(I) (21) Không Có Cung Kính (1)

1- Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này không xảy ra.

2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có cung kính, có thận trọng, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này có xảy ra.

(II) (22) Không Có Cung Kính (2)

1. - Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, sẽ làm viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm viên mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn định uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này không xảy ra.

2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có cung kính, có thận trong, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, vị ấy sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn định uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này có xảy ra.

(III) (23) Các Uế Nhiễm

1. - Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do các uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành. Thế nào là năm?

2. Sắt, đồng, thiếc, chì và bạc. Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành.

3. Và khi nào, này các Tỷ-kheo, vàng được giải thoát khỏi năm uế nhiễm này, khi ấy vàng ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bị bể vụn, và chơn chánh chịu sự tác thành. Và các đồ trang sức nào người ta muốn như nhẫn, như bông tai, như vòng cổ, như dây chuyền vàng, vàng ấy có thể dùng tùy theo ước muốn.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm uế nhiễm này của tâm, do các uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm, không nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

4. Tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi. Có năm uế nhiễm này của tâm, này các Tỷ-kheo, do năm uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh, định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

5. Và khi nào, này các Tỷ-kheo, tâm được giải thoát khỏi năm uế nhiễm ấy; khi ấy tâm ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đây, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

6. Nếu vị ấy ước muốn, "Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm, như trên đất liền; ngồi kiết-già hay đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và sờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên." Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

7. Nếu vị ấy muốn: "Với thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư thiên và loài Người, xa và gần". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

8. Nếu vị ấy ước muốn: "Mong rằng với tâm của mình có thể biết được tâm của các loại chúng sanh khác, tâm của loài người khác nhau như sau: "Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát"". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

9. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp." Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ở đây." Tại chỗ, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

10. Nếu vị ấy ước muốn: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự từ bỏ và sanh khởi của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các vị chúng sanh ấy làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các vị chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi lành, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống chết của chúng sanh, ta có thể rõ biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

11. Nếu vị ấy ước muốn: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát." Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

(IV) (24) Ác Giới

1. - Với người ác giới, này các Tỷ-kheo, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến do vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá bị phá hoại, thời đọt cây ấy không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người ác giới, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến nhân do vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán, ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại.

3. Với người có giới, này các Tỷ-kheo, với người gìn giữ giới, chánh định do vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến có mặt, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu.

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá được đầy đủ, thời đọt cây ấy đi đến viên mãn, vỏ cây đi đến viên mãn, giác cây đi đến viên mãn, lõi cây đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người có giới, với người giữ gìn giới, chánh định nhân vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến được thành tựu, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán, ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu.

(V) (25) Nhiếp Thọ

1. - Do nhiếp thọ năm chi phần, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành thục với tâm giải thoát quả và với các lợi ích của tâm giải thoát quả và với các lợi ích của tâm giải thoát quả với tuệ giải thoát quả, với tuệ giải thoát quả và với các lợi ích của tuệ giải thoát quả.

2. Với năm pháp gì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được giới pháp nhiếp thọ, được văn nhiếp thọ, được luận nghị nhiếp thọ, được chỉ nhiếp thọ, được quán nhiếp thọ. Do được năm chi phần này nhiếp thọ, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành tựu với tâm giải thoát quả và các lợi ích của tâm giải thoát quả, với tâm giải thoát quả, với tuệ giải thoát quả và các lợi ích của tuệ giải thoát quả.

(VI) (26) Giải Thoát Xứ

1. - Có năm giải thoát xứ này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến.

2. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Ðạo Sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, như thế nào,tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Và vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan sanh nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ hai, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo đọc tụng pháp như vậy, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, một cách rộng rãi như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ ba, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư, không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng một cách rộng rãi cho người khác. Vị ấy không đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã nghe, như đã được học thuộc lòng. Nhưng vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, do với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ tư, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai vị Ðạo Sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không đọc tụng pháp ấy một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Vị ấy pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng, nhưng vị ấy khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ năm, ở đây, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới.

7. Có năm giải thoát xứ này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát, được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến.

(VII) (27) Ðịnh

1. - Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh, thường niệm, tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy khởi lên năm trí. Thế nào là năm?

