Ðại kinh Mãn Nguyệt

I. TOÁT YẾU

Mahàpunnama Sutta.

The Greater Discourse on the Full-mơn Night. A bhikkhu questions the Buddha on the five aggregates, clinging, personality view, and the realisation of non-self.

[Bản kinh lớn giảng vào đêm rằm. Một tỷ kheo thỉnh vấn Phật về năm uẩn, về chấp thủ, thân kiến và sự chứng ngộ vô ngã.]

II. TÓM TẮT

1. Vào một đêm trăng rằm bố tát [1] tại giảng đường Lộc mẫu, Phật ngồi giữa trời có tăng chúng vây quanh. Một tỷ kheo [2] nêu lên nhiều câu hỏi, được Ngài tuần tự giải đáp.

2.

1) Gì là gốc của 5 thủ uẩn? Ấy là dục tham [3];

2) Chấp thủ với 5 thủ uẩn là một hay khác [4]? Không phải một, không phải khác. Khi có dục tham đối với 5 thủ uẩn thì gọi là chấp thủ;

3) Có thể có nhiều kiểu tham đối với 5 thủ uẩn? Có thể, như mong có sắc như vậy trong tương lai, hoặc mong có thọ như vậy, hoặc tưởng, hoặc hành, hoặc thức như vậy trong tương lai;

4) Gì là nghĩa chữ "uẩn"? Tất cả sắc nội ngoại thô tế xa gần đều thuộc sắc uẩn. Thọ tưởng hành thức cũng vậy;

5) Gì là điều kiện hay duyên cho mỗi thứ? Bốn đại là nhân duyên để gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân duyên của ba uẩn thọ, tưởng, hành. Danh sắc là nhân, duyên để gọi là thức uẩn [5].

6) Thế nào là thân kiến [6]? Do không học tập thánh Pháp, xem sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc. Với 4 uẩn kia cũng thế (thành 20 thân kiến). Không thân kiến là khi không chấp trước như trên;

7) Gì là vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sắc, thọ, tưởng, hành, thức? Hỷ lạc khởi lên do năm uẩn là vị ngọt. Tính vô thường, khổ, biến hoại của chúng là nguy hiểm. Sự nhiếp phục dục tham đối với năm uẩn gọi là xuất ly;

8) Do nhân duyên gì mà không có mạn tùy miên (chấp ta và của ta)? Do thấy như thật với trí tuệ tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức nội ngoại thô tế xa gần đều không phải của tôi, không phải là tôi hay tự ngã của tôi."

3. Khi nghe vậy, một tỷ kheo khởi lên hoài nghi: nếu cả 5 uẩn là vô ngã, vậy những hành động do tâm vô ngã làm, được ngã nào lãnh thọ quả báo [7]? Phật biết được tâm niệm ấy, trách cứ tỷ kheo và nhắc lại rằng Ngài đã nhiều lần dạy cách đặt câu hỏi [8] như sau: Sắc, thọ… là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, khổ thì có hợp lý để xem là tôi hay của tôi không? Do quán sát như vậy, thánh đệ tử sinh yểm ly với 5 uẩn. Do yểm ly nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết mình đã giải thoát: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, từ nay không còn trở lại đời sống này nữa."

III. CHÚ GIẢI

1. Ngày thứ mười lăm của mỗi nửa tháng.

2. Vị tỷ kheo này là một A la hán đang dạy dỗ sáu mươi đệ tử cùng sống với ông trong rừng. Những đệ tử này nỗ lực thiền quán, đã pháp triển được nhiều tri kiến thuộc tuệ giác nhưng không chứng được đạo và quả, bởi thế họ được thầy dẫn đi yết kiến Phật. Vị thầy hỏi Phật nhiều câu hỏi không phải vì bản thân mà vì muốn đánh tan hoài nghi của các môn đệ.

3. Chandamùlakà. Ở đây chanda (dục) đồng nghĩa với tanhà (khát ái) nguồn gốc của khổ bao hàm trong năm uẩn.

4. Xem kinh Trung bộ 44, đoạn 6.

5. Trong sắc uẩn, mỗi đại (trong bốn đại) làm điều kiện cho ba đại kia và cho sở tạo sắc (vật chất do bốn đại tạo). Xúc là một duyên (điều kiện) cho các uẩn thọ, tưởng, hành, như kinh Tương ưng bộ 35 dạy: Này các tỷ kheo, khi tiếp xúc, người ta cảm thọ, khi tiếp xúc người ta nhận thức, khi tiếp xúc người ta có khuynh hướng hành động (hành, ý muốn). Kinh Sớ giải thích rằng vào lúc nhập thai, sắc và ba tâm uẩn khởi lên gọi là danh sắc, một duyên cho kết sanh thức. Trong tiến trình đời sống, các giác quan và đối tượng của chúng cùng ba tâm uẩn (thọ, tưởng, hành) là danh sắc làm duyên cho năm thức thuộc cảm quan.

6. Như trong kinh Trung bộ 44, đoạn 7-8.

7. Dường như vị tỷ kheo này khó hiểu làm thế nào nghiệp lại có thể phát sinh ra hậu quả nếu không có cái ngã để nhận hậu quả ấy.

