1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ví như núi sông, đá gạch, trăm cỏ, ngũ cốc đều nương nơi đất mà sanh trưởng, mà đất này lại tối tôn, tối thượng. Ðây cũng như thế, các pháp đạo phẩm lành trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp lành thêm lớn. Nếu Tỳ-kheo không phóng dật tu Tứ ý đoạn phải tu nhiều về Tứ ý đoạn.

Thế nào là bốn? Ở đây, này Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm không xa lìa, hằng mong khiến diệt. Pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp lành chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh. Pháp lành đã sanh, tìm phương tiện khiến tăng nhiều thêm, chẳng quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý chẳng quên.

Như thế, Tỳ-kheo, là tu Tứ ý đoạn. Thế nên các Tỳ-kheo nên tìm phương tiện tu Tứ ý đoạn. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có các Túc tán quốc vương và các đại vương đều đến phụ cận Chuyển luân Thánh vương. Chuyển luân vương đối với họ là tối tôn, tối thượng. Ðây cũng như thế, trong các pháp thiện, Ba mươi bảy đạo phẩm, pháp không phóng dật thật là đệ nhất. Nếu không phóng dật, Tỳ-kheo phải tu Tứ ý đoạn. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm chẳng xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh, tâm chẳng xa lìa, hằng muốn khiến diệt. Pháp thiện chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh. Pháp thiện đã sanh, lại khiến tăng thêm nhiều nữa, trọn không quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý chẳng quên. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy tu Tứ ý đoạn. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Trong ánh sáng của các tinh tú, ánh sáng mặt trăng là hơn hết. Ðây cũng như thế, trong các công đức lành của pháp Ba mươi bảy đạo phẩm, hạnh không phóng dật là đệ nhất, tối tôn, tối quý.

Tỳ-kheo không phóng dật tu Tứ ý đoạn. Thế nào là Tứ ý đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh. Nếu pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến diệt. Nếu pháp lành chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh. Nếu pháp lành đã sanh, tìm phương tiện khiến tăng nhiều thêm nữa, trọn không quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý chẳng quên. Như thế, Tỳ-kheo, tu Tứ ý đoạn. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện tu Tứ ý đoạn. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Trong các loại hoa, hoa chiêm-bặc, hoa tu-ma-na, trên trời dưới đất, hoa bà-sư là bậc nhất. Ðây cũng như thế, các công đức lành của pháp Ba mươi bảy đạo phẩm, hạnh không phóng dật là bậc nhất. Nếu không phóng dật, Tỳ-kheo nên tu Tứ ý đoạn. Thế nào là Tứ ý đoạn? Ở đây, Tỳ-kheo, nếu pháp tệ ác chưa sanh, tìm phương tiện khiến chẳng sanh. Pháp tệ ác đã sanh, tìm phương tiện khiến diệt. Nếu pháp lành chưa sanh, tìm phương tiện khiến sanh. Pháp lành đã sanh, tìm phương tiện khiến sanh nhiều thêm, trọn chẳng quên mất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như thế, Tỳ-kheo, tu Tứ ý đoạn. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện tu Tứ ý đoạn. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc ngồi xe vũ bảo, ra khỏi thành Xá-vệ, đến Tinh xá Kỳ Hoàn, muốn thăm Thế Tôn. Vua cởi năm vật trang sức uy nghiêm là pháp thường của các vua, đặt qua một bên, đến trước Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ Thế Tôn bảo Ðại vương:

- Ðại vương nên biết, thế gian có bốn loại người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Hoặc có người trước tối, sau sáng. Hoặc có người trước sáng, sau tối. Hoặc có người trước tối, sau tối. Hoặc có người trước sáng, sau sáng.

Thế nào là người trước tối, sau sáng? Ở đây, hoặc có một người sanh nhà ti tiện, hoặc dòng Chiên-đà-la, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, hoặc sanh nhà dâm dật, hoặc không mắt, hoặc không tay chân, hoặc bị trần truồng, hoặc các căn rối loạn, nhưng thân, miệng lại hành pháp lành, ý nhớ pháp lành. Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc tôn trưởng, hằng nhớ lễ bái, chẳng mất thời tiết đến đón, đi đưa, trước cười, sau nói, tùy thời cung cấp. Nếu lại có lúc thấy người ăn xin, Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc có người đi đường, hoặc người nghèo khó, nếu có tiền tài thì người ấy liền đem thí cho. Nếu không có tiền của, người ấy liền đến nhà trưởng giả cầu xin để đem cho. Nếu lại thấy người khác bố thí, thì người ấy vui mừng hớn hở không kềm được. Nếu thân làm pháp lành, miệng tu pháp lành, ý nhớ pháp lành, thân hoại mạng chung sanh cõi lành, trên trời. Ví như có người từ đất lên giường, từ giường lên ngựa, từ ngựa cỡi voi, từ voi vào giảng đường. Do đây mà nay Ta nói: Người này trước tối, sau sáng. Như thế, Ðại vương, người này gọi là trước tối, sau sáng.

Thế nào là người trước sáng, sau tối? Ở đây hoặc có một người sanh trong nhà quyền quý (đại gia) như dòng Sát-lợi, dòng trưởng giả, dòng Bà-la-môn, nhiều tài sản, báu vật, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, thủy tinh, lưu ly, nô tỳ, tôi tớ không thể tính kể; voi, ngựa, heo, dê đều đầy đủ cả. Người này lại dung mạo đoan chánh như màu hoa đào. Người ấy hằng ôm tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến. Người kia liền có kiến chấp thế này: "Không có thí, không có nhận, không ở trước người bố thí vật gì, không có quả báo thiện ác, không có đời này, đời sau, cũng không có người đắc đạo, đời không có A-la-hán đáng thờ kính, ở đời này, đời sau có thể tác chứng". Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn liền khởi sân giận, không tâm cung kính. Nếu thấy người bố thí, người ấy tâm không vui vẻ, thân, miệng, ý tạo tác không đồng đều, đã hành hạnh phi pháp, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục. Ví như có người từ giảng đường đến voi, từ voi xuống ngựa, từ ngựa xuống giường, từ giường xuống đất. Do vậy nên Ta nói: Người này trước sáng, sau tối. Như thế, Ðại vương, người này gọi là trước sáng, sau tối.

Thế nào là người đi từ tối đến tối? Nếu lại có người sanh nhà ti tiện, hoặc nhà Chiên-đà-la, nhà đồ tể, hoặc nhà hạ liệt cùng cực. Người này đã sanh trong đây, hoặc lại có lúc các căn không đủ, nhan sắc thô ác, mà người ấy lại hằng ôm tà kiến. Người ấy liền có kiến chấp này: "Không đời này, đời sau, không Sa-môn, Bà-la-môn, không người đắc đạo, cũng không A-la-hán đáng kính thờ, cũng không đời này, đời sau có thể tác chứng". Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn liền nổi sân giận, không tâm cung kính. Nếu thấy người đến bố thí, người ấy tâm không vui vẻ, thân miệng ý tạo hạnh không bình đẳng, phỉ báng Thánh nhân, hủy nhục Tam bảo (Tam tôn). Người ấy tự mình đã chẳng bố thí, lại thấy người khác bố thí rất giận dữ, đã hành sân giận, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục. Ví như có người từ tối đến tối, từ lửa hừng đến lửa hừng, bỏ trí đến ngu. Do đây mà Ta nói: Người này có thể bảo trước tối, sau cũng tối. Ðại vương nên biết, thế nên gọi người này là từ tối đến tối.

Thế nào gọi là người từ sáng đến sáng? Hoặc có một người sanh trong nhà hào tộc, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc nhà Quốc vương, hoặc nhà đại thần, lắm tiền nhiều của không thể tính kể. Người ấy lại nhan mạo đoan chánh như màu hoa đào. Người ấy hằng có chánh kiến, tâm không nhầm lẫn. Người ấy có chánh kiến này: "Có thí, có phước, có người nhận, có quả báo thiện ác, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn". Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn liền khởi tâm cung kính, nhan sắc vui hòa. Chính mình hằng thích bố thí, cũng lại khuyên người hành bố thí. Nếu người bố thí, tâm hân hoan không thể kềm được. Người ấy thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, thân hoại mạng chung sanh cõi lành. Ví như có người từ giảng đường đến giảng đường, từ cung điện đến cung điện. Do đây mà Ta nói: Người này từ sáng đến sáng. Ðó là, này Ðại vương, thế gian có bốn loại người này.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Vua nên biết người nghèo,
Có tin, ưa bố thí,
Thấy Sa-môn, Bà-la-môn,
Và các người đáng thí.
Lại hay khởi rước, đưa,
Mà dạy ở chánh kiến,
Lúc thí hết sức vui,
Sở cầu không trái người.
Người ấy là bạn tốt,
Trọn không làm hạnh ác,
Hằng vui hành chánh kiến,
Thường niệm cầu pháp lành.
Ðại vương biết người ấy,
Lúc chết được vừa ý,
Ắt sanh trời Ðâu-suất,
Trước tối mà sau sáng.
Như người hết sức giàu,
Chẳng tin, ưa thích giận,
Tham lẫn, tâm khiếp nhược,
Tà kiến mà không đổi,
Thấy Sa-môn, Phạm chí,
Và các người cầu xin,
Hằng ưa la mắng, chửi,
Tà kiến nói không có.
Thấy người thí liền giận,
Chẳng cho người bố thí,
Người ấy hành cực tệ,
Tạo các nguồn cội ác.
Người kia như thế đó,
Ðến lúc sắp sửa chết,
Sẽ sanh trong địa ngục,
Trước sáng mà sau tối.
Như có người bần tiện,
Không tin, thích sân giận,
Tạo các hạnh chẳng lành,
Tà kiến không tin chánh.
Nếu thấy bậc Sa-môn,
Và các người đáng thờ,
Mà lại khinh hủy báng,
Xan tham không có tin.
Lúc bố thí không vui,
Thấy người thí cũng vậy,
Các hạnh người ấy tạo,
Thích hợp chỗ không an.
Người ấy như thế đó,
Ắt sẽ chịu mạng chung,
Sẽ sanh trong địa ngục,
Trước tối, sau cũng tối.
Như người rất có của,
Có tin, ưa bố thí,
Chánh kiến không niệm khác,
Hằng vui cầu pháp lành.
Nếu thấy các đạo sĩ,
Và các người đáng cho,
Khởi cung kính tiếp đón,
Mà học ở chánh kiến.
Lúc cho rất vui hòa,
Thường niệm ở bình đẳng,
Bố thí không lẫn tiếc,
Không trái với lòng người.
Người ấy thọ mạng vui,
Không tạo các phi pháp,
Nên biết người thế đó,
Ðến lúc sắp sửa chết,
Ắt sanh chỗ tốt lành,
Trước sáng, sau cũng sáng.

Thế nên, Ðại vương, nên học trước sáng, sau sáng; chớ học trước sáng, sau tối. Như thế, Ðại vương, nên học điều này!

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên, chốc lát lấy hai tay rờ chân Như Lai, rồi hôn lên chân Như Lai mà nói:

- Thân Thế Tôn vì sao thế này? Thân nhăn nheo quá, nay thân Như Lai chẳng bằng lúc xưa.

Thế Tôn bảo:

- Ðúng vậy A-nan, như lời Thầy nói. Nay thân Như Lai da thịt đã nhăn, thân chẳng như khi xưa. Sở dĩ như thế vì hễ có thân thể thì sẽ có bị bịnh ép ngặt. Nếu đáng bịnh, chúng sanh sẽ bị bịnh làm khốn; đáng chết, chúng sanh sẽ bị chết bức bách. Hôm nay thân Như Lai đã suy vi, đã tám mươi tuổi rồi.

Tôn giả A-nan nghe xong, buồn khóc nghẹn ngào không nén được, bèn nói:

- Than ôi! Sự già đã đến đây rồi!

Bấy giờ, Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thế Tôn đi khất thực dần dần đến cung vua Ba-tư-nặc. Lúc ấy, trước cửa cung vua Ba-tư-nặc có mấy mươi chiếc xe hư cũ, bỏ ở một bên. Tôn giả A-nan thấy xe bị vất bỏ một bên, liền bạch Thế Tôn:

- Xe này là xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm nó, trông hết sức đẹp đẽ tinh vi, nhưng ngày nay thì cùng màu với gạch đá.

Thế Tôn bảo:

- Ðúng vậy, A-nan, như lời Thầy nói. Như nay xem các xe hiện có, ngày xưa cực kỳ đẹp đẽ tinh xảo, làm bằng vàng bạc, nhưng ngày nay hư hỏng, chẳng dùng được nữa, vật bên ngoài còn bại hoạn như thế, huống là bên trong.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Ôi! Già, bệnh, chết này,
Hoại người sắc cực thịnh,
Lúc đầu rất thích ý,
Nay bị chết bức bách.
Tuy sẽ thọ trăm tuổi,
Rồi sẽ về với chết,
Chẳng khỏi hoạn khổ này,
Ðều sẽ về đường này.
Như trong thân hiện có,
Bị bức bách của chết,
Các tứ đại bên ngoài,
Ắt hướng đến gốc không.
Thế nên cầu chẳng chết,
Chỉ có cõi Niết-bàn,
Cõi không chết, không sanh
Ðều không các hành này
.

Bấy giờ Thế Tôn liền đến ngồi bên vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc dọn các thức ăn uống cho Thế Tôn. Thấy Thế Tôn ăn xong, vua lại lấy một ghế nhỏ đến trước Thế Tôn ngồi, bạch Thế Tôn:

- Thế nào, bạch Thế Tôn, thân hình chư Phật đều là kim cương mà cũng sẽ bị già, bịnh, chết nữa sao?

Thế Tôn bảo:

- Ðúng vậy, Ðại vương, như lời Ðại vương nói. Như Lai cũng sẽ có sanh, già, bệnh, chết. Nay Ta cũng là con người, cha tên Chân Tịnh, mẹ tên Ma-gia, sanh ra từ dòng Chuyển luân Thánh vương.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Chư Phật hiện thân người,
Cha tên là Chân Tịnh,
Mẹ tên Cực Thanh Diệu,
Dòng hào tộc Sát-lợi.
Ðường chết rất khốn cùng,
Ðều chẳng xét tôn ti,
Chư Phật còn chẳng khỏi,
Huống là kẻ phàm tục.

Thế Tôn lại thuyết kệ này cho vua Ba-tư-nặc:

Tế tự, lửa hơn hết,
Thi thơ, tụng là hơn,
Loài Người, vua là quý,
Các dòng, biển là đầu.
Các sao, trăng hơn hết,
Ánh sáng, mặt trời hơn,
Trong tám phương, trên dưới,
Chỗ thế giới chuyên chở.
Trời và Người ở đời,
Như Lai cao thượng nhất
Ai muốn cầu phước lộc,
Nên cúng dường Tam Phật.

Thế Tôn nói kệ này xong, liền từ tòa đứng dậy trở về Tinh xá Kỳ Hoàn, đến tòa ngồi. Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn pháp ở thế gian được người yêu kính. Thế nào là bốn? Tuổi thiếu tráng được người đời yêu kính; không đau ốm được người yêu kính; sống lâu được người yêu kính; ân ái tụ hội được người yêu kính. Ðó là, Tỳ-kheo, có bốn pháp này, người đời yêu kính.

Lại nữa, Tỳ-kheo, lại có bốn pháp, người đời không yêu kính. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết: Tuổi thiếu tráng, nếu lúc già bịnh người đời không vui; như người không bịnh, sau lại bị bịnh, người đời không vui; như được sống lâu, đến khi mạng hết, người đời không vui; ân ái được sum họp đến sau ly biệt, người đời không vui.

Ðó là, này Tỳ-kheo! Có bốn pháp này cùng đời xoay vần. Chư Thiên, Người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn đều có pháp này. Ðó là, Tỳ-kheo, thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, thì liền lưu chuyển trong sanh tử, khắp trong năm đường. Thế nào là bốn? Là Giới Hiền thánh, Tam-muội Hiền Thánh, Trí tuệ Hiền Thánh, Giải thoát Hiền Thánh. Ðó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này nếu người không hiểu biết, sẽ chịu bốn pháp trên. Nay Ta và các Thầy vì giác tri bốn pháp Hiền Thánh này mà cắt đứt rễ sanh tử, không thọ thân sau nữa. Như nay thân hình của Như Lai già suy, sẽ chịu quả báo suy hao này. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên cầu Niết-bàn vĩnh tịch, chẳng sanh, chẳng già, không bịnh, không chết; ân ái biệt ly thường nghĩ sự biến đổi vô thường. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc ra lệnh quần thần sửa soạn xe vũ bảo muốn ra khỏi thành Xá-vệ xem đất làm giảng đường. Ngay lúc đó, mẹ vua Ba-tư-nặc tuổi quá già yếu, vừa đúng trăm tuổi, vua rất tôn kính nhớ nghĩ chưa từng rời mắt (vừa mạng chung). Khi ấy, vị cận thần của vua Ba-tư-nặc tên Bất-xà-mật tài cao cái thế, được người đời tôn trọng. Vị đại thần này nghĩ: "Mẹ vua Ba-tư-nặc này đã vừa trăm tuổi, hôm nay mạng chung, nếu mà nghe được, chắc vua rất sầu lo, không ăn uống nổi, rồi mắc trọng bịnh. Nay ta nên bày phương tiện, khiến vua chẳng sầu lo, cũng không mắc bịnh".

Bấy giờ, đại thần liền sửa soạn năm trăm voi trắng, cũng sửa soạn năm trăm ngựa tốt, lại chỉnh đốn năm trăm bộ binh, lại sửa soạn năm trăm kỹ nữ, năm trăm bà già, lại xếp đặt năm trăm Bà-la-môn, lại có năm trăm Sa-môn, lại sửa soạn năm trăm y phục, và bày năm trăm trân bảo, làm quan tài lớn đẹp cho người chết, tô vẽ cực đẹp, treo phướn lọng, trỗi kỹ nhạc không thể tính kể, ra khỏi thành Xá-vệ. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc trở vào thành vì có chút việc. Vua từ xa thấy người chết, mới hỏi tả hữu:

- Ðây là người nào mà cúng dường đến thế?

Bất-xà-mật tâu:

- Trong thành Xá-vệ này, có mẹ của Trưởng giả chết. Ðây là vật dụng của họ.

Vua lại hỏi:

- Những voi, ngựa, xe cộ này dùng làm gì?

Ðại thần đáp:

- Năm trăm bà già dùng dâng lên Diêm vương để mua mạng (bà mẹ).

Vua bật cười nói:

- Ðây là lỗi của người ngu. Mạng cũng khó bảo toàn, đâu có thể chế phục được. Như có người rơi vào miệng cá ma-kiệt, muốn mong ra khỏi, thật là khó được. Ðây cũng như thế, đọa vào vua Diêm-la, muốn cầu ra thực khó thể được.

- Năm trăm kỹ nữ này cũng dùng để mua mạng bà.

- Ðây cũng khó được.

Nếu những kỹ nữ này chẳng thể được, thì sẽ dùng cái khác mua bà.

- Ðây cũng khó được.

Nếu điều này không được, sẽ dùng năm trăm trân bảo mua bà.

Ðây cũng khó được.

- Ðây không thể được thì dùng năm trăm y phục mua bà.

- Ðây cũng khó được.

- Nếu áo quần này không được thì dùng năm trăm Phạm chí này chú thuật, dùng chú thuật để giữ bà.

Ðây cũng khó được.

- Nếu năm trăm Phạm chí này không được thì sẽ lại đem năm trăm Sa-môn cao tài thuyết pháp để mua bà.

- Ðây chẳng thể được.

- Nếu thuyết pháp không được, sẽ tụ tập binh lính cùng chiến đấu lớn để giữ.

- Ðây là cách của người ngu, đã rơi vào miệng cá ma-kiệt, trọn chẳng ra được. Ông nên biết, có ai sanh mà không chết đâu?

- Ðây thực chẳng thể được.

- Thực chẳng thể được. Chư Phật cũng dạy rằng: "Hễ có sanh thì có tử, mạng cũng khó được".

Khi ấy, Bất-xà-mật quỳ tâu vua:

- Thế nên Ðại vương, chớ quá sầu lo. Tất cả chúng sanh đều trở về với cái chết.

Vua hỏi:

- Cớ sao ta lại sầu lo?

Ðại thần tâu:

- Vua nên biết, hôm nay mẹ của Ðại vương đã chết.

Vua Ba-tư-nặc nghe xong, thở dài tám, chín cái, rồi bảo Ðại thần:

- Lành thay! Như lời Ông nói, Ông hay biết dùng phương tiện khéo léo.

Rồi vua Ba-tư-nặc trở vào thành bày các thứ hương hoa cúng dường vong mẫu. Cúng xong nhà vua liền lên xe đến chỗ Thế Tôn, đến nơi, cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi:

- Ðại vương! Cớ sao người lấm bụi đất?

Vua bạch Thế Tôn:

- Mẹ con mạng chung, vừa đưa đến ngoài thành. Nay con đến Thế Tôn để hỏi lý do. Mẹ con lúc còn sống, trì trai tinh tấn, hằng tu pháp lành, vừa đúng trăm tuổi, hôm nay đã mạng chung, nên con đến chỗ Thế Tôn. Nếu con có thể đem voi mua mạng mẹ được, con cũng sẽ dùng voi để mua. Nếu đem ngựa mua mạng được, con sẽ dùng ngựa để mua. Nếu dùng xe cộ mua được mạng, con sẽ dùng xe cộ để mua. Nếu lấy vàng bạc, trân bảo mua được mạng, con sẽ dùng vàng bạc, trân bảo để mua. Nếu lấy nô tỳ, tôi tới, thành quách, đất nước để mua mạng được, con sẽ đem thành quách, đất nước để mua mạng. Nếu đem nhân dân nước Ca-thi mua mạng được, con sẽ đem nhân dân Ca-thi để mua, chẳng để cho mẹ con mạng chung.

Thế Tôn bảo:

- Này Ðại vương, chớ sầu lo quá, tất cả chúng sanh đều trở về cái chết. Tất cả pháp biến đổi, muốn cho không biến đổi, trọn không có việc này. Ðại vương nên biết, thân người như tuyết đọng, rồi sẽ trở về tan hoại. Cũng như ngói đất sẽ tan hoại không thể giữ lâu; cũng như sóng nắng huyễn hóa, hư ngụy không thật; cũng như nắm tay không thể gạt con nít. Thế nên, Ðại vương chớ âu sầu, trông cậy thân này. Ðại vương nên biết, có bốn điều rất sợ hãi sẽ đến với thân này, chẳng thể che chở, cũng chẳng thể lấy ngôn ngữ, chú thuật, dược thảo, phù thư có thể khử trừ. Bốn điều đó là: Già làm bại hoại tuổi trẻ khiến không nhan sắc; bịnh làm bại hoại tất cả người không bệnh; chết làm bại hoại mạng căn; vật hữu thường trở về vô thường.

Ðại vương, có bốn pháp này chẳng thể che chở, không phải dùng sức hàng phục được. Ðại vương nên biết, ví như bốn phương có bốn núi lớn, từ bốn phía đến ép chúng sanh, chẳng phải sức trừ đi được. Thế nên, Ðại vương, đó chẳng phải là vật kiên cố, chẳng thể nương cậy. Do vậy, Ðại vương, nên lấy pháp trị vì, chớ dùng phi pháp. Ðại vương cũng chẳng bao lâu sẽ đến biển sanh tử. Ðại vương cũng nên biết, những người lấy pháp cai trị, khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi trời, chỗ lành. Nếu người dùng phi pháp cai trị, thân hoại mạng chung đọa trong địa ngục. Thế nên, Ðại vương, hãy lấy pháp cai trị, chớ dùng phi pháp. Như thế, Ðại vương, nên học điều này!

Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

- Pháp này tên là gì? Sẽ vâng làm như thế nào?

Thế Tôn dạy:

- Pháp này gọi là pháp trừ sầu lo.

Vua bạch Phật:

- Thực vậy, bạch Thế Tôn. Sở dĩ như vậy vì con nghe pháp này rồi, bao nhiêu sầu lo hôm nay đã trừ. Bạch Thế Tôn, việc nước bề bộn, nay con muốn trở về cung.

Thế Tôn bảo:

- Nên biết đúng thời.

Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật và lui đi.

Bấy giờ các vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta không những là bậc Tối tôn ở trong hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ mà cho đến trong mọi người ở thế gian, Ta cũng là độc tôn. Nay có bốn pháp gốc ngọn chính Ta tự biết, tác chứng đối với bốn bộ chúng, trong loài Người, trên Trời. Thế nào là bốn? Tất cả các hành thảy đều vô thường. Nay Ta biết thế, ở trong bốn độ chúng, Trời, Người mà tác chứng. Tất cả các hành là khổ. Tất cả các hành vô ngã. Niết-bàn là thôi dứt. Nay Ta biết được, ở trong bốn bộ chúng trong Trời, Người mà tác chứng.

Này Tỳ-kheo, đó là gốc của bốn pháp. Thế nên ở trong Trời, Người mà riêng Ta được tôn quý.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn ở cùng năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.

Lúc ấy Thế Tôn muốn đến thành La-duyệt để nhập hạ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng muốn đến thành La-duyệt để nhập hạ và một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử đều muốn thành La-duyệt để nhập hạ. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nhập hạ xong sẽ nhập Niết-bàn.

Bấy giờ Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên v.v.... đi đến vườn trúc Ca-lan-đà ở thành La-duyệt để nhập hạ. Khi ấy Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:

- Nay một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử vì các Thầy mà nhập hạ ở đây. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên sắp diệt độ. Thế nào, Xá-lợi-phất, Thầy có kham nhận thuyết diệu pháp cho các Tỳ-kheo chăng? Nay Ta đau lưng muốn nghỉ một chút.

Xá-lợi-phất đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ Thế Tôn tự xếp y Tăng-già-lê (Tăng-ca-lợi),nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, chú tâm tỉnh sáng.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

- Tôi lúc mới thọ giới, trải qua nửa tháng được tứ biện tài mà tác chứng nghĩa lý đầy đủ. Nay tôi sẽ thuyết và phân biệt nghĩa này để các Hiền giả biết, phân biệt rộng rãi rõ ràng. Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ đó.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng.

Các Tỳ-kheo vâng lời dạy của Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả hỏi:

- Những gì là bốn biện tài mà tôi chứng được? Nghĩa là nghĩa biện, tôi do đây chứng được. Nghĩa là pháp biện, tôi do đây chứng được; nghĩa là ứng biện, tôi do đây chứng được; nghĩa là tự biện tôi do đây chứng được. Nay tôi sẽ phân biệt rộng rãi nghĩa này. Nếu bốn bộ chúng có ai hồ nghi , nay có tôi đây, hãy hỏi nghĩa ấy. Nếu chư Hiền lại có hồ nghi về Tứ thiền, có thể hỏi, nay tôi sẽ nói. Nếu chư Hiền lại có hồ nghi về Tứ đẳng tâm, nên hỏi, nay tôi sẽ nói. Nếu chư Hiền lại có hồ nghi về Tứ ý chỉ (đoạn), nên hỏi nghĩa, nay tôi sẽ nói hoặc có hồ nghi về Tứ thần túc, Tứ ý chỉ, Tứ đế hãy đến hỏi tôi nghĩa, tôi sẽ nói cho. Nay nếu không hỏi, sau hối hận vô ích. Nay nếu hỏi tôi nghĩa các việc làm về pháp cao sâu của Thế Tôn, Vô Sở Trước, Chánh Ðẳng Giác, tôi sẽ nói cho, sau chớ có hối hận.

