy
Giống như người cộng trú.
Người theo, người được theo,
Xúc chạm, được xúc chạm,
Như cây tên nhiễm độc
Nhiễm bó tên chưa nhiễm,
Bậc Trí vì sợ nhiễm,
Nên không bạn kẻ ác.
Với ngọn cỏ kusa,
Dùng gói đồ cá thúi,
Kusa hay mùi thúi,
Cũng vậy, gần kẻ ngu.
Còn người dùng ngọn lá,
Gói hương Ta-ga-ra,
Ngọn lá bay mùi thơm
Cũng vậy, gần bậc Trí.
Do vậy, nhờ nghĩ đến
Cái giỏ bằng lá ấy,
Biết được những cái gì
Sẽ rơi vào tự mình,
Bậc Hiền trí không theo,
Những hạng người bất thiện,
Chỉ biết làm bạn thân,
Những người lành hiền thiện.
Những kẻ ác, bất thiện,
Dắt dẫn đến địa ngục,
Còn những kẻ tốt lành,
Ðạt đến cảnh thiện thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVII) (Tik. III, 8) (It. 69)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Biết thân bị huỷ hoại,
Còn thức bị lụn tàn,
Thấy sợ trong sanh y,
Hiểu được sanh và chết.
Sau khi chứng đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Tự ngã được tu tập,
Chỉ còn đợi thời gian.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVIII) (Tik. III, 9) (It. 69)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Các chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, trong thời gian quá khứ, các chúng sanh tùy theo giới đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, trong thời tương lai, các chúng sanh tùy theo giới, sẽ giao thân, sẽ chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, hiện nay cũng vậy, trong thời hiện tại, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Rừng dục được sanh lên,
Chính do sự cộng trú,
Rừng dục được chặt đứt,
Chính nhờ không cộng trú,
Như leo tấm gỗ nhỏ,
Bị chìm dưới sông lớn,
Cũng vậy, nếu đi đến
Với kẻ lười, biếng nhác,
Bậc sống đời tốt lành,
Rồi cũng bị chìm luôn.
Do vậy hãy tránh xa,
Kẻ lười không tinh tấn,
Hãy chung sống cộng trú,
Với bậc Thánh viễn ly,
Với những bậc tinh cần
Sống trong cảnh thiền định,
Với những vị thường xuyên,
Siêng năng và cần mẫn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXIX) (Tik. III, 10) (It. 71)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học ưa thích công việc, thích thú công việc, đam mê ưa thích công việc; ưa thích nói chuyện, thích thú nói chuyện, đam mê ưa thích nói chuyện; ưa thích nằm ngủ, thích thú nằm ngủ, đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến sự tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học không ưa thích công việc, không thích thú công việc, không đam mê ưa thích công việc; không ưa thích nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không đam mê ưa thích nói chuyện; không ưa thích nằm ngủ, không thích thú nằm ngủ, không đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Tỷ-kheo thích công việc,
Thích thú trong nói chuyện,
Và ưa thích nằm ngủ,
Sống dao động trạo cử;
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không thể nào chứng ngộ,
Chứng Bồ-đề tối thượng,
Do vậy, đối vị ấy,
Cần phải ít công việc,
Phải ít sự nằm ngủ,
Không được có tháo động,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Mới có thể chứng được,
Chứng tối thượng Bồ-đề.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm IV
(LXXX) (Tik. IV, 1) (It. 72)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm tư bất thiện này. Thế nào là ba? Tầm tư liên hệ đến tự đề cao mình; tầm tư liên hệ đến lợi dưỡng, cung kính, danh vọng; tầm tư liên hệ đến lo lắng cho người khác. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm tư bất thiện này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai có sự liên hệ,
Tự đề cao chính mình,
Liên hệ đến lợi dưỡng
Cung kính và tôn trọng,
Ai ưa thích, vui thích,
Làm thân, làm bạn hữu,
Những vị ấy đứng xa
Diệt tận các kiết sử.