8. Câu này rất khác nhau tùy mỗi ấn bản. Bản dịch này dựa theo câu tương tự trong kinh Tương ưng 22, trong đó ghi patipucchà vinìtà có lẽ đúng hơn ấn bản hội Pali Text là paticca vinìtà, mà đại đức Nanamoli dùng làm bản gốc, và dịch: Này các Tỷ kheo, bằng nhiều ví dụ, Ta đã giảng dạy cho các ông về lý duyên sinh.

9. MA (Sớ giải Trung bộ): Sáu mươi tỷ kheo từ bỏ các đề mục thiền của mình đã tu, và quán một đề mục mới dựa trên lời giảng dạy của Phật. Ngay tại chỗ, họ chứng quả A la hán.

IV. PHÁP SỐ

V. KỆ TỤNG

Vào một kỳ bố tát
Thế Tôn ngồi giữa trời
Chúng tỷ kheo vây quanh
Giữa đêm rằm trăng sáng.
Một tỷ kheo đứng lên
Xin phép nêu câu hỏi
Phật dạy ngồi yên chỗ
Ðưa ra các vấn đề.
Sắc thọ tưởng hành thức
Lấy gì làm gốc rễ?
Tham dục là gốc rễ.
Chấp thủ là năm uẩn
Hay ngoài năm uẩn ra
Còn có sự chấp thủ?
Thủ không là năm uẩn
Cũng không ngoài năm uẩn;
Nhưng khi có hỷ tham
Ðây gọi là chấp thủ.
Nghĩa của uẩn là gì?
Tất cả sắc trong ngoài
Thô tế quá hiện vị
Xa gần hay xấu đẹp
Ðều gọi là sắc uẩn.
Thọ tưởng hành và thức
Cũng nên hiểu như vậy.
Gì là nhân và duyên
Của sắc cho đến thức?
Bốn đại: nhân của sắc
Xúc, nhân thọ tưởng hành
Và nhân của thức uẩn
Chính là danh và sắc.
Thế nào là thân kiến?
Kẻ ngu xem sắc uẩn
Là tự ngã của ta
Hoặc tự ngã có sắc
Hoặc ngã ở trong sắc
Hoặc sắc ở trong ngã
Bốn cũng kia cũng vậy
Thành hai mươi thân kiến.
Bốn cũng kia cũng vậy
Thành hai mươi thân kiến.
Không thấy sai như trên
Gọi là không thân kiến.
Gì là những vị ngọt
Nguy hiểm và xuất ly
Của sắc và bốn uẩn?
Hỷ lạc khởi từ sắc
Là vị ngọt của nó
Vô thường của sắc pháp
Là nguy hiểm của nó
Ðiều phục sự tham sắc
Là xuất ly của sắc.
Với bốn tâm uẩn kia
Cũng cần hiểu như vậy.
Làm sao để bỏ được
Tâm ngã mạn về tôi
Và sở thuộc của tôi?
Ðối với tất cả sắc
Và thọ tưởng hành thức
Hãy thường xuyên quán sát
Ðây không phải là tôi
Của tôi, tự ngã tôi.
Khi ấy có tỷ kheo
Khởi lên một ý nghĩ
Nếu năm uẩn vô ngã
Thì ai chịu quả báo?
Phật biết tâm niệm này
Dạy cách đặt câu hỏi:
Sắc thường, vô thường?
Vô thường khổ hay vui?
Cái gì vô thường, khổ
Nên chăng xem là ta
Và tự ngã của ta?
Ðối với bốn tâm uẩn
Cũng tự hỏi như thế.
Khi như thật quán sát
Thực chất của năm uẩn
Tâm khởi lên nhàm chán
Do nhàm chán, hết ham
Do ly tham, giải thoát
Tự biết đã giải thoát
Không còn thọ thân sau.
Phật dạy kinh này xong
Chúng tỷ kheo tín thọ
Ngay tại chỗ đang ngồi
Chứng lậu tận, giải thoát.

-ooOoo-

PHẦN CHÁNH KINH

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Pubbarama (Ðông Viên), Migaramatupasada (Lộc Mẫu Giảng đường).

Lúc bấy giờ trong ngày Bố-tát, ngày trăng tròn, trong đêm trăng rằm, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, xung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi một Tỷ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

-- Con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề đặc biệt, nếu Thế Tôn cho con được phép nói lên câu hỏi.

-- Vậy này Tỷ-kheo, hãy ngồi trên chỗ của Ông và hỏi như ý Ông muốn.

Rồi vị Tỷ-kheo ấy, sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình, bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, có phải có năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn?

-- Này Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

-- Lành thay, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, hỏi Thế Tôn một câu hỏi khác:

-- Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này, lấy gì làm căn bản?

-- Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản.

-- Bạch Thế Tôn, có phải chính chấp thủ ấy là năm thủ uẩn, hay là ngoài năm thủ uẩn, có một chấp thủ (khác)?