Lúc nay Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên đến giờ đắp y ôm bát muốn vào thành La-duyệt để khất thực. Những Phạm chí cầm gậy, xa thấy Mục-kiền-liên đi đến, liền bảo nhau rằng: "Ðây là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, không ai hơn người này, chúng ta hãy vây hắn mà đánh chết đi". Rồi những Phạm chí kia vây bắt Tôn giả dùng ngói đá đánh chết ngất rồi bỏ đi; thân thể Tôn giả nát nhừ, xương thịt không còn sót chỗ nào, đau đớn khổ não không thể kể xiết. Ðại Mục-kiền-liên tự nghĩ: "Các Phạm chí này vây ta, đánh xương thịt nát tan, bỏ ta mà đi. Nay thân thể ta chỗ nào cũng đau, hết sức nhức nhối, không còn khí lực để trở về vườn trúc được. Nay ta phải dùng thần túc để trở về tinh xá".

Mục-kiền-liên liền dùng thần túc trở về tinh xá, đến chỗ Xá-lợi-phất, ngồi một bên. Tôn giả Mục-kiền-liên nói với Xá-lợi-phất:

- Phạm chí cầm trượng vây tôi, đánh cho thịt xương nát bét, thân thể đau đớn thực không chịu nổi. Nay tôi muốn nhập Niết-bàn, nên đến từ giã Hiền giả.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Trong đệ tử của Thế Tôn, Hiền giả là thần túc bậc nhất, có oai lực lớn, cớ sao không dùng thần túc mà tránh đi?

Tôn giả Mục-liên đáp:

- Xưa tôi tạo hạnh rất sâu nặng, nên dẫn đi thọ báo trọn không tránh được; chẳng phải khi không mà thọ báo này. Hôm nay thân tôi đau nhức quá nên đến từ giã Hiền giả để nhập Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tu Tứ thần túc, phần đông quảng diễn nghĩa này, nếu họ có ý muốn trụ lại một kiếp hay hơn một kiếp cho đến chẳng diệt độ (thì có thể trụ lại một kiếp, hay hơn một kiếp cho đến chẳng diệt độ). Sao Hiền giả lại không trụ lại diệt độ?

Tôn giả Mục-liên đáp:

- Ðúng thế, Hiền giả Xá-lợi-phất! Như Lai nói: "Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tu Tứ thần túc, muốn trụ thọ qua mấy kiếp cũng có thể được". Nếu Như Lai trụ một kiếp thì tôi cũng trụ, nhưng hôm nay, Thế Tôn chẳng bao lâu sẽ nhập Niết-bàn. Chúng sanh thọ mạng rất ngắn, hơn nữa, tôi không chịu nổi việc thấy Thế Tôn nhập Niết-bàn, và thân thể tôi rất đau đớn, muốn nhập Niết-bàn.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Mục-liên:

- Nay Hiền giả hãy khoan một chút, tôi sẽ nhập Niết-bàn trước.

Tôn giả Mục-liên im lặng, không đáp. Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên và bạch Phật:

- Nay con muốn diệt độ, cúi mong Thế Tôn cho phép.

Thế Tôn im lặng, không đáp. Tôn giả Xá-lợi-phất hai ba phen bạch Thế Tôn:

- Nay chính là lúc con nên nhập Niết-bàn.

Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Nay Thầy vì sao chẳng trụ một kiếp, hay quá một kiếp?

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:

- Chính con nghe từ Phật và tự vâng nhận: Chúng sanh thọ mạng rất ngắn, thọ nhất chẳng qua trăm tuổi. Vì mạng chúng sanh ngắn nên Như Lai thọ cũng ngắn. Nếu Như Lai trụ thọ một kiếp, thì con cũng sẽ trụ thọ một kiếp.

Thế Tôn bảo:

- Như lời Xá-lợi-phất, vì chúng sanh mạng ngắn nên Như Lai thọ cũng ngắn. Nhưng việc này cũng chẳng thể bàn. Sở dĩ như thế là vì quá khứ lâu xa vô số kiếp, có Phật tên Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai, Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Vào thời đó, người ta thọ tám muôn tuổi, không có ai chết yểu. Ðức Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai ngay lúc thành Phật, ngay hôm đó liền hóa làm vô lượng Phật, lập cho vô lượng chúng sanh ở hạnh Tam thừa, có người trụ ở địa vị bất thối chuyển; lại lập vô lượng chúng sanh ở bốn dòng tộc; lại lập vô lượng chúng sanh ở cung Tứ thiên vương, Diễm thiên, Ðâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm Ca-di thiên, Dục thiên, Sắc thiên, Vô Sắc thiên, cũng ở ngày này nhập Vô dư Niết-bàn. Nay Xá-lợi-phất nói: "Vì chúng sanh thọ mạng ngắn nên Như Lai thọ mạng cũng ngắn".