Ai từ bỏ con cái,
Từ bỏ các loài vật,
Từ bỏ các lễ cưới
Bỏ cất chứa tài sản
Tỷ-kheo ấy có thể,
Chứng Bồ-đề vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(LXXXI) (Tik. IV, 2) (It. 73)
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh bị cung kính chinh phục, bị tâm cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh khi tâm bị chinh phục, bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói này: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, bị cung kính chinh phục, tâm bị cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh khi bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra nên Ta tuyên bố rằng: "Này các Tỷ-kheo, ta đã thấy các chúng sanh, khi bị cung kính chinh phục, tâm bị cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Ai khi được cung kính,
Khi không được cung kính,
Trong cả hai trường hợp,
Tâm định không lay chuyển.
Sống hạnh không phóng dật,
Tâm thường nhập thiền tư,
Với tâm tưởng tế nhị,
Chánh quán các sở kiến,
Ưa thích chấp thủ diệt,
Ðược gọi bậc chân nhân.
(LXXXII) (Tik. IV, 3) (It. 75)
Này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên, có ba tiếng chư Thiên này thỉnh thoảng được vang lên, tuỳ thời được khởi lên. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, nghĩ đến xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên được vang lên: "Vị Thánh đệ tử này nghĩ đến chiến đấu với Ác ma". Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ nhất, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử sống chuyên tâm tu tập về Bảy Bồ-đề phần; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên được vang lên: "Vị Thánh đệ tử này chiến đấu với Ác ma". Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ hai, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử, với sự diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên vang lên: "Vị Thánh đệ tử này đã chiến thắng trong chiến trận. Ðứng đầu trong chiến trận, sau khi chiến thắng, vị ấy an trú". Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ ba, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên có tiếng chư Thiên này, thỉnh thoảng được vang lên, tuỳ thời được khởi lên.
Thấy đệ tử chánh giác
Chiến thắng trong chiến trận,
Chư Thiên cũng đảnh lễ,
Bậc vĩ đại như vậy,
Bậc trí tuệ chín muồi.
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Người được luyện thuần thục,
Vì Ngài đã chiến thắng,
Trận đánh rất khó thắng.
Ngài đã chiến thắng được
Quân đội của thần chết,
Không còn trở ngại gì,
Nhờ giải thoát của Ngài.
Như vậy các Thiên nhân,
Ðảnh lễ vị như vậy,
Vị đạt được mục đích,
Chắc chắn các Thiên nhân,
Ðảnh lễ trong vị ấy,
Pháp gì giúp thoát được,
Khỏi thần chết chi phối.
(LXXXIII) (Tik. IV, 4) (It. 76)
Này các Tỷ-kheo, khi nào một Thiên nhân mệnh chung từ bỏ thân chư Thiên, có năm tướng xuất hiện ra trước: "Các vòng hoa héo úa, áo quần bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở thành xấu xí, Thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi chư Thiên". Này các Tỷ-kheo, chư Thiên sau khi biết Thiên tử này mệnh chung, nói ba lời để cổ vũ: "Từ đây, Hiền giả hãy đi đến cõi lành! Sau khi đi đến cõi lành, hãy nhận được những gì khéo nhận được. Sau khi nhận được những gì khéo nhận, hãy khéo an trú".
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là khéo an trú của chư Thiên?
- Này các Tỷ-kheo, được địa vị làm người được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên. Khi được địa vị làm người, được lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên. Khi lòng tin được nhập vào, được an trú thành gốc rễ, kiên trì, không bị làm tan nát bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ác ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời thì được gọi là khéo an trú của chư Thiên.
Khi nào vị Thiên nhân,
Từ bỏ thân chư Thiên,
Vì thọ mạng đã hết,
Ba tiếng được thốt lên,
Do chư Thiên an ủi,
Cổ vũ khiến hoan hỷ.
Từ đây, này Hiền giả,
Hãy đi đến cõi lành,
Cộng trú với loài Người.
Khi đã được làm người,
Trong Chánh pháp vi diệu,
Hãy lấy được lòng tin,
Lòng tin ấy vô thượng.
Hiền giả hãy thâm nhập,
Vào trong lòng tin ấy,
An trú thành gốc rễ,
Cho đến trọn sanh mạng,
Không bị làm tan nát,
Trong điệu pháp khéo giảng.
Từ bỏ thân làm ác,
Từ bỏ lời nói ác,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Và mọi hành động khác,
Ðược xem là thuộc ác.
Thân làm các hạnh lành,
Làm nhiều lời nói lành,
Sau khi ý nghĩ lành,
Vô lượng, không sanh y.
Rồi làm các công đức
Cho sanh y đời sau
Làm xong nhiều công đức
Với bố thí rộng rãi,
Rồi an trú người khác,
Bị tử vong chi phối,
Trong đời sống Phạm hạnh,
Trong Chánh pháp vi diệu.
Với lòng từ mẫn này,
Chư Thiên khi biết được.
Một Thiên nhân mệnh chung,
Liền nói lời cổ vũ.
Thiên nhân hãy đến đây,
Hãy đến lại nhiều lần.
(LXXXIV) (Tik. IV, 5) (It. 78)
Có ba hạng người này xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, đệ tử của bậc Ðạo Sư ấy, bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích của mình đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, đã giải thoát nhờ chánh trí. Vị ấy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ hai xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đệ tử bậc Ðạo Sư ấy là bậc hữu học, đang đi trên con đường, vị nghe nhiều, giới cấm được gìn giữ. Vị ấy cũng thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ ba xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Bậc Ðạo Sư ở đời,
Ðại ẩn sĩ thứ nhất,
Tiếp nối theo vị ấy
Là đệ tử Ðạo Sư,
Ðã tu tập tự ngã,
Tiếp đến bậc hữu học,
Ðang đi trên con đường,
Bậc nghe nhiều học nhiều,
Bậc giới cấm đầy đủ.
Ba vị tối thượng này,
Giữa chư Thiên, loài Người,
Bậc tác thành hào quang,
Bậc tuyên bố Chánh pháp
Mở toang cửa bất tử,
Ðã giúp đỡ nhiều người.
Thoát ly khỏi ách nạn.
Những ai tùy bước theo,
Con đường khéo thuyết giảng,
Bởi bậc Vô Thượng Sĩ,
Bậc cầm đầu lữ hành,
Vị ấy tại đời này,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Những vị không phóng dật,
Trong giáo lý Thiện Thệ.
(LXXXV) (Tik. IV, 6) (It. 80)
Này các Tỷ-kheo, hãy sống tuỳ quán bất tịnh trên thân, hãy khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành.
Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ; khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có; khi sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, thời vô minh trừ diệt, minh được khởi lên.
Quán bất tịnh trên thân,
Niệm thở vô thở ra,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Thường nhiệt tâm, chánh kiến,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðã thấy rất chơn chánh,
Từ đấy ở nơi đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được thành tựu,
Lắng dịu thật an tịnh,
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc vượt khỏi ách nạn.
(LXXXVI) (Tik. IV, 7) (It, 81)
Với vị Tỷ-kheo hành trì tùy pháp đúng pháp, đây là cách thức đúng đắn để giải thoát những chữ: "Thực hành tùy pháp đúng pháp". Khi vị ấy nói vị ấy nói đúng pháp không phải phi pháp; khi vị ấy suy tư, vị ấy suy tư với suy tư đúng pháp, không phải suy tư phi pháp. Do từ bỏ hai điều ấy, vị ấy trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Thích pháp, hân hoan pháp,
Suy tư trên Chánh pháp,
Tỷ-kheo tùy niệm pháp,
Chánh pháp không tổn giảm,
Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hoặc khi nằm,
Nội tâm được chế ngự
Vị ấy đạt an tịnh.
(LXXXVII) (Tik. IV, 8) (It. 82)
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, dục tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, sân tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, hại tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự vào phần tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba? An ổn tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần làm tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô sân tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô hại tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.
Hãy suy tư, suy tầm,
Ba tầm thuộc chánh thiện,
Ðối ba tư duy ác,
Hãy từ bỏ, lánh xa.
Vị ấy chăc chế ngự,
Hành tướng các tư duy,
Như cơn mưa dẹp sạch,
Các bụi bậm chất chứa.
Vị ấy thật chắc chắn
An tịnh tầm với tâm.
Ở đây vị ấy đạt,
Con đường an tịnh đạo.
(LXXXVIII) (Tik. IV, 9) (It. 83)
Này các Tỷ-kheo, có ba nội uế, nội thù này, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này. Thế nào là ba?
Tham, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Sân, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Si, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Này các Tỷ-kheo, có ba nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này.
Tham sanh ra bất hạnh,
Tham làm tâm dao động,
Tham chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong,
Loài Người không rõ biết
Loại tham đặc biệt ấy.
Người tham không biết rõ
Ðâu chính là lợi ích,
Người tham không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp.
Mù lòa và tối tăm,
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi một người nào,
Có tham cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được tham,
Không tham vật đáng tham,
Với ai tham đoạn trừ
Như giọt nước lá sen.
Sân sanh ra bất hạnh,
Sân làm tâm dao động.
Sân chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong
Loài Người không rõ biết,
Lòng sân đặc biệt ấy.
Người sân không biết rõ
Ðâu chính là lợi ích,
Người sân không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp,
Mù lòa và tối tăm,
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi sân người nào,
Có sân cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được sân,
Không sân việc đáng sân,
Với ai, sân đoạn trừ,
Như quả cây ta-la
Ðược chặt đứt khỏi cành.
Si sanh ra bất hạnh,
Si làm tâm dao động,
Si chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong,
Loài Người không rõ biết
Lòng si đặc biệt ấy
Người si không rõ biết
Ðâu chính là lợi ích,
Người si không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp,
Mù lòa và tối tăm
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi một người nào,
Có si cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được si,
Không si việc đáng si,
Vị ấy quét sạch được
Tất cả mọi si ám,
Như mặt trời mọc lên,
Quét sạch mọi tăm tối.
(LXXXIX) (Tik. IV, 10) (It. 85)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đây, không thể cứu chữa. Thế nào là ba? Bị chinh phục bởi ác dục tâm bị ác dục xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đoạ xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Bị chinh phục bởi ác bằng hữu, với tâm bị ác bằng hữu xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Dầu cho còn có những thượng pháp cần phải làm, do đạt được những chứng đắc đặc biệt, nhưng chỉ có giá trị tầm thường, Devadatta đã dừng lại giữa đường. Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp này, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người khởi lên ác dục,
Không được sanh đời này,
Hãy biết nhờ điểm này,
Sanh thú người ác dục.
Ta được nghe như sau
Về Ðề-va-đát-ta:
Ðược biết là Hiền trí,
Ðược nhận có tự ngã,
Ðã đứng, được chói sáng,
Chói sáng với danh vọng.
Tự xem mình bằng Ngài
Ðã chống lại Như Lai,
Do vậy, bị rơi vào,
Cõi địa ngục A-tỳ,
Với bốn cửa đóng chặt,
Ðầy đủ những sợ hãi.
Chắc chắn ai xâm phạm,
Vị không có ác tâm,
Vị không làm điều ác,
Phải cảm xúc ác ấy,
Vì tâm bị uế nhiễm,
Không có biết tôn trọng.
Ai nghĩ làm ô nhiễm,
Toàn cả bể đại dương,
Với các ghè đựng đầy,
Ðầy cả với thuốc độc.
Không thể ô nhiễm được,
Vì đại dương quá lớn.
Cũng vậy đối với Như Lai,
Ai lấy lời làm hại,
Vị đường đi chơn chánh,
Vị có tâm an tịnh,
Lời nói không dùng tới,
Bậc chứng ngộ như vậy.
Bậc trí cần làm bạn
Với một người như vậy,
Cần phải gần thân cận,
Với người được như vậy,
Tỷ-kheo cùng đi theo,
Một tuyến đường người ấy,
Vị ấy sẽ đạt đến,
Sự đoạn diệt khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
Phẩm V
(XC) (Tik. V, 1) (It. 87)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tín thành tối thượng này. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, so sánh các chúng sanh, không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không có sắc, có tưởng, không có tưởng, hay không có tưởng không không có tưởng. Như Lai được xem là tối thượng đối với chúng, tức là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tin thành với đức Phật, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, so sánh các pháp hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng đối với họ, tức là kiêu mạn bị nhiếp phục, khát ái bị chế ngự, chấp nhận được nhổ lên, lưu chuyển bị cắt đứt, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi ly tham, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng; với những ai có lòng tin nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, so sánh Tăng chúng hay hội chúng, Tăng chúng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi Tăng chúng, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, này các Tỷ-kheo có ba quả dị thục là quả tối thượng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.
Những ai có lòng tin,
Lòng tín nơi tối thượng,
Chính là sự rõ biết,
Biết Chánh pháp tối thượng.
Những ai có lòng tin,
Nơi đức Phật tối thượng,
Bậc Vô thượng xứng đáng,
Xứng đáng được cúng dường.
Những ai có lòng tin,
Nơi Chánh pháp tối thượng,
Những pháp rời bỏ tham,
An tịnh, thật tịnh lạc.
Những ai có lòng tin,
Nơi Tăng chúng tối thượng.
Những ruộng phước công đức,
Vô thượng không gì hơn.
Những ai đã bố thí,
Với đối tượng tối thượng,
Công đức được tăng trưởng,
Tăng trưởng đến tối thượng.
Thọ mạng được tối thượng,
Dung sắc cũng tối thượng,
Danh vọng, tiếng đồn tốt,
An lạc và sức mạnh.
Bậc trí có bố thí,
Bố thí vị tối thượng,
Vị định tĩnh, thiền định,
Trong Chánh pháp tối thượng,
Chư Thiên hay loài Người,
Ðạt được sự tối thượng,
Họ sung sướng hân hoan.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XCI) (Tik. V, 2) (It. 89)
Này các Tỷ-kheo, nghĩa này là nghề tận cùng trong các nghề nuôi sống, tức là đi bát khất thực; Này các Tỷ-kheo, danh từ nhiếc mắng ở trong đời là nói rằng: "Ông là kẻ đi bát, với bát cầm tay, ông đi khắp mọi nơi". Tuy vậy chính nghề nuôi sống này được các thiện gia nam tử chấp nhận, những người sống vì lý tưởng, vì duyên sống với lý tưởng, không bị thúc đẩy làm nghề ấy vì sợ vua, vì sợ ăn trộm, vì mắc nợ, vì sợ hãi, không phải vì mất nghề nuôi sống; nhưng vì nghĩ rằng: "Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị khổ tràn đầy, bị khổ chinh phục. Rất có thể, một số phương pháp chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể trình bày".
Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử này xuất gia như vậy, tham ái trong các dục, với lòng tham sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại. Này các Tỷ-kheo, như một que lửa lấy từ chỗ thiêu xác, cả hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa lại lắm phân, không hoàn thành được mục đích làm que củi ở trong làng hay ở trong rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói người này như ví dụ như vậy, dầu cho bỏ tài sản gia đình nhưng không làm viên mãn mục đích Sa-môn hạnh.
Tài sản ở gia đình,
Ðược đoạn tận từ bỏ,
Nhưng khó dự phần được,
Mục đích Sa-môn hạnh,
Tự đưa đến tổn hại,
Và đưa đến tán loạn,
Giống que lửa thiêu xác,
Ði đến chỗ hoại vong.