2. Ðịnh này hiện tại lạc và tương lai có quả dị thục lạc, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Ðịnh này thuộc bậc Thánh, không thuộc vật chất, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Ðịnh này không do người ác thực hiện, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Ðịnh này an tịnh, thù diệu, đem đến khinh an, đạt được nhất tâm, không phải là sự chế ngự gò ép thường xuyên, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên: "An tịnh, ta nhập định này. An tịnh, ta xuất khỏi định này", trong mỗi người trí (như vậy) khởi lên.

Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy, khởi lên năm trí này.

(VIII) (28) Năm Chi Phần

1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Này các Tỷ-kheo, như thế nào là sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Ðây là sự tu tập thứ nhất về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

5. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước, nước tự dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nuớc ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Ðây là sự tu tập thứ hai về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

7. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay sen trắng, những bông hoa ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ ba về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

9. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngồi người dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che phủ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân này với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ tư về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.

11. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.

Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy dầu thuộc loại xứ nào.

12. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè nước đặt trên một cái giá, ghè ấy đựng đầy nước, tràn đầy đến nỗi con quạ có thể uống được. Và một người có sức mạnh đến lắc qua lắc lại cái ghè ấy, như vậy nước có đổ ra chăng?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trên một khoảnh đất bằng, bốn góc có bờ đê đắp cao đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi một người có sức mạnh đến tháo bờ đê chỗ này chỗ kia, như vậy nước có đổ ra chăng?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy... dầu thuộc loại xứ nào.

14. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có một chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa thuần chủng, có gậy thúc ngựa đặt ngang sẵn sàng. Có người huấn luyện ngựa thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương tay mặt cầm lấy gậy thúc ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

15. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân... " (như trên, số 23, mục 6)... dầu thuộc loại xứ nào.

16. Nếu vị ấy ước muốn: "Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân... " (như trên, số 23, mục 7)

17. Nếu vị ấy ước muốn: "Mong rằng với tâm của mình có thể hiểu biết được tâm của các loại chúng sanh khác... " (như trên, số 23, mục 8)...

18. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời... " (như trên, số 23, mục 9)...

19. Nếu vị ấy ước muốn: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống chết của chúng sanh... " (như trên, số 23, mục 10)

20. Nếu vị ấy ước muốn: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

(IX) (29) Kinh Hành

1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của kinh hành. Thế nào là năm?

2. Kham nhẫn được đường trường; kham nhẫn được tinh cần; ít bệnh tật; đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm; định chứng được trong khi kinh hành được tồn tại lâu dài. Những pháp này, này các Tỷ-kheo là năm lợi ích của kinh hành.

(X) (30) Tôn Giả Nàgita

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn bộ hành giữa các người Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng Bà-la-môn tên là Icchànangalam. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangalam, trong khóm rừng Icchànangalam.

Các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangalam được nghe: "Sa-môn Tôn giả Gotama là Thích tử xuất gia từ gia đình họ Thích, đã đến Icchànangalam, trú ở Icchànanagalam trong khóm rừng Icchànangalam. Về Tôn giả Gotama ấy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi: "Ðây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn các loài Trời và Người. Sau khi đã chứng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!""

Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangalam, sau khi đêm ấy đã mãn, cầm theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến khóm rừng Icchànangalam, sau khi đến, đứng ở ngoài cổng vào, và lớn tiếng làm huyên náo.

2. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn. rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Nàgita:

- Này Nàgita, những ai đã đến, và làm ồn ào như những hàng cá với đống cá lớn?

- Các người ấy, bạch Thế Tôn, là các Ba-la-môn gia chủ ở Icchànangalam, đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và chúng Tăng.

- Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.

3. - Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận! Nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về cúng dường. Ví như trời mưa nặng hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Ba-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ họ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về cúng đường. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn

4. - Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc. Này Nàgita, với ai ăn, uống, nhai, nếm, thời đại tiện, tiểu tiện, là kết quả tất nhiên cho người ấy. Với những ai nặng nề về ái lạc, này Nàgita, sự biến hoại, đổi khác, sầu bi khổ ưu não khởi lên. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Những ai chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với tịnh tướng được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với xúc được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.