Thế nào, Xá-lợi-phất, Thầy nói rằng: "Như Lai nếu thọ đến một kiếp, tôi cũng sẽ trụ đến một kiếp". Nhưng chúng sanh không thể biết thọ mạng của Như Lai dài ngắn. Xá-lợi-phất nên biết, Như Lai có bốn việc không thể nghĩ bàn, chẳng phải chỗ tiểu thừa có thể biết. Thế nào là bốn? Thế giới bất khả tư nghì; chúng sanh bất khả tư nghì; long cung bất khả tư nghì; và Phật độ cảnh giới bất khả tư nghì. Như thế, này Xá-lợi-phất, có bốn bất khả tư nghì này.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch:

- Ðúng vậy, Thế Tôn, có bốn bất khả tư nghì: thế giới, chúng sanh, long cung, Phật độ, thực chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng đã lâu con hằng nghĩ rằng: "Phật Thích-ca Văn trọn chẳng trụ một kiếp". Lại, chư Thiên đến bảo con rằng: "Phật Thích-ca văn tuổi đúng tám mươi, chẳng ở đời bao lâu nữa". Nay Thế Tôn chẳng bao lâu sẽ nhập Niết-bàn, con không cam thấy Thế Tôn nhập Niết-bàn. Lại nữa, chính con nghe Như Lai nói rằng: "Các đệ tử thượng túc của chư Phật đời quá khứ, tương lai, hiện tại đều nhập Niết-bàn trước. Và đệ tử cuối cùng cũng nhập Niết-bàn trước, rồi sau chẳng bao lâu Thế Tôn sẽ diệt độ. Cúi mong Thế Tôn cho phép con diệt độ.

Thế Tôn bảo:

- Nay đúng lúc rồi.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi trước Như Lai, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước mà nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền dậy, nhập Nhị thiền; từ Nhị thiền dậy lại nhập Tam thiền; từ Tam thiền dậy lại nhập Tứ thiền; từ Tứ thiền dậy lại nhập Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ; từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy nhập Diệt tận định.

Từ Diệt tận định dậy, Tôn giả nhập Hữu tưởng vô tưởng xứ; từ Hữu tưởng vô tưởng xứ dậy, nhập Bất dụng xứ, Thức xứ, Không xứ; từ Không xứ dậy, nhập Tứ thiền; từ Tứ thiền dậy, nhập Tam thiền; từ Tam thiền dậy, nhập Nhị thiền; từ Nhị thiền dậy, nhập Sơ thiền.

Từ Sơ thiền dậy, Tôn giả nhập Nhị Thiền; từ Nhị thiền dậy, nhập Tam thiền; từ Tam thiền dậy, nhập Tứ thiền. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất từ Tứ thiền dậy, bảo các Tỳ-kheo:

- Ðây tên là Sư tử Phấn tấn Tam-muội.

Các Tỳ-kheo khen ngợi:

- Chưa từng có, rất là kỳ đặc. Tôn giả Xá-lợi-phất nhập chánh định mau chóng như thế!

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy Thế Tôn rồi đi. Ngay khi ấy có nhiều Tỳ-kheo theo sau Tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả Xá-lợi-phất quay lại bảo:

- Chư Hiền muốn đi đâu?

Những Tỳ-kheo ấy đáp:

- Chúng tôi muốn đến cúng dường Xá-lợi của Tôn giả.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Thôi, thôi, chư Hiền, thế này là đã cúng dường rồi! Tôi có Sa-di săn sóc đủ rồi, các Hiền giả trở về chỗ mình tư duy hóa đạo, khéo tu Phạm hạnh dứt hết khổ. Như Lai ra đời rất khó gặp được, đúng thời mới xuất hiện, giống như hoa Ưu-đàm-bát, đúng thời mới có. Như Lai cũng lại như thế, ức kiếp mới ra đời. Thân người cũng lại khó được. Có lòng tin thành tựu cũng lại khó được. Muốn cầu xuất gia học pháp Như Lai cũng lại khó được. Tất cả các hành muốn khiến không diệt tận, đây cũng khó được. Hãy diệt hết ái dục, dứt hẳn không sót, diệt tận Niết-bàn. Nay có bốn pháp gốc ngọn mà Như Lai đã nói. Thế nào là bốn? Tất cả các hành vô thường, đó là pháp gốc ngọn đầu tiên mà Như Lai thuyết. Tất cả các hành đều khổ, đó là pháp gốc ngọn thứ hai Như Lai đã thuyết. Tất cả các hành vô ngã, đó là pháp gốc ngọn thứ ba Như Lai đã thuyết. Niết-bàn là vĩnh tịch, đó là pháp gốc ngọn thứ tư Như Lai đã thuyết.

Ðó là, này chư Hiền, bốn pháp gốc ngọn Như Lai đã nói.

Bấy giờ các Tỳ-kheo đều cùng rơi lệ:

- Nay Tôn giả Xá-lợi-phất sao mau diệt độ vậy!

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

- Thôi, thôi, chư Hiền! Chớ nên buồn lo. Pháp biến đổi muốn khiến không biến đổi, việc này chẳng đúng. Tu-di sơn vương còn có biến đổi vô thường, huống là cái thân hột cải. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất mà tránh khỏi được hoạn này sao? Thân kim cang của Như Lai chẳng lâu cũng sẽ nhập Niết-bàn, hà huống thân tôi. Nhưng các Hiền giả hãy tu hành pháp này, sẽ được hết khổ.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đến tinh xá, đến rồi thu xếp y bát, ra khỏi vườn trúc đi về quê cũ. Tôn giả Xá-lợi-phất khất thực từ từ đến nước Ma-sấu. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất dạo ở Ma-sấu, xứ mình sanh, thân mắc bịnh rất đau đớn, chỉ có Sa-di Quân-đầu săn sóc, dọn dẹp dơ bẩn, làm sạch sẽ. Thích-đề-hoàn-nhân biết tâm niệm Tôn giả Xá-lợi-phất, ví như trong khoảng lực sĩ co duỗi cánh tay, từ trời Ba mươi ma biến mất, đến nhà của Tôn giả Xá-lợi-phất. Ðến rồi, vị ấy cúi lạy, lấy hai tay sờ chân Tôn giả Xá-lợi-phất, tự xưng tên họ mà nói rằng.