Tốt hơn nuốt hòn sắt,
Chảy đỏ, một cục lửa,
Nếu kẻ hành ác giới,
Ăn đồ ăn quốc độ,
Không biết có chế ngự.
(XCII) (Tik. V, 3) (It. 90)
Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta.
Nếu có thể bước theo,
Nhưng nhiều dục bực phiền.
Hãy xem người như vậy,
Thật là xa, rất xa,
Xa giữa người ái dục
Và người không ái dục,
Xa giữa người lắng dịu
Và người không lắng dịu,
Xa giữa người tham ái
Và người đã trừ ái.
Sau khi thắng tri Pháp,
Bậc Hiền trí biết Pháp,
Như ao không gió thổi,
Không dao động, tịnh chỉ.
Hãy xem người như vậy,
Thật là gần, rất gần,
Gần giữa người không ái,
Và người không có ái,
Gần giữa người lắng dịu,
Và người được lắng dịu,
Gần giữa người không tham,
Và người trừ tham ái.
(XCIII) (Tik. V, 4) (It. 92)
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này. Thế nào là ba? Lửa tham, lửa sân, lửa si. Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này.
Lửa tham đốt cháy người,
Say mê trong các dục,
Còn lửa sân đốt cháy,
Những người có sân hận,
Những người giết, sát hại,
Các loại có sanh mạng.
Còn lửa si đốt cháy,
Những kẻ bị mê muội,
Những kẻ không tinh luyện,
Trong giáo pháp bậc Thánh,
Do không được biết rõ
Các loại lửa như vậy,
Nên loài Người ưa thích,
Vui thích với có thân.
Họ làm cảnh dịa ngục,
Ðược lớn mạnh tăng trưởng,
Kể cả giới bàng sanh,
Chỗ sanh xứ súc vật,
Cùng với A-tu-la,
Với cảnh giới quỷ đói,
Họ không được thoát khỏi,
Trói buộc của Ác ma.
Nhưng ai ngày và đêm,
Chú tâm vào, chuyên học,
Học những lời giảng dạy,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Họ làm cho lắng dịu
Ngọn lửa của lòng tham,
Luôn luôn ý thức được,
Tánh bất tịnh sự vật.
Với lòng thương, từ mẫn,
Những hạng người tối thượng,
Làm lắng dịu, chỉ tịnh,
Ngọn lửa của sân hận.
Còn ngọn lửa si mê,
Với trí tuệ dập tắt,
Trí tuệ này đưa đến
Thể nhập vào chân lý,
Bậc thận trọng sáng suốt,
Ngày đêm làm lắng dịu
Các loại lửa như vậy,
Không có biết mệt mỏi,
Họ làm cho lắng dịu,
Không một chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy,
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí
Do họ thắng tri được,
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh gìa, chết, trong tương lai.
Tỷ-kheo đã đoạn tận,
Cả bảy loại trói buộc,
Ðã chấm dứt sợi dây,
Vòng sanh tử luân chuyển,
Ðã đoạn tận chặn đứng,
Vị ấy không tái sanh.
(XCV) (Tik. V, 6) (It. 94)
Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi của dục. Thế nào là ba? Dục đối với sự vật hiện tại, sự thích thú đối với sự vật mình tạo ra, sự chấp nhận sự vật do người khác tạo ra. Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi này của dục.
Những ai có lòng dục,
Ðối sự vật hiện tại,
Và các loại chư Thiên,
Chi phối các sự vật
Do người khác tạo ra,
Chư thiên ưa thích thú,
Ðối sự vật mình tạo,
Cùng các chúng sanh khác,
Thọ dụng các loại dục.
Thái độ người Hiền trí,
Ðối thọ dụng các dục,
Trong đời này đời khác,
Từ bỏ tất cả dục,
Dầu thuộc về chư Thiên
Và dục thuộc loài Người.
