Luân hồi

Từ xưa đến nay người ta thường thắc mắc về vấn đề mất còn, sống chết. Có hai thuyết làm cho người ta chú ý đến nhiều nhất. Một thuyết cho rằng loài người cũng như loài vật, một lần chết là mất hẳn, không còn gì tồn tại sau đó nữa. Một thuyết cho rằng loài người chết đi, nhưng linh hồn vẫn vĩnh viễn còn lại, được lên thiên đàng hay bị xuống địa ngục.

Cả hai thuyết trên đều không đúng với sự thật. Chết rồi, không thể là hoàn toàn mất hẳn được, vì ở đời này, không có vật gì là mất hẳn. Cho đến một hạt cát, một mảy lông cũng không thể mất hẳn, huống là cái thân con người. Nhưng bảo rằng linh hồn thường còn, ở mãi trên thiênđàng hay dưới địa ngục cũng không đúng. Trong vũ trụ không có một cái gì có thể vĩnh viễn ở yên một chỗ, mà trái lại, luôn luôn biến đổi và xê dịch. Vả lại, có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngủi, mà phải chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai? Hai thuyết trên này đều bị Đạo Phật bác bỏ.

Theo giáo lý Đạo Phật thì chúng sinh không phải đoạn diệt, cũng không phải thường còn, mà quay lộn trong cảnh sinh tử "luân hồi". Luân hồi theo chữ Hán thì "luân" là bánh xe, "hồi" là trở lại. Hình ảnh bánh xe quay tròn trở lại dùng để hình dung sự xoay chuyển của mỗi chúng sinh trong sáu cõi. Khi đầu thai ở cõi này, khi ở cõi khác. Tử sinh, sinh tử tiếp nối không ngừng, như bánh xe quay lăn. Khi đã công nhận luật nhân quả, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận sự luân hồi, vì luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục. Bánh xe luân hồi quay tròn. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sinh tử khổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát tối thượng.

Con người nào hay ngoài nỗi cơ cực của kiếp người, còn có đời sống siêu thoát, đời sống an lành. Ðó là đời sống của người hiểu “chân diệu pháp”. Không hiểu “chân diệu pháp” con người sẽ khổ đau mãi mãi trong kiếp luân hồi. Chân diệu pháp chính là Phật pháp. Trong vũ trụ tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến lớn như quả địa cầu, không vật nào chẳng luân hồi:

1. Ðất luân hồi: Đất làm thành bình hoa. Một thời gian bình bị bể và lại thành đất. Ðất này lại làm thức ăn cho cây cỏ. Cây cỏ tàn rụi trở thành phân bón cho cây khác, hoặc làm thực phẩm cho động vật. Ðộng vật ăn cây cỏ này vào, hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất, hoặc biến thành máu huyết, da thịt để một ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất lại. Bao nhiêu lần thay hình đổi dạng đất lại trở thành đất sau một vòng luân chuyển.

2. Nước luân hồi: Nước bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi. Hơi bay lên không gặp lạnh biến thành mây. Mây tụ lại rơi xuống thành mưa. Mưa chảy xuống ao hồ thành nước lại. Hoặc nước mưa gặp hơi lạnh quá, đọng lại thành băng giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra lại thành nước.

3. Gió luân hồi: Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy, giãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống. Ðể bù vào những khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác bay tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, xê dịch nhanh thì gió lớn, xê dịch nhanh nữa thì thành bão, nhưng bản chất của nó bao giờ cũng là không khí.

4. Lửa luân hồi: Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chúng ta chẳng thấy sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi, thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa này có thể đốt hai thanh củi kia, và hai thanh củi này một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí. Những cây khác dùng rễ mình để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế, sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thái tiềm phục, khi thì ở trạng thái phát hiện. Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện, và chỉ khi ấy mới cho là nó có, còn khi nó ở trạng thái tiềm phục thì ta bảo là nó không có. Thật ra thì nó chỉ luân hồi qua những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn.

5. Cảnh giới luân hồi: Kinh Phật thường nói: "Thế giới nhiều như cát sông Hằng". Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới và mỗi thế giới ấy đều không thoát ra ngoài định luật chung là "thành, trụ, hoại, không". Mỗi phút giây nào cũng có sự sinh diệt của thế giới. Thế giới này tan đi, thì thế giới khác nhóm lên, như một làn sóng này mất đi thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân làm quả, tiếp nối cho nhau, luân hồi không bao giờ dứt.

6. Thân người luân hồi: Thân người, hay thân thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do bốn chất lớn ("tứ đại") là "đất, nước, gió, lửa" mà có. Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều luân hồi, thì thân người cũng phải luân hồi theo. Khi thân nầy chết và tan rã, thì chất cứng dẻo trả về cho Ðất; chất đượm ướt trả về cho Nước; hơi nóng trả về cho Lửa; hơi thở và sự cử động trả về cho Gió. Rồi bốn chất này tùy theo duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người khác đến khi chết rồi, bốn chất đó trở về bản thể cũ của chúng. Khi thành thân người, lúc làm thân súc vật, năm nay tụ hợp ở đây, sang năm đã rời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn, mà là luân hồi.

7. Tinh thần Luân hồi: Con người không phải chỉ gồm có tứ đại. Ngoài tứ đại, còn có phần tâm lý nữa, hay nói một cách tổng quát hơn, còn có tinh thần. Phần thể xác đã không tiêu diệt mà chỉ biến hóa luân hồi, thì tâm hay tinh thần, cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi. Như đã nói, tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho chúng ta một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi theo một định luật chung, đó là luật nhân quả. Ðến đây, chúng ta thấy được sự tương quan mật thiết giữa nhân quả và luân hồi. Ðã có nhân quả, tức phải có luân hồi (trừ trường hợp tu nhân giải thoát);đã có luân hồi phải tuân theo luật nhân quả.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dẫn dắt tinh thần đến chỗ nó thọ báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân hồi đến cảnh giới giàu sang, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân ác, thì luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, tàn tật. Tùy theo nghiệp nhân mình tạo mà một chúng sinh có thể nhập vào một trong những cảnh giới sau đây:

- Địa ngục: nếu tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người.

- Ngạ quỷ (quỷ đói khát): nếu tạo nhân tham lam, bỏn sẻn, không biết bố thí, giúp đỡ người, từ tiền của đến giáo pháp, trái lại, còn mưa sâu, kế độc, để cướp đoạt của người.

- Động vật (súc sinh): nếu tạo nhân si mê sa đọa theo thất tình, lục dục, tửu sắc, tài khí, không xét hay dở, tốt xấu.

- A Tu La (một loại thần nóng nảy giữ tợn): nếu tạo nhân trong trường hợp gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cương trực, mà cũng vừa độc ác. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ gặp vui sướng cũng có, mà buồn khổ cũng nhiều.

- Người (nhân): Tu theo "ngũ giới" thì đời sau trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật.

- Trời (thiên): Bỏ "mười điều ác” tu theo “thập thiện” thì sau khi chết, được sinh lên cõi trời. Nhưng nên nhớ cõi trời nầy cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sinh tử, luân hồi.

- Muốn thoát ra ngoài cảnh giới sinh tử luân hồi thì phải tu nhân giải thoát.

Cần lưu ý là khi chết rồi, một chúng sinh ở cảnh giới này, có thể đầu thai qua một trong 6 cảnh giới trên, chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú có tâm trạng gần giống người, có thể đầu thai làm người được, cũng như những người, có tâm trạng lang sói, sẽ trở thành lang sói. Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người, thú vật có linh hồn thú vật và linh hồn người hay linh hồn thú vật đều bất biến, dù chết hay sống. Vì suy nghĩ như thế, nên người ta không thể công nhận rằng: chết rồi, linh hồn người trở lại chui vào thân hình chó, mèo chẳng hạn, và hồn chó mèo lại có thể vào nằm trong lốt thân hình con người.

Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn, mà là một năng lực có nhuốm tính chất những hànhđộng của mỗi chúng sinh. Vì tính chất riêng biệt ấy, mà "nghiệp lực" nhập vào một hình thức này hay một hình thức khác, do cái luật hấp dẫn (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Thay vì nói người trở thành thú, hay trái lại, thú kia trở thành người, đúng hơn, nên nói "nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú".

Với giáo lý luân hồi, chúng ta phấn khởi mà tin rằng chết rồi không thể mất hẳn. Nhưng nếu chúng ta không biết vun trồng cội phúc, không cố gắng sống một đời sống có đạo đức, thì đời sau, chúng ta sẽ sinh vào cảnh giới xấu xa đen tối. Giáo lý luân hồi làm cho chúng ta thêm lòng tự tín, tự thấy mình là chủ nhân của đời mình, mình tạo nghiệp nhân gì, thì mình chịu nghiệp quả ấy, chứ không ai cầm cân thưởng phạt, ban phước, giáng họa cho mình cả.

Nay chúng ta đã hiểu ý nghĩa và giá trị của giáo lý luân hồi, chúng ta nên cố gắng cải tạo tư tưởng, lời nói là hành vi của chúng ta, để tránh cho kiếp sau khỏi lâm vào cảnh giới đau khổ. Một khi các nhân ác đã được rửa sạch, những quả lành đầy đủ, các nghiệp hữu lậu không còn, lúc bấy giờ chúng ta có thể thoát ra khỏi luân hồi sinh tử và đạt đến cảnh giới tốt đẹp, bất sinh bất diệt của các vị A La Hán và Phật.

Sống và chết cũng như thức và ngủ, vậy thôi. Chúng ta không nên quan tâm quá đáng về cái chết, vì ai cũng chết. Điều đáng quan tâm hơn là sống và sống như thế nào để lúc chết được bình an. Vì lẽ đó, đối với Phật tử chúng ta cần phải sống giữ tâm linh trong sạch, đừng làmđiều gì gây khổ đau cho chính mình và cho kẻ khác, nhất là phải luôn luôn ý thức rằng cuộcđời là vô thường. Nên quan niệm rằng "trần gian này là chiếc cầu, hãy đi qua nó chứ đừng xây nhà trên nó". Cho đến khi nào tâm được trong sạch, thanh bình, không còn luyến tiếc, không còn bám víu vào bất cứ một điều gì, thì khi đó sự chết của chúng ta như “lên thuyền sang sông", giải thoát mọi khổ đau và thanh thản lìa đời trong sự bình an phúc lạc.