- Tôi là Thiên vương Ðế-thích.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

- Thích thay! Thiên Ðế, thọ mạng vô cùng.

Thích-đề-hoàn-nhân đáp:

- Nay tôi muốn cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất.

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Thôi, thôi, Thiên Ðế! Thế này là đã cúng dường. Chư Thiên thì thanh tịnh, A-tu-la, Rồng, Quỷ và chúng chư Thiên (cũng thế). Nay tôi đã có Sa-di để sai khiến là đủ rồi.

Thích-đề-hoàn-nhân hai ba phen bạch Xá-lợi-phất:

- Nay tôi muốn tạo phước nghiệp, xin đừng trái nguyện. Nay tôi muốn cúng dường Xá-lợi của Tôn giả.

Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng chẳng đáp. Thích-đề-hoàn-nhân tự mình đổ phân chẳng từ hiềm khổ. Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn ngay đêm ấy. Bấy giờ mặt đất sáu phen chấn động, có tiếng vang lớn, mưa các hoa trời, kỹ nhạc trổi lên. Chư Thiên đầy nghẹt hư không; chư Thiên Thần Diệu cũng rải hoa câu-mâu-đầu hoặc dùng hương bột chiên-đàn mà trải lên trên. Tôn giả Xá-lợi-phất đã nhập Niết-bàn, chư Thiên trên không kêu thương khóc lóc không nén được. Ở trong hư không, Dục thiên, Sắc thiên, Vô sắc thiên đều cùng rơi lệ như mưa phùn tháng xuân hòa xướng; lúc ấy cũng như thế: "Nay Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn sao mau thay!".

Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân tụ tập tất cả các loại hương thơm để thiêu thân Tôn giả Xá-lợi-phất; cúng dường các thứ xong, thu thập Xá-lợi và y bát giao cho Sa-di Quân-đầu và bảo:

- Ðây là Xá-lợi và y bát của thầy Ông. Hãy đến dâng lên Thế Tôn. Ðến rồi hãy đem nhân duyên này bạch cho Thế Tôn đầy đủ. Nếu Thế Tôn dạy gì, hãy vâng làm.

Quân-đầu đáp:

- Ðúng vậy, Câu-dực.

Sa-di Quân-đầu đem y, ôm bát và Xá-lợi đến chỗ Tôn giả A-nan và bạch:

- Thầy con đã diệt độ. Nay con đem Xá-lợi, y bát đến dâng Thế Tôn. Tôn giả A-nan thấy xong, rơi lệ và nói:

- Ông hãy cùng ta đến chỗ Thế Tôn, đem việc này cùng bạch Thế Tôn. Nếu Thế Tôn nói gì, chúng ta sẽ vâng làm.

Quân-đầu đáp:

- Xin vâng, thưa Tôn giả.

Tôn giả A-nan dẫn Sa-di Quân-đầu đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy Thế Tôn, rồi bạch:

- Sa-di Quân-đầu này đến chỗ con và bạch rằng: "Thầy con đã diệt độ. Nay đem y bát dâng lên Như Lai". Hôm nay con tâm ý phiền não, khí tính mê hoặc, chẳng biết gì nữa. Nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn, con buồn bã thương tâm.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào A-nan, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất dùng giới thân để nhập Niết-bàn sao?

Tôn giả A-nan thưa:

- Không phải vậy, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn bảo:

- Thế nào A-nan, Thầy ấy dùng giới thân định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân mà diệt độ chăng?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Tỳ-kheo Xá-lợi-phất không dùng giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân mà diệt độ. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất hằng ưa giáo hóa, thuyết pháp không chán, giáo giới cho các Tỳ-kheo cũng không chán. Nay con nhớ ơn sâu của Tôn giả Xá-lợi-phất quá nhiều, thế nên buồn bã.

Thế Tôn bảo:

- Thôi, thôi, A-nan, chớ ôm sầu lo! Vật chẳng thường, muốn cho còn mãi, việc này chẳng đúng, hễ có sanh thì có chết. Thế nào A-nan, chư Phật thời quá khứ đều chẳng diệt độ sao? Ví như cây đèn, dầu hết thì tắt. Như từ Phật Bảo Tạng Ðịnh Quang đến nay, bảy Phật và chúng đệ tử đều chẳng Niết-bàn sao? Như là Bích-chi Phật, xét kỹ (các Ngài) tiếng đồn cao xa, Ni-sa-ưu-ni-bát-sa-già-la, Ưu-bát-già-la, các Bích-chi Phật như thế chẳng diệt độ sao? Ðại Quốc Thánh vương của Hiền kiếp tên Thiện Duyệt Ma-ha-đề-bà, Chuyển luân Thánh vương như thế nay ở đâu, há không phải đều chẳng nhập Niết-bàn sao?

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Tất cả hành vô thường,
Có sanh sẽ có chết,
Chẳng sanh lại không diệt
Diệt này tối đệ nhất.