Những ai được chặt đứt
Dòng nước khó vượt qua,
Sự say đắm sự vật,
Thân ái và tốt đẹp,
Họ làm cho lắng dịu,
Không có vật dư thừa,
Họ vượt qua đau khổ,
Không còn chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy.
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí.
Do họ thắng tri được
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
(XCVI) (Tik. V, 7) (It. 95)
Này các Tỷ-kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các Tỷ-kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng Bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc.
Những ai bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của dục,
Bởi trói buộc của hữu,
Bởi trói buộc cả hai,
Chúng sanh ấy đi đến,
Luân chuyển trong luân hồi,
Họ đi đến sanh tử.
Những ai đoạn tận dục,
Nhưng chưa đạt thành được,
Sự diệt tận lậu hoặc,
Họ còn bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của hữu,
Họ được gọi Bất lai.
Những ai chặt đứt được,
Mọi nghi hoặc phân vân,
Ðoạn tận được kiêu mạn,
Ðoạn tận được tái sanh,
Chắc chắn trong đời này,
Họ đi đến bờ kia,
Vì họ đã đạt tới,
Sự đoạn diệt lậu hoặc.
(XCVII) (Tik. V,8) (It. 96)
Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Giới tốt lành? Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có giới tốt lành.
Và thế nào là có Pháp tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập Bảy pháp giác chi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có pháp tốt lành. Như vậy là giới tốt lành và pháp tốt lành.
Và thế nào là Tuệ tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có tuệ tốt lành.
Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật là vị toàn hảo.
Ai với thân, với lời,
Với ý, không làm ác,
Vị ấy giới tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Có được lòng xấu hổ,
Ai, pháp khéo tu tập,
Những pháp giúp đạt đến,
Chứng được quả Bồ-đề,
Vị ấy pháp tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có dục trào ra.
Ai quán tri đau khổ,
Ở đây, diệt trừ khổ,
Vị ấy tuệ tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ những pháp ấy,
Thoát khỏi sự phiền muộn
Chặt đứt mọi nghi ngờ,
Không luyến ái tham đắm
Mọi sự vật ở đời,
Vị ấy được xưng gọi
Vị đoạn tận tất cả.
(XCVIII) (Tik. V, 9) (It. 98)
Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai sự phân phát này: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Ðây là phân phát tối thượng trong hai loại phân phát này, tức là phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp.
Ðiều được gọi bố thí,
Thù thắng và vô thượng,
Và sự phân phát nào,
Ðược Thế Tôn tán thán,
Với tâm tư tín thành,
Trong ruộng phước tối thượng,
Bậc trí rõ biết vậy,
Ai lại không cúng dường,
Ai làm được cả hai,
Nói lên và lắng nghe,
Với tâm tư tịnh tín,
Trong lời dạy Thiện Thệ,
Lợi ích ấy của họ,
Là tối thắng thanh tịnh,
Những ai không phóng dật,
Trong lời dạy Thiện Thệ.
(XCIX) (Tik. V,10) (It. 98)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng: "Một Bà-la-môn có được ba minh, một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên". Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nhớ đến người đời quá khứ, ví như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Ðây là minh thứ nhất, vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Các vị chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời, về ý, phỉ báng các bậc Thánh theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời, về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Ðây là minh thứ hai vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây là minh thứ ba, vị ấy chứng đạt, vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai biết được đời trước,
Với Thiên giới đọa xứ,
Người ấy, Ta tuyên bố,
Là vị Bà-la-môn,
Chớ không phải ai khác,
Chỉ mở miệng bập bẹ.
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa xứ,
Vị ấy đạt sanh diệt,
Thật là bậc ẩn sĩ,
Ðã thành tựu thắng trí.
Ba minh này thành tựu,
Là Phạm chí ba minh,
Ta gọi vị như vậy,
Chính là bậc Ba minh,
Chớ không phải ai khác,
Do nói lời bập bẹ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.