-- Này Tỷ-kheo, không phải chính chấp thủ ấy là năm thủ uẩn, cũng không phải ngoài năm thủ uẩn có sự chấp thủ. Này Tỷ-kheo, khi nào có lòng dục, lòng tham đối với năm thủ uẩn, ở đấy chính là chấp thủ.

-- Bạch Thế Tôn, phải chăng có thể có sự sai khác trong lòng dục, lòng tham đối với năm thủ uẩn?

Thế Tôn trả lời:

-- Này Tỷ-kheo, có thể có. Ở đây, này Tỷ-kheo có người nghĩ như sau: "Mong rằng có sắc như thế này trong tương lai! Mong rằng có thọ như thế này trong tương lai! Mong rằng có tưởng như thế này trong tương lai! Mong rằng có hành như thế này trong tương lai! Mong rằng có thức như thế này trong tương lai!" Như vậy, này Tỷ-kheo, có sự sai khác trong lòng dục, lòng tham đối với năm uẩn.

-- Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn?

-- Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn. Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn. Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn. Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là hành uẩn. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là thức uẩn. Cho đến như vậy, này Tỷ-kheo, là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn.

-- Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì được chấp nhận gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thọ uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là tưởng uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi hành uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thức uẩn?

-- Bốn đại là nhân, này Tỷ-kheo, bốn đại là duyên được chấp nhận gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn. Danh sắc là nhân, này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn.

-- Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là thân kiến?

-- Ở đây, này Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không hiểu rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không hiểu rõ các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, xem sắc như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có sắc, hay xem sắc như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong sắc; xem thọ như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có thọ, hay xem thọ như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong thọ; xem tưởng như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có tưởng, hay xem tưởng như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong trưởng; xem hành như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có hành, hay xem hành như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong hành; xem thức như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có thức, hay xem có thức như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong thức.

-- Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là không thân kiến?

-- Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chơn nhân, thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, tu tập pháp các bậc Chơn nhân, không xem sắc như là tự ngã, hay không xem tự ngã như là có sắc, hay không xem sắc như là trong tự ngã, hay không xem tự ngã như là trong sắc; không xem thọ như là tự ngã...., không xem tự ngã như là trong thọ; không xem tưởng như là tự ngã... , hay không xem tự ngã như là trong tưởng; không xem hành như là tự ngã... , hay không xem tự ngã như là trong hành; không xem thức như là tự ngã... , không xem tự ngã như là trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không thân kiến.

-- Bạch Thế Tôn, cái gì là vị ngọt của sắc, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của thọ, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của tưởng, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của hành, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của thức, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly?

-- Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên sắc khởi lên, như vậy là vị ngọt của sắc. Cái gì vô thường, khổ, bị biến hoại trong sắc như vậy là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục tham đối với sắc, sự đoạn diệt dục tham, như vậy là sự xuất ly của sắc. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên thọ khởi lên, như vậy là vị ngọt của thọ... như vậy là sự xuất ly của thọ. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên tưởng khởi lên, như vậy là vị ngọt của tưởng.... là sự xuất ly của tưởng. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên hành khởi lên như vậy là vị ngọt của hành... là sự xuất ly của hành. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên thức khởi lên, như vậy là vị ngọt của thức. Cái gì vô thường, khổ, bị biến hoại trong thức, như vậy là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục tham đối với thức, sự đoạn diệt dục tham, như vậy là sự xuất ly của thức.

-- Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thấy gì, mà không có mạn tùy miên rằng: "Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm", đối với tự thân có ý thức, và đối với cả tưởng ở ngoài?

-- Này Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả sắc, thấy được như thật với trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì... tưởng gì... hành gì... phàm có thức gì, quá khứ vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả thức, thấy được như thật với trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, nên không có mạn tùy miên rằng: "Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm", đối với tự thân có ý thức, và đối với tất cả tướng ở ngoài.

Rồi một Tỷ-kheo khác khởi lên sự suy tư như sau: "Nếu được nói rằng, chư Tôn giả, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã; như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?"

Thế Tôn biết được tâm tư của Tỷ-kheo ấy với tâm tư của mình, liền nói với các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, sự kiện này xảy ra, khi ở đây có kẻ ngu si, vô tri, vô minh, với tâm bị tham dục chi phối, lại nghĩ cần phải vượt qua lời dạy của bậc Ðạo sư với câu hỏi: "Nếu được nói rằng, chư Tôn giả, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã; như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?" Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được Ta huấn luyện tìm kiếm nhân duyên, chỗ này chỗ kia, đối với những pháp này, pháp khác.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

-- Vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Những gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"

-- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

-- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, thọ... tưởng... hành... thức là thường hay vô thường?

-- Vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Những gì vô thường, là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"

-- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

-- Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại... tất cả loại sắc, cần phải như thật quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, phàm có tưởng gì, phàm có hành gì, phàm có thức gì quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại.. tất cả loại thức, cần phải như thật quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức.

Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết được vị ấy đã giải thoát. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm. Từ nay không còn trở lại đời sống thế này nữa".

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự giảng giải này được nói lên, tâm của sáu mươi vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt