Chương 3 - Đại Phẩm
(I) Kinh Xuất Gia (Sn 72)
Ananda:
405. Xuất gia, tôi tán thán,
Như Pháp nhãn xuất gia,
Sau khi Ngài quán sát,
Chấp thuận hạnh xuất gia.
406.Trói buộc, sống gia đình,
Tụ hội mọi bụi đời,
Phóng khoáng, đời xuất gia,
Thấy vậy nên xuất gia.
407. Sau khi Ngài xuất gia,
Thân ác nghiệp Ngài tránh,
Từ bỏ lời nói ác,
Mạng sống Ngài thanh tịnh.
408. Phật đi đến Vương Xá,
Ðến chỗ núi bao vây,
Tại nước Ma-kiệt-đà,
Ngài sống hạnh khất sĩ,
Mang theo thật đầy đủ,
Các tướng tốt quang minh.
409. Bình Sa vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng,
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này:
410. Các Ông hãy chăm sóc
Người đẹp, lớn, thanh tịnh,
Thành tựu với hạnh đức,
Chỉ nhìn vừa một tầm.
411. Mắt nhìn xuống, chánh niệm,
Gia đình không hạ tiện,
Hãy cho sứ giả theo,
Tỷ-kheo sẽ đi đâu?
412. Ðược sai, sứ giả ấy
Ði theo sau lưng Ngài,
Tỷ-kheo sẽ đi đâu?
Trú xứ sẽ chỗ nào?
413. Khất thực, từng nhà một,
Căn hộ trì chế ngự,
Bình bát được mau đầy,
Tỉnh giác và chánh niệm.
414. Sau khi đi khất thực,
Ẩn sĩ ra khỏi thành,
Leo lên Pandava,
Sẽ trú xứ tại đấy.
415. Thấy vị ấy đến chỗ,
Các sứ giả ngồi chờ,
Còn một vị đi về,
Kể lại chuyện vua hay.
416. Ðại vương, Tỷ-kheo ấy,
Phía đông Pandava,
Ngồi như cọp, bò chúa,
Như sư tử trong hang.
417. Nghe sứ giả, đức vua
Với cỗ xe thù thắng,
Vội vàng ra khỏi thành,
Ði đến Pandava.
418. Ði được, vua đi xe,
Rồi xuống xe đi bộ,
Ðức vua tiến lại gần,
Và vào chỗ Ngài ở.
419. Ngồi xuống, vua nói lên
Lời hỏi thăm chào đón,
Lời lẽ chào đón xong,
Vua nói lên nghĩa này.
420. Người thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Ðẹp cao được đầy đủ,
Thiện sanh dòng Sát-ly.
421. Trang hoàng binh đội ngũ,
Trước mắt cả binh đoàn,
Tài sản ta cho Người,
Hãy hưởng và trả lời
Về vấn đề thọ sanh.
Thế Tôn:
422. Trên sườn núi Tuyết sơn,
Sống dân tộc đoạn trực,
Tài sản nghị lực đủ,
Ở xứ Kosala.
423. Dòng họ thuộc mặt trời,
Sanh tộc là Thích-ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua, Ta xuất gia,
Ta không có tha thiết,
Ðối với các loại dục.
424. Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn,
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta, được hoan hỷ.
(II) Kinh Tinh Cần (Sn 74)
Thế Tôn:
425. Bên sông Ni-liên-thuyền,
Ta tinh cần tinh tấn,
Cố gắng, Ta thiền định,
Ðạt an ổn khổ ách.
426. Ác ma đến gần Ta,
Nói lên lời từ mẫn,
Ông ốm không dung sắc,
Ông đã gần chết rồi.
427. Cả ngàn phần, Ông chết,
Chỉ một phần còn sống,
Hãy sống, sống tốt hơn,
Sẽ làm các công đức.
428. Như Ông sống Phạm hạnh,
Hãy đốt lửa tế tự,
Hãy chất chứa công đức,
Ông tinh tấn làm gì?
429. Khó thay, đường tinh tấn,
Khó làm, khó đạt được.
Ác ma đứng gần Phật,
Nói lên những kệ này.
430. Thế Tôn đã đáp lại
Lời Ác ma như sau:
Bà con ác phóng dật,
Ngươi đến đây làm gì?
431. Với công đức nhỏ bé,
Ta đâu có cần đến?
Với ai cần công đức,
Ác ma đáng nói chúng.
432. Ðây có tín, tinh tấn,
Và Ta có trí tuệ,
Như vậy, Ta tinh tấn,
Sao Ngươi hỏi Ta sống?
433. Gió này làm khô cạn,
Cho đến các dòng sông,
Làm sao khô cạn máu,
Khi Ta sống tinh tấn?
434. Dầu máu có khô cạn,
Mật, đàm Ta khô cạn,
Dầu thịt có hủy hoại,
Tâm Ta càng tịnh tín,
Ta lại càng vững trú,
Niệm, tuệ và thiền định.
435. Do Ta sống như vậy,
Ðạt được thọ tối thượng,
Tâm không cầu các dục,
Nhìn chúng sanh thanh tịnh.
436. Dục, đội quân thứ nhất.
Thứ hai, gọi bất lạc,
Thứ ba, đói và khát,
Thứ tư, gọi tham ái.
437. Năm, hôn trầm thụy miên,
Thứ sáu, gọi sợ hãi,
Thứ bảy, gọi nghi ngờ,
Tám, dèm pha ngoan cố.
438. Lợi, danh và cung kính,
Danh vọng được tà vạy,
Ai tự đề cao mình,
Hủy báng các người khác.
439. Ôi, này Na-mu-ci,
Ðây là quân đội Ngươi,
Ðây quân đội chiến trận,
Của dòng họ Kanhà,
Kẻ nhát, không thắng Ngươi,
Ai thắng Ngươi, được lạc.
440. Ta mang cỏ munja,
Vững thay, đây đời sống,
Thà Ta chết chiến trận,
Tốt hơn, sống thất bại.
441. Bị thấy đắm ở đây,
Số Sa-môn, Phạm chí,
Không biết được con đường,
Bậc giới đức thường đi.
442. Thấy khắp quân đội dàn,
Ác ma trên lưng voi,
Ta bước vào chiến trận,
Không để ai chiếm đoạt.
443. Ðội ngũ quân nhà Ngươi,
Ðời này và chư Thiên,
Không một ai thắng nổi,
Ta đến Ngươi với tuệ,
Như hòn đá dập nát,
Chiếc bát chưa nung chín.
444. Nhiếp phục được tâm tư,
Khéo an trú chánh niệm,
Ta sẽ đi bộ hành,
Nước này qua nước khác,
Ðể huấn luyện rộng rãi,
Cho những người đệ tử.
445. Không phóng dật, tinh cần,
Họ hành lời Ta dạy,
Dầu Ngươi không muốn vậy,
Họ vẫn sẽ đi tới,
Chỗ nào họ đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn.
Ác-ma:
446. Bảy năm, ta bước theo,
Chân theo chân Thế Tôn,
Không tìm được lỗi lầm,
Nơi Thế Tôn chánh niệm.
447. Như quạ bay xung quanh,
Hòn đá như đống mỡ,
Có thể có gì mềm?
Có thể có gì ngọt?
448. Không tìm được gì ngọt,
Quạ từ đó bay đi,
Như quạ mổ hòn đá,
Ta bỏ Gotama.
449. Bị sầu muộn chi phối,
Cây đàn rơi khỏi nách,
Kẻ Dạ-xoa ác ý,
Tại đấy liền biến mất.
(III) Kinh Khéo Thuyết (Sn 78)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana... Thế Tôn nói như sau:
- Thành tựu bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, lời nói được khéo nói, không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chỉ nói lời khéo nói, không nói lời vụng nói; chỉ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; chỉ nói lời khả ái, không nói lời phi khả ái; chỉ nói lời đúng sự thật, không nói lời không đúng sự thật. Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, lời nói là được khéo nói không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách.
Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong bậc Ðạo Sư lại nói thêm như sau:
450. Bậc Thiện nhân nói lên,
Lời khéo nói tối thượng,
Thứ hai, nói đúng pháp,
Thứ ba, nói khả ái
Không nói phi khả ái,
Thứ tư, nói chân thật
Không nói không chân thật.
Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Ý nghĩ này đến với con, bạch Thiện Thệ.
- Hãy nói lên ý kiến ấy, này Vangìsa!.
Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên lời tán thán với những bài kệ thích ứng:
Vangìsa:
451. Hãy nói lên lời nói,
Không thiêu đốt tự ngã,
Không làm hại người khác,
Lời nói ấy khéo nói.
452. Hãy nói lời khả ái,
Nói lời khiến hoan hỷ,
Không mang theo ác hại,
Khiến người khác ưa thích.
453. Chân thật, lời bất tử,
Ðây thường pháp là vậy,
Họ nói, bậc Thiện nhân,
An trú trên chân thật,
Trên mục đích, trên pháp.
454. Lời gì đức Phật nói,
An ổn, đạt Niết-bàn,
Ðoạn tận các khổ đau,
Ðấy lời nói tối thượng.
(IV) Kinh Sundarika Bhàradvàja (Sn 80)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở phía dân chúng Kosala, trên bờ sông Sundarikà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đốt lửa thiêng trên bờ sông Sundarikà và đang cử hành các tế lễ lửa. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradavàja, sau khi đốt lửa thiêng, sau khi cử hành các lễ tế lửa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ngó xung quanh bốn phương nghĩ rằng: "Ai có thể ăn đồ ăn còn lại của lễ tế tự này?".
Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, không bao xa, đầu che trùm lại; thấy vậy, tay trái cầm đồ tế tự còn lại, tay mặt cầm cái bình nước, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja liền mở đầu ra. Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja nghĩ rằng: "Ðầu trọc là vị này. Một kẻ đầu trọc là vị này", và muốn đi trở lại. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja suy nghĩ: "Ở đây, cũng có một số Bà-la-môn trọc đầu. Vậy ta hãy đi đến vị này và hỏi về thọ sanh". Rồi Bà-la-môn Sundaikabhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn:
- Thọ sanh của Tôn giả là thế nào?
Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja những bài kệ:
Thế Tôn:
455. Ta không phải Phạm chí,
Cũng không phải con vua,
Cũng không phải buôn bán,
Không phải là ai hết,
Do liễu tri giai cấp,
Của các hàng phàm phu,
Ta kẻ trí ở đời,
Bộ hành, không sở hữu.
456. Mang áo Tăng-già-lê,
Ta sống, không gia đình,
Với tóc được cạo sạch,
Tự ngã được an tịnh,
Ở đời Ta không nhiễm,
Với các thiếu niên nào,
Không xứng đáng, Ông hỏi,
Hỏi Ta về thọ sanh.
Bà-la-môn:
457. Thật sự, thưa Tôn giả,
Các vị Bà-la-môn
Thường hỏi Bà-la-môn,
Có phải người Phạm chí?
Thế Tôn:
Nếu Ông nói lên rằng:
Ông là Bà-la-môn,
Và nếu Ông hỏi Ta
Không phải Bà-la-môn,
Vậy Ta sẽ hỏi Ông
Về Sàvitti này,
Gồm có mười hai câu,
Và hai mươi bốn chữ.
Bà-la-môn:
458. Do y tựa vào gì,
Các ẩn sĩ, loài Người,
Sát-đế-lị Phạm chí,
Ðã tổ chức tế đàn,
Cho các hàng chư Thiên,
Rộng rãi trong đời này?
Thế Tôn:
Vị nào đạt cứu cánh,
Vị nào hiểu Vệ-đà,
Trong lễ tế đàn này,
Thọ hưởng đồ cúng dường,
Ta tuyên bố, nói rằng
Lễ ấy được tăng thịnh.
Bà-la-môn:
459. Chắc chắn tế đàn ấy,
Cúng dường được tăng thịnh.
Vì chúng ta thấy được,
Vị am hiểu Vệ-đà,
Nếu chúng ta không thấy,
Ðược một ngưòi như Ông,
Một người khác thọ hưởng
Ðồ cúng dường tế đàn.
Thế Tôn:
460. Vì Ông, này Phạm chí,
Ðến Ta vì cần thiết,
Với mục đích rõ ràng,
Vậy nay Ta hỏi Ông,
Ông có thể tìm được
Một bậc trí ở đây,
An tịnh, không sân hận,
Không khổ, không tầm cầu?
Bà-la-môn:
461. Tôi vui trong tế đàn,
Tôn giả Gotama,
Tôi tha thiết ao ước,
Ðược cúng dường tế đàn,
Nhưng tôi không được biết,
Tôn giả hãy dạy tôi!
Hãy nói lên cho tôi,
Chỗ cúng dường tăng thịnh.
Thế Tôn:
Vậy này Bà-la-môn,
Hãy lắng tai mà nghe,
Ta nay sẽ vì Ông,
Tuyên thuyết pháp vi diệu.
462. Chớ hỏi về thọ sanh,
Hãy hỏi về hạnh đức,
Thật vậy, từ củi gỗ,
Một ngọn lửa được sanh,
Từ gia đình thấp kém,
Bậc ẩn sĩ, có trí,
Ðược huấn luyện thuần thục,
Ðược xấu hổ chế ngự.
463. Ðược chân thật huấn luyện,
Ðược nhiếp phục chế ngự,
Bậc đạt đến hiểu biết,
Phạm hạnh được viên thành,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy.
Vậy vị Phạm chí nào
Muốn nguyện cầu công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.
464. Những vị nào, bỏ dục,
Du hành, không gia đình,
Khéo chế ngự nhiếp phục,
Như con thoi trực chỉ.
Ðúng thời đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chỉ cầu phước,
Hãy bố thí như vậy,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.
465. Những vị đã ly tham,
Các căn khéo định tĩnh,
Như trăng được giải thoát,
Khỏi nanh vuốt Ràhu,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy,
Vậy vị Phạm hạnh nào,
Muốn nguyện cầu công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.
466. Không tham dính vật gì,
Họ du hành ở đời,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Từ bỏ ngã sở kiến,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy.
Vậy vị Phạm chí nào,
Muốn cầu nguyện công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.
467. Ai từ bỏ các dục,
Tự nhiếp phục, du hành.
Ai biết sự chấm dứt,
Của sanh và sự chết,
Tịch tịnh và mát lạnh.
Mát lạnh như nước hồ.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
468. Bình đẳng kẻ bình đẳng,
Xa lánh không bình đẳng,
Như Lai chứng đạt được,
Trí tuệ không giới hạn,
Không bị dính, uế nhiễm,
Ðời này hay đời sau.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
469. Trong ai không man trá,
Không sống với kiêu mạn,
Ai không có tham dục,
Không của ta, không cầu,
Phẫn nộ được đoạn trừ,
Tự ngã thật tịch tịnh,
Vị Bà-la-môn ấy,
Cấu uế, sầu muộn đoạn,
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
470. Ai đoạn diệt hoàn toàn
Mọi trú xứ của ý,
Không còn có nắm giữ,
Sự vật gì ở đời,
Không còn có chấp thủ,
Ðời này hay đời sau.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
471. Tâm ai thật định tĩnh,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Rõ biết được Chánh pháp,
Với tri kiến tối thượng,
Lậu hoặc được đoạn trừ,
Mang thân này tối hậu.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
472. Với ai, các hữu lậu,
Và lời nói thô ác,
Ðược đoạn tận chấm dứt,
Không còn có tồn tại,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Giải thoát mọi khía cạnh.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
473. Giữa những người nhiễm trước,
Vị ấy không nhiễm trước,
Giữa chúng sanh kiêu mạn,
Vị ấy không kiêu mạn,
Liễu tri được đau khổ,
Kể cả ruộng và đất.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
474. Không dựa vào ước vọng,
Vị ấy thấy viễn ly,
Vượt qua sự hiểu biết,
Cùng tri kiến người khác,
Ðối với mọi sở duyên,
Vị ấy đều không có,
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
475. Vị ấy chứng tri được
Các pháp gần hay xa,
Ðược đoạn trừ, chấm dứt,
Không còn có hiện hữu,
An tịnh, không chấp thủ,
Ðược hoàn toàn giải thoát
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
476. Thấy được sự đoạn tận,
Sanh diệt các kiết sử,
Trừ được đường tham dục,
Không còn lại dư tàn.
Thanh tịnh, không lỗi lầm,
Không cấu uế, không nhiễm.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
477. Ai không thấy tự ngã,
Với tự ngã của mình,
Ðịnh tâm và chánh trực,
Kiên trì không dao động,
Vị ấy không có dục,
Không cứng cỏi, phân vân.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
478. Với ai không còn nữa,
Nguyên nhân của si mê,
Biết rõ và thấy rõ,
Ðối với hết thảy pháp,
Và mang nặng thân này,
Thân này thân cuối cùng.
Chứng đạt Chánh Ðẳng Giác,
Vô thượng an ổn xứ,
Ðạt cho đến như vậy,
Bậc Dạ-xoa thanh tịnh.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
Bà-la-môn:
479. Ðây đồ con cúng dường,
Ðồ cúng dường chân thật,
Con đã tìm thấy được,
Bậc trí đức như vậy,
Phạm thiên hãy chứng giám,
Thế Tôn hãy chấp nhận,
Thế Tôn hãy thọ hưởng,
Ðồ cúng dường của con.
Thế Tôn:
480. Ta không có thọ dụng
Ðồ ăn từ kệ tụng,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðây không phải là pháp,
Của những người có trí,
Chư Phật đều từ bỏ,
Ca hát các bài kệ,
Chỗ nào pháp an trú,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðấy chính là truyền thống.
481. Ông cần phải cúng dường,
Ðồ ăn, đồ uống khác,
Bậc Ðại sĩ toàn vẹn,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Ðã đoạn tận trao hối,
Không còn bị dao động,
Ngài chính là thửa ruộng,
Cho người cầu công đức.
Bà-la-môn:
482. Thế Tôn, con muốn biết,
Người có tin như con,
Ai có thể hưởng thọ,
Ðồ cúng dường của con,
Trong khi lễ tế đàn,
Con phải tìm đến ai?
Lời Ngài dạy thế nào,
Con sẽ đạt cho được.
Thế Tôn:
483. Với ai, không xông xáo,
Với ai, tâm không động,
Giải thoát khỏi các dục,
Với ai bỏ hôn trầm,
484. Lãnh đạo kẻ biên giới,
Thiện xảo trong sanh tử,
Ẫn sĩ đầy đủ tuệ,
Ðã đến lễ tế đàn.
485. Nhiếp phục kiêu ngạo xong,
Hãy chắp tay đảnh lễ,
Cúng dường đồ ăn uống,
Cúng dường vậy tăng trưởng.
Bà-la-môn:
486. Ngài là bậc Giác Ngộ,
Xứng đáng được cúng dường,
Ngài là ruộng phước đức,
Vô thượng, không gì hơn,
Vị tiếp nhận cúng dường,
Xứng đáng toàn thế giới.
Bố thí cho Tôn giả,
Kết quả thật to lớn.
Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Hãy cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama. Hãy cho con thọ đại giới.
Và Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja... trở thành một vị A-la-hán.
(V) Kinh Màgha (Sn 86)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên núi Gijjhakàta. Rồi thanh niên Màgha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, con là người bố thí, là thí chủ, rộng rãi, mong muốn được yêu cầu. Con tầm cầu tài sản đúng pháp, sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, con cho một nguời, con cho hai người, con cho ba người, con cho bốn người, con cho năm người, con cho sáu người, con cho bảy người, con cho tám người, con cho chín người, con cho mười người, con cho hai mươi người, con cho ba mươi người, con cho bốn mươi người, con cho năm mươi người, con cho một trăm người, con cho nhiều hơn nữa. Thưa Tôn giả Gotama, con cho như vậy, con bố thí như vậy, con có được nhiều phưóc đức không?
- Này thanh niên, Con cho như vậy, Con bố thí như vậy Con được nhiều phước đức. Này thanh niên, ai là người bố thí, là người thí chủ rộng rãi, mong muốn được yêu cầu, ai tầm cầu tài sản đúng pháp sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, ngưòi ấy cho một người... cho một trăm người, cho nhiều hơn nữa, người ấy được nhiều công đức.
Rồi thanh niên Màgha nói lên lời Thế Tôn những bài kệ:
Thanh niên Màgha:
487. Thanh niên Màgha thưa:
Tôn giả Gotama,
Con hỏi bậc Hiền hòa,
Mặc cà sa không nhà,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước.
Ở đây, thí người khác,
Ðồ ăn và đồ uống,
Tại đâu nên bố thí,
Ðể đồ cúng được tịnh.
Thế Tôn:
488. Thế Tôn bèn trả lời:
Này thanh niên Màgha,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác
Ðồ ăn và đồ uống,
Người ấy cần phải thí,
Người xứng đáng cúng dường.
Màgha:
489. Thanh niên Màgha thưa:
Tôn giả Gotama,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác
Ðồ ăn và đồ uống,
Thế Tôn hãy nói con
Nên cúng dường cho ai?
Thế Tôn:
490. Những ai sống ở đời,
Thật sự không nhiễm trước,
Hoàn toàn không sở hữu,
Tự ngã được nhiếp phục,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
491. Những ai đã chặt đứt,
Mọi kiết sử trói buộc,
Nhiếp phục được giải thoát,
Không dao động, mong cầu.
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
492. Những ai đã giải thoát
Mọi kiết sử trói buộc,
Nhiếp phục được giải thoát,
Không khổ, không mong cầu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
493. Vị nào đã đoạn tận,
Tham, sân và cả si,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Phạm hạnh đã thành tựu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
494. Ai sống không man trá,
Và không có kiêu mạn,
Những vị sống không tham,
Không ngã sở, không cầu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
495. Những ai đối với ai,
Không rơi vào hệ lụy,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Du hành không ngã sở,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
496. Với ai không tham ái,
Một vật gì ở đời,
Không ái hữu, phi hữu,
Ðời này hay đời sau,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
497. Những ai từ bỏ dục,
Sống không có gia đình,
Khéo léo biết chế ngự,
Như con thoi, chính trực,
Ðúng thời, đối vị ấy.
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
498. Những ai, ly tham ái,
Các căn khéo định tĩnh,
Như mặt trăng thoát khỏi,
Nanh vuốt của Ràhu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
499. Những ai được an tịnh,
Ly tham, ly phẩn nộ,
Sau khi bỏ đời này,
Không còn có sanh thú,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
500. Ðoạn sanh tử đã xong,
Không còn chút dư tàn,
Nghi ngờ và phân vân,
Tất cả được nhiếp phục,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
501. Những ai sống ở đời
Tự mình làm hòn đảo,
Không có vật sở hữu,
Giải thoát được trọn vẹn,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
502. Những ai ngay đời này,
Như thật rõ biết được,
Ðây đời sống cuối cùng,
Không còn có tái sanh,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
503. Ai đạt tuệ tối thượng,
Ưa thiền, giữ chánh niệm,
Ðạt được sự giác ngộ,
Chỗ quy ngưỡng nhiều người.
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
Màgha:
504. Thật sự câu con hỏi,
Không trống không, vô ích,
Thế Tôn nói cho con,
Những ai đáng cúng dường.
Ở đây Ngài đã biết,
Sự thật như thế nào.
Như vậy chính là pháp,
Ngài được biết như vậy.
505. Rồi thanh niên Màgha,
Lại thưa thêm như sau:
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác,
Ðồ ăn và đồ uống,
Thế Tôn hãy nói con,
Pháp tế tự hoàn toàn.
Thế Tôn:
506. Thế Tôn nói Màgha,
Hãy tế đàn, tế tự,
Phải làm cho trong sạch,
Hoàn toàn mọi tâm tư,
Ðối người lễ tế đàn,
Ðối tượng là đồ cúng,
Hãy an trú ở đây,
Từ bỏ sự sân hận.
507. Vị ấy đoạn tận tham,
Nhiếp phục cả sân hận,
Tu tập tâm từ bi,
Vô lượng khắp tất cả,
Với hạnh không phóng dật,
Ngày đêm luôn tu tập,
Cùng khắp mọi phương hướng,
Biến mãn vô lượng tâm.
Màgha:
508. Ai trong sạch, giải thoát,
Ai còn bị trói buộc,
Ai với tự thân mình,
Ði đến Phạm Thiên giới?
Vì không biết, con hỏi.
Hãy nói lên, ẩn sĩ,
Mong Thế Tôn chứng giám,
Cho con ngày hôm nay,
Con được thấy Phạm thiên,
Ngài đối với chúng con,
Thật sự Ngài ngang bằng,
Với Phạm thiên không khác,
Ôi! Bậc chói hào quang,
Làm thế nào được sanh,
Lên cảnh giới Phạm thiên?
Thế Tôn:
509. Thế Tôn đáp Màgha:
Ai tổ chức tế đàn,
Ðầy đủ cả ba phần,
Tế đàn ấy tăng thịnh,
Với những người được cúng.
Xứng đáng được cúng dường.
Tế đàn như vậy xong,
Chơn chánh muốn được cầu,
Ta nói vị ấy sanh,
Tại cảnh giới Phạm thiên.
Khi nói được như vậy, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!.
Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(VI) Kinh Sabhiya (Sn 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, du sĩ Sabhiya, một du sĩ ngoại đạo, được một Thiên nhân trước kia là bà con huyết thống, nói lên những câu hỏi sau đây: "Này Sabhiya, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, khi được hỏi những câu hỏi này, trả lời cho Ông, thời Ông hãy sống Phạm hạnh với người ấy".
Rồi du sĩ Sabhiya, sau khi học những câu hỏi ấy từ vị Thiên nhân ấy, phàm có những Sa-môn, Bà-la-môn nào có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư đồ chúng được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kacsapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesa Kambali, Pakudha Kacàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Sabhiya đi đến các vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị ấy, được du sĩ Sabhiya hỏi những câu hỏi ấy, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Họ vặn hỏi trở lại du sĩ Sabhiya. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả, Sa-môn, Bà-la-môn ấy có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư, đồ chúng được biết đến, có danh vọng, có ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn họ vặn hỏi trở lại ta. Vậy ta haỹ trở lui đời sống hạ liệt, thọ hưởng các dục". Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Có Sa-môn Gotama này, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, sáng lập ra giáo phái, được quần chúng ái mộ, vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã già, đã lớn tuổi, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi quá nửa đời người, đã đạt đến mức cuối tuổi thọ, là những bậc trưởng lão, được nhiều người biết đến, xuất gia đã lâu ngày, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Và họ vặn hỏi trở lại ta. Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia". Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Không nên gạt bỏ, không nên khinh thường một Sa-môn vì vị ấy còn trẻ tuổi; nếu vị Sa-môn còn trẻ, nhưng vị ấy có đại thần, đại uy lực. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này".
Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya bộ hành ra đi đến Ràjagaha, tiếp tục bộ hành, đi đến Vương Xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên du sĩ Sabhiya nói lên với Thế Tôn những bài kệ:
Sabhiya:
510. Sabhiya nói rằng:
Tôi đến, có nghi ngờ,
Hy vọng có thể hỏi
Những câu hỏi với Ngài.
Mong Ngài chấm dứt được,
Những câu hỏi cho tôi.
Những câu được tôi hỏi,
Hãy thứ lớp giải đáp.
Thế Tôn:
511. Thế Tôn đáp du sĩ:
Ông từ xa đi đến,
Hy vọng có thể hỏi,
Những câu hỏi với Ta,
Ta sẽ chấm dứt được,
Những câu hỏi cho Ông
Những câu được Ông hỏi,
Ta thứ lớp giải đáp.
512. Du sĩ Sabhiya,
Hãy hỏi Ta câu hỏi,
Tuỳ theo ý Ông muốn,
Ông hỏi câu hỏi nào,
Ta sẽ chấm dứt được,
Câu hỏi ấy cho Ông.
Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta không bao giờ có được cơ hội, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Nay cơ hội này được Sa-môn Gotama tạo ra cho ta, hân hoan, hoan hỷ, phấn chấn, hỷ lạc " Sabhiya hỏi Thế Tôn câu hỏi:
Sabhiya:
513. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi là Tỷ-kheo?
Nhờ gì, gọi nhu hòa?
Thế nào gọi chế ngự?
Và phải như thế nào,
Ðược gọi bậc Giác ngộ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
514. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai chính với con đường,
Do tự mình tạo ra,
Ði đến sự tịch mịch,
Vượt qua các nghi hoặc,
Từ bỏ, đoạn tận hẳn
Cả hữu và phi hữu,
Phạm hạnh đã thành tựu,
Tái sanh đã đoạn tận,
Vị ấy được xứng danh,
Gọi là vị Tỷ-kheo.
515. Vị trú xả, chánh niệm,
Tại bất cứ chỗ nào,
Vị không làm hại ai,
Cùng khắp cả thế giới,
Vượt bộc lưu, tịnh ý,
Không có bị dao động,
Vị nào không đột khởi,
Vị ấy gọi nhu hòa.
516. Vị nào có các căn,
Ðược huấn luyện tu tập,
Cả nội và cả ngoại,
Trong tất cả thế giới,
Vị nào thông suốt được
Ðời này và đời sau,
Ðúng thời, nghi điều phục,
Vị ấy gọi chế ngự.
517. Ai phân tích các kiếp,
Toàn diện và hoàn toàn,
Luân chuyển cả hai mặt,
Chết đi và sanh lại,
Bụi bặm được dứt sạch,
Không uế nhiễm, thanh tịnh,
Ðạt được sanh đoạn diệt,
Vị ấy gọi Phật-đà.
Rồi du sĩ Sabhiya, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, hoan hỷ, hân hoạn, phấn khởi, phát sanh hỷ tâm, liền hỏi Thế Tôn thêm câu nữa.
Sabhiya:
518. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi là Bà-la-môn?
Nhờ gì, gọi Sa-môn?
Thế nào là tắm sạch?
Và phải như thế nào?
Ðược gọi là voi chúa?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
519. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai loại khỏi ra ngoài,
Tất cả các ác pháp,
Không uế, khéo định tĩnh,
Kiên trì, vững an trú,
Vượt qua được luân hồi,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Không y chỉ vị ấy,
Ðược gọi Bà-la-môn.
520. Ðược an tịnh, tịch tịnh,
Ðoạn tận cả thiện ác,
Không cấu uế, rõ biết,
Ðời này và đời sau,
Chế ngự và nhiếp phục,
Cả vấn đề sanh tử,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi là Sa-môn.
521. Ai gột sạch, tắm sạch
Tất cả các ác pháp,
Kể cả trong lẫn ngoài,
Khắp tất cả thế giới,
Giữa chư Thiên, loài Người,
Bị thời kiếp chi phối,
Không rơi vào thời kiếp,
Ðược gọi đã tắm sạch.
522. Ai không làm điều ác,
Mọi điều ác ở đời,
Tất cả các kiết sử,
Không dính mắc, trói buộc,
Khắp tất cả mọi nơi,
Không dính, không trói buộc,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi là voi chúa.
Rồi du sĩ Sabhiya lại hỏi thêm câu nữa:
Sabhiya:
523. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Thế nào chư Phật gọi
Vị chiến thắng đất ruộng,
Do gì, gọi là thiện?
Thế nào gọi bậc trí,
Và phải như thế nào
Ðược gọi là ẩn sĩ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
524. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai quán sát nhiếp phục,
Ruộng đất thật toàn diện
Chư Thiên và loài Người,
Là đất ruộng Phạm thiên,
Giải thoát được trói buộc,
Cội gốc mọi đất ruộng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi thắng đất ruộng.
525. Ai quán sát nhiếp phục,
Kho tàng thật toàn diện,
Chư Thiên và loài Người,
Là đất ruộng Phạm thiên,
Giải thoát được trói buộc,
Cội gốc mọi kho tàng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị thiện xảo.
526. Ai quán sát nhiếp phục,
Cả hai tâm và ý,
Cả nội và cả ngoại,
Về trí tuệ thanh tịnh,
Nhiếp phục chế ngự được,
Các pháp đen và trắng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi bậc Hiền trí,
527. Sau khi đã biết được,
Pháp bất thiện, pháp thiện,
Cả nội và cả ngoại,
Trong tất cả thế giới,
Vị ấy được cúng dường,
Chư Thiên và loài Người,
Vượt qua lưới trói buộc,
Vị ấy gọi ẩn sĩ.
Rồi du sĩ Sabhiya... lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
Sabhiya:
528. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì
Ðược gọi bậc có trí?
Nhờ gì, gọi tùy trí?
Thế nào xưng tinh tấn?
Thế nào được danh xưng,
Là vị đã thuần thục?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
529. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai quán sát Vệ-đà,
Hoàn toàn và toàn diện,
Ðược Sa-môn, Phạm chí,
Ðạt được rất đầy đủ,
Vị ấy gọi ly tham,
Trong tất cả cảm thọ,
Do vượt qua Vệ-đà,
Ðược gọi bậc Vệ-đà?
530. Do quán sát, quán triệt,
Các hý luận, danh sắc,
Kể cả nội và ngoại,
Về cội gốc bệnh hoạn,
Vị ấy thoát trói buộc,
Cội gốc các bệnh hoạn,
Vị đức tánh như vậy
Ðược gọi vị rõ biết
531. Vị ở đời từ bỏ
Tất cả các pháp ác,
Với tinh tấn vượt qua,
Mọi khổ đau địa ngục,
Vị ấy có tinh tấn,
Có tinh cần, siêng năng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị có trí.
532. Với ai các trói buộc,
Bị bựt đứt, huỷ hoại,
Nguồn gốc các tham ái,
Vị ấy được giải thoát,
Khỏi tất cả gốc tham,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị thuần thục.
Rồi du sĩ Sabhiya.. lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
Sahiya:
533. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi vị được nghe?
Nhờ gì, gọi bậc Thánh?
Sở hành như thế nào,
Như thế nào được tên,
Là một người du sĩ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
534. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya!
Do ở đời được nghe,
Thắng tri tất cả pháp,
Pháp có lỗi, không lỗi,
Phàm mọi pháp ở đời,
Là vị đã chiến thắng,
Ðoạn nghi, được giải thoát,
Trọn vẹn không dao động,
Ðược gọi, vị có nghe.
535. Sau khi đoạn, chặt đứt,
Mọi lậu hoăc chấp trước,
Vị ấy sau khi biết
Không đi đến thai tạng,
Ðoạn trừ và từ bỏ,
Ba loại tưởng bùn nhơ,
Không đi vào thời kiếp,
Ðược gọi là bậc Thánh.
536. Vị nào ở nơi đây,
Thành tựu các giới hạnh,
Thiện xảo mọi lãnh vực,
Rõ biết được Chánh Pháp,
Cùng khắp cả mọi nơi,
Không chấp trước, giải thoát,
Không sân hận một ai,
Ðược gọi là có hạnh.
537. Ai không làm các nghiệp
Ðưa đến quả đau khổ
Phía trên và phía dưới,
Bề ngang và chặng giữa,
Sống với sự liễu tri,
Từ bỏ, không chấp nhận,
Man trá và kiêu mạn,
Tham ái và phẫn nộ,
Làm cho đến cùng tận,
Cả danh và cả sắc,
Vị này đã đạt được,
Tên gọi là du sĩ.
Rồi du sĩ Sabhiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy; hoan hỷ, hân hoan, phấn chấn, hỷ duyệt sanh khởi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thương y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, trước mặt Thế Tôn, thốt lên những câu kệ thích đáng:
538. Ôi, bậc tuệ rộng lớn!
Nhiếp phục sự tụ họp,
Các Sa-môn tranh luận,
Có đến sáu (mươi) ba thuyết,
Các ngôn thuyết văn tự,
Y đây các tưởng khởi,
Vị ấy vượt qua được,
Dòng nước mạnh sanh tử.
539. Ngài đi đến tận cùng,
Ðến bờ kia đau khổ,
Bậc La-hán, Chánh Giác,
Con nghĩ Ngài lậu tận,
Ngài chói sáng, thông minh.
Với trí tuệ rộng lớn,
Ngài đoạn tận đau khổ,
Ðưa con qua bờ kia.
540. Ngài thấy, Ngài biết rõ
Những điều con nghi ngờ,
Ngài giúp con vượt qua,
Con xin đảnh lễ Ngài,
Bậc ẩn sĩ đạt được,
Con đường thật an tịnh,
Ôi, bà con mặt trời!
Không hoang vu, nhu hòa.
541. Ðiều xưa con nghi ngờ,
Ðều được Ngài giải đáp,
Ôi, bậc có Pháp nhân!
Ngài thật là ẩn sĩ
Bậc Chánh Ðẳng, Chánh Giác,
Ngài không còn triền cái.
542. Với Ngài, mọi ưu não,
Ðược phá tan, đoạn diệt,
Ngài tịnh tịch, chế ngự,
Tâm kiên trì, thành thực.
543. Ngài là bậc long tượng,
Trong các hàng long tượng,
Ngài là đại anh hùng
Chư Thiên đều hoan hỷ,
Cả hai Nàrada,
Và cả Pabbatà,
Ðều hoan hỷ tín thọ,
Lời thuyết giảng của Ngài.
544. Chúng con xin đảnh lễ,
Con người thuần thục nhất,
Chúng con xin đảnh lễ,
Con người tối thượng nhất,
Trong cảnh giới Trời, Người,
Không ai sánh được Ngài,
545. Ngài chính là Ðức Phật,
Ngài chính là Ðạo Sư,
Ngài là bậc ẩn sĩ,
Ðã chiến thắng Ác ma,
Ngài chặt đứt tuỳ miên,
Ðã vượt qua sanh tử,
Ngài giúp chúng sanh này,
Vượt qua bể sanh tử.
546. Ngài vượt khỏi sanh y,
Ngài phá tan lậu hoặc,
Ngài là bậc sư tử,
Không chấp thủ, chấp trước,
Mọi sợ hãi, hoảng hốt,
Ngài đoạn tận, trừ diệt.
547. Như hoa sen tươi đẹp.
Nước không thể dính vào,
Cũng vậy cả thiện ác,
Cả hai không dính Ngài,
Ôi anh hùng vĩ đại,
Xin Ngài duỗi chân ra,
Sabhiya chúng con,
Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.
Rồi du sĩ Sabhiya lấy đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... Con xin quy y Thế Tôn, Pháp và chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới.
- Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt giữa các chúng sanh.
- Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này, sống biệt trú bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu tâm con thỏa thuận hãy cho xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo.
Du sĩ Sabhiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới... rồi Tôn giả Sabhiya trở thành một vị A-la-hán.
(VII) Kinh Sela (Sn 102-112)
(Xem kinh Sela, Trung Bộ Kinh, Tập II)
(VIII) Kinh Mũi Tên (Sn 112)
574. Sinh mạng của loài Người,
Ở đời không ai biết,
Không tướng, nhiều phiền toái,
Nhỏ nhoi, liên hệ khổ.
575. Không có sự gắng nào,
Khiến sống thoát khỏi chết,
Sau khi già là chết,
Pháp hữu tình là vậy.
576. Như các trái chín muồi,
Có sợ bị rơi sớm,
Cũng vậy, người được sanh,
Thường có sợ bị chết.
577. Như người thợ làm ghè
Làm chén bát đất sét,
Cuối cùng, bể tất cả,
Mạng sống người là vậy.
578. Trẻ tuổi và lớn tuổi,
Người ngu và kẻ trí,
Tất cả đi đến chết,
Cuối cùng rồi cũng chết.
579. Những ai chết chi phối,
Ði qua đến đời sau,
Cha không cứu được con,
Hay bà con cứu nhau.
580. Hãy xem, các bà con
Ðứng nhìn và than khóc,
Từng người, đi đến chết,
Như bò mang đi giết,
581. Như vậy, thế giới này
Bị già chết chi phối,
Do vậy, bậc nhiều trí,
Biết đời, nên không sầu
582. Ai không biết con đường,
Ðường đến và đuờng đi,
Do không thấy hai ngã,
Than khóc, không lợi ích.
583. Nếu thật sự than khóc,
Ðem lại lợi ích gì,
Kẻ ngu tự hại mình,
Người có mắt sẽ làm.
584. Không với sầu, nước mắt,
Khiến nội tâm an tịnh,
Khổ càng tăng trưởng thêm,
Thân càng bị gia hại.
585. Ốm yếu, sắc da tái,
Tự mình hại chính mình,
Kẻ chết không được hộ,
Than khóc thật vô ích.
586. Chúng sanh không bỏ sầu,
Càng gặp nhiều đau khổ,
Càng rên khóc kẻ chết,
Càng bị sau chi phối.
587. Hãy xem các người khác
Ði theo hạnh nghiệp mình,
Rơi vào giới thần chết,
Hữu tình đầy hoảng sợ.
588. Loài Người còn mong ước,
Thế này hay thế khác,
Nhưng sự việc xảy ra,
Hoàn toàn thật sai khác,
Như vậy tánh không có,
Xem định tánh của đời.
589. Nếu loài Người sống được,
Sống hơn một trăm năm,
Rồi không có bà con,
Ở đây, bỏ mạng sống.
590. Do vậy, sau khi nghe
Bậc La-hán thuyết giảng,
Hãy nhiếp phục than van,
Khi thấy kẻ bị chết,
Hãy suy nghĩ như sau,
Ta không còn vị ấy.
591. Như nhà lửa bị cháy,
Nhờ nước, lửa dập tắt,
Cũng vậy, bậc Hiền trí,
Có tuệ trí, thiện xảo,
mau chóng nhiếp phục sầu,
Như bông gió thổi bay.
592. Ai tự tìm hạnh phúc,
Hãy tự mình rút tên,
Mũi tên là than khóc,
Tham cầu tư ưu sầu.
593. Ai đã rút mũi tên,
Không nương tựa nhờ cậy,
Tâm vị ấy đạt được,
Sự an lành an tịnh,
Vượt khỏi mọi ưu sầu,
Tâm không sầu, tịch tịnh.
(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)
(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)
(X) Kinh Kokàliya (Sn 123)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Rồi Tỷ-kheo Kokàliya đi đến Thế Tôn sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kokàliya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Sàiputta và Moggallàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.
- Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna.
Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có lòng tin và tin tưởng, đối với con, Sàriputta và Moggalàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.
- Này Kokàaliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna
Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn... Hiền thiện là Sàriputta và Moggallàna...
Rồi Tỷ-kheo Kokàliya từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo Kokàliya ra đi không lâu, toàn thân của Tỷ-kheo Kokàliya nổi lên những mụt to bằng hạt cải; sau khi lớn lên bằng hột đậu; chúng lớn lên bằng hột đậu lớn; sau khi lớn bằng hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng hòn đá; sau khi lớn lên bằng hòn đá, chúng lớn lên bằng trái táo; sau khi lớn lên bằng trái táo, chúng lớn lên bằng trái àmala; sau khi lớn lên bằng trái àmala, chúng lớn lên bằng trái vilva; sau khi lớn lên bằng trái vilva, chúng lớn lên bằng trái billi, chúng bị phá vỡ, mủ và máu chảy ra.
Rồi Tỷ-kheo Kokàliya do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàliya sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.
Rồi Phạm thiên Sahampati sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya phải sanh vào địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.
Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, hồi hôm Phạm thiên Sahampati, khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta, sau khi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya đã mệnh chung và Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya sau khi mệnh chung đã sanh địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna".
Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, bao nhiêu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng?
- Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng, không dễ gì tính được bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, hay bao nhiêu trăm ngàn năm.
- Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng ví dụ?
Thế Tôn đáp:
- Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có hột đậu mè nặng hai mươi khàrika, theo đo lường nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi ngàn khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh với tuổi thọ ở địa ngục Abbuda. Này Tỷ-kheo hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abbuda; bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda, bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này các Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Hoa sen). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Pundarika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pudumà. Này Tỷ Kheo Kokàliya sanh tại địa ngục Pudumà với tâm hận thù Sàripputta và Moggallàna.
Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:
657. Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy mình.
658. Ai khen kẻ đáng chê,
Ai chê người đáng khen,
Tự chất chứa bất hạnh,
Do lỗ miệng của mình,
Chính do bất hạnh ấy,
Nên không được an lạc.
659. Nhỏ thay bất hạnh này,
Trong canh bạc rủi may,
Do quăng con xúc xắc,
Tài sản bị hoại vong,
Lớn hơn bất hạnh này,
Tự mình gây cho mình,
Với người có ác ý,
Ðối chư Phật, Thiện Thệ.
660. Trải thời gian trăm ngàn
Ở Nirabbuda,
Ba mươi sáu và năm
Ở tại Abbuda,
Với lời và ác ý,
Ai phỉ báng bậc Thánh,
Người ấy sẽ rơi vào
Các cõi dữ địa ngục.
661. Kẻ nói không chân thật,
Ði đến cõi địa ngục,
Ai tự mình có làm,
Lại nói: "Tôi không làm",
Cả hai sau khi chết,
Ðều được xem đồng đẳng,
Hành động họ hạ liệt,
Ðời sau, đồng làm người.
662. Ai khởi lên ác tâm,
Ðối người không ác ý,
Ðối người sống thanh tịnh,
Không có gì uế nhiễm,
Ác ấy trở lui lại,
Ðến với kẻ ngu ấy,
Như bụi bặm nhỏ nhiệm
Quăng ngược chiều gió thổi.
663. Ai hệ lụy đắm trước,
Các chủng loại tham dục,
Người ấy với lời nói,
Chỉ trích các người khác,
Không lòng tin, xan lẫn,
Không rộng rãi với người,
Xan tham và keo kiết,
Quen thói nói xấu người.
664. Này Ông, miệng ác độc,
Không chân thật, không thánh,
Kẻ giết hại sanh linh,
Kẻ ác, kẻ làm ác,
Người hạ liệt, bất hạnh,
Thuộc về loại hạ sanh,
Ở đời, chớ nói nhiều
Ông là dân địa ngục.
665. Ông rắc rải bụi trần,
Khiến mọi người bất hạnh,
Ông nói xấu bậc hiền,
Làm ác điều tội ác,
Sau khi Ông đã làm
Rất nhiều điều ác hạnh,
Ông đi đến vực thẳm,
Trong thời gian dài dài
666. Hành động bất cứ ai,
Không đi đến tiêu diệt,
Rồi nó cũng đến Ông,
Bắt gặp được nghiệp chủ,
Kẻ ngu làm điều ác,
Ðời sau thấy mình khổ.
667. Nó đi đến tại chỗ
Bị đánh bằng roi sắt,
Tại chỗ có cọc sắt,
Với cạnh lưỡi bén nhọn
Ở đấy nó có được
Các món ăn thích đáng,
Giống như những hòn sắt,
Ðược nung nấu cháy đỏ,
668. Tại đấy không ai nói
Lời nhẹ nhàng an ủi,
Không có ai vội vã,
Ðến che chở hộ trì,
Họ bước vào hầm lửa,
Ðang cháy đỏ hừng hực.
669. Với lưới, kẻ giữ ngục,
Trùm kín bao phủ họ,
Tại đấy với gậy sắt,
Họ hành hạ đánh đập,
Họ đi qua vực đen,
Tối tăm không thấy đường,
Như đi qua đám mù,
Ðang dầy đặc tràn rộng.
670. Họ đi đến bước vào
Các chum ghè bằng sát,
Họ bước vào hầm lửa,
Ðang cháy đỏ hừng hực,
Tại đấy, họ bị nấu,
Trong thời gian lâu dài,
Họ nổi lên chìm xuống,
Trong những hầm lửa ấy.
671. Rồi kẻ làm điều ác,
Bị nung nấu tại đấy,
Giữa đống mủ và máu,
Xen kẽ và lẫn lộn,
Tùy theo phương hướng nào,
Nó theo chiều hướng nằm,
Ở đấy, bị rửa nát,
Khi bị xúc chạm vào.
672. Trong nước, chỗ trú ẩn
Của các loài côn trùng,
Kẻ làm các điều ác,
Bị nung nấu tại đấy,
Cho đến những bờ bến
Không có cho nó đi,
Vì chum ghè mọi phía,
Ðều tròn đầy như nhau.
673. Trong rừng đầy lá gươm,
Sắc bén và mũi nhọn,
Họ đi vào rừng ấy,
Chân tay bị chém đứt
Sử dụng các câu móc,
Chúng móc lưỡi dài ra
Rồi những kẻ ngục tối
Hành hạ đánh giết họ,
674. Họ đi vào cảnh giới,
Gọi Vêtarani,
Khó vượt qua, tràn đầy,
Lưỡi dao, búa sắc bén,
Tại chỗ ấy, kẻ ngu,
Bị rơi, bị rớt vào,
Những kẻ làm điều ác,
Sau khi tạo nghiệp ác.
675. Tại đấy, các chim thú,l
Ăn thịt kẻ rên la,
Những bầy, đàn quạ đen,
Ðen thui và lốm đốm,
Các loài chó, dã can,
Cùng với các chim kên,
Các diều hâu, chim quạ,
Xé xác những kẻ ấy.
676. Thật rất là đau khổ
Nếp sống này, tại đấy,
Nếp sống kẻ làm ác,
Loài Người thấy được vậy,
Do vậy, ở đời này,
Với mạng sống còn lại,
Là người làm công việc,
Không biếng nhác thụ động.
677. Những hột mè mang lại,
Ðịa ngục Paduma,
Ðược kẻ trí đếm kỹ,
Số đến Nahuta,
Lên đến số năm tỷ,
Tức năm ngàn vạn triệu,
Còn nữa lên đến số,
Một trăm hai mươi ức.
678. Khổ cho đến như vậy,
Ðịa ngục được nói đến,
Tại đấy cần phải sống,
Lâu cho đến như vậy.
Như vậy, giữa những người,
Trong sạch, thiện tốt lành,
Hãy luôn luôn hộ trì,
Lời nói và ý nghĩa.
(XI) Kinh Nàlaka (Sn 131)
679. ẩn sĩ Asita,
Trong lúc giữa ban ngày,
Thấy chúng các chư Thiên
Cõi trời Ba mươi ba,
Họ hoan hỷ vui vẻ,
Với y áo, thanh tịnh,
Họ cung kính In-đa,
Các vị ấy cầm áo
Với nhiệt tình nói lên,
Những lời khen tán thán.
680. Thấy chư Thiên hoan hỷ,
Dõng dạc và phấn chấn,
Với tâm tư cung kính,
Ở đây, vị ấy nói.
Asita:
Vì sao chúng chư Thiên
Lại nhiệt tình hoan hỷ?
Họ cầm áo vui múa,
Là do nhân duyên gì?
681. Trong thời gian chiến trận,
Với các Asura,
Dững sĩ được thắng trận
Asura bại trận,
Thời gian ấy họ không,
Lông tóc dựng ngược dậy,
Họ thấy gì hy hữu,
Chư Thiên hoan hỷ vậy.
682. Họ la lớn ca hát,
Và họ tấu nhạc trời,
Họ múa tay, vỗ tay,
Họ múa nhảy vũ điệu,
Nay ta hỏi các Ông,
Trú đảnh núi Meru,
Các Ngài hãy mau chóng,
Giải tỏa điều ta nghĩ.
Chư Thiên:
683. Tại xứ Lumbini
Trong làng các Thích-ca,
Có sanh vị Bồ Tát,
Báu tối thắng, vô tỷ,
Ngài sanh, đem an lạc,
Hạnh phúc cho loài Người,
Do vậy chúng tôi mừng,
Tâm vô cùng hoan hỷ.
684. Ngài, chúng sanh tối thượng,
Ngài loài Người tối thắng,
Bậc Ngưu vương loài Người,
Thượng thủ mọi sanh loại;
Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh nhiếp loài thú.
685. Sau khi nghe lời ấy,
ẩn sĩ Asita,
Liền vội vàng bước xuống,
Và đi đến đầu đài,
Của đức vua Tịnh Phạn.
Ðến nơi Ngài ngồi xuống,
Nói với các Thích-Ca:
"Hoàng tử nay ở đâu,
Ta nay muốn thấy Ngài".
686. Thấy Thái tử chói sáng
Rực rỡ như vàng chói
Trong lò đúc nấu vàng,
Ðược thợ khéo luyện thành,
Bừng sáng và rực rỡ,
Với dung sắc tuyệt mỹ,
Họ Thích trình Thái-tử,
Cho ẩn sĩ Tư-đà.
687. Sau khi thấy Thái tử
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như sao ngưu
Vận hành giữa hư không,
Sáng chiếu như mặt trời
Giữa trời thu, mây tịnh,
Ẩn sĩ tâm hân hoan
Ðược hỷ lạc rộng lớn.
688. Chư Thiên cầm ngôi lọng
Ðưa lên giữa hư không,
Cây lọng có nhiều cành,
Có hàng ngàn vòng chuyền.
Họ quạt với phất trần,
Có tán vàng, lông thú,
Nhưng không ai thấy được,
Kẻ cầm lọng, phất trần.
689. Bậc ẩn sĩ bện tóc,
Tên Kà-ha-xi-ri,
Thấy Thái tử nằm dài
Trên tấm chăn màu vàng,
Như đồng tiền bằng vàng,
Lại trên đầu Thái tử
Có lông trắng đưa lên,
Tâm ẩn sĩ phấn khởi,
Ðẹp ý, lòng hân hoan
Ðưa tay bồng Thái tử.
690. Sau khi ẩm bồng lên
Con trai dòng họ Thích,
Bậc cầu đạo tìm hiểu,
Vượt khổ, nhờ tướng, chú,
Tâm tư được hoan hỷ,
Thốt lên lời như sau:
Vị này bậc Vô thượng,
"Tối thượng loài hai chân".
691. Khi vị ấy nghĩ đến,
Số mệnh của tự mình,
Số mệnh không tốt đẹp,
Vị ấy rơi nước mắt,
Thấy vậy, các Thích Ca,
Hỏi ẩn sĩ đang khóc;
"Có sự gì chướng ngại
Sẽ xảy cho Thái tử?".
692. Thấy họ Thích lo lắng,
Vị ẩn sĩ trả lời:
"Ta không thấy bất hạnh
Xảy đến cho Thái tử,
Ðối với Thái tử ấy,
Chướng ngại sẽ không có,
Vị này không hạ liệt,
Chớ có lo lắng gì.
693. Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề,
Sẽ chuyển bánh xe pháp,
Thấy thanh tịnh tối thắng,
Vì lòng tử thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh,
Ðược truyền bá rộng rãi.
694. Thọ mạng ta ở đời
Còn lại không bao nhiêu,
Ðến giữa đời sống Ngài
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta không được nghe pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ,
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau".
695. Sau khi khiến họ Thích,
Sanh hoan hỷ rộng lớn,
Bậc sống theo Phạm hạnh,
Bước ra khỏi nội thành.
Vị ấy vì lòng từ,
Thương con trai của chị,
Khích lệ nó học pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ.
696. Khi Ông nghe tiếng Phật,
Từ người khác nói lên,
Bậc đã đạt Bồ-đề,
Ðã đi con đường pháp,
Hãy đi đến chỗ ấy,
Hỏi kỹ về đạo pháp,
Và sống đời Phạm hạnh,
Dưới bậc Thế Tôn ấy.
697. Như vậy, được khuyên bảo,
Bởi vị nghĩ hạnh phúc,
Vị thấy ở tương lai,
Ðường tối thắng thanh tịnh.
Do vậy Nà-la-ka,
Với phước đức chất chứa,
Sống với căn hộ trì,
Chờ đợi bậc chiến thắng.
698. Khi nghe tin Pháp luân,
Ðược bậc chiến thắng chuyển,
Ðến thấy được hoan hỷ,
Bậc ẩn sĩ Ngưu vương,
Hỏi Mâu ni tối thắng,
Pháp Mâu ni tối thượng,
Như A-xi-ta khuyên
Trong buổi gặp gỡ trước.
(Kệ mở đầu đã xong)
699. Lời A-xi-ta này,
Con biết là như thật,
Con hỏi Gotama,
Ðường giải thoát mọi pháp.
700. Không nhà, con đi đến
Tìm hạnh người khất sĩ,
Con hỏi bậc ẩn sĩ
Hãy nói lên cho con,
Con đường đạo tối thượng,
Ðưa đến đạo Mâu-ni,
701. Thế Tôn đáp như sau:
Khó hành, khó thực hiện,
Là đạo hạnh Mâu ni,
Ta sẽ cho Ông biết,
Hãy đến lắng tai nghe,
Ta sẽ nói cho Ông,
Hãy vững trí, an thần,
Hãy kiên trì bền chí.
702. Hãy tu hạnh Sa-môn,
Không để bị dao động,
Giữa khen chê trong làng,
Hãy chế ngự tâm sân,
Sống hạnh thật an tịnh,
Không cống cao kiêu mạn.
703. Tiếng cao thấp phát ra,
Như ngọn lửa trong vườn,
Nữ nhân hay cám dỗ,
Chớ cám dỗ ẩn sĩ.
704. Hãy từ bỏ dâm dục,
Xả mọi dục cao thấp.
Ðối hữu tình yếu mạnh,
Không đối nghịch, tham đắm.
705. Ta thế nào, họ vậy,
Họ thế nào, Ta vậy,
Lấy ngã làm ví dụ,
Chớ giết, chớ bảo giết.
706. Hãy bỏ dục, bỏ tham,
Ðây phàm phu bị nắm,
Bậc có mắt hành đạo,
Vượt địa ngục, loài Người.
707. Bụng đói, ăn chừng mực,
Ít dục, không tham lam.
Vị ấy không ham dục,
Không dục, thật tịch tịnh.
708. Sau khi đi khất thực,
Ẩn sĩ vào rừng sâu,
Ði đến dưới gốc cây,
Sửa soạn ngồi an tịnh.
709. Bậc Hiền trí hành thiền,
Hoan hỷ trong rừng sâu,
Hành thiền dưới gốc cây,
Thỏa mãn sở thích mình.
710. Khi đêm hết, sáng đến,
Cần phải đi đến làng,
Chớ hân hoan khất thực,
Ðồ mang từ làng đi.
711. ẩn sĩ không đi gấp,
Ðến làng, giữa gia đình,
Tìm ăn, cắt nói chuyện,
Không nói chuyện liên hệ.
712. Nếu được, thật là tốt,
Không được, cũng là tốt,
Nghĩ vậy, cả hai mặt,
Vị ấy trở về cây.
713. Ði với bát cầm tay,
Không câm, dáng như câm,
Chớ khinh, đồ cho ít,
Không chê người đem cho.
714. Bậc Sa-môn thuyết giảng,
Con đường cao và thấp,
Nhưng đến bờ bên kia,
Không có hai con đường,
Tuy vậy chớ nghĩ rằng,
Ðường này chỉ là một.
715. Với ai, không có tham,
Tỷ-kheo cắt dòng nước,
Ðoạn tận hành thiện ác,
Vị ấy không sầu não.
716. Thế Tôn lại nói thêm:
Ta dạy cho các Ông
Thức tri hạnh ẩn sĩ,
Hãy tu như lưỡi dao,
Với lưỡi ấn nóc họng,
Hãy hạn chế bao tử.
717. Tâm chớ có thụ động,
Nhưng chớ nghĩ quá nhiều.
Không hôi hám, độc lập,
Sống cứu cánh Phạm hạnh
718. Hãy tập ngồi một mình,
Sống đúng hạnh Sa-môn.
Sống một mình được gọi
Là hạnh bậc ẩn sĩ,
Nếu tự mình tìm được
Thoải mái trong cô độc.
719. Hãy chói sáng mười phương,
Sau khi nghe tiếng nói,
Của các bậc hiền sĩ,
Hãy hành thiền, bỏ dục,
Mong đệ tử của Ta,
Tăng trưởng tâm và tín.
720. Hãy học các dòng nước,
Từ khe núi vực sâu.
Nước khe núi chảy ồn,
Biển lớn động im lặng.
721. Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy yên lặng,
Ngu như ghè vơi nước,
Bậc trí như ao đầy.
722. Khi Sa-môn nói nhiều,
Nói liên hệ đến đích,
Tự biết nên thuyết pháp,
Tự biết nên nói nhiều.
723. Ai biết, biết tự chế,
Ai biết, không nói nhiều,
Vị ấy là ẩn sĩ,
Xứng đáng hạnh ẩn sĩ,
Vị ấy là ẩn sĩ,
Ðạt được hạnh ẩn sĩ.
(XII) Kinh Hai Pháp Tuỳ Quán (Sn 139)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Ðông Viên, tại lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ, trong ngày trai giới Uposatha, vào ngày rằm, trăng tròn, trong đêm rằm, Thế Tôn ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: "Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp". Và nếu các Thầy nói: "Thế nào là hai?". - "Ðây là khổ, đây là khổ tập", đây là tuỳ quán thứ nhất. "Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt", đây là tùy quán thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, như vậy do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
724. Ai không tuệ tri khổ,
Và hiện hữu của khổ,
Và chỗ khổ hoàn toàn
Ðược đoạn tận không dư,
Vị ấy không biết đường,
Ðưa đến khổ an tịnh.
725. Không có tâm giải thoát,
Không có tuệ giải thoát,
Vị ấy không có thể
Ðoạn tận sanh và già.
726. Những ai tuệ tri khổ
Và hiện hữu của khổ
Và chỗ khổ hoàn toàn
Ðược đoạn tận không dư,
Vị ấy biết con đường,
Ðưa đến khổ an tịnh.
727. Ðầy đủ tâm giải thoát,
Với trí tuệ giải thoát,
Những vị ấy có thể
Với trí tuệ giải thoát,
Ðoạn tận sanh và già.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tuỳ quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sanh y", đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. "Do sự đoạn diệt, ly tham, các sanh y không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán thứ hai.
- Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tuỳ quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
728. Chính do duyên sanh y,
Các khổ được sanh khởi,
Tất cả các khổ đau,
Sai biệt ở trên đời,
Ai chính do vô minh
Tạo lên sự sanh y,
Kẻ ngu ấy gặp khổ
Nối tiếp nhau sanh trưởng,
Do vậy vị hiểu biết,
Không tạo lên sanh y,
Tuỳ quán được hiện hữu
Của sanh và của khổ.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên vô minh", đây là tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
729. Những ai tiếp tục rơi,
Dòng luân chuyển sanh tử,
Ðến hữu này hữu khác,
Sanh thú do vô minh.
730. Vô minh này, đại si,
Ðưa đến luân chuyển dài,
Chúng sanh, minh đạt được,
Không còn phải tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên các hành", đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham, các hành không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo sư lại nói thêm:
731. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên các hành,
Do đoạn diệt các hành,
Khổ không có hiện hữu.
732. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên các hành,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Do phá hoại các tưởng,
Như vậy, khổ được diệt,
Biết như thực là vậy.
733. Bậc Hiền trí chánh kiến,
Hiểu biết, với chánh trí,
Nhiếp phục Ma kiết sử,
Không đi đến tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức", đây là tùy quán pháp thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
734. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả do duyên thức,
Với thức được đoạn diệt,
Khổ không có hiện hữu.
735. Do biết nguy hiểm hày,
Khổ do duyên các thức,
Tỷ-kheo tịnh chỉ thức,
Không dục ái, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:.... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên xúc", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham xúc không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
736. Những ai, xúc chi phối,
Chạy theo dòng sanh hữu,
Những người hành tà đạo,
Xa vời diệt kiết sử.
737. Những ai liễu tri xúc,
Nhờ trí, thích an tịnh,
Do họ thắng tri xúc,
Không dục ái, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thọ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thọ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
738. Với lạc thọ, khổ thọ,
Hay bất khổ, bất lạc;
Nội thọ và ngoại thọ,
Phàm có cảm thọ gì.
739. Biết được đây là khổ,
Giả dối bị hủy hoại.
Thấy các xúc hoại diệt,
Như vậy, đây ly tham,
Tỷ-kheo diệt các thọ,
Không dục ái, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên ái", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham ái, không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chán tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
740. Người có ái bạn đường,
Bị luân chuyển dài dài,
Ðến hữu này, hữu khác,
Luân chuyển không dừng nghỉ.
741. Do biết nguy hiểm nầy,
Chính ái tác thành khổ,
Ly ái, không chấp thủ,
Chánh niệm, Tỷ-kheo hành.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:.... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thủ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thủ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
742. Do duyên thủ, có hữu,
Do hữu, đi đến khổ,
Từ sanh nên có chết,
Ðây hiện hữu của khổ.
743. Do vậy, bậc Hiền trí,
Diệt thủ, nhờ chánh trí,
Nhờ thắng trí sanh diệt,
Không đi đến tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên khởi xướng", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt ly tham khởi xướng không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
744. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên khởi xướng,
Do đoạn diệt khởi xướng,
Khổ không có hiện hữu.
745. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên khởi xướng,
Từ bỏ mọi khởi xướng,
Không khởi xướng, giải thoát.
746. Do đoạn tận hữu ái,
Tâm Tỷ-kheo tịch tịnh,
Vượt khỏi sanh luân chuyển
Vị ấy không tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức ăn", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức ăn không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
747. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên thức ăn,
Do đoạn diệt thức ăn,
Khổ không có hiện hữu.
748. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên thức ăn,
Liễu tri mọi thức ăn,
Không y mọi thức ăn.
749. Nhờ chánh trí không bệnh,
Ðoạn diệt các lậu hoặc,
Thọ dụng các thức ăn,
Giác sát, trú Chánh pháp,
Vị đạt được trí tuệ,
Không rơi vào ước lượng.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên dao động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham dao động không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
750. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên dao động,
Do đoạn diệt dao động,
Khổ không có hiện hữu.
751. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên dao động,
Do vậy, bỏ dao động,
Chận dừng lại các hành,
Không có gì chướng ngại
Không chấp thủ, chánh niệm,
Vị Tỷ-kheo bộ hành,
Khắp tất cả chân trời.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Ai có nương tựa, thì bị dao động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Ai không có nương tựa, không bị dao động", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
752. Không nương tựa, không động,
Nương tựa có chấp thủ,
Chấp hữu này, hữu khác,
Không chinh phục luân chuyển.
753. Sau khi rõ biết được,
Nguy hiểm tai hại nầy,
Trong các sự nương tựa,
Có sợ hãi lớn lao,
Không nương tựa y chỉ,
Không chấp thủ, chánh niệm,
Vị Tỷ-kheo bộ hành,
Khắp tất cả chân trời.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo "Các pháp vô sắc an tịnh hơn các sắc pháp", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Sự đoạn diệt an tinh hơn các pháp vô sắc", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
754. Chúng sanh thuộc sắc giới,
Chúng sanh trú vô sắc,
Không tuệ tri đoạn diệt,
Chúng đi đến tái sanh.
755. Những ai liễu tri sắc,
Khéo an trú vô sắc,
Giải thoát trong đoạn diệt,
Họ từ bỏ sự chết.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là sự thật", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là hư vọng", đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là hư vọng", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là chân thật", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
756. Hãy xem thế giới nầy,
Với thế giới chư Thiên,
Hoan hỷ với phi ngã,
An trú trên danh sắc,
Nghĩ rằng danh sắc này
Là chân thật không ngụy.
757. Dầu họ nghĩ thế nào,
Khi danh sắc đổi khác,
Danh sắc là hư vọng,
Giả dối sống tạm bợ,
758. Niết-bàn không hư ngụy,
Bậc Thánh chân thật biết,
Họ thắng tri chân thật,
Không ái dục, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là an lạc", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là khổ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là khổ", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là lạc", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
759. Sắc, tiếng, hương, vị, xúc,
Tất cả những pháp này,
Khả lạc, hỷ, khả ý,
Khi nào chúng hiện hữu.
760. Thế giới với chư Thiên
Xem chúng là khả lạc,
Khi chúng bị hoại diệt,
Mới thấy chúng là khổ.
761. Bậc Thánh thấy là lạc,
Khi có thân đoạn diệt,
Ðây hoàn toàn trái ngược,
Ðiều mọi giới được thấy.
762. Ðiều người khác gọi lạc,
Bậc Thánh gọi là khổ,
Ðiều người khác gọi khổ,
Bậc Thánh biết là lạc,
Hãy xem pháp khó biết,
Kẻ không thấy mê mờ.
763. Kẻ bị che, tối tăm,
Kẻ không thấy, tối mù,
Bậc thiện, được rộng mở,
Bậc thấy, được ánh sáng,
Kẻ ngu dầu có gần,
Cũng không biết con đường,
Cũng không có thiện xảo,
Ðối Chánh pháp Phật dạy.
764. Bị hữu tham chiến bại,
Bị trôi theo dòng hữu,
Rơi vào Ma chi phối,
Pháp này khó chánh giác.
765. Ai ngoài các bậc Thánh,
Xứng đáng đạo chánh giác.
Do chánh trí đạo ấy
Chứng vô lậu Niết-bàn.
Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi pháp này được giảng, tâm của hơn sáu mươi Tỷ-kheo